Học sinh “học lệch” có nên thi đánh giá năng lực không?
–
Thứ tư, 12/01/2022 20:54 (GMT+7)
Thời gian này, ngoài việc học theo chương trình của học kỳ 2, em Nguyễn Lê An Khanh – học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thêm về đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Có định hướng theo học khối D nên từ lớp 10, An Khanh đã tập trung vào các môn xã hội và không quá chú trọng vào các môn tự nhiên. Bởi vậy, khi làm thử đề thi đánh giá năng lực, em gặp rất nhiều khó khăn và cảm thấy áp lực.
“Đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội bao gồm kiến thức của tất cả các môn. Trong khi đó, các môn Lý, Hóa, Sinh không phải là thế mạnh của em. Chưa kể kiến thức lâu nay em học trên trường không áp dụng được nhiều vào đề thi. Tuy nhiên, năm nay, rất nhiều trường sử dụng kết quả bài thi này để xét tuyển nên em vẫn sẽ đăng ký dự thi” – An Khanh nói.
Chia sẻ thêm về dự định sắp tới, nữ sinh cho biết, do không còn nhiều thời gian, nên em sẽ cố học và ôn thi theo kiểu truyền thống như lâu nay vẫn áp dụng.
Không chỉ riêng An Khanh, nỗi sợ “học lệch” liệu có thi được bài thi đánh giá năng lực hay không là câu hỏi chung của nhiều thí sinh trước ngưỡng cửa kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Bởi đến thời điểm hiện tại, rất nhiều trường đại học tuyên bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển đại học năm 2022.
Trước những băn khoăn, thắc mắc nêu trên, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy hầu hết các thí sinh lớp 12 hiện nay đã phần nào “định hướng” theo khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
“Ở một mức độ nào đó tất cả các thí sinh đều gặp đôi chút khó khăn giống như nhau với phần Khoa học (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa). Tuy nhiên, nếu bạn đã xác định thi đánh giá năng lực thì hãy làm đề thi tham khảo sẽ thấy được mình cần tự luyện tập bổ sung như những gì.
Câu hỏi thi đánh giá năng lực hướng tới đánh giá năng lực, từ cơ bản đến hiểu, vận dụng thấp đến cao chứ phải là bài kiểm tra kiến thức. Do đó, các bạn sẽ khởi điểm giống nhau và năng lực, khả năng tư duy của thí sinh sẽ quyết định điểm bài thi” – GS Thảo chia sẻ.
GS Thảo cũng thông tin thêm là ngay sau khi Đại học Quốc gia tuyên bố sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học, một số trung tâm, lớp luyện thi đã mở ra và quảng bá thu hút thí sinh ôn luyện.
“Tôi đã nhiều lần nhắc lại, việc ôn luyện tại các trung tâm không mang lại kết quả gì cho thí sinh. Qua phản ảnh của thí sinh trên các diễn đàn, mạng xã hội đều cho thấy chính bản thân các thí sinh cũng có lời khuyên không nên ôn luyện tại các trung tâm.
Những bạn đạt điểm thi đánh giá năng lực cao nhất năm 2021 đều là những thí sinh tự học. Các bạn đó cũng đã có nhiều bài viết chia sẻ trên mạng xã hội và các diễn đàn học thuật về bài thi đánh giá năng lực về kinh nghiệm tự học, chuẩn bị tâm lý vững vàng trước ngày thi” – GS Thảo đưa ra lời cảnh báo.