Hình tượng linh vật chó trong đời sống văn hóa Việt

Biểu tượng tâm linh gần gũi

Trong đời sống của người Việt, hai con thú được coi như những người bạn thân thiết, gần gũi và quan trọng nhất là con trâu và con chó. Trâu để cày ruộng, giúp sản xuất lúa gạo; chó để giữ nhà, phòng kẻ gian, phòng thú dữ.

Ở làng quê miền bắc Việt Nam, trước cổng làng bao giờ cũng có một con chó đá để bảo vệ cả làng, trước cổng đình bao giờ cũng có chó đá và trước cổng nhà hay ở ngoài đầu hồi, ngoài cửa nhà cũng thường có chó đá ngồi trước canh giữ cho gia chủ.

Nghê đá chầu trước Đại Hồng Môn ở lăng Minh Mạng, Huế. (Ảnh: Kiến thức)

Trong quan niệm của người Việt xưa, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh trong những trường hợp cụ thể, thường gắn với một truyền thuyết trong dân gian.

Ở mỗi vùng, hình thức thờ chó đá cũng khác nhau. Người Tày, Nùng ở một số nơi thuộc tỉnh Lạng Sơn có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma. Với người Dao, hình ảnh con chó được biểu hiện trên trang phục. Người Pa-cô, Ka-tu trong tộc người Cơ Tu còn kiêng giết thịt chó và thờ chó như vật tổ truyền.

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, chó đã được ghi chép như một linh vật trong các văn bản cổ từ rất lâu, đã hình thành một tín ngưỡng thờ chó trên khắp một địa bàn rộng từ Trung Quốc đến Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Với những giá trị tín ngưỡng như vậy, con chó đã được nâng lên thành một con vật thiêng. Trước điện thờ của những nhà giàu có, ở các đình chùa, đền miếu, chó đá hoá linh. Chó đá được khắc đẽo với những chi tiết oai vệ, đầu chó, mặt chó đầy những nét oai nghiêm. Vì linh thiêng như thế, nên được gọi là con Nghê.

Trong không gian văn hóa tâm linh của người Việt, hình tượng Nghê được đặt ở vị trí thay cho con người để chầu phục, Nghê cũng là hình ảnh biểu tượng để biểu đạt lòng trung thành, tận tụy, kiên trung… và là linh vật có hình thái biểu cảm đa dạng, nhiều sắc thái nhất trong số các linh vật ở Việt Nam, rất gần gũi với con người.

Thiên khuyển ở chốn tâm linh

Trong quan niệm xưa, thiên đồng nghĩa với cõi thiêng. Những linh vật được gắn với chữ thiên đều được gắn với những hình ảnh biểu trưng thể hiện sự linh thiêng, mang ý nghĩa tâm linh nhất định. Cũng bởi vậy nên khi được gắn với chữ thiên thì về mặt tạo hình, những linh vật thường được gắn thêm các đường nét thẩm mỹ đặc trưng cho cõi thiên như có thêm cánh, bờm, sừng…

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế tìm hiểu về Nghê Việt.

Cũng từ xa xưa, trong các văn bản cổ đều nói Nghê là thiên khuyển. Nghê của người Việt tùy theo từng thời kỳ, từng không gian mà được gắn thêm các hoa văn, họa tiết, đặc biệt là chi tiết “hỏa mao” tức là những lông mao hai bên được cách điệu như hình ngọn lửa bốc lên, đây vốn là hình ảnh biểu tượng về cõi thiên, cõi trời. Tuy không có một hình mẫu nhất định, lại mang rất nhiều hình thái biểu cảm khác nhau nhưng giữa nghê và chó có những mối tương quan nhất định cả về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng của hai con vật này.

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, những họa tiết mang tính biểu trưng được thêm vào trên con nghê như hỏa mao, các vòng xoáy… là những hình tượng mang biểu trưng năng lượng, sức mạnh để kiểm soát chứ không mang tính trấn trừ tà khí. Chính bởi vậy mà con nghê từ xưa đã được coi là “thiên khuyển” mang tính biểu tượng nhiều hơn, còn chó chỉ chỉ là vật linh để trấn trạch trừ tà mà thôi.

Cũng theo tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, trong kho tàng mỹ thuật cổ truyền của người Việt, Nghê là linh vật có khuôn mặt biểu cảm nhất với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau, là linh vật mang “chất người” nhất. Thật hiếm có linh vật nào có thần thái đa dạng, sinh động như Nghê, đủ cả hỉ nộ ái ố, lúc chau mày ứa lệ, lúc toe toét miệng cười… Nhưng tựu trung, linh vật Nghê dù ở đâu cũng mang một dáng vẻ hiền lành, gần gũi. Cũng bởi vậy mà Nghê luôn gần gũi với con người, có chung những biểu cảm với con người, có biểu cảm rất giống với biểu cảm trong đời sống văn hóa của người Việt.