Hội An – từ thành phố di sản thế giới đến thành phố sáng tạo toàn cầu | Văn hóa | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Mục lục bài viết
Hội An – Từ thành phố di sản thế giới đến thành phố sáng tạo toàn cầu
Chiều 2/2, tại Quảng trường Sông Hoài, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An (Quảng Nam) tổ chức báo cáo chuyên đề “Hội An: Từ thành phố di sản đến thành phố sáng tạo”. Qua đó nhằm tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, du khách về ý nghĩa, mục đích và tích cực tham gia vào quá trình xây dựng thành phố Hội An từ nền tảng sẵn có là thành phố di sản đến thành phố sáng tạo toàn cầu trong tương lai.
Phố cổ Hội An luôn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Thanh Hà – TTXVN
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, Hội An là một trong 7 thành phố được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn để thực hiện “Đề án phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO”. Đây là sự chuyển động mới cho hành trình từ thành phố di sản thế giới đến thành phố sáng tạo toàn cầu.
“Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)” được thành lập năm 2004 (hiện có 246 thành phố thành viên) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Các thành phố thuộc các quốc gia có thể lựa chọn một trong 7 nội dung để làm tiêu chí khi xây dựng hồ sơ đề nghị tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện, âm nhạc.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An chia sẻ, Hội An đã cân nhắc trong quá trình lựa chọn lĩnh vực tiếp cận, sau đó chọn mảng nghề thủ công mỹ nghệ và văn nghệ dân gian để tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” bởi đây là lợi thế cốt lõi của địa phương. Để làm điều này, thành phố đưa ra quan điểm, phương châm hành động là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, bản sắc chung và tính đặc thù, văn hóa và văn minh. Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống và văn nghệ dân gian ở Hội An hướng đến thành phố sáng tạo; phát triển du lịch phải gắn với việc tăng cường sinh kế, cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương một cách bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh, tham gia vào mạng lưới này, các thành phố thành viên cam kết chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác với khu vực công và tư cũng như tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối, truyền bá về các hoạt động, hàng hóa, dịch vụ văn hóa. Cùng với đó là phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận, tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm, cá nhân yếu thế, dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững.
Hội An có nhiều lợi thế, cơ hội tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”, bởi Hội An là thành phố có quy mô không lớn nhưng luôn mang tính quốc tế trong quá khứ lẫn hiện tại. Di sản văn hóa Hội An do tiền nhân sáng tạo trong lịch sử đã vượt qua sự tác động khắc nghiệt của môi trường tự nhiên, xã hội, sự tàn phá của chiến tranh, đến nay vẫn được các thế hệ con người Hội An trân trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Dịp này, thành phố Hội An ra mắt Trang thông tin điện tử “Hội An – thành phố sáng tạo” và bàn giao Dự án giới thiệu hình ảnh Hội An trên nền tảng metaverse của Bizverse.
Đoàn Hữu Trung