Hư thực hầu đồng: Độc nhất vô nhị

Theo dấu những chiếu đồng mùa Covid-19, PV Thanh Niên phát hiện những câu chuyện thú vị ẩn sâu trong tín ngưỡng dân gian này.

Một thời, tín ngưỡng này bị xem là mê tín dị đoan nên cấm tiệt. Cơ chế thị trường mở cửa, giới làm ăn phát triển rầm rộ, người theo Mẫu chính cũng có, tà cũng đầy, lũ lượt ra trình đồng, mở phủ. Cao trào hầu đồng càng rộn ràng hơn khi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và quốc tế xướng tên. Viện cớ thế giới công nhận thực hành tín ngưỡng hầu đồng, nhiều ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử, kể cả giới nghiên cứu… tự nâng tầm, quy nạp tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu lên thành “quốc đạo” của người Việt (gọi tắt là Mẫu giáo – PV).

Người theo Mẫu hóa thân vào chính vị thần mà mình tôn thờ qua nghi thức đồng

Nghi thức tâm linh độc đáo

Tham dự một vấn hầu, theo con mắt người ngoại đạo, đó là sự kết hợp những yếu tố gây kích thích như âm nhạc, thuốc lá, rượu, không gian có cộng đồng bao quanh, cùng vũ đạo, diễn xướng đậm tính nghệ thuật sân khấu. Ở góc độ tâm linh, hầu đồng chỉ là một nghi thức trong chuỗi hoạt động của tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu. Nghi thức này được biểu hiện ngày càng cuốn hút, đậm khác biệt ở từng phủ đền cả nước.

Xem lên đồng rất vui. Ở đền Bạch Mã (76 phố Hàng Buồm, Hà Nội), đến mùa hội đền kiểu gì cũng có vài ba đồng thầy ra trình đồng. Du khách Tây ta ra vào nườm nượp. Dân ta nghe hát văn hiểu ca từ đã đành, dân Tây nghe mù tịt, nhưng cảm xúc giống nhau là hoan hỉ, ai nấy đu đưa, lắc lư theo làn điệu chầu văn bên cạnh đồng thầy đang khí thế chân sáo nhảy.

Đồng là trẻ em (tâm hồn trong trắng), cốt là xương (xác). Đồng cốt là những người “hạp căn”, có tâm hồn trong trắng, làm trung gian để thần linh mượn xác về ngự và phán truyền, khuyên dạy.

Nghiên cứu hầu đồng ở VN từ năm 1998, GS-TS Laurel Kendall – trưởng bộ môn nhân học Bảo tàng Lịch sử tự nhiên – Mỹ, cho biết: “Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian phổ biến ở VN. Mẫu là vị tối thượng, mọi người có thể tìm đến để chia sẻ những rắc rối, hy vọng, ước muốn. Điểm hấp dẫn nhất của tín ngưỡng này là nghi lễ lên đồng. Đây là nghi thức tâm linh độc đáo, khi ông đồng bà cốt mặc trang phục của thần linh, nhảy múa trong âm nhạc và lời ca miêu tả vị thần đó. Mọi người tận hưởng bầu không khí lễ hội vui tươi, say mê theo dõi hàng giờ không biết mệt vì được sống trong không gian tín ngưỡng độc đáo của riêng họ”.

Với các tôn giáo khác, tín đồ khi tham gia bất kỳ nghi lễ nào vẫn chỉ là chính họ. Riêng với tín ngưỡng thờ Mẫu, người theo trở thành chính thần chủ mà họ đang tôn bái trên bàn thờ. Trong một khóa hầu kéo dài một hai ngày, thậm chí là vài giờ, họ có khả năng trở thành 36 vị thần, tương ứng với 36 giá đồng của hàng mẫu, hàng quan, hàng ông hoàng, các cô, các cậu…

Đang là người bình thường nhưng khi khoác lên trang phục giá thánh, bỗng trở thành ông nọ – bà kia, anh linh ngời ngời, có con nhang đệ tử xì xụp khấn vái, lại còn được phán truyền những điều kinh thiên động địa… tất cả chỉ có thể tồn tại trong tín ngưỡng dân gian hầu đồng.

Người viết từng tham gia một buổi lên đồng ở đền Mẫu Thoải (Ngọc Thụy, Hà Nội), thanh đồng trẻ măng, khoảng 20 tuổi, tóc xanh tóc đỏ, ấy mà khi loan giá ông Hoàng Mười, bắc ghế ngồi phán truyền, mặt phừng phừng bày tỏ không hài lòng về quyết sách… Chính phủ, lại còn chỉ ra cửa bảo các anh hùng dân tộc (nêu một số tên ai cũng biết) đang ngồi đợi ở dưới, nhưng ta chưa cho vào hầu. Con nhang đệ tử, cùng các cụ bà, cả những chức sắc đương nhiệm xã hội đang tham dự vấn hầu, cứ chắp tay xá rần rần, miệng rì rầm: Con lạy ông, con lạy ông!

Hư thực hầu đồng: Độc nhất vô nhị

Ngoài yếu tố tâm linh, hầu đồng mang đậm tính nghệ thuật với sự kết hợp của vũ đạo, âm nhạc

Chân phương, hiện sinh

Không giáo chủ, không kinh sách, không tư tưởng đồng nhất… tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu được thực hành, truyền đời theo cách chân phương, gần gũi cuộc sống đời thường.

Lập lờ công nhận của UNESCO

Nhiều người theo Mẫu thường bỏ đi chữ “Thực hành” nhằm tăng thêm tính long trọng cho tín ngưỡng (vì được thế giới công nhận), kỳ thực để giấu ý đồ riêng, không loại trừ trục lợi, mê tín.

Tôn giáo, tín ngưỡng có được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể? Câu trả lời là KHÔNG. Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ghi rõ những yếu tố được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể gồm:

a. Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, bao gồm ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể

b. Nghệ thuật trình diễn

c. Tập quán xã hội, nghi lễ và các sự kiện lễ hội

d. Kiến thức, tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ

e. Nghề thủ công truyền thống.

Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, từ 2013 đã có tên tín ngưỡng thờ Mẫu. Tháng 12.2016, UNESCO công nhận “THỰC HÀNH tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” thành di sản văn hóa phi vật thể toàn nhân loại.

Các tôn giáo khác thường cầu cho con người sự vĩnh hằng sau khi rời trần gian, tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ cần thực tế, ngay khi đang sống trên

Các tôn giáo khác thường cầu cho con người sự vĩnh hằng sau khi rời trần gian, tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ cần thực tế, ngay khi đang sống trên thế giới trần tục này, Mẫu sẽ ban phát cái người đời cần. Do vậy, nhiều người theo tín ngưỡng này rất hiện sinh, thực dụng.

Đến điện thờ tại tư gia to như lâu đài trên khu đất gần 2 ha ở vùng ven Hà Nội, bà cốt Diệu K. cho hay đã hơn 20 năm bắc ghế hầu thánh. Bà Diệu K. sở hữu ba công ty có số má trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Ngay trước buổi trình đồng, tôi hỏi K. xin gì? Bà chị nói thẳng tưng: “Tao xin tiền, đời tao chỉ thích tiền”. Thế còn sức khỏe , bình an? Bà cốt không ngần ngại: “Tao mà không có tiền, công ty chết gí, ở đó mà bình với chả an”.

Khoảng hai thập niên trở lại đây, hoạt động hầu đồng dần cởi mở, nhiều nhà nghiên cứu lý giải, thậm chí quy nạp tín ngưỡng này thành “đạo”. Với lập luận Mẫu chính là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa. Mẫu là mẹ, là nơi thể hiện tình mẫu tử, nên các quốc gia trên thế giới không ai không tôn thờ mẹ. Từ quy nạp ấy, chiếu vào tín ngưỡng thờ Mẫu, đã không ít đồng thầy, con nhang đệ tử tự nhận tín ngưỡng dân gian này thành “quốc đạo”, nhất là sau khi UNESCO công nhận việc “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ” của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể toàn nhân loại.

Kết luận này thiếu cơ sở khoa học. Hãy để tín ngưỡng dân gian này phát huy cái hay, cái đẹp trong việc thực hành nghi lễ, cùng những lưu truyền về tích truyện giá thánh trong nghi thức hầu đồng thông qua diễn xướng, trang phục, làn điệu chầu văn… hẳn sẽ hay và ý nghĩa hơn nhiều so với những quy nạp nhất thời, vội vã.

(còn tiếp)