Hội nhập văn hóa: Lấy con người làm trung tâm
Văn hóa là một khái niệm rộng. Văn hóa không chỉ bao gồm những hoạt động văn hóa nghệ thuật mà còn bao gồm những tri thức, hệ giá trị và phong cách sống của một cộng đồng dân cư hay một dân tộc.
Văn hóa trong hội nhập
Năm 2002, UNESCO đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng: văn học và nghệ thuật, cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam (VN) tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã khẳng định: “Văn hóa VN là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc VN, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa VN đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh VN, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
Theo dòng chảy thời gian, hội nhập quốc tế về văn hóa xuất phát từ sự giao lưu văn hóa mà lợi ích là làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển của mỗi nền văn hóa nói riêng và của cả xã hội nói chung. Trong suốt chiều dài của lịch sử, nước ta đã trải qua nhiều cuộc tiếp biến văn hóa: chịu ảnh hưởng của văn hóa nước khác nhưng không tiếp thu một cách thụ động mà có sự sáng tạo, biến những tinh hoa văn hóa thế giới thành những đặc điểm riêng của nền văn hóa nước ta.
Xét riêng về mặt ngôn ngữ, tiếng Việt hiện nay vẫn mang những âm hưởng của chữ Nôm vốn được coi là sự sáng tạo của ông cha ta. Về tôn giáo tín ngưỡng, đạo Nho, Phật, Lão từ Ấn Độ và Trung Hoa đã du nhập vào nước ta hơn ngàn năm trước. Sau này, các tôn giáo khác như đạo Thiên Chúa, đạo Hồi đã du nhập, cùng với các tín ngưỡng tôn giáo bản địa chung sống hòa bình tạo nên một bức tranh tín ngưỡng đa dạng, phong phú. Sự sáng tạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông tạo ra một trường phái thiền mang đặc trưng VN, làm phong phú thêm Thiền tông của thế giới.
Hội nhập là quảng bá và tiếp thu có chọn lọc
Mục tiêu hội nhập quốc tế về văn hóa bao gồm hai quá trình song song: Thứ nhất, tham gia sâu rộng vào các cơ chế hợp tác đa phương và tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực văn hóa; tiến hành quảng bá, giới thiệu cái hay, cái đẹp, cái đặc biệt của nền văn hóa VN, khẳng định với bạn bè năm châu về “Một dân tộc VN yêu chuộng hòa bình, văn hiến, một đất nước VN đổi mới, năng động và không ngừng phát triển” (Lời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh) trong đó tập trung vào những thế mạnh, những sản phẩm văn hóa tiêu biểu của đất nước, hình tượng quốc gia, những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc; đồng thời phát huy các giá trị, tri thức và các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của VN, đóng góp vào sự phát triển của khu vực và thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa thế giới.
Thứ hai, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại, bao gồm cả những tri thức về khoa học, những ý tưởng về văn hóa và giáo dục, những kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển, từ đó góp phần phát triển đất nước theo hướng bền vững, xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại và nhân văn.
Có thể nói hội nhập quốc tế về văn hóa liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân, và gắn liền với các lĩnh vực chính trị, an ninh và kinh tế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII viết: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Văn hóa dễ thẩm thấu và có tác dụng lan tỏa lớn, tạo ra môi trường sống và không gian tinh thần để nuôi dưỡng, nâng đỡ mọi sự phát triển.
Về đối ngoại, có những thời điểm, văn hóa giữ vai trò tiên phong trong việc hóa giải, khai thông, tạo bước đột phá hoặc hỗ trợ cho quá trình hội nhập của đất nước. Thành công mang tầm quốc tế của Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất năm 1990 là đóng góp lớn của Ủy ban Quốc gia UNESCO VN vào thành công chung của công tác đối ngoại, góp phần phá thế bao vây cấm vận của thế lực thù địch đối với VN.
Ngày nay, Ngoại giao Văn hóa được xác định là một trong ba trụ cột của nền Ngoại giao toàn diện, gắn bó chặt chẽ, thống nhất và kết hợp nhịp nhàng với Ngoại giao Chính trị, Ngoại giao Kinh tế và công tác về người VN ở nước ngoài. Ngoại giao Chính trị đóng vai trò định hướng, Ngoại giao Kinh tế là một trọng tâm và Ngoại giao Văn hóa là cầu nối, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước.
Chặng đường sắp tới
Với mục tiêu trên, hội nhập quốc tế về văn hóa cần tuân theo ba nguyên tắc. Thứ nhất, hội nhập quốc tế về văn hóa là nhiệm vụ chung của tất cả bộ, ngành, địa phương, của các cơ quan trong và ngoài nước. Thứ hai, xác định rõ trọng tâm, trong điểm trong từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Thứ ba, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại phải gắn kết với bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vì bản sắc văn hóa dân tộc là cốt lõi, là “sức mạnh nội sinh” của dân tộc.
Để thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, những nhiệm vụ sau được đặt ra trước mắt. Về pháp lý, rà soát, chỉnh lý, bổ sung các văn bản trong nước và các thỏa thuận hợp tác quốc tế về văn hóa. Về xã hội, việc tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, nhất là với thế hệ trẻ là cần thiết. Đồng thời kiên quyết ngăn chặn sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại, đồi trụy, phản động, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của VN, và chống lại sự xâm lăng về văn hóa. Về con người, chú trọng sử dụng các hệ giá trị văn hóa Việt để xây dựng con người có văn hóa.
Về quảng bá và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nghiên cứu, đề xuất các sản phẩm văn hóa tiêu biểu, chú trọng xây dựng các hình tượng mang tính quốc gia trong lĩnh vực văn hóa, giới thiệu ra thế giới những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng chiến lược truyền thông đi kèm với các hoạt động văn hóa, tranh thủ hợp tác của quốc tế và cộng đồng người VN ở nước ngoài để tạo ra hiệu ứng cao đối với mỗi hoạt động văn hóa.
Bên cạnh đó, việc học hỏi và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, các ý tưởng và kinh nghiệm của các nước trong việc giải quyết các vấn đề văn hóa-xã hội trong quá trình phát triển là cần thiết; góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân và đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước.
Về hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu về những xu hướng văn hóa lớn trên thế giới; về văn hóa, tập quán, thị hiếu của nhân dân các nước để thiết kế các chương trình văn hóa phù hợp và hiệu quả. Ngoài ra, tích cực, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các thể chế đa phương về văn hóa, đăng cai các sự kiện văn hóa lớn, ứng cử vào các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa; đồng thời làm sâu sắc hơn hợp tác song phương về văn hóa thông qua việc ký kết, triển khai các thỏa thuận hợp tác và tăng cường các chương trình hợp tác, giao lưu về văn hóa; cung cấp đầy đủ và thường xuyên các ấn phẩm quảng bá cho các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài và sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại cho công tác quảng bá.
Hội nhập quốc tế về văn hóa cần phải lấy con người làm trung tâm, do toàn dân thực hiện, phục vụ lợi ích của nhân dân và góp phần xây dựng con người có văn hóa. Cổ nhân có câu “ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”. Vì thế, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng con người VN yêu nước, cần cù và sáng tạo trong lao động, đồng thời tích cực học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển. Từ đó, thực sự đưa văn hóa trở thành sức mạnh mềm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phạm Cao Phong
Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại – UNESCO