Hội nhập văn hóa – những cảnh báo

Nhìn từ một thời kỳ “Âu hóa”

Về đại thể, văn hóa cận – hiện đại ta có hai lần bị/được “Âu hóa”:

Lần thứ nhất, là do người Pháp mang đến.

Lần thứ hai, là do người Mỹ, theo bước người Pháp, rồi kéo dài một mạch cho tới “Thế giới phẳng” bây giờ, với in-tơ-nét, cáp thông tin xuyên đại dương, vệ tinh định vị toàn cầu, WTO… và không biết bao nhiêu các “hiệp định”, “hợp đồng” khác.

Họa sĩ – Nhà Nghệ thuật học Nguyễn Quân, viết về cái “Lần thứ nhất” ấy rất hay: “Sau khi tàu chiến Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, rồi Hà thành thất thủ và Cần Vương thất bại, là những thập niên đầu của thế kỷ 20, hội nhập (Âu hóa) trót lọt và thành công. Văn hóa Pháp – Tây phương tạo ra hầu hết các truyền thống văn hóa cận đại của đất nước”.

Quả vậy! Có lẽ nên tạm gọi đó là giai đoạn thứ nhất của “Văn hóa quốc ngữ”. Những cái mà Nguyễn Quân gọi là “hầu hết các truyền thống văn hóa cận đại” ấy mang phong cách Pháp – Tây phương rất rõ nét, từ Văn chương (Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài…), Kịch (Vũ Đình Long), Kiến trúc – xây dựng (Nhà hát Lớn Hà Nội, các “Nhà hát bé” ở Sài Gòn, Hải Phòng; các nhà thờ Thiên chúa giáo khắp nơi, Cầu thép kiểu Ép-phen như Long Biên, Phố cũ…), Giao thông (Đường sắt, cảng biển, sân bay, đường bộ), Khai mỏ…, cho tới Thơ Mới, Mỹ thuật Đông Dương, Tân nhạc, đờn ca tài tử, xe đạp, xích -lô, xà-phòng … Cùng với đó, tất nhiên là lối nghĩ, lối sống.

Tuy là “trót lọt” và “thành công” như vậy, nhưng chúng cũng hầu như đều đã được “thu nhỏ” lại, để thành ra “Văn hóa thuộc địa”, “Văn hóa ngoại biên”, là “tỉnh lẻ”, so với chính quốc (giống như các thiết chế nhà nước và tam giáo Trung Hoa vào Việt Nam trước đó vậy!), trừ “cái gạch nối xuất sắc”, nối từ cổ điển sang hiện đại – Tản Đà.

Lúc đầu, sự “Âu hóa” ấy cũng mâu thuẫn với văn hóa truyền thống và gây ra những phản ứng từ những đầu óc “dân tộc” (Thôi có làm chi cái chữ nho – Ông nghè ông cống cũng nằm co – Chi bằng đi học làm thày phán – Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò, v.v.), nhưng rồi việc ấy cũng qua đi, rồi cũng hòa nhập được – áo dài khăn xếp có thể ngồi cùng mâm với com-lê, giày tây cả một thế kỷ.

Đặc điểm của thời kỳ này là, “tinh hoa” – trí thức Việt – đi trước đại chúng rất xa: Trí thức “Tây học” thì qua tiếng Pháp, trí thức Hán học (các nhà nho thức thời) thì qua Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… mà tiếp thụ/thỏa thuận với “tinh hoa” Âu tây, tiếp thụ/thỏa thuận với những Rút-xô (Lư Thoa), Mông-tét-ski-ơ (Mạnh Đức Tư Cưu)…, tức là “Âu hóa” từ tư tưởng và trước hết từ tư tưởng, của Thế kỷ Ánh sáng, để mãi dần về sau mới “Âu hóa” lối sống. 95% dân số mù chữ còn lại, không làm được việc ấy, không có điều kiện làm việc ấy, sau lũy tre làng.

Sau khi “tinh hoa” – trí thức Việt – tiếp thụ/thỏa thuận với văn hóa – văn minh Âu tây và “sàng lọc” trước, họ mới “dạy” lại cho dân chúng, mà những người theo học đầu tiên, là tầng lớp học sinh (tiểu tư sản) thành thị, sau rồi lan về nông thôn, một cách chậm chạp, từ từ, theo các phương tiện thông tin nghèo nàn và lạc hậu lúc bấy giờ.

Đó là một quá trình tiếp cận – tiếp thu – sàng lọc – phổ biến văn hóa Âu tây, từ trên xuống. Nó chậm nhưng “sạch” hơn (so với cuộc Âu hóa – hội nhập lần thứ hai sẽ nói đến sau đây).

Nguy cơ “thuộc địa văn hóa”

Trong 30 năm chiến tranh (1945-1975), miền bắc hướng văn hóa theo “Chủ nghĩa hiện thực XHCN” vốn xuất phát từ Liên Xô cũ, nhằm giải quyết câu hỏi “Ai thắng ai?” trong cuộc “Đấu tranh giai cấp”, phục vụ cho “Chiến tranh lạnh” nói chung và cho công cuộc Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước nói riêng. Văn hóa miền bắc, trong đó có văn nghệ, đề cao chủ nghĩa anh hùng tập thể, đề cao tinh thần xả thân/vì lý tưởng cao cả đương thời, ưu tiên tư duy “Hồng quân/ Bạch vệ”- “tốt/ xấu” rõ ràng- không có chỗ cho kẻ “nước đôi”. Ở miền nam, đặc biệt là ở đô thị, văn hóa Pháp được “chồng thêm” lên bằng văn hóa Mỹ- thực dụng hơn, trần trụi, cá nhân hơn trước- dù rằng nông dân/ nông thôn đông và rộng, vẫn “cải lương” và “hát bội”.

Thế rồi, sau 1975, đặc biệt là từ khi “Đổi mới”, “Hội nhập”, văn hóa cả nước đi thẳng vào “Thế giới phẳng” như đã nói, tức là đi thẳng vào lần “Âu hóa” thứ hai.

Ở lần thứ hai này, quá trình Âu hóa – Hội nhập đi từ dưới lên. Đa số, tuyệt đại đa số dân ta, đã không còn mù chữ nữa. Họ không cần “đánh dây thép”, thuê viết và gửi thư tay, nghe diễn thuyết hay xem “tiểu thuyết ba xu” qua các cô “hàng xén răng đen” nữa. “Thế giới phẳng”, WTO… mang đến cho mọi người tất cả, chứ không chỉ và trước hết, đem đến những ông Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu (mới) nữa. Thế là, trừ trí thức bậc cao, dân Việt thạo đồ ăn Mắc-đô-nan, nội y Trai-ầm, thời trang Ý – Pháp – Hàn, Pốp, Rốc, Híp-hốp, Gu-gờ, tình dục tự do, bồn cầu thông minh… trước khi biết (hoặc không cần biết) đến những thứ tư tưởng Đông – Tây “gì đó” phức tạp! Tức là, về căn bản, đại chúng đã “làm xong” lối sống “hiện đại” của mình, trước khi có thể ý thức về nó một cách đầy đủ, gốc rễ; trước khi có thể chọn lựa, sàng lọc.

Quá trình này là không thể kiểm soát hoặc nói nhẹ đi, là khó kiểm soát, không chỉ ở ta mà còn ở bất kỳ một nước “đang phát triển” hoặc “mới phát triển” nào khác. Và, văn hóa Việt, trước hết là lối sống Việt, vừa năng động lên gấp bội vừa nhộn nhạo và thực dụng lên gấp bội. Nguyễn Quân viết: “Đồ vật tiêu dùng áp đặt các giá trị văn hóa đại chúng ở mọi thị trường… Vì chúng là “văn hóa” dễ nhất: dễ hiểu, dễ thích, dễ dùng… Thậm chí, các khái niệm “tinh hoa”, “ưu tú”, “bác học”, “đỉnh cao” bị đánh đồng với “sành điệu”, “đẳng cấp”, “thông minh”… Và vì thế, “các nỗ lực hội nhập, những gì là “tinh hoa” (thật), không thể tồn tại nếu không tự bào mỏng, tự làm nông cạn mình, tự hạ thấp độ đẹp, độ khó, (để) biến mình thành hàng hóa, (cho dễ) trà trộn vào tiêu dùng bình dân”!

Thế là, đại chúng thì thác lũ thụ động, bất tự giác; “tinh hoa” thì để dễ được “tiêu dùng”, phải tự hạ cấp! Cả hai đầu văn hóa- xã hội ta đều “có vấn đề”.

Đặc biệt, nếu nạn tham nhũng trở thành quốc nạn, nếu quan chức – chính quyền trở nên xa dân, nếu kinh tế có chuyện “quyền lợi nhóm”, nếu y tế với giáo dục chệch hướng và bê bối, nếu phần lớn chương trình ti-vi với cả trăm kênh – 24/24 – chỉ là đất diễn của các DJ, MC “học trò” ngoại quốc và các “sao” trẻ mà giọng hát “chỉ cỡ ka-ra-ô-kê” nhưng lắm chiêu trò, nếu các mạng xã hội thì đầy từ tục tĩu và chuyện “cởi đồ” với chuyện “tự sướng”, nếu mà ngay cả các luận văn văn học còn giống như bài “Giải phẫu học dung tục”…, thì tốc độ “tầm thường hóa”, “dung tục hóa” văn hóa theo những tiêu chuẩn thấp, qua công nghệ thông tin, càng đẩy nhanh văn hóa truyền thống vào “bảo tàng”!

Và, văn hóa đương đại, vốn không được và không thể “sàng lọc” từ đầu như ở lần “Âu hóa” thứ nhất, càng nhanh chóng biến thành “Văn hóa thuộc địa” (mới), “Văn hóa ngoại biên” (mới), “Văn hóa tỉnh lẻ” (mới) và biến ta thành “Thuộc địa văn hóa” đương thời của những nền văn hóa bên ngoài.

Và như thế, hóa ra là, ta đấu tranh giải phóng mãi để không bị nô dịch về chính trị – hành chính, thì chúng ta lại “tự nguyện” hoặc bất tự giác, để mình bị nô dịch về văn hóa, kể cả trước K-pop với J-pop, làm tủi danh tổ tiên mấy nghìn năm “duy hữu độc thư cao”!

Văn học “cựa quậy” và “bối rối”

Nói riêng về văn học, sau 1975, văn học do những người chiến thắng trên chiến trường làm ra, chiếm “thế thượng phong” và vẫn tiếp nối được dòng văn học yêu nước cũ- “Bất thụ nô lệ”, “Tận trung báo quốc”.

Rồi hệ thống XHCN đổ vỡ, rồi “Đổi mới” ra đời, rồi “Hội nhập” đòi hỏi, rồi quá trình “Âu hóa” từ dưới lên (như đã nói) thúc giục, “Đường ra trận” trong văn học không chỉ “đẹp”, mà còn “đau”! Văn học càng ngày càng xa tư duy “Hồng quân- Bạch vệ”, để mô tả chiến tranh đa diện hơn, ít “tuyên huấn” hơn. Nó không dừng lại ở việc mô tả chiến sự và những tổn thất về sinh lực/ sinh mệnh, mà còn mô tả những “vết sẹo” trong tâm hồn con người ở cả hai phía tham chiến. Nó tương đồng dù chưa “chồng khít” lên “Hội chứng Việt Nam” trong văn học hậu chiến Mỹ.

Rồi “Đổi mới” và “Hội nhập” sinh ra “Kinh tế thị trường”, thì dù có “Định hướng XHCN”, văn học vẫn mở thêm vô khối, cả “cửa ra vào” lẫn “cửa sổ”, như một tất yếu.

Có người tìm về với cảm quan của Rơ-mác (Phương Tây không có gì lạ) và xa hơn là Hê-min-uây (Giã từ vũ khí).

Có người nhìn lịch sử/ truyền thống khác đi, “ngỗ ngược” hơn, không “mũ cao áo dài” như cũ nữa, bất cần như một phản ứng chống nhàm chán.

Có người, theo các trào lưu quốc tế đang ăn khách, viết để đề cao/ đòi hỏi nữ quyền và tình dục tự do, về những chưa vừa ý trong quá khứ, về tham ô/ tham nhũng, như những phản ứng xã hội học.

Có người đi tìm lại “những giá trị bị bỏ quên” như Mạc triều, Phan Chu Trinh… chẳng hạn.

Nhiều khi, do thôi thúc của “Hội nhập”, có người cố “Tây hóa” hơn cần thiết để “dễ dịch”… ra tiếng Anh, hầu mong sớm có “Tính toàn cầu”, v.v.

Tựu trung lại, do bối rối về tư tưởng và bị lôi kéo về hơn/ thiệt, văn chương ta từ sau 1975, tuy đã “cựa quậy” nhiều cách- có lợi cho việc rèn giũa tư duy, bút pháp và con mắt thẩm mỹ- nhưng vẫn chưa ra khỏi sự bối rối chiến thuật, chưa nói đến sự bối rối chiến lược!

Chỉ khi bám chặt chủ nghĩa nhân văn cao cả, chỉ khi làu thuộc cha ông và làm bạn được với tinh hoa thế giới, mới hy vọng có thể “Tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” về văn hóa được!

Để được thế, nhất định phải có thời gian, có sự “tự ngộ” của các tác giả lớn. Nếu lại có sự ủng hộ, thúc đẩy của chủ trương/ chính sách, thì càng tốt.