Học hỏi chiến lược và văn hoá sáng tạo của Apple – MarketingTrips

Thông qua một cuốn sách mới đây, một số chiến lược và văn hoá sáng tạo đặc trưng của Apple đã được tiết lộ, đặc biệt dưới thời CEO quá cố Steve Jobs.

Học hỏi chiến lược và văn hoá sáng tạo của Apple

Apple là đế chế của ngành công nghệ, với những sản phẩm nổi tiếng như iPhone, iPad, iPod và máy tính Mac. Văn hoá không ngừng đổi mới và liên tục sáng tạo là một trong những bản sắc góp phần tạo nên thành công cho Táo khuyết.

Thông qua một cuốn sách mới đây, những chiến lược và văn hoá sáng tạo đặc trưng của Apple đã được thể hiện, đặc biệt dưới thời CEO quá cố Steve Jobs.

(Đến Apple học về sáng tạo là cuốn sách mới đây của cựu kỹ sư phần mềm, nhà thiết kế Ken Kocienda đã mô tả văn hóa, quá trình phát triển sản phẩm tại Apple thập niên 2000. Đây là một trong những giai đoạn thành công nhất lịch sử Táo khuyết, với sự ra đời của hàng loạt thiết bị mang tính biểu tượng, góp phần dẫn dắt xu hướng công nghệ.)

Dưới đây là một số chiến lược và văn hoá sáng tạo của Apple mà các thương hiệu khác có thể học hỏi.

Tính khí thất thường của Steve Jobs.

Cuốn sách chủ yếu phản ánh văn hóa “lựa chọn sáng tạo” (creative selection) của Apple, thông qua những dự án mà Kocienda từng tham gia, từ các buổi trình bày (demo) đến hàng loạt vấn đề kỹ thuật.

Tác giả còn viết về cảm giác khi làm việc cùng Steve Jobs, câu chuyện bên lề tại các sự kiện ra mắt sản phẩm, cùng những giá trị cốt lõi tại công ty. Tất cả được kết hợp để tạo nên văn hóa đặc trưng của Apple.

Mở đầu cuốn sách, Kocienda kể lại những buổi demo phần mềm bàn phím vào năm 2009 dành cho mẫu tablet sắp ra mắt (tên chính thức là iPad).

thành công của iPhone trước đó 2 năm, các lập trình viên iOS như Kocienda có nhiệm vụ tạo ra sản phẩm kế thừa thành công ấy.

Demo là giai đoạn quan trọng của quá trình phát triển sản phẩm, mang đến cái nhìn tổng quan về cách hoạt động, đặc tính kỹ thuật và lợi ích của những tính năng, thiết bị mới.

Thông qua các buổi demo, Kocienda đã khắc họa tư duy hướng đến hoàn hảo, sự chăm chút trong từng chi tiết của Steve Jobs. Thời điểm đó, ông là người đưa ra quyết định cuối cùng về giao diện, cách hoạt động của những tính năng mới.

“Có những lúc ông sẽ tặc lưỡi nếu cảm thấy không hứng thú với nội dung demo, dù người trình bày có là quản lý cấp cao làm việc cùng ông hàng ngày hay chỉ là một lập trình viên mà ông chưa từng gặp mặt như tôi”, trích nội dung sách.

Kocienda cũng đánh giá cao cách điều hành các buổi demo của Apple, được diễn ra đơn giản nhưng hiệu quả, với các nhóm nhỏ cùng người quyết định (decider). Những quyết định được đưa ra dựa trên giá trị cốt lõi của Apple, hướng đến sự đơn giản và dễ tiếp cận.

Chiến lược liên tục thử nghiệm và cải tiến.

Buổi demo tiếp tục được Kocienda dùng để dẫn vào mạch nội dung chính của cuốn sách, kể lại giai đoạn Apple “dưới trướng” Steve Jobs vào những năm 2000.

Thời điểm gia nhập công ty, Kocienda cùng Don Melton, nhân viên cũ của startup phần mềm Eazel, được giao nhiệm vụ phát triển trình duyệt miễn phí để cạnh tranh với Mozilla Firefox, Internet Explorer…

Từng làm việc tại Mozilla nên Melton muốn phát triển trình duyệt mới dựa trên Firefox. Tuy nhiên do cơ sở mã nguồn của Mozilla quá phức tạp, Melton và Kocienda quyết định tìm giải pháp mới. Lúc ấy, Apple vừa tuyển lập trình viên có tên Richard Williamson.

Williamson nhanh chóng tạo ra một phiên bản của cơ sở mã KHTML, được dùng bởi trình duyệt mã nguồn mở Konqueror nhưng đã tinh chỉnh để chạy trên Mac OS X. Ý tưởng được Apple nhanh chóng chấp nhận, dù họ được biết đến như một công ty khép kín và bí mật.

Quá trình phát triển Safari gặp nhiều trở ngại, thậm chí được Kocienda so sánh với phát minh bóng đèn trong thế kỷ XIX của Thomas Edison.

Trong suốt thời gian viết nên trình duyệt mới, Kocienda nhấn mạnh chỉ thị duy nhất của Jobs: tốc độ. Đó là lúc khả năng truyền cảm hứng, sự chăm chút và tính cầu toàn của ông được thể hiện rõ nhất. Cố CEO Apple từng cân nhắc nhiều tên gọi khác nhau, trước khi chọn Safari.

“Steve Jobs cũng có vài ý tưởng nhưng chúng làm tôi nhăn mặt khi lần đầu được nghe. Ban đầu Steve thích cái tên ‘Thunder’ nhưng rồi chuyển qua ‘Freedom’.

Tôi thấy cả hai cái tên này dở tệ”, trích nội dung sách. Cuối cùng, Jobs quyết định chọn Safari. Cái tên được đưa ra bởi Giám đốc Phần mềm Scott Forstall.

Văn hoá lấy người dùng làm trọng tâm.

Giữa những năm 2000, bàn phím vật lý của BlackBerry vẫn là tiêu chuẩn trong ngành di động. Do đó, không ai chắc chắn dự án phát triển bàn phím ảo của Kocienda sẽ thành công. Tương tự Safari, dự án bàn phím ảo cho iOS là ví dụ để Kocienda khắc họa rõ nét văn hóa của Apple.

Nhìn đơn giản nhưng ẩn sau bàn phím ảo là nhiều vấn đề kỹ thuật, bao gồm thuật toán tự sửa lỗi, gợi ý chữ, kích thước và bố cục phím.

Kocienda từng tạo ra bố cục “giọt nước”, sử dụng thao tác chạm và vuốt để gõ văn bản nhưng cuối cùng, ông quay về bố cục QWERTY truyền thống, được tinh chỉnh để phù hợp cho màn hình cảm ứng.

Nhìn chung, phần lớn quá trình phát triển bàn phím trên iOS là ví dụ cho văn hóa và quy trình tạo ra sản phẩm của Apple, chú trọng vào sự hoàn hảo, lấy người dùng làm trọng tâm (Customer Centric), nhận phản hồi từ các buổi demo để chỉnh sửa. Mọi thứ cứ lặp lại như thế.

Phần cuối cuốn sách nói về sự kết hợp giữa công nghệ với “nghệ thuật khai phóng” (liberal arts), một trong những triết lý nổi bật của Steve Jobs. Chúng được thể hiện thông qua các buổi ra mắt sản phẩm, thông cáo báo chí và hình ảnh thương hiệu Apple trước công chúng.

Tất cả được thể hiện xuyên suốt nội dung sách, với phần tóm tắt của tác giả về văn hóa “lựa chọn sáng tạo” của Apple:

“Một nhóm nhỏ gồm những cá nhân tâm huyết, tài năng, giàu trí tưởng tượng, nhạy bén, luôn thích tìm tòi, xây dựng văn hóa làm việc dựa trên việc áp dụng cảm hứng, sự hợp tác, tính cẩn trọng, kỹ năng, sự quyết đoán, óc thẩm mỹ và sự đồng cảm, thông qua một quá trình dài gồm rất nhiều vòng thử nghiệm – phản hồi, liên tục tinh chỉnh cũng như tối ưu các phép suy nghiệm và thuật toán, kiên trì vượt qua những hoài nghi và thất bại, lựa chọn ra những cải tiến tiềm năng nhất trong mỗi bước, tất cả vì mục tiêu tạo ra các sản phẩm tốt nhất có thể”, Kocienda viết.

Sau thành công với iPhone hay iPad, Kocienda tiếp tục làm việc với Apple đến năm 2017. Trong phần kết, tác giả thừa nhận văn hóa của Táo khuyết đã thay đổi sau khi Steve Jobs qua đời. Các cộng sự được nhắc trong cuốn sách hầu hết đã rời công ty.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips