Hướng dẫn cách hầu đồng và các nguyên tắc chung trong nghi thức hầu đồng

Nghi lễ hầu đồng rất nhiều tiết lễ, cách thức, quy mô và thời điểm của từng nghi lễ ở mỗi nơi khác nhau và mang ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, cũng có một số nguyên tắc chung trong nghi thức hầu đồng, quý vị cần nắm rõ để thực hành cho đúng. Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của đồ đồng Lê Gia.

1. Thời điểm và lễ tiết tổ chức nghi lễ hầu đồng

Nghi lễ hầu đồng với 4 tiết lễ chính do các đồng đền, đồng điện thay mặt con nhang tổ chức trong một năm. Tiết lễ Hầu thượng nguyên (tháng Giêng) –cầu an cho cả năm. Tiết lễ hầu vào hè (tháng tư) cầu mát, tránh ôn dịch. Hầu ra hè (tháng Bảy) cầu bình an khang thái. Hầu tất niên tạ Phật Thánh đã phù trợ trong một năm qua.

Ngoài ra, Nghi lễ hầu đồng còn thức hiện vào các dịp đản nhật, hóa nhật của các vị Tiên Thánh. Hầu Thánh Mẫu Thần Chủ vào rằm tháng tám, hầu Đức Thánh Trần vào 20 tháng 8. Hầu tiệc Mẫu Tuyên Quang ngày 12 tháng 2 âm lịch. Hầu tiệc Mẫu Sòng Sơn ngày 15 tháng 2 âm lịch…

Cách thức và quy mô phụ thuộc vào hoàn cảnh, tâm linh hay kinh tế của mỗi thanh đồng. Nghi lễ hầu đồng mang nghĩa chúc Thánh thọ vô cương và cầu bình an cho gia đình, xã hội.

Trường hợp khác là hầu đột xuất, tổ chức khi nhà đền hoặc thanh đồng khánh tán lạc thành, xây đền, lập điện, trước hoặc sau việc hiếu, hỷ hầu trình hoặc hậu tạ Tiên Thánh.

2. Cần chuẩn bị những gì cho vấn hầu?

Trước hết là chọn ngày tốt để vấn hầu, xin cung hầu bằng việc đem trầu cau đến lễ ở nơi mình định hầu, thống nhất công việc. Đem trầu cau đến lễ tổ, mời thầy pháp, cung văn, đồng thầy, hầu dâng. Thông báo ngày, giờ, địa điểm cho tất cả mọi người liên quan.

Sắp khăn áo của từng giá hầu, chuẩn bị xe cộ, phương tiện nếu cần, phân công công việc bày lễ, sắp xếp. Sắm lễ đầy đủ từ lễ bày Công đồng đến lễ phát lộc, lễ chay, lễ mặn, vàng mã, hoa, đăng…

3. Trình tự các bước thực hiện một vấn hầu

Cúng trước khi hầu: Khi đầy đủ lễ, pháp sư thỉnh Phật Thánh, thanh đồng chỉnh túc cân y theo lễ.

Trước khi vào hầu, thanh đồng sẽ mời thủ nhang, đồng đền, đồng thầy, pháp sư một cách lịch sự và hầu dâng đã sắp xếp đầy đủ những vật dụng cần thiết.

Phủ khăn, nếu hầu lần đầu cần có đồng thầy mở phủ đi cùng, tân đồng phải thỉnh thầy hầu vài giá đại diện chứng. Tuần tự hầu tráng bóng Tam Tòa Thánh Mẫu, từ Ngũ vị Tôn Quan đến Tứ phủ Chầu Bà… rồi mới mở khăn phủ diện để hầu các giá đồng.

4. Những nghi thức cần có trong vấn hầu

Ra tay dấu: Các thánh nam tay trái, thánh nữ tay phải. Sau khi ra tay dấu, tráng bóng rồi tung khăn hồi dương ngự đồng.

Theo tay dấu, hầu dâng lên y phục, cung văn dâng văn cho giá hầu đó. Với giá hầu đầu tiên, trước khi hành lễ phải tổng khẩu bằng rượu.

Hành lễ, các vị Thánh nam sẽ lên xuống gối ba lần và dùng khăn tấu hương. Các vị Thánh nữ dùng quạt và hương quỳ lễ.

Khai quang là để thể hiện uy lực tối cao của Thần Thánh soi từ đền phủ, lễ vật hay lòng thành của đệ tử.

Làm việc quan: thể hiện qua các vũ đạo tùy giá đồng. Khi thực hiện các loại vũ đạo, người thực hiện không quay lưng vào bàn thờ, không đưa kiếm xiên lên hướng bàn thờ. Nam đúng chất Thánh nam, Nữ có khí chất Thánh nữ, đẹp mà tôn nghiêm.

Tọa ngự, giá hiến rượu, trầu cau, chấp ngôn tấu đối của bách gia, thưởng cung văn, truyền phán nội dung chứng giám lòng thành, phù trợ quốc thái, dân an. Sau đó, phát lộc bằng hiện vật hoặc tiền.

5. Một số nguyên tắc hầu đồng cần lưu ý

1. Ba giá Mẫu

Tuyệt đối không được mở khăn. Không có khăn phủ diện màu vàng. Không mặc áo Mẫu, nếu mặc thì phải có áo bản mệnh ở trong. Giá Mẫu đệ nhất, đệ nhị lễ hương sống; giá Mẫu đệ tam lễ hương chín.

Mục lục bài viết

 

2. Phật, vua cha Ngọc Hoàng, Mẫu Địa, Mẫu Cửu, công đồng thánh Mẫu

Trong hầu đồng không có hầu Phật, vua cha Ngọc Hoàng và công đồng thánh Mẫu.

 

3. Áo bản mệnh và khăn phủ diện

Là cái gốc, cơ bản cao nhất trong hầu đồng, vì vậy bắt buộc phải có. Hiện nay có một số đối tượng mặc áo Mẫu để hầu Mẫu còn áo bản mệnh được cúng lễ khai chứng đàng hoàng thì vứt đi đâu, áo Mẫu ai “chứng” mà hầu. Một số kẻ còn ngông cuồng hơn, khác người hơn là dùng khăn phủ diện màu vàng. Tôi không hiểu, khăn vàng này chắc là bóng Phật về chứng để hầu Mẫu vì Mẫu là bồ tát, trong khi đó Phật lại không ngự đồng thì về “chứng” ở đâu. Đối với đạo Mẫu phải được đạo trưởng pháp sư dẫn thỉnh, thay quyền Phật thánh loan giá chứng lễ.

4. Hầu nhà Trần

Hầu Đức ông đệ tam mới lên đai thượng. Cô Đại Hoàng ngự áo vàng. Nhà Trần không ngồi ghế, trừ khi bắt tà để tra xét tà ma. Hành động ngồi ghế là bất kính với 3 giá Mẫu.

 

5. Các quan

Khi các quan về phải đi mạng chéo, thắt khăn chữ “phúc” hoặc lên nét. Không được đi hia đội mũ, đó là đóng kịch diễn tuồng.

Quan đệ nhất thuộc dòng di tu nên khi ngự đồng, khai quang làm lễ, không ngự vui hiến tửu. Quan đệ tứ dòng khâm sai cũng vậy. 

Khi có quan thày hầu chứng 2 giá quan trên rồi thì đệ tử không được hầu nữa. Khi khai quang bắt buộc phải dùng khăn tấu hương. Giá các quan Ông hoàng, Cậu phải lễ 4 lần, mỗi lễ lễ 3 vái ở giữa, 2 vái 2 bên, 1 vái tất cả.

Các giá trên lễ phải dùng khăn tấu hương và hương. Mỗi lần lễ là biểu hiện dâng hương về mỗi phủ một lần. Khi tiến lùi để lễ thì lùi 2 tiến 3. Mặt ngửng lên nhìn công đồng nhưng khi quỳ lễ phải cúi mặt nhắm mắt.

Bốn lần lễ không được bỏ hương; nếu chỉ lễ một lần phủ đệ nhất, ba phủ còn lại dùng khăn tầu hương thì khác nào có bát mà không có gạo, có cốc mà không có nước, đó là hành động bất kính. Trừ những vị đồng cựu không đứng lên được thì phải tiến hương lên công đồng, sau đó dùng tay chống gối đứng lên – “ốm tha già thải”, đó là được miễn giảm chứ không phải lệ như thế.

6. Tất cả các hành động lễ ngự, làm việc, khăn áo đều phải xin phép và chứng hương

Chứng người, chứng ngựa, chứng voi, chứng tam đầu đều phải phủ khăn tấu hương lên đầu sau đó khai quang lễ 5 lễ, vỗ vào hông voi, ngựa 3 lần.

  • Các quan, Ông hoàng, Cậu ngồi xếp vòng tròn hoặc vắt chân chữ ngũ, đeo 2 mạng chéo, nét buộc chữ phúc hoặc khăn mỏ rìu.
  • Các giá Chầu bà và Cô đều phải quỳ hành lễ, khai quang bằng quạt và hương chín.
  • Một số giá như giá cô Cả, cô Bơ về hiến hương không múa cờ thần cờ hội (cờ thần thì để treo, cờ hội chỉ có diễn viên hề trên sân khấu mới múa chứ trong hầu bóng chỉ đi ngọn cờ hồng bằng khăn phủ diện).
  • Đầu xuân thì không đi cờ kiếm, đi ngọn cờ hồng, chỉ dùng cờ lệnh kiếm lệnh khi khai đền lập phủ. Đầu xuân cũng kiêng mặc đồ trắng kể cả giá bản đền là thoải đều phải mặc áo đỏ khăn đỏ thể hiện ngày vui đầu năm phù hợp với phong tục truyền thống Việt Nam.

    Hiện nay do sự không hiểu biết và bảo thủ, các vị đồng bóng cứ khăng khăng cho mình là đúng nên đã đảo lộn hết trật tự khuôn phép. Chỉ có 5 vị quan trên công đồng nên không có thêm vị quan nào khác ??? vị quan bản đền bản cảnh.

  • Không có cái gọi là Lục phủ tôn ông trong đồng bóng.
  • Không có cái gọi là Mẫu lâm cung trong đồng bóng.

7. Các giá Chầu và các giá Cô

Các điệu múa giá Chầu giá Cô phải nhẹ nhàng.

  • Các Chầu phải lên khăn củ ấu, chữ nhân, nón buồm.
  • Các Cô lên khăn hoa, khăn vành dây, nét. Cô Bơ có thể lên nét 3 màu.
  • Giá các Chầu các Cô về khai quang đứng quát hiến quạt hiến hương chứ không nghiêng ngả không múa.
  • Giá chầu bà Đệ nhị và chầu Lục về chỉ rải lộc cho bản đền chứ không đi chợ. Đầu xuân giá chầu Đệ nhị về rải lộc rải hoa.
  • Giá chầu Năm chầu Bé rải lộc, đi chợ.
  • Giá chầu Mười cưỡi ngựa đeo cờ kiếm, không đi giày.

Vào hè giá tiên cô về giải dịch (tiền và hoa quả). Các thứ đó không ăn được phải thả sông hoặc ngã ba đường. Thường thường về giải dịch là giá cô Đôi hoặc cô Sáu.

  • Bất kể khi hiến tửu, thuốc hay nước đều phải dùng khăn hoặc quạt che miệng.
  • Không rải tiền xuống đất để chèo đò. Đó là rải tiền cho người chết chứ thánh không cần.
  • Giá cô Bơ cài tiền đò bên hông và cài 1 nén hương sống bên tai.
  • Hầu các giá đều không được quay đáy vào công đồng, không được xỉa xói vào công đồng.
  • Hầu đồng giá thứ nhất phải tung khăn, tẩy khẩu, phải đội bát nhang trước mới được mở phủ, nếu ốm phải cúng tam phủ thục mệnh trước mới mở phủ.
  • Hầu đồng phải có sớ hầu, nếu “một chốn đôi nơi” thì phải có sớ bay về các nơi mở phủ, đội bát nhang, nhưng trước đó phải có lễ đến trình báo, sau khi hầu xong 3 ngày mới được lễ tạ. Nếu ở xa thì lễ tạ ngay nhưng khi về chốn tổ vẫn phải lễ tạ bái vọng.

  • Trước khi hầu đồng phải xin phép thánh, chủ nhang, đạo trưởng, cung văn, pháp sư và bách gia trăm họ. Hầu xong phải vái tạ Phật thánh và có lời cảm ơn bách gia. Khi định hầu Thánh phải đến xin phép thày, mua lễ lễ thánh xin ngày.

    Khi mời quan thày, chủ nhang, đồng đền, pháp sư đều phải có lễ đến lễ thánh sau đó mới mời thày, mời đồng. Lộc đưa các vị đó và những vị đồng cựu (24 năm đổ ra mới được gọi là đồng cựu nếu không có điện thờ) phải được đưa bằng đĩa.

  • Hầu đồng không nên trùm khăn buồm quá dài. Đó là khăn phủ tượng chứ không phải khăn hầu. Giá các ông Hoàng đi hèo đi thơ. Giá ông Chín không đeo kích cầm batoong trông như thày bói mù dở mà ông là người nho sĩ tu Phật. Không bao giờ người ta đi dép, đi guốc mộc trên sập hầu cả.

  • Hầu đồng phải nghiêm trang thành kính nhất tâm, vui vẻ hoan hỉ. Không xúi bẩy nhau làm những điều không hiểu biết. không nói xấu, lừa đảo nhau, không dựa vào đồng bóng làm những điều bất nhân bất nghĩa, không nên so bì ghen tị, hồ nghi, đồi hỏi, tranh giành nhau về lộc.
    Những kẻ lợi dụng đồng bóng là lừa đảo, ác ma. Sự đua đòi, ghen ghét, thù hận chỉ đem lại khổ đau cho bản thân.

Nguồn tham khảo tamlinh.org

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về cách hầu đồng và các nguyên tắc chung trong nghi thức hầu đồng. Hy vọng các bạn có thể nắm chắc kiến thức liên quan đến hình thức tín ngưỡng tôn giáo đặc biệt này.