Hình tượng con chó trong những bài học nhân sinh

Từ sự quan sát về tập tính sinh hoạt của loài chó, nhân dân ta đúc kết thành những châm ngôn có giá trị triết lý cao về kinh nghiệm sống, phép tắc ứng xử trong giao tiếp, đánh giá con người… Qua đó, truyền tải nội dung giáo dục đạo đức, giúp mỗi cá nhân trong cộng đồng không ngừng tu dưỡng, hoàn thiện nhân cách; vươn tới chân, thiện, mỹ.

Một trong những yếu tố giao tiếp quan trọng bậc nhất được cha ông ta đặc biệt coi trọng là lời nói hằng ngày. Chẳng thế mà dân gian thường nhắc nhau: “Học ăn, học nói, học gói, học mở ”, “Lời nói, đọi máu” (tục ngữ); “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” (ca dao). Vì vậy, lời nói cần hết sức cẩn trọng, giống như: “Chó ba khoanh mới nằm, người ba lăm mới nói” (tục ngữ); không nên cấm cảu (gắt gỏng) như “Chó cắn ma” (thành ngữ)… Lời nói cần ôn hòa, có lý, có tình để đạt hiệu quả cao trong giao tiếp.

Trong cuộc sống, mỗi cá nhân đều có ưu, nhược điểm vì “nhân vô thập toàn” như cổ nhân đã dạy. Do đó, cần luôn khiêm tốn học hỏi, không nên có thói “Chó chê mèo lắm lông” (thành ngữ); bản thân chưa ra gì (không hơn ai) nhưng đã vội chê bai, dè bỉu người khác. Ðức tính khiêm tốn phải gắn với ý chí vượt khó, khắc phục trở ngại để đi tới thành công. Theo quan niệm của người xưa, mệnh Trời có sức chi phối lớn nhưng không phải lúc nào nó cũng đóng vai trò quyết định vì “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (Nguyễn Du). Câu chuyện cổ tích “Người học trò và con chó đá” là sự khẳng định về ý chí, đức hạnh của con người vượt lên những yếu tố duy tâm, thần bí của định mệnh. Người học trò quyết tâm dùi mài đèn sách, sôi kinh nấu sử, không lệ thuộc thông tin kết quả khoa bảng do thành hoàng làng cung cấp (thông qua con chó đá) về danh tính những sĩ tử tham dự khoa thi đã được Thiên đình “phê duyệt”. Con người nỗ lực không ngừng để đạt mục tiêu lý tưởng; không trông chờ sự may rủi, mong có ngày “Chó ngáp phải ruồi” (thành ngữ). Ngoài ra, để đạt tới thành công viên mãn, con người phải có tính kỷ luật cao trong lao động, trong rèn luyện đạo đức; giống kẻ tu hành muốn thành chính quả thì phải chấp hành nghiêm nội dung răn dạy của giáo pháp. Không làm được điều đó, sẽ phạm giới, bị cười chê như trong câu ca dao: “Ði tu, Phật bắt ăn chay/Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không”. Mỗi cá nhân trong cộng đồng đều có vị thế, vai trò riêng, giống như “Chó giữ nhà, gà gáy trống canh” (tục ngữ). Chúng ta phải biết bố trí nhân lực cho thích hợp; dựa vào chuyên môn nghề nghiệp, kinh nghiệm, sở trường, sở đoản của từng người vì “Chó quen nhà, gà quen chuồng” (tục ngữ).

Trong đời sống cộng đồng, có những thói hư, tật xấu cần được phê phán; nhất là thói gian dối, lừa bịp trong làm ăn theo kiểu “Treo đầu dê, bán thịt chó” (thành ngữ); thói mê tín, dị đoan thông qua lời phán của thầy bói: “Nhà bà có con chó đen/Thở ra đằng mũi, cắn ra đằng mồm” (ca dao). Rồi phải biết giữ phép tắc, giới hạn cần thiết trong giao tiếp theo quan hệ cho đúng “vai” của mình, chớ nên để xảy ra tình trạng “cá mè một lứa” tới mức: “Chơi chó, chó liếm mặt” (tục ngữ) và khi hành động trong bất cứ công việc gì cũng cần cân nhắc thiệt hơn theo châm ngôn “Ðánh chó, ngó chúa nhà” (tục ngữ). Nguy hại hơn là tính sĩ diện, háo danh của người Việt; nhiều khi dẫn tới thói đua đòi lố lăng, kệch cỡm, bất chấp hoàn cảnh, điều kiện thực tế: “Voi đú, chó đú, chuột chù cũng hộc” (thành ngữ). Trong các mối quan hệ xã hội, cần chú ý xử sự cho đúng mực, không nên xô đẩy người khác vào chỗ bế tắc cùng đường, không lối thoát; như vậy, sẽ sinh “biến” theo chiều hướng bất lợi cho cộng đồng vì “Chó cùng, dứt giậu” (thành ngữ); đồng thời, lại phải đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là“Chó dại, cắn càn” (thành ngữ). Ðặc biệt là tỏ thái độ bất bình, phản đối những kẻ bất tài, vô dụng nhưng thừa cơ nhảy lên vị trí cao sang, khiến cho chẳng khác nào “Chó ngồi bàn độc” (thành ngữ).

Không chỉ phê phán, dân gian còn dành tiếng nói đồng cảm với những thân phận éo le, các cá nhân lâm vào cảnh ngộ không may mắn khi “Chó cắn áo rách” (tục ngữ); kể cả sự nhẫn nhục, địa vị lệ thuộc của thân phận ở rể (theo quan niệm trong xã hội cũ): “… chó chui gầm chạn” (tục ngữ).

Những bài học nhân sinh của người Việt thông qua hình tượng con chó được bộc lộ phong phú, sống động trong văn học dân gian. Ðó vừa là thông điệp về lẽ sống, đạo làm người, vừa là ước vọng cao đẹp về cuộc đời; được ông cha ta lưu giữ qua hàng nghìn năm lịch sử và gửi gắm, trao truyền cho hậu thế.