Hùng Vương tứ hiếu Bài 2: Tản Viên Sơn Thánh
Mục lục bài viết
Nhờ hiếu với mẹ đẻ mà được phép thuật gậy thần
Cuốn ngọc phả của núi Ba Vì là Tản Lĩnh ngọc ký kể, Tản Viên Sơn Thánh có tên là Nguyễn Tuấn, sinh ra ở động Lăng Sương (nay thuộc Thanh Thủy, Phú Thọ).
Khi Nguyễn Tuấn 6 tuổi thì cha mất. Bảy tuổi, mẹ con dắt nhau đến núi thiêng Thứu Lĩnh Ngọc Tản ở xứ Mang Bồi mà ngụ cư tại đó. Lại kết thân cùng với một lão bà ở núi ấy tên là Ma Thị Cao Sơn Thần nữ. Được ba năm, nhớ đến mộ phần gia đình, bèn trở về động cũ Lăng Sương, đổi tên là Nguyễn Tùng.
Khi lên 12 tuổi Nguyễn Tuấn bắt đầu theo nghiệp với tiên sinh Lý Đường chuyên tâm học hành. Tuy là ngõ cụt ngách hẹp nhưng tính tình vui vẻ vốn có không đổi. Ngày ngày kiếm góp cây khô, búa rìu tiêu dao làm kế sinh nhai. Đêm đêm bên án tuyết song huỳnh một bầu rượu ngon làm thú vị. An bần lạc đạo, coi đó như chí lớn vậy. Tuy nhiên đôi khi cảm thương mẹ vất vả, xót xa mẹ cực nhọc, nên thường bỏ sách thở dài, gạt nước mắt mà rằng:
– Sinh ra ta, nuôi nấng ta là lòng yêu thương của mẹ hiền, sánh như chuyện ba lần di dời. Nay tình cảnh như thế này, không có gì để an ủi mẫu thân.
Tản Lĩnh Sơn Ngọc phả của đền Và, Sơn Tây.
Lời của Nguyễn Tuấn nhắc đến tích “Mạnh Mẫu tam thiên” kể mẹ của Mạnh Tử đã 3 lần dời chỗ ở để con mình có môi trường sống và học tập tốt nhất. Người sinh ra Thánh Tản là bà Đinh Thị Điêng (Đen), đã vất vả một mình nuôi con khôn lớn, ăn học, từng phải dời quê lên núi kiếm kế sinh nhai.
Ngày qua năm lại, Nguyễn Tuấn mới đến núi thiêng Ngọc Tản kêu than với lão bà Ma Thị rằng:
– Ô hô! Vận trời tuần hoàn, việc người thường biến. Trước đây ở động Lăng Sương khó khăn, tạm còn đủ ăn. Ngày nay, rừng đã cạn củi, cách nuôi mẹ như chim yến đợi mồi. Chí tình của người con có hiếu biết làm sao đâu. Con nguyện xin làm con nuôi của Lão bà để ngày tiện hái củi, sau là có thể nuôi dưỡng được mẹ nuôi vậy.
Lão bà nghe lời than đó bèn đồng ý. Nguyễn Tùng dẫn mẹ đến cùng ở trên núi Tản Viên. Sau đó được 1 năm thì Thái bà qua đời. Nguyễn Tùng làm lễ chôn cất. Sau cùng với Lão bà Ma Thị cùng sống tại đó.
Nguyễn Tùng để phụng dưỡng được mẹ già đã nhận lão bà Ma Thị làm mẹ nuôi. Khi bà Đinh Thị mất, Nguyễn Tùng sống cùng với dưỡng mẫu ở trên núi Tản Viên, hàng ngày lên núi kiếm củi.
Tản Viên Sơn Thánh và Đinh Phi Thánh Mẫu ở đền Lăng Sương.
Một hôm lên đỉnh núi thiêng để chặt một cây lớn cành dài. Ngày hôm đó quay về báo cho người trong động cùng lên trên núi để lấy cây gỗ đó, nên tới hôm sau đến nơi thì đã thấy cây gỗ cành lá tươi tốt y như cũ. Nguyễn Tùng tự thấy làm lạ, lại chặt cây một lần nữa. Chặt xong giả vờ đi rồi quay về phục ở đó để xem xét. Tới ban đêm bỗng thấy một lão ông thân cao một trượng, râu trắng phơ, đầu đội mũ hoa, mình khoác áo gấm, lưng thắt đai vàng, chân xỏ hài mây, tay phải cầm một cây gậy trúc…
Ông lão miệng đọc thần chú, lấy gậy chỉ vào cây. Bỗng thấy tất cả một bên gió mát thổi đến, lành mây bao phủ, tinh thần của rừng núi hội tụ, đất trời biến hóa trong chớp mắt. Cây gỗ sống lại. Nguyễn Tùng nhìn thấy rõ ràng, liền chạy ngay lại nơi đó, hai tay ôm lấy ông lão, hỏi rằng:
– Cụ là người ở đâu đến, xưng hô thế nào? Sao lại thương tiếc một cành cây già để mất nỗi trông mong của người dân đói rét?
Ông lão nói:
– Ta là Sơn Tinh Thái thần, tên là Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi Thiên tướng, vâng nhận sắc hạ của Ngọc Hoàng, canh giữ vùng rừng núi. Nay cái cây này là cây Ngô đồng quý giúp đời sinh thánh, đất dựng lầu phượng, chính là cây chủ của núi Ngọc Tản trời Nam, không thể chặt được. Cho nên ta phải giữ cây quý để cầu cho núi sông được vững bền, quốc gia được trị lâu dài bởi vua sáng, để thiên hạ có những ngày thái bình vậy.
Nguyễn Tùng chắp tay tạ và nói:
– Một lời nói của Thiên tướng đã sáng tầm nhìn của tôi. Đâu dám không theo mệnh. Đúng là sự đời như ngựa hoang, thói đời như phù du. Có có không không, sinh sinh hóa hóa. Cơ vi khó ngờ, sự đổi khác thường. Cả trời đất này cùng chung lý đó. Tùng tôi nay nguyện được nhận gậy thiêng cùng với thần chú để cứu sự sinh tử của nhân gian, để báo ơn sâu của cha mẹ, sau là để nhờ được ban phép mà không còn phải hái củi nuôi mẹ.
Ông Lão nghe lời nói đó, biết là người đại hiếu, không phải là người thường, bèn lấy gậy thần cùng thần chú truyền thụ cho. Rồi lại dặn rằng:
– Đầu trên của gậy có thể cứu người. Đầu dưới có thể trừ hại chúng. Chỉ đất đất nứt, chỉ nước nước cạn. Phép thực linh nghiệm, cơ sâu diệu huyền. Nếu chỉ trời thì mây bạt sương tan, chiếu tận cửu trùng. Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận! Không thể! Không thể!
Dặn xong, thần Thái Bạch bay lên không mà đi. Nguyễn Tùng từ khi có được gậy thần, vui mừng trở về động núi Tản Viên, bái tạ mẹ nuôi, lại đem mộ cốt của mẹ về động cũ Lăng Sương. Nhân đó tự xưng là Thần sư.
Nguyễn Tùng với lòng thành báo hiếu cha mẹ, cứu giúp chúng sinh đã cảm động Thái Bạch Thần Tinh và nhận được cây gậy thần đầu sinh đầu tử trên núi Tản. Từ đó Nguyễn Tùng trở thành Thần sư, có phép thuật không lường. Cũng bởi có lòng nhân đức, Thần sư đã cứu sống con rắn bị đám trẻ chăn trâu đánh chết bên bãi sông Đà, để rồi rắn hóa ra là Thái tử Long cung, dẫn Thần sư xuống Thủy phủ, được Động Đình Đế Quân đền ơn đáp nghĩa bằng cuốn Sách ước diệu kỳ.
Tỏ lòng hiếu với mẹ nuôi nên được truyền đất nước
Lại nói Thần sư trở về động Lăng Sương, gậy chú để cầu, sách thần để ước, tự nhiên hóa sinh thành lầu gác vạn vật, vàng bạc châu báu, đầy đủ mang tới núi thiêng Ngọc Tản. Thần sư nói với Lão bà rằng:
– Nghĩa tử từ lúc hàn vi cùng ở với mẹ. Công đức của mẹ lớn như trời vậy. Được một bữa cơm cũng tất đền đáp, huống chi là ơn sâu huệ dầy. Sao có thể quên tình? Hôm nay đến đây cảm vận thần vận quỷ, có ít nhiều là để báo công đức này.
Bèn lấy sách thần ngầm khấn trời đất, đọc ước một phép. Tự nhiên một trận mây mưa ập đến, sấm chớp nổi lên cùng sấm vang dậy trời, mưa châu ngọc khắp đất. Được nửa canh giờ bỗng thấy tiền vàng từ không trung rơi xuống trăm vạn ngàn quan. Thần sư lấy mang vào cung dâng cho dưỡng mẫu.
Đền Trung Ba Vì.
Chính điện đền Trung Ba Vì.
Thần sư khi đã thành pháp, được cả gậy thần trên núi, sách ước dưới biển, nhưng vẫn không quên ơn cha mẹ, tìm cách báo hiếu dưỡng mẫu một cách đầy đủ nhất.
Dưỡng mẫu thấy tấm lòng nhân hậu, ngầm mừng muôn việc đủ đầy. Bèn đem các vật rừng núi trao lại cho Thần sư để mình sau khi trăm tuổi có nơi thờ phụng, cúng tế. Nhân đó lập một bản chúc thư để mãi ngàn vạn đời coi giữ việc hương lửa miếu đường.
Thần nữ Ma Thị Cao Sơn ở núi làng quê Mang Bồi, sách Thủ Pháp, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hóa, nước Văn Lang nay lập chúc thư.
Sự là ở tại động này, núi sông, khe suối, miếu mạo, cỏ cây, rừng rú, trước giờ đến nay đều là của tôi. Nghĩ mình sau khi trăm tuổi, thân về chốn Bồng Lai, tất việc hương hỏa xuân thu không ai phó thác phụng sự gia đường.
Năm nay đang là năm Quý Dậu, có một người con nuôi quê ở cùng huyện tại động Lăng Sương là Nguyễn Tuấn, từ nhỏ đã chung sống xem như con đẻ. Nay Ma Thị tôi tuổi đã ngoài 90, chỉ sợ mệnh trời chưa biết sớm tối ra sao, muốn kê khai ra đây mọi vật, nhất nhất ghi rõ trong chúc thư, giao lại cho Nguyễn Tuấn tuân theo mệnh của mẹ mà coi giữ các vật trong núi, mãi mãi không rời, lưu truyền vạn đời để làm hương hỏa phụng thờ. Trời đất có lẽ, xưa nay có luật, nên lập một đạo để lại ý này này cho người đời sau mãi tuân theo. Những nơi sở hữu núi sông, đất đai, khe suối, miếu mạo, cao rộng trượng xích thế nào đều được kê khai như sau, cứ chiếu theo đó mà sử dụng…
Hai Mẫu của Thánh Tản ở đền Tứ Đền, Lương Sơn, Hòa Bình.
Lại một lần nữa, tấm lòng nhân hậu và hiếu hạnh của Thánh Tản nhận được đáp đền xứng đáng. Lão bà Ma Thị đã để lại toàn bộ đất đai rừng núi sông ngòi giao cho Thánh Tản. Đây có thể xem như Thánh Tản đã được trao quyền cai quản toàn bộ vùng núi Tản Viên, trở thành một thủ lĩnh của đất nước.
Được 1 năm, Ma Thị mắc bệnh, gọi Thần sư lại đưa cho chúc thư mà rằng:
– Sau khi Ma Thị ta mất, con đặt cho một cỗ thọ đường ở trong miếu đường để phụng sự, để cho tỏ hiếu đạo.
Thần sư dập đầu lĩnh mệnh. Ngày hôm đó Ma Thị qua đời. Thần sư làm lễ an táng, thiết lập đền miếu, lại bày một cỗ thọ đường ở bên trái, bốn mùa hương lửa phụng thờ theo phép tắc. Đến nay hiện vẫn còn.
Cỗ quan tài của Ma Thị Cao Sơn Thần nữ bày trên đền Trung Ba Vì là minh chứng cho tấm lòng hiếu thảo của Thánh Tản, đã được trời đất, sông núi và người ủng hộ. Thánh Tản 3 lần thành đạo, thành nghiệp cũng đều là từ lòng hiếu và nhân của mình. Nhờ có gậy thần, sách ước và đất đai vùng núi Tản mà Sơn Thánh đã cùng nhân dân chống lũ lụt thành công, đánh thắng quân Thục, lên ngôi thay vua cha thống nhất thiên hạ. Tản Viên Sơn Thánh đã làm nên một thời mở nước huy hoàng, trở thành vị Thánh Tổ trời Nam.
Bài thơ trong Ngọc phả sách Tang Ma có đoạn ca ngợi Tản Viên Sơn Thánh:
Thế thời vua trị, Đường Nghiêu thịnh
Quảng đại Sơn Tinh, Ngu Thuấn vang.
Theo trời là Tiên, người là Thánh
Trung thần với nước, hiếu gia đường.
(còn nữa)