‘Homestay’ ngày càng mất chất, biến tướng thành nhà nghỉ du lịch
Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang vừa đăng tải thông tin khuyến cáo các hộ kinh doanh và du khách cần hiểu đúng về các tiêu chí, tiêu chuẩn, việc đầu tư, kinh doanh loại hình dịch vụ homestay.
THÚY HẰNG
Theo đó, hiểu một cách thông thường, homestay là loại hình dịch vụ lưu trú mà khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân bản địa nhằm giúp du khách khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa, ẩm thực… tại địa phương.
Ở cùng người bản địa, khách du lịch sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với họ, được coi như là người nhà, được tham gia vào các công việc thường ngày cũng như các sự kiện, lễ hội tại đó. Đây là cách hữu hiệu để du khách nhanh chóng và trực tiếp hòa nhập, cảm nhận về vùng đất mà họ đang đến, không đơn thuần chỉ là tham quan.
Theo cách hiểu khác, homestay là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, tức lưu trú tại nhà dân, địa phương nơi khách đến, giúp nơi đó quảng bá văn hóa, con người và cảnh đẹp một cách chân thật và hiệu quả nhất.
“Khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà” cùng là yếu tố đã được quy định chi tiết đối với loại hình lưu trú này, theo Nghị định số 168 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Du lịch.
Để có thể kinh doanh loại hình này, các hộ gia đình có thể chỉ cần tự cải tạo ngôi nhà của mình đáp ứng các yêu cầu thiết yếu rồi xin giấy phép kinh doanh tại chính quyền địa phương và bắt đầu đón khách. Thông thường, mỗi gia đình có thể đón khoảng từ 10 đến 20 du khách (tùy thuộc vào quy mô) với giá dao động khoảng từ vài trăm nghìn, cũng có thể hàng triệu đồng cho một phòng (tùy quy mô, địa phương và trang thiết bị, dịch vụ…).
Dù chỉ dừng lại ở mức trung bình khá nhưng các dịch vụ tại homestay đều khá đầy đủ, phục vụ các nhu cầu cá nhân như ăn uống, nghỉ ngơi một cách thoải mái, dễ chịu với giá tốt nhất.
Loại hình du lịch homestay được đánh giá là đặc biệt phù hợp với các quốc gia đa văn hóa như Việt Nam, hiện nay đang phát triển tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long…
Tại Kiên Giang, loại hình này cũng xuất hiện khá nhiều, nhất là tại các vùng du lịch trọng điểm trong tỉnh, đặc biệt là tại các đảo (Phú Quốc, Lại Sơn), các quần đảo như Nam Du, Hải Tặc…
Theo đánh giá của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, thời gian đầu số lượng khách du lịch tìm đến trải nghiệm tại các homestay còn ít, các hộ gia đình ở các địa phương này đã đầu tư theo đúng nghĩa của loại hình homestay (như đã nêu trên). Tuy nhiên, do số lượng khách đến ngày càng tăng, sức chứa, không gian của hộ gia đình đã không còn đủ để phục vụ du khách nên “gia chủ” đã không còn giữ được đặc trưng của homestay theo đúng nghĩa của nó.
“Hầu hết các homestay đã đầu tư xây dựng thêm phòng nghỉ, cung ứng thêm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, dẫn đến các homestay dần dần biến thành nhà nghỉ du lịch với các dãy phòng nghỉ, thậm chí là xây cao tầng với nhiều phòng. Có thể thấy rằng, các homestay ở các đảo, các địa phương hiện nay chỉ còn mỗi biển hiệu là homestay, còn thực tế là đang kinh doanh loại hình nhà nghỉ du lịch” – Sở này nhận định.
Ngoài ra, lãnh đạo ngành du lịch tỉnh cũng lưu ý các đơn vị không phải cứ có nhà, có phòng, có dịch vụ là có thể kinh doanh đón khách. Muốn kinh doanh homestay đúng quy định của pháp luật, cần đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh đối với homestay, đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ các tiêu chuẩn quốc gia về Homestay.