Hưng Yên phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa truyền thống

Hưng Yên có 1.802 di tích các loại, trong đó 260 di tích xếp hạng cấp tỉnh,175 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 03 di tích xếp cấp quốc gia đặc biệt, 06 bảo vệ quốc gia, 02 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch gắn với văn hóa. Ngoài ra, trong những năm qua, ngành du lịch Hưng Yên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp của các sở, ngành liên quan trong hoạt động phát triển du lịch. Nhiều dự án giao thông quan trọng là cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng.

Sở VHTTDL Hưng Yên đã có báo cáo số 103/BC-SVHTTDL về tình hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa truyền thống, bao gồm những chính sách cụ thể sau:

Chính sách hỗ trợ đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa

Định kỳ hàng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hưng Yên phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức từ 1- 2 lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho người làm công tác du lịch từ tỉnh đến cơ sở, các thuyết minh tại các di tích lịch sử, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có lồng ghép nội dung bảo tồn và phát triển văn hóa; số lượng mỗi lớp khoảng 100 học viên. Thời gian tổ chức từ 1- 2 ngày để thuận tiện cho các học viên tham gia. Kinh phí tổ chức lớp từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Sở hàng năm.

Hưng Yên phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa truyền thống - Ảnh 1.

Du khách tham quan đền Chử Đồng Tử – Ảnh minh họa – Nguồn: https://hovi.vn/

Chính sách hỗ trợ bảo tồn văn hóa dân tộc phục vụ phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát triển bền vững văn hóa (về nghiên cứu bảo tồn giá trị văn hóa, ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, nhạc cụ, đạo cụ, phong tục tập quán, tri thức dân gian, làng nghề…)

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hưng Yên đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản (Đề án, kế hoạch, Chương trình…) nhằm cụ thể hóa chính sách, chỉ đạo của Đảng và nhà nước về công tác bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch trong ngắn hạn và dài hạn như: Nghị quyết số 13- NQ/TU ngày 08/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 178/ KH-UBND ngày 23/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án đầu tư tu bổ, xuống cấp di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020….

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hưng Yên đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc như Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh, Trung tâm Xúc tiến Du lịch… đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, tuyên truyền nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Hàng năm, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp được giao, các phòng, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn như nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, quảng bá, truyền dạy, phục dựng nhiều loại hình di sản văn hóa tiêu biểu, có sức thu hút cộng đồng cao như: Ca trù, Trống quân, … Công tác số hóa di sản, đầu tư hệ thống trang thiết bị, xây dựng ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa được ngành văn hóa, thể thao và du lịch chú trọng, từng bước thực hiện theo Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ ban hành.

Công tác đào tạo, truyền dạy cho cộng đồng các loại hình nghệ thuật như Ca trù, Trống quân…được ngành văn hóa đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các huyện, thị, thành phố tổ chức các lớp truyền dạy Ca trù, Trống quân cho đối tượng là học sinh, giáo viên, những người ưa thích loại hình văn hóa dân tộc thu hút hàng 100 người tham gia; Tổ chức giao lưu, giới thiệu loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Chính sách quy hoạch, đầu tư hỗ trợ phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo tồn môi trường văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch (về hệ thống đèn, điện, wifi, đường, chuồng, trạm, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, biển chỉ dẫn….)

Quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị di tích được tỉnh quan tâm thực hiện như: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch; Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ ½.000 Khu văn hóa, du lịch và dịch vụ thể dục, thể thao Chử Đồng Tử….Ngày 26/01/2018 UBND tỉnh ban hành Quyết định 380/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó quy hoạch thành các khu du lịch chính như: Khu du lịch cấp quốc gia Phố Hiến; Khu du lịch cấp tỉnh Đa Hòa-Dạ trạch; Khu du lịch cấp tỉnh Cây Đa và Đền thờ La Tiến; Khu du lịch cấp tỉnh Ecopark Văn Giang. Ngoài ra còn có quy hoạch các điểm du lịch như: Điểm du lịch di tích đền Đậu An, di tích đền Phù Ủng, khu du tích Hải Thượng Lãn Ông, cụm di tích chùa Nôm…

Nhiều dự án giao thông đã được thi công và đưa vào triển khai như: Cải tạo nâng cấp QL38 (dự án VRAMP), cầu Hưng Hà; thực hiện dự án thay thế cầu yếu: cầu Lực Điền trên QL 39,cầu Tràng, cầu Cáp trên QL 38B; đường trục (ĐT.386), ĐT.382; đường trục kinh tế Bắc-Nam; triển khai công tác lập dự án đầu tư tuyến đường nối vành đai V thủ đô Hà Nội với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, tuyến đường ĐT.386, ĐT.387….hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ ở tỉnh Hưng Yên: dự án xây dựng đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (thông xe tháng 01/2019), dự án hoàn thành kết nối với dự án cầu Hưng Hà và dự án thành phần tỉnh Hà Nam tạo thành tuyến đường nằm trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đây là tuyến đường quan trọng kết nối liên thông giữa tỉnh Hưng Yên với các tỉnh trong khu vực, nhất là TP Hà Nội, Hải Phòng và đặc biệt là tạo động lực kết nối giữa quần thể khu du lịch Tam Chúc Ba Sao của tỉnh Hà Nam với khu du lịch Phố Hiến của Hưng Yên.

Chính sách hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, kết nối sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa truyền thống

Quảng bá, xúc tiến du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch. Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt Đề án tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, trong đó, tỉnh đã dành một phần lớn ngân sách nhà nước cho hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức như: Video clip, các ấn phẩm du lịch, tham gia hội chợ triển lãm về du lịch và đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin (trang thông tin điện tử, youtube,facebook,zalo, giải pháp du lịch thông minh…).

Ngoài ra, hàng năm Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hưng Yên thường xuyên phối hợp với Tổng cục Du lịch cùng các đơn vị có liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo khảo sát xúc tiến điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh như các điểm di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống….