Hội Làng Hòa Đình
Ảnh: Nguồn Internet.
Tương truyền, xưa kia Thành hoàng làng Nhồi là “Bà Đống”, ngự tại một gò đất ngoài đồng (Đống Cả) thuộc làng Đống Cao. Mỗi khi vào hội làng, dân làng tổ chức rước Thành hoàng về đình và chùa.
Lễ rước được tiến hành như sau:Tối ngày mồng 6, đám con gái làng Nhồi gồm 12 cô chưa chồng, xinh đẹp, nết na tụ tập “ngủ bọn” tại một nhà. Đến quá nửa đêm, khi chuông chùa làng thỉnh, các cô gái lập tức cùng ông Tiên Chỉ rước kiệu Bà Đống đến gò Đống Cả, làng Đống Cao, rước Thành Hoàng làng về. Sau khi ông Tiên Chỉ đốt hương khấn vái xin rước Bà Đống, các cô gái ngả kiệu kính cẩn rước Bà Đống về làng. Kiệu rước làm bằng tre tươi, trang trí bằng lá cây tươi và các loại hoa thơm. Đòn khiêng kiệu dán giấy ngũ sắc. Đi đầu đám rước là hai cô gái khiêng một trống cái, một cô đi bên vừa đi vừa đánh nhịp ba. Theo sau trống là hai cô gái khiêng chiêng đánh phối với nhịp trống. Kế đến là các cô gái rước kiệu Thành hoàng.
Khi chiêng trống nổi lên thì đám trai làng Đống Cao cũng 12 người chạy ra giằng kiệu. Bên đó đã chuẩn bị sẵn một số đòn lao nhỏ, nhẹ, dán giấy ngũ sắc. Trong khi hai bên giằng co ra vẻ quyết liệt, thì đám trai làng Đống Cao dùng đòn lao dí vào rốn các cô gái làng Nhồi. Cuộc “giao tranh” chỉ kết thúc khi đám con gái làng Nhồi ra khỏi địa phận làng Đống Cao. Đám rước Bà Đống về đến làng Nhồi cũng là lúc trời tảng sáng, người ta rước Bà Đống vào trong đình và sang chùa.
Bên trong đình, chùa quan Đám làm lễ thờ Thành hoàng làng. Bên ngoài các bọn Quan họ cất tiếng hát ca ngợi công đức của Thần, Phật. Khách thập phương kéo đến dự hội rất đông. Để đón khách, các bọn Quan họ của làng ra tận cổng đón bằng những câu ca Quan họ ngọt ngào, niềm nở. Bên khách tay bưng cơi trầu vào lễ Phật cũng đáp lại chủ bằng những câu ca Quan họ mượt mà, tinh tế. Các bọn Quan họ chủ và khách cùng nhau vào đình, chùa lễ Thần, Phật, rồi quay ra hát Quan họ đối đáp giao lưu. Các Liền anh, Liền chị vừa hát vừa têm trầu, mời nước, hỏi thăm nhau… cứ như thế cuộc vui kéo dài suốt ngày hội.
Tín ngưỡng thờ Bà Đống của hội làng Nhồi có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ nữ thần nông nghiệp của người Việt cổ trồng lúa nước vùng châu thổ Bắc Bộ nói chung, của xứ Kinh Bắc nói riêng và làng Nhồi là một điển hình. Thần nữ nông nghiệp được người Việt cổ tôn thờ chính là các lực lượng tự nhiên gắn với nông nghiệp: đất, đá, gò, đống, cây cối, mây, mưa, sấm, chớp. Những yếu tố tự nhiên này được thần thánh hóa và bảo lưu đến ngày nay trong văn hóa lễ hội, trong đó có lễ hội làng Nhồi.