Học tiếng Việt có KHÓ hơn tiếng Trung không? | Hán Ngữ Hải Phòng

KHÔNG TÍNH DẠNG CHỮ VIẾT, LIỆU TIẾNG VIỆT CÓ KHÓ HƠN TIẾNG TRUNG HAY KHÔNG BỞI TIẾNG VIỆT CÓ 6 THANH CÒN TIẾNG TRUNG CHỈ CÓ 4 THANH, HƠN NỮA CÚ PHÁP CÂU CỦA TIẾNG TRUNG CŨNG DỄ HƠN?

Là một người Việt Nam bản ngữ đã học tiếng Trung gần 4 năm, cá nhân tôi nghĩ rằng tiếng Việt khó hơn.

  1. Thanh âm
    Như bạn đã nói, tiếng Việt có 6 thanh âm trong khi tiếng Quan Thoại chỉ có 4 thanh (mọi chuyện sẽ khác nếu bạn học tiếng Quảng Đông, tôi nghe nói tiếng Quảng Đông có khoảng 10 thanh). Hơn nữa, các thanh âm trong tiếng Trung cũng sắc nét hơn và được phát âm “rõ ràng” hơn so với tiếng Việt. Tiếng Việt có những “thanh gãy”, rất khó để thành thạo nếu bạn không phải là người bản ngữ. Bạn trai của tôi nói tiếng Trung hoàn hảo nhưng vẫn phải chật vật với các thanh âm tiếng Việt. Trong khi các bạn người Việt của tôi có thể bắt chước các âm trong tiếng Trung một cách hoàn hảo.
  2. Phát âm
    Tiếng Quan Thoại có 19 phụ âm và 6 nguyên âm, chúng tạo nên 23 thanh mẫu (声母) và 24 vận mẫu (韵母). Trong khi tiếng Việt có 19 phụ âm và 11 nguyên âm tạo thành 20 âm đầu và 48 vần. Rõ ràng phát âm tiếng Việt vô cùng phức tạp, ít nhất là gấp đôi tiếng Quan Thoại.
  3. Từ vựng
    Khoảng 50 đến 70 phần trăm từ vựng trong tiếng Việt đến từ tiếng Hoa, trong nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử. Chúng được gọi là từ Hán Việt. Hãy nhớ rằng, tiếng Quan Thoại ngày nay rất khác so với tiếng Hán cổ đại hay trung đại. Tuy nhiên, các từ Hán Việt ngày nay vẫn còn giữ nhiều đặc điểm của cả tiếng Hán cổ và trung đại. Đó là lý do tại sao các từ Hán Việt đôi khi nghe giống tiếng Phúc Kiến, nhiều lúc lại tựa như tiếng Quảng Đông và phần lớn thì nghe như tiếng Quan Thoại.
    30 đến 50 phần trăm từ vựng trong tiếng Việt là từ thuần Việt, thuộc ngữ tộc Môn-Khmer, nhánh Việt Mường, ngữ hệ Nam Á. Trong nhiều trường hợp, có những từ thuần Việt và từ Hán Việt có cùng nghĩa, nhưng được sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau. Điều này tương tự như Kanji trong tiếng Nhật, Onyomi (音読 み mượn cách phát âm tiếng Hán) và Kunyomi (訓読 み phát âm trong tiếng Nhật), sự khác biệt duy nhất là tiếng Việt hiện tại không còn sử dụng chữ Hán nữa. Đây là lý do tại sao đối với nhiều người Kanji rất khó học. Tôi đã học tiếng Nhật khoảng một năm và nhờ vốn tiếng Trung đã giúp tôi rất nhiều. Đối với tôi, tiếng Trung là gốc để có thể hiểu được các từ mượn trong cả tiếng Việt và tiếng Nhật.
  4. Ngữ pháp
    Cả tiếng Trung và tiếng Việt đều là ngôn ngữ phân tích (analytic language), trái ngược với ngôn ngữ tổng hợp (synthetic language), với rất nhiều điểm tương đồng. Cá nhân tôi nghĩ tiếng Phổ Thông dễ hơn vì cấu trúc câu của nó kém linh hoạt hơn tiếng Việt. Hãy nhìn vào các câu dưới đây, mặc dù những từ được sử dụng là giống nhau, tất cả các câu đều mang ý nghĩa khác nhau! Bạn có thể tìm thấy các trường hợp tương tự trong tiếng Trung, nhưng sẽ ít hơn.
    Sao nó bảo không đến?
    Sao bảo nó không đến?
    Sao đến không bảo nó?
    Sao nó không bảo đến?
    Nó đến sao không bảo?
    Nó đến, bảo không sao.
    Nó bảo: Sao không đến?
    Nó bảo: Không đến sao?
    Nó không đến bảo sao?
    Bảo nó: Sao không đến?
    Bảo sao nó không đến.
    Bảo nó đến, sao không?
    Không đến bảo nó sao?
    Không sao bảo nó đến?
    Không bảo sao nó đến?
    Không đến, nó bảo sao?
    Không đến sao bảo nó?
    Không sao, nó bảo đến
    Không, bảo sao nó đến
    Đến bảo nó không sao
    Đến sao không bảo nó?
    Đến nó bảo không sao
    Đến nó bảo: Sao không?
    Đến không bảo nó sao?
    (Tôi vẫn có thể viết ra nhiều câu hơn, nhưng tôi nghĩ nhiêu đây là đủ để bạn hình dung rồi)

Tóm lại, theo quan điểm cá nhân của tôi, so với việc học tiếng Trung, điều duy nhất dễ dàng hơn khi học tiếng Việt là chữ viết. Nhưng tôi tin rằng sự khác biệt này rất đáng để xem xét.
Như đã nói, tôi tin rằng những khó khăn của việc học tiếng Việt và tiếng Trung chỉ tương đương nhau nếu bạn chỉ đơn thuần sử dụng chúng để giao tiếp. Nếu bạn muốn cảm nhận vẻ đẹp của tiếng Việt và tiếng Trung, bạn phải học cả hai ngôn ngữ. Chúng có thể giống nhau, nhưng chúng được sinh ra từ hai quốc gia khác nhau, được nuôi dưỡng bởi hai nền văn hóa khác nhau và được sử dụng bởi hai dân tộc khác nhau. Tôi hy vọng bạn tìm thấy được một ngôn ngữ khiến bạn yêu thích, giúp cho quá trình học hỏi và khám phá trở nên thú vị hơn nhé!