Hồi giáo – nhìn từ góc độ văn hóa

Những thập kỷ gần đây, thế giới phải hứng chịu các vụ tấn công khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện. Tuy nhiên, đa số các tín đồ Hồi giáo chân chính đều kịch liệt phản đối những hành động khủng bố này. Cũng chính vì thế, người ta càng quan tâm tìm hiểu về Hồi giáo – tôn giáo với số lượng tín đồ đông thứ 2 trên thế giới này. 
CLEF xin giới thiệu bài tổng hợp thông tin về lịch sử hình thành và phát triển, những giá trị tư tưởng, văn hóa cốt lõi của đạo Hồi; cũng để  từ đó lý giải phần nào sự ra đời của các tư tưởng Hồi giáo cực đoan ngày nay.

I. CỘI NGUỒN CỦA HỒI GIÁO 
1. Tên gọi Hồi giáo
      Trên thực tế, tên gọi thông dụng quốc tế của Hồi giáo là Mohammedanism, vì Hồi giáo là do Mohammed sáng lập. Nhưng đối với các tín đồ Hồi giáo, họ lại không hề thích việc dùng tên của Mohammed để đặt cho tôn giáo của mình, họ tự cho rằng tên tôn giáo của họ là Islam, theo họ thì đây là tên gọi do Allah, Thiên Chúa duy nhất mà họ phụng thờ, quy định cho họ. Ý nghĩa của từ Islam là “sự phục tùng”, tức là tôn giáo phục tùng Allah. Do vậy, Mohammedanism hoặc Islam đều là hai tên gọi thông dụng của Hồi giáo trên thế giới.
      Ngoài ra, Trung Quốc còn gọi Hồi giáo là Thanh Chân giáo, đây là tên gọi mà tín đồ Hồi giáo vô cùng hoan nghênh. Họ cho rằng: Thanh là làm cho thanh khiết, làm thanh khiết thể xác và làm thanh khiết cả linh hồn; Chân là tin tưởng Chân chủ Allah, cầu chân lý, giảng chân ngữ và làm chân sự mà Allah quy định. Bất kỳ sự việc nào tín đồ Hồi giáo cũng đều phải nhân danh Allah mà làm mới được thành tựu. Cho nên, khi theo Hồi giáo, người ta phải tuyên đọc câu Kalimah Sahadah: “Tôi công nhận Allah là Thượng đế duy nhất, ngoài ra không có ai khác nữa, và tôi công nhận Mohammed là vị sứ giả cuối cùng của Ngài”. Bởi vậy, ở Trung Quốc, Hồi giáo còn tự gọi mình là Thanh Chân giáo, thánh đường của họ thì được gọi là Thanh Chân Tự.
2. Cái nôi của Hồi giáo
       Cái nôi của Hồi giáo là bán đảo Arab với một sa mạc mênh mông, chỉ có dải đất giáp biển phía tây nam là đôi chút màu mỡ. Vì thế, nếu so sánh Arab với các khu vực lân cận thì nó là một vùng hoang vu, cằn cỗi. Do ảnh hưởng và hạn chế của môi trường tự nhiên, đại đa số người Arab (tộc Bedouin) sống bằng du mục, phiêu bạt khắp nơi, lấy cướp bóc và chăn nuôi làm nghề nghiệp của mình. Cuộc sống của họ tuy có điểm giống với dân Turkestan và các dân tộc du mục Mongolia ở những vùng miền khác của châu Á, nhưng họ không phải là người thuộc chủng tộc Mongolia, mà là người thuộc chủng tộc Semite cùng huyết thống với người Do Thái. Cho nên, ngôn ngữ và văn tự của họ cũng là một nhánh của ngữ văn Semite, cùng một hệ thống với ngữ văn Hebrew. Bởi lẽ đó, sau khi Hồi giáo xuất hiện, họ cũng lấy tổ tiên của Do Thái giáo là Abraham làm tổ tiên của người Arab. Vì vậy, mãi đến khi Mohammed ra đời, dân tộc cư trú trên bán đảo Arab này vẫn giống như những người Do Thái trước khi rời khỏi Ai Cập, xã hội của họ phân chia thành rất nhiều đẳng cấp và có rất nhiều tập tục xấu như: nuôi nô lệ, đa thê, dâm loạn, dã man… cái gì cũng có. Để tăng thêm thu nhập ngoài nghề chăn nuôi bấp bênh của mình, người Bedouin Arab thường đi cướp bóc những nông thôn phụ cận, tấn công các đoàn thương buôn, hoặc làm thuê cho các thương nhân tham lam để bảo vệ họ trước bọn tù trưởng đầy dã tâm. Nếu như mấy mùa liên tiếp ngũ cốc héo khô, đồng cỏ úa vàng, thì họ phải di cư đến Syria, Ai Cập và Mesopotamia.
      Không thể xác định được năm sinh của Mohammed, các nhà sử học mỗi người có một chủ trương khác nhau, đa số cho rằng Mohammed sinh năm 570 tại thành Mecca trên bán đảo Arab, là dân một thị tộc cổ của Arab.
      Theo truyền thuyết Hồi giáo, Mecca được khai phá từ rất sớm, vì người Mecca là hậu duệ của Abraham, một tù trưởng người Semite. Khi Abraham ở Ai Cập, do vợ ông nhiều năm không có con nên ông cưới thêm một người vợ lẽ, bà sinh được một đứa con trai tên là Ishmael. Không lâu sau, người vợ đầu của ông cũng sinh được một đứa con trai, đặt tên là Isaac. Sau này, con trai của Isaac là Jacob làm tổ phụ chung của 12 chi tộc người Do Thái, được họ gọi là Israel; còn Ishmael trở thành tổ phụ chung của các tộc người Arab.
      Tín đồ Hồi giáo tin rằng Ishmad từng xém chút nữa bị Abraham đem giết để làm vật hiến tế cho Thiên Chúa Yahweh. Sau đó, lại vì ông bị người vợ cả của cha mình đố kỵ, nên đã được cha đưa đến Mecca khi cha ông đang khai phá một khu vực chăn nuôi mới. Tại Mecca, hai cha con Abraham đã xây dựng một tòa nhà hình vuông bằng đá gọi là đền Ka’aba để làm nơi quy hướng cho tín ngưỡng tôn giáo. Ka’aba sau này đã trở thành Thánh địa tôn giáo của người dân trên toàn bán đảo Arab. Đối tượng lễ bái chủ yếu của họ là một hòn đá nhỏ màu đen đặt trong đền Ka’aba. Sự thật là, đối với việc lễ bái này, Hồi giáo đã học theo truyền thuyết về thần thoại của Do Thái giáo. Trước thời Mohammed, Mecca luôn luôn là Thánh địa của tín đồ đa thần giáo; sau này Hồi giáo nổi lên, mới nói rằng đền Ka’aba ở Mecca vốn là nơi phát xuất tín ngưỡng nhất thần của Abraham, họ vẫn lấy Mecca làm Thánh địa như xưa, nhưng giờ là Thánh địa của Hồi giáo, và biến những người tín ngưỡng Thánh địa này thành tín đồ của Mohammed. Mohammed cũng lấy chủ thần Allah trong số các vị thần được thờ phụng tại đền Ka’aba làm vị thần duy nhất của Hồi giáo.
      Mecca có vị trí địa lý rất ưu việt trên bán đảo Arab, nó là nơi mà các đoàn thương buôn bắt buộc phải đi qua để đến Yemen, Syria… và nó nằm gần biển Đỏ, một trục mậu dịch của thế giới. Mecca thuộc miền núi, sở dĩ nó có thể phát triển phồn vinh và trở thành một thành thị trọng yếu của Arab thời cổ đại, chính vì nó là trạm dừng chân của các đoàn thương buôn, chứ không phải vì sự thiêng liêng của đền Ka’aba. Khi các đoàn thương buôn dừng chân ở Mecca, họ cũng tiến hành giao dịch mua bán tại đây. Việc lễ thần, cầu nguyện, tạ ơn… cũng đạt đến cao trào vào mùa các đoàn thương buôn qua lại đông đúc. Sự tập hợp của các đoàn thương buôn sau này dần dần trở thành các cuộc hành hương định kỳ. Như vậy, phong tục hành hương định kỳ đã thịnh hành trong xã hội người Arab từ trước khi Hồi giáo ra đời. Đây là điểm khác biệt của lễ hội ở Mecca với lễ hội của các tôn giáo nguyên thủy ở những khu vực khác. Đến khi Hồi giáo được sáng lập, nó không chỉ tiếp nhận đền Ka’aba của đa thần giáo, tiếp nhận chủ thần Allah trong đền Ka’aba và tiếp nhận phong tục hành hương định kỳ trước đây, mà thậm chí đã tiếp nhận cả tín ngưỡng sùng bái hòn đá đen đặt trong đền Ka’aba.
3. Người Arab
      Trong vài thế kỷ đầu của thời đại Cơ Đốc giáo, ngoài một số người định cư, còn lại trình độ văn hóa của người Arab rất thấp. Họ tuy có ngôn ngữ và chữ viết, nhưng lại không có văn học; và tuy có thơ ca, nhưng tác giả những bài thơ đó đều không biết chữ, việc lưu truyền thơ ca đều dựa vào hình thức truyền miệng. Nghe nói, có người có thể đọc thuộc lòng vanh vách 2900 bài thơ có từ trước khi Hồi giáo ra đời. Thể thơ thông thường của những bài thơ này là vần chân đơn. Mỗi bài thơ có độ dài từ 25 đến 100 dòng. Các bài thơ này miêu tả người Arab là những người hung dữ, lỗ mãng nhưng khẳng khái, thích giao du bạn bè, xem nhẹ chuyện sống chết và coi trọng lời hứa. Về mặt văn nghệ, ngoài một ít kỹ nghệ về mỹ thuật và một vài văn tự mang tính thương nghiệp thuần túy, còn lại không có văn hóa gì đáng nói.
      Vào mấy thế kỷ đầu của thời kỳ Cơ Đốc giáo, người Arab từng nhiều lần đánh cướp các tỉnh thành của đế quốc La Mã, người dân ở các tỉnh thành đó cũng thường xuyên phải tiêu diệt những đội quân nhỏ của người Arab hoặc bắt họ làm tù binh. Nhưng sau khi Hồi giáo xuất hiện, đến thế kỷ thứ VII, nhờ tín ngưỡng Hồi giáo mà người Arab đoàn kết lại với nhau, không những đoàn kết về tinh thần mà đoàn kết cả về sức mạnh quân sự. Họ không dừng lại ở việc xâm lược và cướp bóc mà thậm chí đã chiếm lĩnh một vùng đất đai rộng lớn của đế quốc La Mã, xây dựng nên một quốc gia nửa chính trị nửa tôn giáo.
      Trước thời Hồi giáo, từng có các nước Ai Cập, Ba Tư, Macedonia, La Mã, Syria, Constantinople và cuối cùng lại là Ba Tư, trên danh nghĩa, lần lượt làm thượng quốc (nước đô hộ) của người Arab. Người Arab, tính đến lúc đó, chưa từng xây dựng một quốc gia cho mình, mà chỉ là một xã hội gồm các bộ lạc ở rải rác khắp nơi. Mỗi bộ lạc đều có tín ngưỡng tôn giáo của riêng mình, tin thờ các vị thần khác nhau. Quan niệm về thần và nghi thức cúng tế thần của họ đều giống với những dân tộc nguyên thủy khác. Hòn đá đen trong đền thờ Ka’aba ở Thánh địa Mecca chính là vật bảo hộ cho các vị tiểu thần của 300 tộc người Arab. Thiên Chúa Allah mà Mohammed tín ngưỡng, vị tự xưng là thần duy nhất của vũ trụ và là thần mà Abraham đã từng thờ phụng, thực ra cũng chỉ là một trong số rất nhiều vị thần của người Arab. Đến thời Mohammed mới chủ trương Allah là vị thần duy nhất chung cho tất cả các bộ lạc. Quan niệm nhất thần giáo này học được từ Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo. Thời thiếu niên, Mohammed từng qua lại các nước lân cận bán đảo Arab, nơi mà Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo thịnh hành. Ông rất mực lưu tâm đến hai tôn giáo này, vì tín ngưỡng Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo còn có một hệ thống lý luận đáng kể, chứ không như tôn giáo nguyên thủy của Arab, không có bất kỳ căn cứ lý luận gì. Nhưng, Mohammed lại không tiện từ bỏ vị thần Allah mà ông đã phụng thờ từ trước đến nay, thế là ông dùng cái tên Allah kết hợp với tín ngưỡng của Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo để tạo thành Hồi giáo.
II. GIÁO LÝ HỒI GIÁO 
1. Chủ nghĩa nhất thần
      Kinh Koran dạy tín đồ rằng: “Các ngươi không có bạn bè nào ngoài Allah, cũng sẽ không nhận được sự tương trợ nào khác”. Tín đồ Hồi giáo tin rằng chỉ có Allah mà họ tín ngưỡng mới là Thiên Chúa duy nhất, là thần sáng tạo vũ trụ, là đấng chủ trì lẽ phải. Allah là đấng toàn tri, toàn năng, cũng là bậc đại nhân, đại từ. Ngoài Allah, không có thiện thần nào khác. Vì thế, Hồi giáo có cái nhìn thù địch một cách cực đoan đối với đa thần giáo, xem Phật giáo vô thần cũng là đa thần giáo. Còn Chúa của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo cùng một nguồn gốc với Chúa của Hồi giáo nên họ không phản đối, có điều họ không thừa nhận tín ngưỡng ba ngôi một thể của Cơ Đốc giáo. Tín đồ Hồi giáo không thể nào chấp nhận thuyết Jesus là hóa thân của Chúa, họ chỉ xem Jesus là một nhà tiên tri người Israel, giống như Abraham, Moses, vua David… Thiên Chúa thông qua các đời tiên tri trước đây để hiển đạo cho người Israel, cuối cùng Ngài chọn Mohammed làm sứ giả, truyền lời cảnh cáo hoặc thông báo tin lành cho toàn thể nhân loại.
      Bởi thế, dù chỉ là một trong những nhà tiên tri, nhưng Mohammed lại là vị sứ giả cuối cùng và vĩ đại nhất của Thiên Chúa. Hồi giáo tuy đã tiếp thu 10 điều răn của Moses và Phúc Âm của Jesus, nhưng những phần được tiếp thu đó lại xuất hiện trong kinh Koran với một hình thái khác. Cho nên, về nguyên tắc, Hồi giáo không phản đối Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo, nhưng trên thực tế, Hồi giáo chỉ tín ngưỡng Thiên Chúa Allah của Mohammed và chỉ chấp nhận Thánh kinh Korando Mohammed truyền dạy.
2. Tư tưởng về tương lai
      Đoạn 69, chương 39, kinh Koran nói: “Khi kèn thổi lên, chỉ trừ những người mà Allah vừa lòng, mọi người ở trên trời và dưới đất sẽ ngã ra bất tỉnh. Rồi khi kèn thổi lên lần thứ hai, xem kìa, cả bọn đều trỗi dậy nhìn dáo dác”. Đoạn kinh này nói rằng, tất cả những ai không phải là tín đồ Hồi giáo và không làm theo ý muốn của Allah thì đều là tội nhân và đều sẽ nghe thấy một tiếng kèn vào ngày tận thế, khi kèn vừa thổi lên, họ lập tức trỗi dậy, đứng chờ sự phán xét của Allah. Kết quả phán xét vô cùng đơn giản: “Ngày đó một số sẽ được vào thiên đường, còn một số khác sẽ vào địa ngục.”[1] Kinh Koran còn nói: “Những kẻ nào định mưu lợi bằng thủ đoạn ác đức và phạm tội đầy rẫy sẽ phải xuống hỏa ngục và phải sống vĩnh viễn nơi đó.”
     Đối với Hồi giáo, tiêu chuẩn thiện và ác chỉ căn cứ ở chỗ bạn có tin vào kinh Koran hay không. Những gì kinh Koran thể hiện đều là dạy bạn làm thế nào để quy phục Thiên Chúa Allah, làm thế nào để giữ chay, làm thế nào để tu thiện; nếu bạn không thể tiếp nhận, hoặc chỉ tiếp nhận một phần trong số đó, còn đâu tiếp nhận một hoặc nhiều điều luật đạo đức khác, thì Hồi giáo cũng sẽ xem bạn là ác nhân. Ví dụ, đoạn 12 và 13, chương 2, kinh Koran dạy rằng: “Khi bảo chúng: “Chớ làm việc ác trên mặt đất này” thì chúng bảo: “Chúng tôi là những người đề xướng hòa bình”. Hãy coi chừng! Chính những kẻ này tạo ác mà chúng không tự nhận thức ra”. Căn cứ theo lời giải thích về hàm nghĩa hai đoạn kinh này của tín đồ Hồi giáo Thời Tử Chu thì: “Không có con đường nào nối liền giữa đúng và sai, thiện và ác, một người không thể vừa phụng sự Allah, vừa liên hệ với ma quỷ, vậy nên Allah nói những người đề xướng hòa bình kia đều là những kẻ tạo ác.” Tín đồ Hồi giáo có cái nhìn thù địch đối với những người không theo tín ngưỡng của họ là vì những quy định trong kinh Koran, ví dụ: “Kẻ nào từ chối tín ngưỡng và đến khi chết vẫn còn bất tín, họ không những sẽ bị Allah mà còn bị các thiên sứ và mọi người nguyền rủa”; hay như: “Nếu họ tôn thờ chung một tín ngưỡng với các ngươi thì họ sẽ được hướng dẫn đến chánh đạo, nhưng nếu họ ngoảnh mặt đi thì họ sẽ là kẻ ly giáo, cứ giao họ cho Allah xử lý bởi Ngài là đấng nghe tất cả và biết tất cả”. Có điều, tín ngưỡng nhất thần của Mohammed không hề kiên định, ví dụ như Herbert Wells đã nói trong mục 2, chương 31, cuốn Đại Cương Lịch Sử Thế Giới rằng: “Có một lần Mohammed bước vào sân trong của đền Ka’aba và tuyên bố rằng các nam thần và nữ thần của Mecca, xét cho cùng, là có thật, cùng một loại với các vị thánh, và có năng lực làm trung gian hòa giải giữa Thiên Chúa và con người”.
3. Thiên đường của Hồi giáo
      Thiên đường của Hồi giáo thực ra chính là sự lý tưởng hóa xã hội của loài người và mức độ lý tưởng hóa cũng không được cao. Vì người Arab thời đó lấy việc hưởng thụ rượu ngon và gái đẹp làm lý tưởng nên trong thiên đường của Hồi giáo, rượu ngon và gái đẹp là hai thứ thể hiện nét đặc sắc riêng. Bản thân Mohammed theo chủ nghĩa đa thê nên ông mượn lời Allah mà quy định trong kinh Koran rằng: “Nếu các ngươi e rằng không được công bình trong việc đối xử với các cô nhi, hãy lựa hai, ba hoặc bốn người phụ nữ tùy thích để kết hôn”. Câu kinh cho thấy chính Mohammed muốn đa thê vì bản thân ông là một cô nhi. Do vậy, phàm là người tín ngưỡng Hồi giáo, “họ sẽ kết hôn với những người nữ trong sạch và sống đời đời nơi thiên đường”. Ngoài ra, kinh Koran còn viết: “Những kẻ nào biết sợ Chúa sẽ được về thiên đường với Ngài, nơi đó có sông chảy róc rách bên dưới, và nơi đó họ sẽ sống đời đời, kết hôn với những người nữ trong sạch. Allah lúc nào cũng lưu ý đến tôi tớ của Ngài”. Từ những đoạn kinh văn này, có thể thấy thiên đường của Hồi giáo là nơi có đời sống vợ chồng. Và ở nơi đó, quan hệ giữa thần và người là quan hệ chủ tớ, giống với quan niệm của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo.
    Thiên đường của Cơ Đốc giáo được miêu tả vô cùng tỉ mỉ trong Sách Khải Huyền của John. Trong các sách Hadith và một số truyền thuyết của Hồi giáo cũng liệt kê rất chi tiết những cảnh tượng mà Mohammed đã nhìn thấy vào cái đêm ông đến Jerusalem và thăng thiên lên trời. Thiên đường mà Mohammed thấy chia làm 7 tầng, tầng thứ nhất trắng tinh như bạc, treo lơ lửng những vì sao lấp lánh sắc vàng, rất nhiều thiên sứ bảo vệ nghiêm ngặt, đề phòng quỷ Satan xâm nhập. Trong tầng trời này, Mohammed đã gặp thủy tổ Adam của loài người. Trong các tầng trời tiếp theo, ông còn được gặp các nhà tiên tri khác trong Cựu Ước như: Noah, Aaron, Moses, Abraham, vua David, vua Solomon… Ông cũng đã gặp thiên thần đoạt mạng, vị thiên thần này sẽ đến đưa linh hồn của con người đi khi cái chết đến với họ, thân thể của thần to lớn không ai bì nổi, khoảng cách giữa hai mắt xa như khoảng cách quãng đường đi trong 7000 ngày, tấm lòng của thần rất từ bi, hễ nhìn thấy loài người phạm tội, thần liền rơi lệ như mưa; rồi ông gặp thiên thần thi hành hình phạt, thần mang mặt nạ đồng thuộc tính hỏa, thường hay ngồi trên một ngọn lửa; rồi ông gặp một vị thiên thần có nửa mặt là lửa đỏ, nửa mặt là băng tuyết, có rất nhiều thiên thần bao quanh, ai ai cũng không ngớt lời ca tụng Allah… Tầng trời thứ 7 là nơi quay về trú ngụ của những người chính nghĩa, ở đây Mohammed được gặp một thiên thần có thân thể to lớn hơn cả quả địa cầu, thần này có 7 vạn cái đầu, mỗi đầu có 7 vạn cái miệng, mỗi miệng có 7 vạn cái lưỡi, mỗi lưỡi nói tiếng của 7 vạn nước, mỗi nước có 7 vạn phương ngôn khác nhau, tất cả đều đang ca tụng Allah.
      Những cảnh tượng kể trên thực ra là do Mohammed học được từ các truyền thuyết của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Ba Tư giáo và tôn giáo nguyên thủy Arab, không có điều gì hiếm lạ cả. Lúc Mohammed ở trên thiên đường, ông còn nhìn thấy được các thứ hình phạt dưới địa ngục. Ông nói ông nhìn thấy rất nhiều người trong hỏa ngục, có người móng giống lạc đà, tay cầm khối lửa, nuốt vào rồi ỉa ra, đây là hình phạt dành cho những kẻ thôn tính tài sản của trẻ mồ côi; có người bụng rất to, dẫm trên lửa mà đi, đây là hình phạt cho những kẻ hám lợi bóc lột người khác; có người cho thịt mỡ tươi ngon không ăn lại cam chịu ăn thịt hỏng thối rữa, đây là hình phạt cho những kẻ phụ bạc vợ đi ngoại tình, bồ bịch lăng nhăng; có người phụ nữ bị treo hai vú trên không, đây là hình phạt cho những ả dâm đãng không giữ chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ…
      Mohammed đã được bái kiến Thiên Chúa Allah trên thiên đường, ông thấy hàng tỷ thiên thần đang lặng lẽ quỳ lạy Allah một cách nghiêm trang, chí kính. Ở đó, Mohammed đã tiếp nhận lời huấn thị của Allah rằng phải lễ bái Allah mỗi ngày 50 lần. Về sau, có lẽ thấy mỗi ngày lễ bái 50 lần quá phiền toái, Mohammed bèn tự động đổi lại thành mỗi ngày chỉ lễ 5 lần.
4. Một tôn giáo cổ vũ chiến đấu
      Hồi giáo là tôn giáo truyền đạo bằng lưỡi gươm, từ sau khi xây dựng được cơ sở ở Medina, Mohammed đã chủ trương dùng vũ lực để giải quyết mọi vấn đề. Đoạn 10, chương 49, kinhKoran viết: “Nếu có hai nhóm tín đồ (Hồi giáo) tranh chấp lẫn nhau, các người hãy đứng ra hòa giải giữa hai bên; nếu sau đó phe này vi phạm đến phe kia, hãy chống lại phe vi phạm cho đến khi chúng trở lại mệnh lệnh của Allah”. Như vậy, Mohammed dạy tín đồ của mình sử dụng vũ lực giữa bản thân các nhóm tín đồ Hồi giáo với nhau.
      Còn trong cuộc chiến đấu với người ngoại đạo, Mohammed cổ vũ tín đồ hãy sử dụng toàn bộ sức mạnh họ có trước khi họ giành được thắng lợi cuối cùng. Đoạn 11, chương 57, kinh Korandạy: “Sao các ngươi chẳng chịu chi phí vì con đường của Allah, dù di sản của trời đất đều thuộc về Ngài? Những người đã chi phí và chiến đấu trước Thắng lợi ấy chẳng giống như những người sau đó. Đương nhiên họ sẽ chiếm tước vị cao cả hơn những người đã chi phí và chiến đấu sau đó”. Rõ ràng là, Mohammed đã dạy tín đồ của mình trước khi chiến tranh với người ngoại đạo nổ ra nên tranh thủ cống hiến tất cả những gì họ có.
      Vì vậy, khi tín đồ Hồi giáo đánh nhau với người ngoại đạo, người nào cũng dũng cảm xông pha lên trước và không ai dám bỏ chạy thối lui. Trong đoạn 16, chương 8, kinh Koran nói: “Hỡi những kẻ vững lòng tin! Khi các người phải tiến lên chống lại những kẻ bất tín, chớ quay lưng về phía chúng”. Nếu kẻ địch rút chạy, thì đoạn 104, chương 4, kinh Koran dạy rằng: “Chớ nản lòng trong việc theo đuổi kẻ thù. Nếu các ngươi bị khổ ải thì bọn chúng cũng bị khổ ải như các ngươi. Nhưng các ngươi có thể cầu xin nơi Allah những việc mà bọn chúng không thể mong mỏi được. Allah là Đấng toàn tri và khôn ngoan”. Việc “cầu xin nơi Allah” nói đến ở đây chính là việc tín đồ Hồi giáo nhờ “chiến đấu cho con đường của Allah”, tất sẽ được Allah trợ giúp, nếu như chết trên chiến trường cũng chắc chắn có hy vọng được siêu thăng lên thiên đường hưởng sung sướng đời đời.
      Tín đồ Hồi giáo tin rằng bất cứ người nào không tin vào Hồi giáo, Allah đều sẽ trừng phạt họ và giao họ cho tín đồ Hồi giáo xử lý. Cho nên, việc giết chết những người không tiếp nhận tín ngưỡng Hồi giáo không những không có tội mà còn làm Allah vui mừng và chắc chắn được Allah ban thưởng cho nữa. Vì vậy, đối với rất nhiều cách ngôn, huấn thị, quy định trong kinh Koran, tín đồ Hồi giáo chưa chắc đã hiểu hết, đừng nói đến chuyện tuân hành trọn vẹn; nhưng có một việc mà những tín đồ của Mohammed lại làm một cách chăm chỉ và cuồng nhiệt đó chính là đi truyền giáo bằng lưỡi gươm.
      Giết người thì được lên thiên đường, bỏ chạy thì bị Allah oán giận, như vậy còn ai dám lâm trận mà trốn chạy? Còn ai dám không dốc toàn lực ra mà chém giết? Hồi giáo sở dĩ trở thành một tôn giáo lớn mạnh chính là vì nó chuyên đi chinh phục bằng vũ lực. Điều này cũng lý giải phần nào sự ra đời của những tổ chức Hồi giáo cực đoan gắn với chủ nghĩa khủng bố, với các cuộc đánh bom liều chết…
5. Kinh Koran
       Kinh Koran được cho là những lời dạy của Thiên Chúa truyền xuống nhân gian thông qua sứ giả Mohammed, giống như kinh điển của Đạo giáo Trung Quốc, phần lớn là mượn danh nghĩa của Thái Thượng Lão Quân hoặc Ngọc Hoàng Thượng Đế. Nhưng điểm khác nhau giữa kinh Koran và kinh điển Đạo giáo là kinh điển Đạo giáo luôn là những cuốn sách do các học giả Đạo giáo ngụy tạo từ đầu đến cuối, khi lưu truyền sách ra nhân gian, họ đều nói là một người nào đó gặp được một vị tiên hay một vị thần nào đó ở một nơi nào đó và được ban cho sách này; còn kinh Koran của Hồi giáo thì do Mohammed lấy tư liệu từ những truyền thuyết của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo, dùng quan niệm của bản thân dung hợp, kết nối chúng lại với nhau, rồi từng câu từng đoạn, lúc nói lúc không, cứ thế tuyên thuyết cho đến hết đời. Có lẽ vì Mohammed là một người mù chữ, không thể viết được một cuốn sách trọn vẹn, nên từ năm ông 40 tuổi, đến tận ngày thứ 81 trước khi ông từ trần, phải mất tới 23 năm, để ông nói hết tư tưởng tôn giáo của mình. Chính vì khoảng thời gian trước sau cách nhau quá dài, tư tưởng ông nói ra cũng không thể nào nhất quán, hễ có những chỗ mâu thuẫn với nhau, liền lấy thuyết sau để đính chính cho thuyết trước.
      Kinh Koran rốt cuộc có bao nhiêu chương, bao nhiêu đoạn, vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Có thuyết là 114 chương, 6247 đoạn; lại có thuyết là 6666 đoạn. Kỳ thực, kinh Koran vốn dĩ không có chương, đoạn cố định, nó chỉ là rất nhiều ghi chép về những lời nói, việc làm của Mohammed được lưu truyền trong các tín đồ Hồi giáo, ban đầu nó được các môn đồ của Mohammed ghi lại trên lá dừa hoặc xương vai cừu, mỗi nơi một ít, không có chút trật tự nào. Sau khi Mohammed qua đời, vào năm 13 kỷ nguyên Hồi giáo (634), Abu Bekr mới thu thập và chỉnh lý những bản ghi chép phân tán này. Đến năm 652, Omar tiếp tục biên soạn lại và hoàn thành trọn vẹn. Sau đó, Zeid, người từng theo hầu Mohammed, chỉnh lý lại một lần nữa, thêm văn vần vào giữa văn xuôi, làm cho bản kinh có lời hay ý đẹp, đáng làm chuẩn mực cho văn học Arab. Người đời sau cho rằng Mohammed không biết chữ, thế mà kinh Koran do Mohammed nói ra lại có chữ nghĩa đẹp đẽ như vậy, chứng minh kinh Koran là tác phẩm của Allah chứ không phải ý riêng của Mohammed. Thực ra thì, kinh Koran hiện nay, ý là của Mohammed, còn chữ là do người khác viết. Dù cho kinh Koran có là do Mohammed sáng tác đi nữa thì cũng chẳng có gì là thần kỳ. Theo lời chú thích thứ 15, chương 8, cuốn Lịch Sử Tây Nam Á của học giả Trình Quang Dụ thì: “Tiếng Arab vô cùng ngắn gọn, câu chữ rõ ràng, dứt khoát… Những bài thơ cổ còn lưu truyền đến ngày nay có vẻ như đã được sáng tác trước thời Mohammed 100 năm, khi đó các thi nhân tuy không biết chữ, nhưng họ xuất khẩu thành thơ với bố cục rất khéo léo”. Điều này có thể đối chiếu với những gì đã được viết ở mục 3, tiết 1 của chương này.
      Koran (tiếng Arab là Qu’ran) vốn là từ gọi chung cho “sách vở”, sau này mới chuyên dùng để gọi các bản ghi chép về những lời nói, việc làm của Mohammed với nghĩa là “đọc tụng”, rồi chuyển thành nghĩa là “thiên khải”. Vì thế, bản hợp đính của kinh Koran hiện nay, dĩ nhiên là được hoàn thành sau khi Mohammed chết, nhưng lúc Mohammed mới đem một phần nội dung trong đó ra truyền dạy và được các tín đồ ghi chép lại thành những quyển sách nhỏ riêng lẻ, thì cái tên kinh Koran đã được lưu hành trong các tín đồ ở Mecca và những nơi khác thuộc bán đảo Arab. Ví dụ, sau khi Mohammed bắt đầu truyền giáo không lâu, một tín đồ Hồi giáo đã đưa cho cặp vợ chồng nọ một quyển kinh Koran và dạy họ đọc tụng. Nhưng, tín đồ Hồi giáo ngày nay để phủ nhận sự thực lịch sử rằng phương thức truyền giáo của Mohammed là “một tay cầm kinh Koran, một tay cầm gươm”, đã nói là vào thời Mohammed vẫn chưa có kinh Koran, làm gì có chuyện “một tay cầm kinh Koran, một tay cầm gươm” chứ?. Một thời, tôi cũng bị thuyết này làm dao động và cho rằng đó là sự thật, nhưng nay, sau khi nghiên cứu kỹ hơn về Hồi giáo, tôi mới biết là mình tin lầm.
       Sau khi kinh Koran được biên soạn xong khoảng 200 năm, đã xuất hiện rất nhiều nhà chú thích kinh, trong số họ có hai người nổi tiếng nhất là Tabari chuyên trần thuật sự việc và Zamahschari chuyên giải thích văn phạm. Hiện nay, sức mạnh của Arab đã tụt hậu, nhưng thực lực của Hồi giáo vẫn không suy yếu, nguyên nhân là vì họ có kinh Koran và sách Hadith làm vốn liếng để khoe khoang với văn hóa thế giới, nếu họ mà bỏ kinh Koran đi thì sẽ không cách gì tồn tại nổi.
Ngôn từ trong kinh Koran có phải là do chính Mohammed nói hay không, các học giả đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này, riêng Herbert Wells thì cho rằng: “Những ngôn từ này có thể không cao siêu, thần thánh như những lời mà Jesus đã nói, nhưng chúng để lại cho thế giới một truyền thống đáng quý về sự xử thế công bằng, chúng mang một tinh thần rộng lượng, hợp với nhân đạo và rất dễ thực hành.”[13] Nhưng, dường như, những di huấn trong kinh Koran tương phản với những gì Mohammed đã làm trong quãng thời gian ông còn đương quyền. Cũng may, đối tượng mà tín đồ Hồi giáo sùng bái là kinh Koran và Chúa Allah chứ không phải là Mohammed.
      Hơn nữa, những ngôn từ trong kinh Koran đều mang bối cảnh thời đại của riêng chúng, không hề chú ý đến bối cảnh của hàng trăm, hàng ngàn năm sau, thời đại đã khác nhau thì tính thích ứng tự nhiên cũng sẽ bị hạn chế. Ví dụ, những ghi chép về việc thiên đường chia thành 7 tầng làm tín đồ Hồi giáo ngày nay cảm thấy nghi hoặc, khó hiểu; hay những ghi chép về việc thiên đường có rượu ngon và gái đẹp cũng làm cho tín đồ Hồi giáo ngày nay cảm thấy không thích, khó chịu. Đa số tín đồ Hồi giáo lại chỉ biết xem kinh Koran như ngẫu tượng để sùng bái, không hề biết những lời giáo huấn trong kinh là gì, đừng nói đến chuyện thực hành theo những lời giáo huấn đó. Đa phần tín đồ Hồi giáo đều có thể hiểu được 3 yếu chỉ lớn của kinh Koran: một là, tin vào một Thiên Chúa duy nhất; hai là, Mohammed là nhà tiên tri được Thiên Chúa giao cho sứ mạng truyền giáo; và ba là, tuân thủ nghiêm ngặt thuyết định mệnh.
III. NGHI LỄ VÀ SỰ TRUYỀN BÁ CỦA HỒI GIÁO 
1. Thực tiễn đời sống tín đồ Hồi giáo
Đời sống tôn giáo của một tín đồ Hồi giáo có 5 bổn phận chính, được coi là “năm cột trụ của Hồi giáo”, bao gồm:
a. Shahadah (tuyên xưng): Tuyên xưng một cách công khai câu: “Tôi công nhận Allah là Thượng đế duy nhất, ngoài ra không có ai khác nữa, và tôi công nhận Mohammed là vị sứ giả cuối cùng của Ngài”.
b. Salat (cầu nguyện): Mỗi ngày vào giờ đã định, tín đồ Hồi giáo lễ bái, cầu nguyện 5 lần: lần 1, vào lúc bình minh trước khi mặt trời mọc, cử hành lễ sáng; lần 2, từ 12 giờ 30 trưa đến 15 giờ 30 chiều, cử hành lễ trưa; lần 3, từ sau 16 giờ chiều đến 30 phút trước khi mặt trời lặn, cử hành lễ chiều; lần 4, sau khi mặt trời lặn lập tức cử hành lễ hoàng hôn; lần 5, bất cứ lúc nào vào buổi tối đều có thể cử hành lễ tối.
Ngoài việc mỗi người lễ bái cá nhân 5 lần một ngày, còn có quy định về việc lễ bái tập thể được tổ chức tại các thánh đường do các Imam (thầy tế) chủ trì, đó là: lễ bái vào ngày tụ họp (Jum’ah) cử hành thứ 6 hàng tuần; lễ bái vào lễ cầu nguyện al-Faridah cử hành hàng ngày; lễ bái vào lễ kết thúc tháng Ramadan và lễ hiến sinh; lễ bái trong tháng Ramadan; lễ bái trong lễ tang. Mỗi loại lễ bái đều có nghi thức và bài tụng niệm riêng.
c. Zakat (bố thí): Mỗi năm bỏ ra 1/40 tài sản của mình để cứu tế người nghèo, nộp vào ngày cuối cùng của tháng Ramadan hoặc những ngày diễn ra lễ kết thúc tháng Ramadan mỗi năm. Tín đồ Hồi giáo còn có thể bố thí cho chính họ và cho con cái của họ mỗi người một năm 4 pound rưỡi đến 5 pound lúa mì hoặc số tiền có giá trị tương đương, việc bố thí này gọi là Zakat ul-Fitr hoặc Sadaqat ul-Fitr. Số tiền quyên góp được sẽ dùng để cứu giúp những tín đồ Hồi giáo nghèo khổ và sử dụng làm chi phí cho công việc hành chính của giáo hội cũng như các hoạt động quân sự.
d. Sawm (nhịn ăn): Vào tháng 9 hàng năm theo lịch Hồi giáo, tín đồ phải chay tịnh trong vòng một tháng. Theo lời tín đồ Hồi giáo, việc chay tịnh của Hồi giáo là để cải thiện tình trạng của con người cả về đạo đức lẫn tinh thần; mục đích của chay tịnh là giúp cho con người học được cách làm thế nào để không phạm phải lỗi lầm, nên chay tịnh không chỉ là cấm ăn (vào ban ngày) mà còn là cấm làm những việc tội lỗi. Thời gian nhịn ăn của họ là từ lúc bình minh cho đến tối, ban ngày thì cấm, còn ban đêm thì có thể ăn uống. Vào buổi tối trong tháng chay, tín đồ Hồi giáo vẫn có thể ân ái với vợ mình. Allah dạy trong kinh Koran rằng: “Họ là y phục của các ngươi và các ngươi là y phục của họ”. Mục đích của chay tịnh không phải là đoạn tuyệt ăn uống, đoạn tuyệt dâm dục, đoạn tuyệt tài sản, mà là rèn luyện họ không được tham ăn uống, tham dâm dục và tham tài sản.
e. Hajj (hành hương): Nếu điều kiện cho phép, tín đồ Hồi giáo trong một đời tối thiểu phải về Thánh địa Mecca viếng đền Ka’aba một lần, việc làm này thường được gọi là hành hương.
Trên đây là 5 bổn phận chính mà một tín đồ Hồi giáo phải thực hiện. Ngoài ra, họ còn phải tuân thủ 4 lời răn là: không làm việc mất danh dự; không ăn thịt heo, không uống rượu; không cho vay nặng lãi; và không chống trái mệnh lệnh của Allah.
2. Đức tin của tín đồ Hồi giáo
Tín đồ Hồi giáo phải giữ 7 đức tin, giống như Kinh Tin Kính của Cơ Đốc giáo vậy, 7 đức tin đó là: tin Allah, tin thiên thần, tin thiên kinh, tin các tiên tri, tin có đời sau, tin mọi việc dù thiện hay ác đều do Allah tiền định và tin người chết sẽ sống lại. Giờ xin lần lượt giới thiệu như sau:
a. Tin Allah: Thiên Chúa Allah là độc nhất vô nhị, là một ngôi một thể. Ngài sáng tạo và dưỡng nuôi vũ trụ, Ngài là bậc toàn năng, toàn tri, đại từ, đại thiện, Ngài là đấng hằng hữu, Ngài thương xót con người cùng vạn vật, Ngài không do ai sinh ra mà cũng không sinh ra ai.
b. Tin thiên thần: Tất cả thiên thần đều là những thực thể tinh thần linh diệu do Allah tạo ra, nghe theo mệnh lệnh của Allah và làm tôi tớ cho Allah. Họ không ăn uống, cũng không ngủ nghỉ. Số lượng của họ nhiều không kể xiết. Thiên thần nói đến ở đây cũng chính là các thiên sứ. Nhưng Hồi giáo cho rằng thiên thần và tiên tri cũng giống như những tín đồ Hồi giáo bình thường đều là nô bộc của Allah, nên Hồi giáo không lễ bái thiên thần, không lễ bái tiên tri mà chỉ lễ bái Allah.
c. Tin thiên kinh: Thiên kinh chỉ cho những bản thánh kinh của Hồi giáo. Về nguyên tắc, tín đồ Hồi giáo tin vào kinh của Moses, thơ của David và Solomon, Tân Ước của Jesus và kinh Korancủa Mohammed; nhưng trên thực tế, họ cho rằng kinh Koran đã thay thế cho tất cả các kinh khác, nên chỉ cần tin một mình kinh Koran là đủ. Tín đồ Hồi giáo cho rằng bộ kinh Koran chứa đựng tất cả động thái của thế giới và nhân loại như tôn giáo, xã hội, chính trị, gia sự, kinh tế, quân sự… Kinh Koran là chỉ nam cho tất cả.
Kỳ thực, trừ sắc thái mê tín mang tính thần thoại và lộng quyền ra, trong kinh Koran thật sự có không ít cách ngôn đáng được phổ biến rộng rãi. Nhưng nếu nói kinh Koran đã bao quát hết thảy chỉ nam về học vấn thì đó chỉ là sự tự khoa trương của tín đồ Hồi giáo.
d. Tin các tiên tri: Các tiên tri chính là các nhà dự đoán. Hồi giáo đã lấy truyền thuyết của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo làm nền tảng, nên cũng tin hơn 20 vị tiên tri trong Cựu Ước và Tân Ước, như Adam, Abraham, Aaron, Job, Moses, David, Solomon, Jesus… Trong kinh Koran, Allah cũng đã nói với Mohammed rằng: “Trước ngươi, ta từng cử xuống nhiều sứ giả, có người ta đã nói cho ngươi biết đôi điều về họ, nhưng có người ta chưa từng nói gì với ngươi”. Điều này làm cho tính riêng biệt của tín đồ Hồi giáo giảm thiểu hơn so với tín đồ Cơ Đốc giáo, nhờ đó, sau này, về mặt tôn giáo, họ không còn cưỡng bức các dân tộc bị họ chinh phục cải đạo sang Hồi giáo nữa. Các quốc gia Hồi giáo hiện nay, ngược lại, đã có thể bảo vệ cho những tôn giáo dị biệt như Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, thậm chí là Phật giáo. Đương nhiên, vẫn như trước đây, họ luôn giữ niềm tin kiên định rằng chỉ có Mohammed mới là người thành công nhất, vĩ đại nhất trong số các nhà tiên tri.
e. Tin có đời sau, hoặc là thiên đường, hoặc là địa ngục.
f. Tin những điều họa phúc của con người đều đã được quyết định ngay từ khi Allah sáng tạo ra vạn vật. Đây chính là thuyết định mệnh.
g. Tin người chết sẽ sống lại vào ngày tận thế để chịu sự phán xét cuối cùng của Allah.
3. Những giới cấm của Hồi giáo
Đoạn 91, chương 5, kinh Koran nói: “Hỡi những kẻ có lòng tin! Rượu chè, cờ bạc, ngẫu tượng, chiêm đoán là những hành vi ghê tởm của Satan. Vì vậy hãy lánh xa chúng rồi các ngươi sẽ được vinh hiển”. Trong số này, rượu là thứ bị Hồi giáo đặc biệt nghiêm cấm, thậm chí uống một ít rượu ngọt, rượu nho, bia thường, bia đen cũng không được phép. Bất kỳ đồ uống có cồn nào họ đều cho là không thanh khiết. Điều này trái ngược hẳn với việc trong thiên đường của họ có rượu.
Cùng với giới cấm uống rượu còn có các giới cấm khác như: không được hiềm nghi, oán hận, nói dối, căm ghét, hoang dâm… Họ cho rằng những điều này đều là căn nguyên thúc đẩy con người phạm vào tội lỗi.
Điều cấm kỵ lớn nhất của tín đồ Hồi giáo là không ăn thịt heo. Thực ra, nếu chiếu theo lời kinh Koran thì: “Ngài chỉ cấm các ngươi ăn xác chết, máu tươi, thịt heo và phẩm vật đã được cúng hiến cho những kẻ khác ngoài Allah” và “Các ngươi không được ăn những món sau đây, tức là thịt của xác chết, máu, thịt heo và những món đã được cúng hiến cho kẻ khác ngoài Allah, những thú vật đã bị bóp cổ chết, hoặc bị đánh chết, hoặc bị rơi từ trên cao xuống mà chết, hoặc bị đâm chết, hoặc đã bị các dã thú khác cắn xé, chỉ trừ trường hợp những thú vật mà đích thân các ngươi giết”. Theo lời giải thích của các tín đồ Hồi giáo, những điều cấm kỵ này là vì lý do vệ sinh, không có gì thần bí cả. Nhưng theo nghiên cứu của đa số học giả thì họ thấy rằng hoàn cảnh tự nhiên của Arab rất khó nuôi heo, vì lý do kinh tế nên Hồi giáo mới cấm ăn thịt heo, không phải như tín đồ Hồi giáo thổi phồng lên là ăn thịt heo không hợp vệ sinh. Dù lý do là gì, việc Hồi giáo không ăn thịt heo hoàn toàn khác việc Phật giáo không sát sinh, Phật giáo vì lòng thương xót chúng sinh mà không nỡ ra tay giết hại, còn Hồi giáo đều là vì việc đó có quan hệ lợi hại đến bản thân họ mà thôi.
4. Sự truyền bá Hồi giáo
      Sau khi Mohammed qua đời vào năm 632, các tín đồ của ông lập nên một chế độ gọi là khalifah và thường xuyên tuyển chọn hết người này đến người khác kế nhiệm nhau đảm đương chức vụ này. Hình thức chính phủ của họ là chính trị thần quyền.
       Các khalifah đã sử dụng những phương pháp sau để các tộc người Arab tận trung với họ: một là, bất cứ kẻ nào xâm lược lãnh thổ của các tộc người Arab đều phải bị trừng phạt; hai là, tổ chức các đội quân viễn chinh chuyên đi đánh cướp những người không phải tín đồ Hồi giáo ở Syria, Mesopotamia và Ai Cập; ba là, người Arab nhờ chế độ khalifah mà học được cách hành động đoàn kết theo hình thức tập đoàn; bốn là, họ đánh nhau với những dân tộc tương đối khai hóa như người La Mã và người Ba Tư, lấy chiến tranh để thỏa mãn dục vọng muốn có nhiều của cải của mình.
      Năm 635, tín đồ Hồi giáo chiếm lĩnh Damascus; năm sau, một cánh quân của hoàng đế La Mã tiếp tục bại trận dưới tay họ; năm 638, họ hạ thành Jerusalem; hai năm sau đó, cứ điểm quan trọng cuối cùng ở Syria của đế quốc La Mã cũng thất thủ. Thế là, quân Hồi giáo phía bắc xâm chiếm Armenia, phía nam đánh vào Ai Cập, đến năm 646 lấy xong thành Alexandria, rồi từ Ai Cập phát triển về phía tây, lần lượt chinh phục Tripoli, Tunis, Algeria và Morocco, đánh dấu chấm hết cho quyền thống trị của La Mã ở Bắc Phi, đồng thời biến người Berber và người Moors thành tín đồ Hồi giáo.
      Một cánh quân Hồi giáo khác, năm 637, đã xâm nhập vào vương quốc Ba Tư, dành được thắng lợi mang tính quyết định ở chiến trường Kedessia, chiếm lĩnh lưu vực của hai con sông Tigris và Euphrates, rồi thừa thắng đánh vào vùng bản thổ của Ba Tư, khai tử vương triều Sassanid, và trở thành chủ nhân của Ba Tư.
      Năm 711, người Arab cầm đầu người Berber và người Moors vượt qua eo biển Gibraltar đánh vào Tây Ban Nha, không lâu sau, toàn bộ bán đảo Tây Ban Nha trừ vùng núi góc Tây Bắc đều rơi vào tay tín đồ Hồi giáo. Từ đó về sau, Tây Ban Nha trở thành một quốc gia Hồi giáo, kéo dài tới 800 năm.
      Đánh xong Tây Ban Nha, quân Hồi giáo lại vượt qua dãy núi Pyrenees, tấn công nước Pháp. Nhưng vào năm 732, họ thất bại trong trận tao ngộ chiến với Charles Martel, một lãnh tụ người Frank tín ngưỡng Cơ Đốc giáo, từ đó thế lực của Hồi giáo bị chặn lại ở phía nam dãy núi Pyrenees.
      Còn ở phương Đông, quân Hồi giáo cũng đã chinh phục Trung Á, tiến thẳng vào Ấn Độ và Trung Quốc. Trong vòng không đến 300 năm, 90% dân số Indonesia trở thành tín đồ Hồi giáo và 100% người Malaysia đã tin vào kinh Koran. Philippines trước năm 1527 cũng có 80% dân số tiếp nhận tín ngưỡng Allah, sau này do bị Tây Ban Nha đô hộ nên Philippines mới trở thành một quốc gia Cơ Đốc giáo.

  • Hiện nay, Hồi giáo là tôn giáo có tín đồ đông nhất thế giới (trên 1,3 tỷ tín đồ), có mặt ở hơn 100 quốc gia trên tất cả các châu lục. Quốc gia có đông người Hồi giáo nhất hiện nay không phải là nước ở khu vực Trung Đông như nhiều người vẫn tưởng, mà là Indonesia nước ở khu vực Đông Nam Á với trên 180 triệu tín đồ chiếm 87% dân số của đất nước này.

      Mặc dù Hồi giáo Islam là một tôn giáo lớn trên thế giới, nhưng lại không có hệ thống tổ chức giáo hội quốc tế và không có hệ thống phẩm trật chức sắc (người giữ vai trò trung gian thay quyền Thượng đế Allah) mà chỉ có các giáo sĩ đảm nhận những chức trách như: Khalifat, Mufti, Naep, Hakim, Ahly, Imâm, Tuôn…
      Từ khi Mohammad qua đời, nội bộ Hồi giáo xảy ra nhiều cuộc tranh chấp quyền lực. Vì vậy, sau này Hồi giáo phải chia thành các dòng, các hệ phái khác nhau. Cho đến nay, Hồi giáo vẫn không có người thừa kế ngôi vị Khalifat (Giáo chủ). Đây là nguyên nhân chính, là hệ quả của việc Hồi giáo không có tổ chức giáo hội quốc tế. Từ thập niên 70 của thế kỷ XX trở lại đây, với sự gia tăng không ngừng số lượng tín đồ Hồi giáo trên thế giới làm cho dạng thức thuần nhất của Hồi giáo thời Mohammad không thể duy trì được mà đã có sự biến dạng thành những cộng đồng (Jamah) ngăn cách bởi chế độ xã hội của mỗi quốc gia. Theo đó, Hồi giáo cũng phát triển mối tương giao với những tín ngưỡng, tôn giáo khác. Chính vì vậy, các quốc gia có đông người Hồi giáo có khuynh hướng thành lập tổ chức Hồi giáo gắn với lãnh thổ của từng nước, kết hợp hoạt động tôn giáo với chăm lo đời sống mọi mặt cho cộng đồng. Mặt khác, một số tổ chức Hồi giáo quốc tế cũng ra đời, tuy nhiên các tổ chức này mang hình thức “liên hiệp” lỏng lẻo, không phải là tổ chức giáo hội quốc tế. Bên cạnh đó, một số tổ chức Hồi giáo mới được thành lập gần đây như IS, Taliban… đang nổi lên như một lực lượng theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
IV. Văn hóa Hồi giáo – Một số điều cấm kỵ 
    Mỗi một đất nước lại có những luật lệ và quy định nghiêm khắc riêng, nhất là đối với những quốc gia theo đạo Hồi như Iran, Morocco, Indonesia… thì họ còn có nhiều nguyên tắc rất khắt khe đối với người dân cũng như du khách.
– Trang phục kín đáo
          Phụ nữ theo đạo Hồi phải tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt trong đó là vấn đề trang phục. Cụ thể phụ nữ Iran thậm chí chỉ được để lộ đôi mắt, họ phải quấn khăn kín đầu và mặc áo quần choàng kín không để lộ vùng da, kể cả là 1 sợi tóc. Không những vậy, các du khách nữ cũng nên đặc biệt chú ý về việc mặc gì khi tới các nước đa số là dân đạo Hồi.
      Thông thường ở ngoài đường hay những nơi tập trung đông dân địa phương bạn cần mặc kín đáo. Không nên diện những trang phục phô da thịt quá nhiều điều đó là khá phản cảm. Du khách nam cũng cần mặc lịch sự để nhận được sự tiếp đón nồng hậu từ người dân địa phương. Đây là 1 trong những lưu ý vô cùng quan trọng cần nắm rõ và thực hiện nghiêm túc khi đến các quốc gia Hồi giáo.

  • Không uống rượu bia ở nơi công cộng

Các chất kích thích, đặc biệt là rượu bia sẽ bị cấm sử dụng đối với những người theo đạo Hồi, và một số nước thậm chí không cho phép lưu hành thứ đồ uống này. Bạn cũng không nên tặng quà cho người dân bản địa bằng những chai bia, rượu.

  • Người theo đạo Hồi ăn với chế độ Halal và không ăn thịt lợn

      Nếu du lịch tới các nước có số lượng tín đồ theo Hồi giáo đông như Indonesia, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập, Iraq… bạn sẽ gần như không thấy bày bán món thịt lợn và nếu có thì sẽ dành cho những người dân đến từ nước khác. Còn những tín đồ Hồi giáo sẽ không ăn thịt lợn, thay vào đó là các món từ thịt bò, cừu, gà… mới được sử dụng. Tuy nhiên, những món ăn này sẽ được chế biến theo quy định riêng hay còn gọi là đồ ăn Halal, tức là các loài động vật họ được phép ăn sẽ được chế biển giết mổ theo quy định cũng như được đọc một câu Bismillah” được dịch là “lạy thánh Ala”.
      Chính vì vậy bạn cũng cần lưu ý thích nghi với ẩm thực và phong cách bản địa. Với những nước có quy định nghiêm ngặt bạn không nên quá đòi hỏi các món ăn từ thịt lợn để tránh cái nhìn thiếu thiện cảm.

  • Không được thể hiện tình cảm ở nơi công cộng

      Người Hồi giáo luôn tuân theo những luật lệ nghiêm khắc, trong đó có việc không thể hiện tình cảm ở những nơi đông người, cho dù bạn có là vợ chồng hay người yêu. Dù chỉ là 1 cái ôm hay hôn nhẹ cũng là điều tuyệt đối cấm kị, chính vì vậy các bạn cần lưu ý vấn đề này để tránh những rắc rối không đáng có.
      Với nhiều nước đạo Hồi, khách không được phép bắt tay phụ nữ là tín đồ này, vậy nên để chào gặp mặt hay tạm biệt bạn hãy gật đầu và mỉm cười hoặc nói lời chào thay vì việc bắt tay.
      Đặc biệt, tại Iran tất cả du khách hay người nước ngoài làm việc tại đây đều bị cấm quan hệ yêu đương với người dân Iran. Những người phụ nữ tại Iran đều chỉ được có mối quan hệ tình cảm với người theo đạo Hồi và là công dân Iran, đây là quy định và nếu vi phạm cả hai sẽ phải ngồi tù. Đó cũng là một lưu ý vô cùng quan trọng mà mọi người nên ghi nhớ khi đến các quốc giao Hồi giáo nói chung và đến Iran nói riêng.

  • Không dùng ngón trỏ để chỉ tay

      Khi trò chuyện, giao tiếp với người theo đạo Hồi, bạn không nên dùng ngón tay trỏ để chỉ người hay vật bởi trong quan niệm của họ đó là hành động phản cảm, mang tính xúc phạm.
      Việc dùng ngón trỏ khi giao tiếp là điều tối kị cần đặc biệt lưu ý bởi nó có thể khiến bạn bị đối phương là người đạo Hồi tỏ thái độ khác.

  • Khi ghé thăm nhà thờ Hồi giáo

      Đặc biệt , ở thánh đường hay nhà thờ Hồi giáo, bạn không nên chạm tay vào sách Kinh Koran hay những đồ vật mà bạn chưa biết là gì. Việc chụp ảnh cũng cần tế nhị và quan sát kỹ, nếu nơi nào cấm chụp ảnh thì bạn tuyệt đối phải tuân theo.
 
                                                                                                                     Nguồn: http://bantuyengiao.org.vn;  http://luhanhviet.com.vn
 

Khi đến thăm một quốc giao theo đạo Hồi thì việc ghé thăm các nhà thờ Hồi giáo chắc chắn sẽ là một điểm đến trong hành trình. Tuy nhiên để không gặp rắc rối và gây ra những hành động phản cảm, bạn cần cởi giày khi bước vào trong, tránh mặt khi tín đồ đang cầu nguyện. Phụ nữ cần mặc kín đáo không hở tóc và da, nam giới phải mặc quần áo dài và không được bó sát cơ thể.Đặc biệt , ở thánh đường hay nhà thờ Hồi giáo, bạn không nên chạm tay vào sách Kinh Koran hay những đồ vật mà bạn chưa biết là gì. Việc chụp ảnh cũng cần tế nhị và quan sát kỹ, nếu nơi nào cấm chụp ảnh thì bạn tuyệt đối phải tuân theo.Nguồn: https://thuvienhoasen.org/