Học kỳ quân đội đang bị lạm dụng

Chuyện về một trại sinh tuổi teen bị thầy phạt nhét 20 điếu thuốc vào tai, mũi, miệng và đốt lên bắt phải “hút”, hay bị bạt tai suýt khóc, phạt bê đá đến chảy máu tay… ở học kỳ quân đội khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
> Học kỳ quân đội không phải ‘chiếc đũa thần’

Những hình phạt trên được một số học viên tham gia khóa học kỳ quân đội hải quân (do Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM tổ chức) phản ánh lại. Có 92 em tuổi từ 12 đến 19 tham gia khóa kỹ năng sống này, diễn ra từ ngày 26/6 đến 3/7.

hockyquandoinvh-1351663564_500x0.jpg

Khóa học kỳ quân đội “Thanh niên Việt Nam – Biển đảo Việt Nam” do Nhà văn hóa thanh niên tổ chức. Hiện nay cả nước có khoảng 60 đơn vị đã sao chép tổ chức mô hình này. Ảnh: nvhtn.

Trang, một nữ sinh tham gia khóa học trên kể lại, dù đã được nhắc nhở không hút thuốc hay đánh bài nhưng một số trại sinh vẫn tái phạm. Khi phát hiện một bạn nam giấu thuốc lá trong ba lô, thầy hướng dẫn đã phạt bằng cách lấy gần 20 điếu thuốc nhét vào tai, mũi, miệng em này rồi đốt. Cũng trong kỳ trại này, 8 em giấu bộ bài trong bồn cầu, thầy yêu cầu ngậm những lá bài ướt sũng cho đến khi khai ra kẻ “đầu đàn”. Các trại sinh khác còn bị phạt bằng cách tát vào mặt nhau vì tội hát nhép…

Nhiều phụ huynh sau khi nghe con thuật lại rất bức xúc, đâm ra hoài nghi về hiệu quả của mô hình giáo dục kỹ năng vốn được xem là “hot” nhất hiện nay. Phụ huynh của một nữ trại sinh tham gia khóa học trên nói: “Cũng may không phải là con tôi, nếu là nó bị phạt như thế tôi sẽ lật tung cái nhà văn hóa ấy lên”.

Ông Nguyễn Quang Cường, Phó Giám đốc nhà văn hóa Thanh niên, kiêm Chủ nhiệm các chương trình giáo dục kỹ năng sống và học kỳ quân đội giải thích, những kiểu phạt học sinh như trên không nằm trong chủ trương của đơn vị. Theo đúng “giáo án” thì trong tình cảnh đó, trại trưởng hoặc trung đội trưởng chỉ dùng lời lẽ giáo huấn hoặc phạt cảnh cáo trước tập thể, cùng lắm là trả về gia đình.

Cho rằng những hình phạt trên không có hoặc chỉ là chuyện “có ít nói thành nhiều”, song ông Cường cũng thừa nhận vì số lượng trại sinh đăng ký học quá đông nên ông không thể quán xuyến sát sao mọi khóa học. Việc quản lý trực tiếp trại sinh được giao cho đội ngũ trại trưởng, trung đội trưởng là cán bộ đoàn viên và các thủ lĩnh của câu lạc bộ kỹ năng Sao Bắc Đẩu (thuộc Hội liên hiệp thanh niên).

hockyquandoi2-1351663564_500x0.jpg

Không thể phủ nhận những tác động tích cực của khóc Học kỳ quân đội đã tạo nên những thay đổi tích cực nơi trẻ. Trong ảnh: những giọt nước mắt hối lỗi của các cậu ấm trong ‘đêm gia đình’ lớp bộ binh sơ cấp do Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam tổ chức. Ảnh: Thi Ngoan.

“Học kỳ trong quân đội” (Semester in Army) là mô hình giáo dục lấy kỷ cương quân đội làm môi trường quân ngũ để rèn luyện thanh thiếu niên. Mô hình này ra đời ở Mỹ, Hàn Quốc. Khi về Việt Nam, chương trình được cải biên, bổ sung cho phù hợp với văn hóa và điều kiện trong nước.

Thầy Nguyễn Thành Nhân (công tác tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam) sau một lần tham gia khóa học ở Hàn Quốc đã đưa mô hình này về tổ chức thí điểm tại TP HCM vào năm 2008. Sau 4 năm du nhập về Việt Nam, Học kỳ quân đội đã bước đầu gặt hái những thành công, gây được tiếng vang không những trong nước mà còn thu hút cả Việt kiều khắp thế giới gửi con theo học.

Bà Trần Thị Kim Liên, Phó Giám đốc thường trực trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam cho biết, nếu như năm 2008 chỉ có 86 học viên đăng ký, thì đến 2010 có trên 1.000 và hè năm nay là 4.000 em.

Không thể phủ nhận hiệu quả của chương trình học kỳ quân đội đã đem lại những chuyển biến tích cực từ nhận thức, tình cảm đến hành động của một bộ phân thanh thiếu niên. Như trường hợp em Huấn (tham gia lớp bộ binh sơ cấp do Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam tổ chức) tâm sự, gia đình em đứng trước nguy cơ tan vỡ vì ba mẹ bất hòa, bữa cơm không bao giờ có đủ mọi thành viên.

Vào “Đêm gia đình”, nghĩ về tổ ấm của mình, em đã khóc rất nhiều. Trong lá thư viết cho cha mẹ, Huấn đã bộc bạch hết những trăn trở, mong mỏi của mình về một bữa cơm đầm ấm với đầy đủ mọi người trong nhà. Sau khi đọc những dòng tâm sự của con, cha mẹ của Huấn đã hiểu ra, nhờ đó mà gia đình em đầm ấm trở lại, mọi người ngồi nói chuyện tâm tình với nhau, không còn cảnh lục đục như trước.

Mặc dù vậy, chính những người thầy đầu tiên của học kỳ quân đội cũng thừa nhận, nội dung chương trình vẫn còn nhiều khập khiễng và đang trong quá trình điều chỉnh cho phù hợp với nền văn hóa và tâm lý người Việt. Nhưng hiện nay, khi mô hình học kỳ quân đội đã được tín nhiệm và bắt đầu mang lại lợi nhuận kinh tế thì nhiều đơn vị khác cũng thi nhau sao chép tổ chức, làm ra những sản phẩm “nhái” gây nên cảnh “vàng thau lẫn lộn”.

Nhiều nơi đang tổ chức khóa học với tên gọi hoàn toàn trùng lắp hoặc gần giống như “trại hè quân đội”, “chúng em là chiến sĩ”… kéo dài từ một tuần đến 10 ngày. Tuy nhiên chất lượng giáo viên, điều phối viên ở mỗi nơi mỗi khác, ngay giáo án cũng chỉ là sao chép hoặc tự nghiên cứu. Cho đến khi để xảy ra vụ việc tiêu cực từ phía giáo viên thì hình thức phạt cũng chỉ dừng lại ở nội bộ tự kiểm điểm chứ chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý.

Nhìn từ góc độ khác, một nhà quản lý giáo dục cho rằng, học kỳ quân đội hay bất kỳ một mô hình dạy kỹ năng có thu phí nào cũng chỉ là một loại hình dịch vụ xã hội. Nó ra đời một cách tự phát nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân. Và trong cơ chế thị trường “tiền nào của nấy”, nếu chất lượng dịch vụ không tốt, mất uy tín thì sớm muộn nó cũng bị “người tiêu dùng” tẩy chay.

Thi Ngoan

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi