Hội thảo Văn hóa 2022: Tuổi trẻ Việt Nam bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc
Nằm trong chương trình Hội thảo, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy, đã có đề xuất về phát huy vai trò tuổi trẻ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
* Tuổi trẻ Việt Nam bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Nói về giá trị của văn hóa, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho biết: Giá trị văn hóa truyền thống có vai trò to lớn trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay. Trong quá trình toàn cầu hóa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, các giá trị văn hóa Việt Nam đã và đang phát triển và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Điều đó đã mở ra cơ hội cho người dân Việt Nam được nâng cao tầm nhìn, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao sự hiểu biết về nền văn hóa thế giới, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, cùng với quá trình toàn cầu hóa, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam, nhất là việc giữ vững những giá trị văn hóa mang tính bản sắc của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa văn hóa trở thành động lực nội sinh của sự phát triển và quảng bá văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới. Nhiệm vụ đó có trách nhiệm rất lớn của thế hệ trẻ, những người được thụ hưởng nhiều giá trị của văn hóa, đồng thời là những người có khả năng sáng tạo lớn nhất, tiềm năng nhất, đông đảo nhất tạo ra những sản phẩm văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc.
Chia sẻ những việc làm của thanh niên trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, anh Bùi Quang Huy cho biết: Thời gian qua, tổ chức Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua các hoạt động tham gia tu sửa, tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tại địa phương; chỉnh trang khuôn viên các tượng đài, nghĩa trang, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ; tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên và nhân dân gìn giữ và phát huy các phong tục, tập quán tiến bộ, phù hợp với văn hóa dân tộc; xây dựng bản đồ số các di tích lịch sử của Đoàn và thanh niên;…
Với sự đầu tư mạnh mẽ, văn hóa đã trở thành “sức mạnh mềm” cho sự phát triển của đất nước. Nhiều sản phẩm văn hóa mang lại giá trị cao, đặc biệt là trên các nền tảng số, rất nhiều trong số đó là của những bạn trẻ. Trong đó, có ngày càng nhiều sản phẩm văn hóa “made in Việt Nam” đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, nhất là công nghệ số, ngày càng tạo dựng được niềm tin, sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Tiêu biểu như: Mô hình “Giờ ra chơi với các làn điệu dân tộc, điệu nhảy tập thể trong trường học” tại các trường học tỉnh Yên Bái; Gần 90% liên đội Trường Tiểu học ở thành phố Việt Trì đưa hát Xoan vào giảng dạy và 1 buổi ngoại khóa giao lưu với các nghệ nhân hát Xoan tại Phú Thọ; Dạy hát dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các Liên đội và cấp trung học phổ thông…
Thông qua đó, không chỉ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam trên trường thế giới, mà còn tạo nên những giá trị kinh tế to lớn từ những sản phẩm văn hóa. Tận dụng những công cụ có sẵn trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã xây dựng và thành công với việc quảng bá nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương trên không gian mạng.
* Chủ động đấu tranh luận điệu xuyên tạc
Đại biểu trao đổi, thảo luận bàn tròn và phát biểu ý kiến của một số đại biểu tại Phiên toàn thể. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Nhận định những nguy cơ, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đồng chí Bùi Quang Huy cho biết chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc với sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia khi những văn hóa lệch chuẩn không phù hợp với văn hóa Việt, những sản phẩm “độc hại” đang tác động và ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; các thế lực thù địch lợi dụng văn hóa, mạng xã hội, phim ảnh… để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, chế độ. Nếu không tỉnh táo, bản lĩnh, có sức đề kháng tốt, rất dễ bị cuốn theo các luồng thông tin tiêu cực, từ đó dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Vì vậy, tổ chức Đoàn đã kịp thời nắm bắt xu hướng, trào lưu, tâm trạng, suy nghĩ của thanh niên, từ đó kịp thời định hướng, tuyên truyền, giáo dục và giải quyết các vấn đề thanh niên quan tâm. Bên cạnh đó, với sự tổ chức của Đoàn, thanh niên đã rất tích cực trong tham gia đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái, lên án tin giả, tin xấu độc; chia sẻ thông tin chính thống; viết bài, bình luận phản bác và tham gia báo cáo sai phạm để loại bỏ khỏi mạng xã hội các thông tin thiếu chính xác, tiêu cực.
Đặc biệt, các cơ quan báo chí của Đoàn duy trì hiệu quả chuyên mục “Chống tin giả”, “Thời luận”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. Các cấp bộ đoàn xây dựng và duy trì các trang cộng đồng trên mạng xã hội để định hướng và cung cấp thông tin chính thống, phản bác thông tin xấu độc.
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 đã nêu rõ “… tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc”.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, còn một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện tiêu cực, đánh mất bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc; lãng quên, thờ ơ với văn hóa truyền thống; có cách nghĩ và lối sống thực dụng, đề cao vật chất. Đặc biệt, một số thanh niên suy thoái đạo đức nghiêm trọng, coi thường giá trị nhân văn, kỷ cương đạo lý, xa rời giá trị truyền thống, du nhập những hoạt động văn hóa tiêu cực, không phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Vì vậy, để giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được, thấm sâu các giá trị đích thực, những truyền thống văn hóa tốt đẹp, bồi đắp lòng yêu quê hương, đất nước, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay, trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xác định tập trung tăng cường giáo dục cho thanh thiếu niên về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc; ý thức về sứ mệnh, trách nhiệm xã hội; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, lao động, giải trí để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về thể lực, trí tuệ và tâm hồn; có tình yêu lớn và trách nhiệm cao đối với gia đình, quê hương và đất nước. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát huy vai trò quan trọng trong phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, tổ chức Đoàn tăng cường nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành với thanh niên trong chinh phục ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng cộng đồng kết nối giữa các doanh nghiệp và đoàn viên, thanh niên trong phát triển công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, Đoàn thanh niên tập trung bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội của đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp; tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng văn hóa, gắn với kiểm tra, giám sát, báo cáo, xử lý kịp thời các hành vi lệch lạc về văn hóa trong đoàn viên, thanh thiếu niên;…
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng đề nghị Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng xây dựng chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý để tạo lập các thiết chế văn hóa phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhất là trên môi trường mạng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tạo chính sách đột phá trong phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài, đặc biệt là tài năng trẻ Việt Nam, xây dựng chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa; đồng thời, chủ động, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan tới chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho nhân dân nói chung và thanh thiếu nhi nói riêng.
Ngoài ra, Đảng và Nhà nước cần có chủ trương và chính sách mạnh mẽ hơn nữa để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời, có chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân, nhất là doanh nhân trẻ quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa truyền thống dành cho thanh thiếu nhi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!