Học ngoại ngữ ‘hiếm’, tăng cơ hội việc làm

Nhiều bạn trẻ chọn học tiếng Thái để tăng cơ hội cho mình - Ảnh: TƯỜNG HÂN

Nhiều bạn trẻ chọn học tiếng Thái để tăng cơ hội cho mình – Ảnh: TƯỜNG HÂN

“Hiếm sẽ quý”

Đang theo học tiếng Thái tại quận 1, TP.HCM, Vương Phan Huy Hoàng, 23 tuổi, nhân viên văn phòng, chia sẻ: “Tôi học tiếng Thái để tìm cơ hội mới ở những nước đang phát triển trong cộng đồng ASEAN. Thái Lan gần Việt Nam lại thuộc tốp đứng đầu Đông Nam Á, cơ hội trao đổi công việc cao hơn”.

“Tiếng Hàn, Trung, Nhật ở nước mình đã có quá nhiều người theo rồi, nếu chỉ học ở trung tâm theo khóa rất khó cạnh tranh với các bạn chuyên ngoại ngữ 5-7 năm”, anh thêm.

Cũng chọn học tiếng Thái, anh Khoáng Quốc Huy, quản lý dữ liệu của một công ty Mỹ, chia sẻ: “Công ty có văn phòng ở Thái Lan, tôi có đối tác và bạn bè người Thái. Nhân viên cấp cao của Thái qua Việt Nam hiển nhiên có thể sử dụng tiếng Anh lưu loát, nhưng nếu mình sử dụng tiếng Thái thì họ vẫn thích hơn. Qua báo chí tôi thấy nhiều công ty, tập đoàn lớn của Thái vào Việt Nam. Ngoài tiếng Anh, Hoa, Nhật, Hàn, tôi nghĩ tiếng Thái cũng là lựa chọn tốt”.

Mặc dù đang học tiếng Ý, Lâm Thị Thúy Kiều (20 tuổi) đăng ký học thêm tiếng Thái ở trung tâm. Cô tâm sự: “Cái gì hiếm sẽ quý, mình nghĩ vậy. Tuy nhiên phải có năng lực thực chất thì mới cạnh tranh được.

Tiếng Thái không quá khó, nói và viết giống tiếng Việt, trong khi đó, ngữ pháp tiếng Ý giống tiếng Anh nên có phần khó hơn cho người Việt. Học phí của tiếng Thái có phần rẻ hơn học tiếng Anh”.

Học cấp tốc, sang Thái buôn hàng

Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, nhân viên phòng tuyển sinh công ty Phương Nam Education, nhiều bạn trẻ theo học tiếng Thái chủ yếu để làm việc cho công ty Thái ở Việt Nam. Kế đó là học giao tiếp cấp tốc để sang Thái mua hàng về bán (mỹ phẩm, quần áo, gia dụng).

Ngoài ra còn có những bạn muốn du học, định cư, làm thông dịch viên, hướng dẫn viên hoặc yêu thích tiếng Thái. “Nếu sếp là người Thái, bạn muốn thăng tiến, ngoài chuyên môn tay nghề, bạn phải biết tiếng Thái. Điều đó cũng đúng với các công ty nước ngoài khác”, chị Nhung chia sẻ.

Do tiếng Thái tại Việt Nam chưa có chuẩn đầu ra như tiếng Anh, Hoa, Nhật, nên hầu hết trung tâm ngoại ngữ chỉ cấp chứng chỉ xác nhận đã tham gia khóa học.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Thái Lan (ĐH KHXH&NV), cho biết: “Khi học viên có nhu cầu lấy chứng chỉ, nhà trường sẽ sắp xếp lịch thi. Nếu thí sinh vượt qua bài kiểm tra sẽ được cấp chứng chỉ do hiệu trưởng ký tên và đóng dấu. Trong tương lai gần, Trung tâm có kế họach liên kết với các trường đại học hàng đầu tại Thái Lan để tổ chức các chương trình thi và cấp chứng nhận”.

“Khi phỏng vấn vào các vị trí cần tiếng Thái hoặc công ty Thái, bạn phải thể hiện năng lực nghe nói tốt”, chị Piyanart Chuanchoey, tình nguyện viên của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao Thái Lan (TICA) đã giảng dạy một năm tại TP.HCM chia sẻ.

“Mặc dù cộng đồng người dạy tiếng Thái, nói tiếng Thái ở TP.HCM không nhiều nhưng qua Internet, mạng xã hội, các bạn có thể dễ dàng kết bạn, hướng dẫn nhau học tiếng Thái và tiếng Việt”.

Trên trang Việc làm tiếng Thái – một nhóm công khai trên Facebook, có khoảng 2.500 người đăng ký, giới thiệu cơ hội việc làm trong lĩnh vực: tư vấn viên giáo dục, làm dự án game điện thoại cho thị trường Thái Lan, chăn nuôi, văn phòng, bán lẻ, quản lý kho…