Huế – vùng đất đậm đặc văn hóa

Huế là vùng đất đậm đặc văn hóa. Đây chính là lực đẩy để Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa.

Huế là vùng đất đậm đặc văn hóa. Đây chính là lực đẩy để Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa.

 

Huế sẽ phát triển theo hướng “thành phố di sản”. Ảnh minh họa

Huế sẽ phát triển theo hướng “thành phố di sản”. Ảnh minh họa

 

Theo “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, Thừa Thiên Huế “là đất Việt Thường thị”. Đây là một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang – Nhà nước đầu tiên của người Việt cổ. Tiếp đó, vùng đất này trở thành một bộ phận của vương quốc Chămpa và sau đó lại được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Mảnh đất Huế sau đó từng là thủ phủ và kinh đô của ba thế lực phong kiến Việt Nam (Chúa Nguyễn, Tây Sơn và triều Nguyễn). 

 

Ngày nay, Huế có 5 di sản thuộc 3 loại hình khác nhau được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Đó là: Quần thể di tích cố đô Huế (1993 – di sản vật thể), Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 – di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 – di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 – di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 – di sản tư liệu). Bên cạnh đó, Huế còn có 2 di sản chung với các địa phương khác là Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Bởi vậy, trên thực tế, Huế có tới 7 di sản đã được UNESCO vinh danh, trong đó Quần thể di tích cố đô Huế là Di sản thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên của Việt Nam. 

 

Huế có làng cổ Phước Tích, đã hơn 500 năm tuổi, được đánh giá là ngôi làng vẫn gìn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt làng quê cổ Việt Nam. Ở Việt Nam chỉ có thêm làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) nằm vào thể loại này nhưng đã được phản ánh là đã bị đô thị hóa một phần. Bên cạnh đó, Huế có đến hai khu phố cổ là Bao Vinh và Gia Hội. Đối với phố cổ Gia Hội, đây là cả một hệ thống nhà cổ, nhà vườn, chùa chiền, phủ đệ… đặc trưng của người Huế xưa. Còn đối với khu phố cổ Bao Vinh, nơi đây từng là một thương cảng nhộn nhịp nhất xứ Huế, có phần sầm uất hơn cả Hội An của Quảng Nam. 

 

Huế có thế mạnh di sản văn hóa Pháp. Huế hiện có nhiều công trình tiêu biểu thuộc thể loại này như các kiến trúc hiện tọa lạc tại Trường Quốc học, Sân vận động Tự Do, Ga Huế, Khách sạn Sài Gòn Morin, Nhà thờ Giáo xứ Phủ Cam, Tòa Tổng Giám Mục Huế… 

 

Huế có kiến trúc của người Hoa rất tiêu biểu. Chỉ tính riêng con đường Chi Lăng của thành phố Huế ngày nay đã có các công trình kiến trúc người Hoa đẹp không kém cạnh các công trình cùng loại ở Hội An (Quảng Nam). Từ đền Chiêu Ứng, Chùa Bà, Chùa Quảng Đông đến Hội quán Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quảng Triệu đều được xây dựng rất công phu, uy nghi và tráng lệ.

 

Huế có Chùa Từ Đàm – được xây dựng năm 1690, đời chúa Nguyễn Phúc Thái. Chùa trở thành trung tâm phật học lớn của cả nước, hàng trăm Niệm Phật đường và các khuôn hội thành lập sau này đều lấy bài trí cấu trúc và cách thờ tự của Chùa Từ Đàm làm khuôn mẫu. Bên cạnh đó, Chùa Báo Quốc – được xây dựng từ thế kỷ XVII thời chúa Nguyễn Phúc Khoát lại là trung tâm đào tạo tăng tài cho phật giáo cả nước. Đặc biệt, chùa trở thành nơi đầu tiên thành lập Trường Sơ đẳng Phật học (1935) và Trường Cao đẳng Phật học (1940) của cả nước. Nhiều ngôi chùa Huế cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục. Đó là, Chùa Thánh Duyên xác lập hai kỷ lục: Ngôi chùa có pho tượng Thập bát La Hán bằng đồng xưa và lớn nhất, Ngôi chùa có bộ tượng Thập bát La Hán bằng tre thếp vàng xưa nhất; Chùa Thiên Mụ xác lập hai kỷ lục: Ngôi chùa có tấm bia thời Lê Trung Hưng lớn nhất Việt Nam, Tháp bát giác cổ cao nhất Việt Nam; Chùa Hà Trung sở hữu hai kỷ lục: Ngôi chùa có tượng Bồ tát Quan Thế Âm bằng sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam…

 

Huế có Chợ Đông Ba, sánh ngang với Chợ Đồng Xuân (Hà Nội), Chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh). Chợ hình thành từ năm 1899, dưới thời vua Thành Thái. Chợ sớm trở thành trung tâm thương mại lớn nhất chốn Kinh thành Huế, ảnh hưởng và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế thương mại của các huyện, thị của Huế và các tỉnh miền Trung. Năm 2013, chợ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận “Top 5 chợ đặc trưng ba miền được nhiều du khách đến tham quan mua sắm nhất”.

 

Huế có hai cây cầu độc đáo. Đó là cầu Trường Tiền và cầu ngói Thanh Toàn. Trần Kiêm Đoàn, một nhà nghiên cứu Huế đã từng nhận định về cầu Trường Tiền rằng: “Đến Huế mà chưa đứng trên cầu là chưa vô tới Huế, chỉ mới tạt qua Huế mà thôi”. Còn so với Chùa Cầu ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), cầu ngói Thanh Toàn đẹp và thanh thoát không kém. Cầu được xây theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu), gồm 7 gian, mái được lợp bằng ngói lưu ly.

 

Huế còn có khu lăng mộ thái giám ở Chùa Từ Hiếu, được xem là “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Huế còn có tranh dân gian làng Sình và pháp lam Huế, những “chất Huế” rất riêng.

 

Huế là nơi ra đời chiếc áo dài quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam hiện nay. Từ năm 1744, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài đã ra đời và trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong. Sau đó, dưới thời nhà Nguyễn, trang phục này đã lan rộng khắp cả nước, trở thành quốc hồn quốc túy. Hiện nay, đề án “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam” đang được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng với nhiều hoạt động rộng khắp và phong phú.

 

Huế có Ca Huế. Đây là sự giao thoa, tiếp thu văn hóa giữa nhã nhạc cung đình và ca hát dân gian xứ Huế. Ngày 22/9/2015, Ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và sắp tới tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

 

Theo thống kê, Huế chiếm 1.300/1.800 món ăn tại Việt Nam. Bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh bột lọc nhân tôm, thanh trà, mè xửng, chè hạt sen, ruốc, tôm chua và tré là 10 đặc sản ẩm thực lọt vào top Đặc sản Việt Nam lần thứ nhất (2012). Đặc biệt, bún bò là một trong số 12 món ăn Việt Nam được xác lập Kỷ lục châu Á trong năm 2012. Bên cạnh đó, có ít nhất 30 đến 50 món chay ở Huế. Hiện nay đề án “Huế – Kinh đô ẩm thực” đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế hợp tác với Công ty Cổ phần Đại Nam – Thái Y Viện “khởi động” với mục đích hướng đến sự bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế, nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới.

 

Nền văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế có các giá trị và vị thế nổi bật so với cả nước. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế nhận định rằng: “Huế có nhiều nhà văn hơn so với nhiều vùng miền vì đặc thù của vùng đất cố đô. Huế cũng đi trước so với các nơi khác trong vấn đề văn học nghệ thuật từ sau Cách mạng tháng Tám cũng vẫn vì lý do đó”. 

 

Huế là thành phố Festival của cả nước. Festival Huế là sự kiện văn hóa lớn nhất của Huế nhưng lại mang tầm vóc quốc gia và thế giới. Năm 2000 là kỳ Festival đầu tiên của Huế. Đề án xây dựng “Thành phố Huế thành thành phố Festival” cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, với mục tiêu chung là “Xây dựng thành phố Festival Huế mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam; xây dựng Huế trở thành thành phố du lịch trong mối gắn kết hài hòa với thành phố Festival. Thành phố Festival Huế là động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Các kỳ Festival Huế về sau càng hoành tráng hơn các kỳ trước với các đoàn nghệ thuật, chương trình tham gia biểu diễn tăng cả về chất lượng lẫn tính chuyên nghiệp.

 

Bên cạnh là thành phố Festival, thành phố Huế còn có danh hiệu “Thành phố Văn hóa của ASEAN” nhiệm kỳ 2014 – 2015, và là thành phố đầu tiên của Việt Nam đảm đương nhiệm vụ này. Theo tiêu chí, thành phố được tặng danh hiệu này phải có lịch sử và văn hóa phong phú, phát triển cả về nghệ thuật và đô thị.

 

NGUYỄN VĂN TOÀN