“Hương Xuân vùng cao” tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam – Khác – Ban Dân Tộc (Tiếng Việt)

“Hương xuân vùng cao” là chủ đề hoạt động tháng 1 được tổ chức từ ngày 1 – 31/01/2022 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) nhằm giới thiệu không khí đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc.

Đồng bào Tà Ôi giới thiệu sản phẩm dệt zèng – tinh hoa nghề thủ công truyền thống (Ảnh Thanh Hà)

Các hoạt động có sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 13 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của các địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Nghệ An, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng).

“Hương xuân vùng cao” là chủ đề hoạt động tháng 1 được tổ chức từ ngày 1 – 31/01/2022 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu không khí đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc.

Đồng bào Tà Ôi tái hiện nghi thức cúng dâng tấm Zèng tới du khách tham quan

Đến với “Hương xuân vùng cao”, du khách có cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu những nét văn hóa, giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống qua nét đẹp nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại “Ngôi nhà chung”, các hoạt động truyền thống đón Tết vui xuân, đặc trưng các dân tộc; góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc.

Múa xòe, điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái (Ảnh tư liệu)

Điểm nhấn của “Hương xuân vùng cao” tại Làng Văn hóa là múa xòe – một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, một điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái Tây Bắc. Múa xòe còn có tên khác là “Xe khăm khen” (múa cầm tay). Múa xòe biểu hiện sự đoàn kết thân thiện gắn bó, có tính tập thể dân chủ cao nên mọi người Thái đều biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe của dân tộc mình. Người Thái quan niệm: “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”.

Múa xòe khăn của đồng bào Thái

Múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa, người Thái thường tổ chức múa xòe trong hội xuân, hội mùa và hội cưới. Cũng theo các chuyên gia, xòe có nhiều loại. Có lẽ sớm nhất là xòe vòng (xóe voóng). Khách thăm đến với hội xòe, tay nắm tay cùng các thiếu nữ Thái duyên dáng, nhún bước theo tiếng nhạc sôi động cùng nối vòng tay bè bạn, kết nối mọi người trở về cội nguồn để trân trọng vẻ đẹp truyền thống dân tộc Thái. Có thể nói, những điệu múa xòe Thái là nét văn hoá tiêu biểu trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của người Thái, một biểu tượng văn hóa của đồng bào vùng Tây Bắc của đất nước.

Đồng bào dân tộc Thái tham gia điệu múa nhảy sạp với du khách. Ảnh: Hoàng Tâm

Đến với Làng Văn hóa trong thời điểm này du khách còn được tìm hiểu lễ Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Sơn La. Đây là lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào Thái, đã có từ rất lâu đời và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong lễ Hạn khuống, nam nữ thanh niên sẽ hát giao duyên, còn gọi là “Khắp báo xao”. Các chàng trai người Thái phải hát đối đáp với các cô gái cho đến khi được họ đồng ý.

Các hoạt động cuối tuần với chủ đề “Đón xuân tại Làng” còn có giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân: nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa; giới thiệu quy trình làm bánh, gói bánh, du khách trải nghiệm gói bánh, dạy gói bánh truyền thống và nấu bánh tại không gian các làng dân tộc; các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến, kéo co…

Trong dịp này, các bản làng tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam bắt đầu chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết. Bên trong nhà sẽ có bài trí mâm ngũ quả, cành đào; treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục ngày tết của các dân tộc. Phía ngoài nhà có các chi tiết trang trí cổng, không gian xung quanh, lối đi và không gian tổ chức trò chơi dân gian. Trong đó, nhiều khu vực được trang trí bắt mắt để du khách chụp ảnh, check-in; đặc biệt làm nổi bật không khí đón mừng năm mới của các làng dân tộc Tây Bắc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái).

Mâm cơm sum họp đầu năm gồm các món ăn đặc trưng của 13 cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại “Ngôi nhà chung” – Ảnh : Phú Lê – Q. Vinh

Bên cạnh đó, du khách có thể tham gia các hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm… nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

 

Nguồn: baodantoc.vn