Hình tượng con hổ trong dòng chảy văn hoá Việt Nam | Thời sự

>> Khí phách hổ vàng

Trong nhiều nền văn hoá trên thế giới, hình tượng con hổ hay Chúa sơn lâm đã xuất hiện từ lâu đời và gắn bó với lịch sử loài người. Trong nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới, hình tượng con hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh, về thanh thế, oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm, sự uyển chuyển với cơ thể vằn vện thấp thoáng lượn sóng cũng như tính hung hãn, thú tính của một động vật săn mồi hàng đầu, và cũng là biểu tượng của đẳng cấp chiến binh, toát lên vẻ đẹp hùng vĩ và sức mạnh.

sự tinh ranh của hổ luôn làm con người sợ hãi, chính vì thế luôn tồn tại hai ý niệm về loài hổ: sùng bái và khinh ghét

Sự tinh ranh của hổ luôn làm con người sợ hãi, chính vì thế luôn tồn tại hai ý niệm về loài hổ: sùng bái và khinh ghét

Quan hệ đa dạng giữa người và hổ

Đối với nhiều nước Châu Á, hổ còn là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền và tâm linh. Tại đây, hổ được coi là có vị trí thống trị trong giới động vật nên nhân dân ở một số quốc gia Phương Đông đã thần thánh hoá loài vậy này với tập tục thờ hổ, hay thờ thần hổ đã đi vào tính ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, cộng đồng, nhất là ở những chốn rừng sâu núi thẳm. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng hình ảnh con hổ là biểu tượng của đất nước, là vật tổ của dân tộc mình. Hình ảnh con hổ đã đi sâu vào văn hoá, lịch sử, nghệ thuật như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản…

Trong văn hoá Châu Á, hổ là một linh vật trong 12 con giáp và tượng trưng cho sức mạnh và trở thành một biểu tượng trong nền văn hoá cổ Phương Đông. Có rất nhiều huyền thoại và sự huyền bí về hổ. Trong tâm thức người dân phương Đông, hổ vẫn là một ác thú, nó hung hãn nhất trong 12 con giáp, dù rằng về sự khôn ngoan, nó không thể sánh với khỉ và chuột, sự kiến trì có thể không sánh với trâu, không nhanh bằng ngựa, uy vũ không thể so sánh bằng rồng, luồn lách và hiểm độc không thể bằng rắn, nhưng trong 12 con thú, hổ hội tụ đủ các đặc chất như dũng mãnh, can trường, hiên ngang, dám tấn công cả những con thú to khoẻ hơn nó. Nhờ những đặc chất ấy mà hổ được xem là một trong những loài trở thành biểu tượng của sự hùng cường và sức mạnh vô song, vì thế nó được con người thần thánh hoá, đưa vào đời sống xã hội, văn hoá và nghệ thuật.

>> Nhà Hùm đón tết

Với đặc thù là miền nhiệt đới ẩm, có nhiều rừng rậm đồi núi, Việt Nam là nơi có môi trường phù hợp cho sự phát triển của loài hổ (hổ Đông Dương), do đó hổ là động vật xuất hiện nhiều trong tự nhiên tại đây. Hình ảnh con hổ đi vào nền văn hoá dân gian Việt Nam một cách phong phú, đa dạng và đặc sắc. Ít nơi nào mà con hổ mang nhiều tên gọi như ở Việt Nam, điều này chứng tỏ vị trí quan trọng của nó trong đời sống văn hoá của người dân. Cùng với thời gian, sự phát triển của đời sống và tôn giáo, con hổ đã trở thành một linh thú mang rất nhiều nét tính cách của xã hội Việt Nam.

Con hổ là một hình tượng đặc biệt trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam từ xưa cho đến nay, đối với văn hoá Việt Nam, hổ là biểu tượng của sự hùng cường, thể hiện sức mạnh vô song. Do sức mạnh và sự nhanh nhẹn của chúng, người ta thường phong hổ là chúa sơn lâm, không những thế, trong đời sống văn hoá ở Việt Nam, hổ được quan tâm đặc biệt. Loài mãnh thú, chúa tể rừng xanh này được mổ xẻ kỹ lưỡng, từ chuyện xây nhà, lấy vợ, sinh con năm dần, đến tác dụng của cao hổ cốt… đều được mổ xẻ tỉ mỉ. Xiếc hổ Việt Nam cũng xuất hiện từ khá sớm với nhiều nghệ sĩ tài năng như nhà luyện hổ Tạ Duy Hiển.

Hình tượng con hổ đã xuất hiện từ lâu trong văn hoá của cư dân Việt Nam. Những chiếc trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2500 đến 3000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ, điều này cho thấy con hổ đã gắn bó hàng nghìn đời nay với người dân Việt Nam với sự trân trọng và sau này được nhân dân thờ cúng ở các miếu, đền. Con hổ còn xuất hiện trong rất nhiều các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam và những bức tranh thờ hàng Trống đã trở thành mẫu mực trong tranh Việt Nam. Ngoài ra, hình ảnh con hổ đi vào nền văn hoá dân gian Việt Nam với những biểu hiện, những hình thức phong phú và đặc sắc.

Hùm xám là biệt danh của nhiều anh hùng, trong đó phải kể đến là Hoàng Hoa Thám

Hùm xám là biệt danh của nhiều anh hùng, trong đó phải kể đến là Hoàng Hoa Thám

Theo thống kê sơ bộ người Việt Nam có hơn 1200 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại,  giai thoại. Hổ còn gợi nguồn cảm hứng mạnh cho nhiều thi sĩ để họ viết nên những bài thơ độc đáo như bài thơ Nhớ rừng kể về lời con hổ trong vườn bách thú của Thế Lữ. Hổ còn là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt ngày thường, nơi thờ tự, nhà cửa.. Câu chuyện về hùm thiêng Yên Thế để về lòng yêu nước của Hoàng Hoa Thám, truyện Trí khôn của ta đây nhắc về câu chuyện trí tuệ chiến thắng sức mạnh. Hay tục ngữ “Hổ dữ không nỡ ăn thịt con” nói về tình cha mẹ dành cho con, hay mong muốn con cháu giỏi giang, làm vinh hiển gia đình, đất nước như câu “Hổ phụ sinh hổ tử”.

“Mối quan hệ ban đầu của hổ với con người là sự đối địch”, nhà nghiên cứu, TS. Cung Khắc Lược nhận xét: “Tuy nhiên, sự ý thức được của con người thông minh về sức mạnh của loài hổ đã khiến họ nhận ra việc đối phó và chung sống với hổ là cần thiết. Trong lịch sử viết theo thể ký có rất nhiều chuyện đã kể lại mối quan hệ của hổ với con người. Bố cái đại vương Phùng Hưng là một người phục hổ bằng tay không. Nhân vật nào phục được hổ chắc chắn là anh hùng trong thiên hạ”. Cho đến giờ, khi con người đã có nhiều cách để khuất phục hổ, thì tình quan hệ hai loài vẫn không phải là quan hệ chủ tớ, hổ luôn chiếm một vị trí ngang hàng.

Con vật của tôn giáo và thống lĩnh

Trong văn hoá Việt Nam tồn tại hai quan điểm song song về hổ, một quan điểm văn hoá đề cao và sùng kính sức mạnh, vẻ đẹp, tài trí của loài hồ, đồng thời một quan điểm sợ và kinh ghét, bài trừ loài vật này vì những nỗi ám ảnh của loài hổ trong mối quan hệ với con người. Nhưng nhìn chung thì quan điểm văn hoá thứ nhất luôn thắng thế. Người Việt Nam kính sợ hổ, gọi hổ bằng Ông Ba Mươi, ông cọp, ông hổ, ông khái, ngài, chúa tể sơn lâm, chúa sơn lâm, chúa tể rừng xanh, mãnh hổ rừng xanh…. Tuỳ sinh hoạt, quan hệ giữa người và hổ không đồng nhất ở các vùng miền. Tuy rằng ở đâu cũng sợ cọp, kiêng dè gọi bằng ông cọp, ông ba mươi, ông thầy, ông kễnh, ông Cả… nhưng dường như người dân Bắc Bộ kinh sợ cọp hơn người dân Đồng bằng Sông Cửu long. Ở phía Bắc, từ đồng bằng lên mạn ngược, có nơi sùng bái hùm thiêng, thờ phụng đến mê tính. Người dân miền Nam cũng sợ cọp, nhưng chỉ là nỗi sợ cụ thể, vật chất mà không sùng tín, tâm lý này thể hiện từ giới cầm quyền, các Chúa Nguyễn đã tổ chức các trận đấu Voi và Cọp.

“Chính vì sức mạnh đó, không chỉ ở phương Đông, rất nhiều nơi trên thế giới có đại hội sơn lâm. Với tư cách là chúa tể, nó đóng vai trò của quyền uy thống trị, có vai trò điều phối, chia khu vực sơn lâm cho các dã thú khác. Đó là vai trò anh hùng. Đến khi có chủ nghĩa anh hùng phong kiến thì hổ (vai đại bàng) là biểu tượng của anh hùng độc lập. Có thể thấy điều này qua những bức tranh cổ vẽ cảnh hổ đang gầm mặt trời. Lúc này, hổ là anh hùng giang hồ chống phá lại thể chế, không bị hàng phục dưới bất kỳ một chính thể tập quyền nào”. TS. Cung Khắc Lược đánh giá.

Tích

Tích “Võ Tòng đánh hổ”

Dù là con vật hoang dã, rất ít khi được thuần phục nhưng hổ đã có sự gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân Việt, trong đời sống thường nhật và tôn giáo. Nó không chỉ là biểu tượng của sức mạnh mà còn mang quyền uy chi phối hung dữ của kẻ anh hùng. Sức mạnh này buộc con người phải nghĩ cách để khuất phục hổ. Có thể thấy trong dân gian còn tồn tại câu chuyện về một cuộc đấu trí giữa hổ và người, trong đó, con trâu – kẻ vốn đã bị con người thuần phục với con hổ – kẻ luôn tìm cách áp chế con người được đặt đối xứng nhau để so sánh. Con hổ – từ khía cạnh phá hoại, nó đã mang lại cho con người nhiều mối lo. Người Việt Nam đánh giá rất cao tầm quan trọng và lợi ích kinh tế (nhất là giá trị dược liệu) của hổ, đồng thời cũng từng phải chịu không ít hậu quả do hổ gây ra. Nhiều trường hợp hổ mò vào các bản làng miền núi bắt gia súc, gia cầm và cả người, gây tổn thất vật chất cùng tâm lý lo sợ cho nhân dân.

Mặc dù vậy, cho đến nay, vùng văn hoá Đông Á nói chung và văn hoá Việt Nam nói riêng vẫn rất chuộng hổ, ngày Tết thích treo tranh hổ, đó không phải chỉ để biểu tượng cá tính. Hình tượng hổ còn mang chủ nghĩa nhân đạo, quyền uy, ngay ngắn và đáng nể cùng với công năng về y tế và mỹ thuật khiến hổ sở hữu một phẩm hạnh rất cao để có thể trở thành một linh vật của tôn giáo. Hổ chiếm toàn bộ vũ trụ, ngự 5 phương, được gọi là ngũ hổ, ngũ dinh.

Theo các nhà nghiên cứu thì đạo mẫu đã lấy con hổ làm biểu tượng cho quyền uy. Ngũ hổ là chủ thể quyền uy 5 phương, có một sức mạnh lớn và nhờ sức mạnh có tính chi phối đó, vạn vật có trật tự. Về mặt quan hệ xã hội, 5 phương chính là cộng đồng và đây chính là cộng điểm tuyệt vời đưa hổ lên tầm của sự đại đồng và bảo hộ. TS. Nguyễn Mạnh Cường, Viện Tôn giáo cho rằng, sau khi triết học Trung Hoa thâm nhập vào Việt Nam, tinh thần của loại triết thuyết này với ngũ sắc đã kết hợp đạo mẫu thuần Việt tạo nên ngũ hổ với 5 màu sắc gồm: Hổ đỏ biểu trưng cho phương Đông, hổ vàng dành cho phương Nam, hổ tím phương Tây, hổ đen là phương Bắc và phương trung ương là hổ trắng. Biểu tượng này của tôn giáo lan sang nghệ thuật dân gian, tạo nên bức tranh 5 ông hổ quay quần quanh một điện thờ hương khói vấn vít, chầu vào trung ương để che chở bảo hộ.

Ngũ hổ trong tranh dân gian Hàng Trống

Ngũ hổ trong tranh dân gian Hàng Trống

Ngày nay, hình ảnh ảnh con hổ đã trở thành biểu tượng cho sự khát vọng, mong muốn của người dân Việt Nam về một nền kinh tế hùng cường, có tầm ảnh hưởng và một xã hội thịnh vượng với hình tượng “hoá hổ”. Nhiều người Việt Nam, các nhà quản lý và nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều nhận định và mong muốn kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến trở thành một con hổ mới của Châu Á.

Bước qua năm 2021 đầy khó khăn, biến động, hướng đến năm 2022, nhiều tổ chức thể chế kinh tế – tài chính và giới chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch COVID-19 rất nặng nề và rõ rệt, nhưng đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng và từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, nhờ vào tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 tăng cao tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế, góp phần tăng trưởng trở lại.

Ông Jefferies lưu ý năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.