Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số – Thực trạng và giải pháp”

28/08/2018 | 13:32

Sáng 28/8, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã dự và chủ trì Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số – Thực trạng và giải pháp”.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, các nhà xuất bản; các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện người sử dụng thư viện và các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Văn hóa đọc – một bộ phận của Văn hóa – là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ, có nhân cách và thượng tôn pháp luật để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại – xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức và đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0”.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển đã đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc trong điều kiện Internet và công nghệ truyền thông đang ngày càng phát triển. Đó là vấn đề đặt ra để Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số – thực trạng và giải pháp” với mục đích đánh giá thực trạng nhu cầu đọc, xu hướng đọc của bạn đọc hiện nay cùng với việc đưa ra các giải pháp cho phát triển văn hóa đọc, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.

Trong buổi Hội thảo này, Bộ VHTTDL mong muốn nhận được ý kiến và tham luận trình bày của các nhà nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các cơ quan xuất bản, các nhà cung cấp giải pháp và những người trực tiếp làm công tác thư viện cùng trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp cho phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, ngày 15 tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Đây là bước cụ thể hóa thực hiện Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2020 với mục tiêu “Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”, góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước” mà Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI của Đảng đã đặt ra.

Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15 tháng 3 năm 2017; ngày 22 tháng 5 năm 2018, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1874/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số – Thực trạng và giải pháp”.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh – PGĐ thư viện tỉnh Bình Định trình bày tham luận tại Hội thảo.

Theo đó, hơn 10 tham luận đã được trình bày tại Hội thảo gồm: Tài liệu số trong công tác phục vụ bạn đọc: Thực trạng và giải pháp tại thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh; Giải pháp ứng dụng phần mềm nguồn mở cho mạng lưới thư viện huyện trên địa bàn tỉnh Bình Định nhằm thức đẩy văn hóa đọc trong kỷ nguyên số; Một số ý kiến đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cải thiện dịch vụ thư viện; Tìm hiểu phát triển của web cùng “Thế hệ thư viện” tương ứng và đề xuất mô hình thư viện đại học Việt Nam trong kỷ nguyên số; Thư viện trường Đại học Bách khoa Hà Nội phục vụ bạn đọc đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học; Thực trạng nhu cầu đọc, xu hướng đọc hiện nay và giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc trong kỷ nguyên số; Ảnh hưởng của thư viện đến văn hóa đọc và nhận thức về bản quyền trong sinh viên; Ý kiến chia sẻ về thông tin, dịch vụ thư viện trong nghiên cứu vĩ mô ở Việt Nam trong thời kỳcách mạng công nghiệp 4.0; Chuyển thói quen đọc sang smart phone- thay đổi thói quen đọc tạp chí điện tử của sinh viên đại học.

Các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề: Nhận dạng các tác động tích cực, thuận lợi và những hoạt động mang tính thách thức của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông đến văn hóa đọc nói chung, hoạt động thư viện nói riêng; Thực trạng vốn tài liệu điện tử/tài liệu số và các dịch vụ phục vụ người sử dụng của thư viện và những giải pháp phát triển văn hóa đọc tại các thư viện; giải pháp trong quản lý và tổ chức hoạt động nhằm triển khai kế hoạch của địa phương, Bộ ngành nhằm thực hiện các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc đã được đặt ra trong Đề án phát triển văn hóa đọc… đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm và mô hình hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển văn hóa đọc…

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm nhận dạng thực trạng, các cơ hội và thách thức trong việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông phát triển; nhu cầu đọc, xu hướng đọc và các yêu cầu đặt ra đối với các sản phẩm dịch vụ thư viện trong kỷ nguyên số. Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ thu thập các dữ liệu để góp phần xây dựng những định hướng, giải pháp cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số.

Lan Anh