Hướng dẫn đánh giá nhận xét của Bộ trong Thông tư 22 đã quá rõ ràng
GDVN- Việc trường học nào buộc giáo viên viết lời nhận xét là đang thực hiện sai tinh thần của Thông tư 22, là đang làm trái với những quy định của Bộ Giáo dục.
Năm học 2021-2022 học sinh lớp 2 và lớp 6 đã được học Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018).
Ngày 20/7/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (gọi tắt là Thông tư 22). Học sinh lớp 1, lớp 2 được đánh giá nhận xét theo Thông tư số: 27/2020/TT-BGDĐT.
Mục đích đánh giá nêu rõ: Đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học.
Có 2 hình thức đánh giá:
a) Đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng nhận xét theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt.
b) Đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số đối với các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông, trừ các môn học quy định tại điểm a khoản này; kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10. Điểm đánh giá là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.
Thông tư 22 cũng nhấn mạnh cách đánh giá bằng nhận xét:
a) Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
Không ít lần, Bộ Giáo dục đã khẳng định không yêu cầu giáo viên phải viết nhận xét
Đánh giá nhận xét học sinh bằng cách yêu cầu viết lời nhận xét tràn lan vào sổ theo dõi lần đầu tiên là ở bậc tiểu học khi áp dụng rộng rãi Thông tư số: 30/2014/TT-BGDĐT.
Các thầy cô giáo tiểu học lúc đó phải vật vã ghi lời nhận xét hàng ngày vào vở học sinh, ghi lời nhận xét hàng tháng, đợt thi đua, học kỳ, cuối năm học vào sổ theo dõi. Có thầy cô, một tháng phải ghi nhận xét cho hàng ngàn em.
Sau những phản ánh từ thực tế, Bộ Giáo dục đã có Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định đánh giá, nhận xét học sinh. Theo đó, chú trọng đánh giá nhận xét bằng lời nói mà không buộc phải ghi lời nhận xét như trước đây.
Năm học 2020-2021, giáo viên trên cả nước phải thực hiện việc đánh giá, xếp loại học sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.
Một số cơ sở giáo dục tiếp tục bắt buộc giáo viên phải ghi nhận xét bằng lời vào sổ theo dõi. Nhiều giáo viên dạy các môn ít tiết như Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Tin học… đã phải ghi nhận xét cho hàng ngàn học sinh.
Sau nhiều sự phản ánh, Bộ Giáo dục cũng đã có những chỉ đạo “không quy định giáo viên bộ môn ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh” một cách khá kịp thời.
Lỗi không do Thông tư mà do nhiều trường đã không linh động trong việc chỉ đạo chuyên môn
Năm học 2021-2022, bậc trung học sẽ đánh giá, nhận xét học sinh theo Thông tư 22. Theo tác giả Minh Khôi, hiện việc dùng lời nói để nhận xét từng học sinh thì chưa có hướng dẫn cụ thể nên hiện nay các trường vẫn yêu cầu giáo viên nhận xét vào rất nhiều sổ khác nhau như sổ điểm cá nhân, học bạ, phần mềm,…
Người viết lại cho rằng, việc trường học nào đó buộc giáo viên viết lời nhận xét là đang thực hiện sai tinh thần của Thông tư 22, là đang làm trái với những quy định của Bộ Giáo dục chứ không phải lỗi do Bộ chưa có hướng dẫn nhận xét bằng lời nói.
Bởi tại Điều 5 của Thông tư 22 đã có quy định về hình thức đánh giá nêu rất rõ:
“1. Đánh giá bằng nhận xét
a) Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
Thông tư đã nhấn mạnh: Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh…
Ngoài ra, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, tinh thần của thông tư này là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng sự động viên, khuyến khích học sinh và sự tương tác giữa thầy và trò, chứ không phải chỉ ghi nhận xét vào trong sổ.
Giáo viên có thể nhận xét, đánh giá ngay ở những bài tập và không phải bởi những điều chung chung (có cố gắng, có tiến bộ) mà cụ thể, trực tiếp vào những nội dung dạy học trong quá trình dạy.
Giáo viên dùng hình thức nói, viết để đánh giá, nhận xét sự tiến bộ, những ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình học tập và kết quả rèn luyện, học tập của học sinh. [1]
Việc dùng lời nói nhận xét học sinh theo chúng tôi là không cần Bộ phải hướng dẫn. Nhiều năm nay, giáo viên tiểu học vẫn đánh giá, nhận xét học sinh bằng lời nói. Giáo viên trung học cơ sở cũng đã thực hiện việc đánh giá, nhận xét học sinh bằng lời từ năm học vừa qua.
Do đó, tới thời điểm này, trường học nào vẫn bắt buộc giáo viên ghi lời nhận xét vào các loại hồ sơ cũng chứng tỏ trường học đó, vận dụng Thông tư 22 chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và cần được xem xét lại.
Tài liệu tham khảo:
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bo-gd-dt-giai-thich-thong-tu-22-danh-gia-hoc-sinh-thcs-va-thpt-767774.html {1}
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thuận Phương