Hồ Chí Minh và sự kết hợp văn hóa với cách mạng

Hồ Chí Minh và sự kết hợp văn hóa với cách mạng

Thứ Hai, ngày 15 tháng 11 năm 2021 – 15:53

Đã xem: 1052

  • A+
  • A-

Cũng thật kỳ lạ rằng ngay sau lần tiếp xúc lần đầu tiên với Nguyễn Ái Quốc tại Mátxcơva năm 1923, nhà thơ Xôviết Ôxíp Manđenxtam với trực cảm tinh tế của mình đã nhận thấy từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958. Ảnh tư liệu

Nhiều học giả nước ngoài, trong đó Đavít Hanbécxtam nhận định đánh giá về đặc tính văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Hồ Chí Minh là một trong số các nhân vật lạ lùng nhất của thời đại chúng ta – pha trộn một chút Găngđi, một chút Lênin, hoàn toàn Việt Nam. Chắc chắn hơn hẳn những nhân vật nào của thế kỷ này, Người là sự hiện thân sinh động cho cách mạng của dân tộc Người và toàn thế giới” (Hồ, Random House, New York, 1973).

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà Nho, ông ngoại là một thầy đồ, thân sinh Người đã từng dùi mài kinh sử để đỗ Cử nhân, Phó bảng của khoa cử phong kiến. Quê hương Nghệ – Tĩnh của Người là một trong số các địa phương giàu truyền thống Nho học. Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở thiếu thời đã học chữ Hán, được đào tạo theo lối giáo dục Nho học truyền thống. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vào Nho giáo truyền thống những tinh thần mới và mang nội dung mới để phục vụ đắc lực cho công cuộc tuyên truyền, vận động cách mạng. Quan niệm đạo đức về “trung, hiếu” của đạo Nho giờ đây mang nội dung là lòng yêu nước và tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện của cán bộ và lực lượng vũ trang.

Đối với văn hóa phương Tây nói riêng, văn hóa nhân loại nói chung cũng vậy, luôn luôn là một sự tiếp nhận có chọn lọc để rồi vận dụng vào sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Đối với một con người mà ngay từ lúc 13 tuổi, lần đầu tiên được nghe ba chữ Pháp “Tự do, bình đẳng, bác ái” đã có ý định rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, “muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy” thì sau này trên con đường hoạt động và trưởng thành tất nhiên sẽ luôn có tinh thần và ý thức học hỏi tinh hoa của văn hóa nhân loại, của Pháp, của Ấn Độ, của Nga và nhiều nước khác nữa, ngay tại nguộn nguồn để làm giàu thêm vốn tri thức của mình, tiếp thêm sức mạnh tinh thần – đồng thời cũng là sức mạnh vật chất khi thâm nhập quần chúng – rồi sử dụng các vũ khí tư tưởng đó vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mình và các dân tộc cùng chung số phận. Kể từ khi “vui mừng đến phát khóc lên” vì đã tìm ra con đường giải phóng cho đồng bào bị đọa đày đau khổ khi đọc được Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin trên báo Nhân đạo (L’Humanité) hồi tháng 7/1920 đến việc phát hiện: “người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến”.

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại thủ đô Hà Nội đã có tiếng vang tận nước Mađagátca xa xôi trong Ấn Độ Dương ngày đêm sóng vỗ, làm cho những người yêu nước của nước này không thể không “nghĩ rằng họ cũng có thể có được độc lập”. Còn quân giải phóng Angiêri đã hô vang ba tiếng “Điện Biên phủ” khi xung phong đánh giáp lá cà với đội quân viễn chinh Pháp và “nguồn say sưa duy nhất đã đem lại cho họ sức mạnh để tiến lên trước họng súng đại liên và xông vào hàng rào dây thép gai với tiếng hô xung phong, đó là tư tưởng chiến đấu để giành lại độc lập tự do và niềm vinh dự được mang tên là “anh bộ đội cụ Hồ”. Độc lập và tự do cho mỗi dân tộc, đó là điều kiện cần có để dân tộc đó phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trên cơ sở đó góp phần xứng đáng nhất vào sự phát triển chung của văn hóa nhân loại.

Đối với chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hóa và nhà cách mạng thống nhất hữu cơ làm một, tri thức văn hóa chỉ nhằm mục đích phục vụ cho cách mạng. Không những vậy, chính yếu tố văn hóa trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Người có một sức thu hút mạnh mẽ, một khả năng cảm hóa đặc biệt đối với mọi người xung quanh, ngay cả đối với những người nước ngoài, dù cho từ đâu tới và thuộc hệ tư tưởng nào, miễn là họ có thiện chí. Cũng chính yếu tố văn hóa chân chính trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp Người sáng suốt phân biệt bạn với thù, chính với tà trong mọi hành động và hoàn cảnh.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946, Người đã nêu “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, soi đường cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Nói đến văn hóa không thể không nói đến hệ tư tưởng, vì hệ tư tưởng là “cốt lõi” của văn hóa, chi phối quan niệm về giá trị tinh thần, về đạo đức, lối sống và hành vi con người. Để “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, theo Hồ Chí Minh, phải: 1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường; 2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; 3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4-Xây dựng chính trị: dân quyền; 5-Xây dựng kinh tế.

Ngoài ra, theo Người, văn hóa còn “là một mặt trận”. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”[1]. Luận điểm của Người đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó khăng khít gi  ữa mặt trận văn hóa và các mặt trận khác như kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao,… Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Văn hóa là một mặt trận đấu tranh đầy cam go, quyết liệt, khó khăn giữa cũ và mới; giữa cách mạng và phản cách mạng; giữa tích cực và tiêu cực; giữa tiến bộ và lạc hậu; giữa văn hóa xã hội chủ nghĩa và văn hóa phi xã hội chủ nghĩa. Văn hóa cũng là mặt trận đoàn kết tập hợp đội ngũ trí thức, những nhà văn hóa và toàn quân, toàn dân phấn đấu cho sự nghiệp  “phò chính, trừ tà”, góp phần quan trọng vào việc nhân đạo hóa con người, cổ vũ con người vươn tới chân, thiện, mỹ. Mặt trận văn hóa “cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân”[2]. Văn hóa phải thấu hiểu và đi sâu vào đời sống, “bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”[3]. Nền văn hóa, văn nghệ sở dĩ có thể có sức mạnh và khả năng to lớn trong việc “nhận thức, khám phá và sáng tạo” đời sống, là vì đó là nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh cho rằng: “để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”. Đây là một tư tưởng văn hóa quan trọng của Người, vừa tiếp nối vừa nâng lên một tầm cao mới tư tưởng về một nền văn hóa dân tộc – khoa học – đại chúng mà Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng chỉ ra. Nghị quyết Trung ương năm, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998) đã kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, khi xác định: “Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng. Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới XHCN, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh là một quá trình cách mạng đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian. Trong công cuộc đó, “xây” đi đôi với “chống”, lấy “xây” làm chính. Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản văn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình”.

Sự kết hợp văn hóa với cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có ý nghĩa định hướng cho việc xây dựng nền văn hóa cách mạng nước ta. Các Văn kiện của Đảng về văn hóa, văn nghệ thời kỳ đổi mới, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã kế thừa, bổ sung và làm phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa thời đại mới. Trong thời điểm cả nước đang hướng đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021 nhằm triển khai thực hiện tư tưởng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, việc nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nói chung, về sự kết hợp văn hóa với cách mạng nói riêng càng có ý nghĩa sâu sắc hơn bao giờ hết.

Nguyễn Thanh Thủy

———————–

[1,2,3]: HCMTT, Nxb CTQG, H.2011, t.7, tr.246