Hướng dẫn phân tích thị trường cho người mới bắt đầu kinh doanh
Bạn đang bắt đầu theo đuổi kinh doanh nhưng chưa biết phân tích thị trường là gì? Vì sao lại cần phân tích thị trường? Và có những phương nào để phân tích thị trường hiệu quả nhất. Dưới đây, 123job sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi bạn đang thắc mắc.
Làm những bài toán phân tích thị trường luôn là điều ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Bởi kinh doanh mà không hiểu rõ về thị trường sẽ không thể phát triển, thậm chí là thất bại. Những bản phân tích thị trường sẽ giúp bạn nhìn thấu được thị trường, hạn chế các rủi ro và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chính vì lý do đó, bài viết dưới đây 123job sẽ chia sẻ những hướng dẫn chi tiết nhất giúp bạn có được bản phân tích thị trường hoàn hảo.
Mục lục bài viết
I. Phân tích thị trường là gì?
Sở hữu bản phân tích thị trường hiệu quả luôn là chìa khóa thành công của mọi doanh nhiệp
Phân tích thị trường là quá trình nghiên cứu để hiểu các cơ hội, thách thức, nắm bắt được những đối thủ cạnh tranh và đặc biệt là khách hàng tiềm năng của bạn. Phân tích thị trường có thể thuê các chuyên gia để phân tích và nghiên cứu chuyên sâu tất cả khía cạnh khác nhau của thị trường. Khi đã nắm rõ được thị trường, các thương hiệu mới đưa ra được định hướng phát triển, kế hoạch kinh doanh đúng đắn nhất.
II. Phân tích thị trường bao hàm những nghiên cứu gì?
Khi các thương hiệu phân tích thị trường có thể chọn tất cả hoặc một số nội dung nghiên cứu dưới đây, cụ thể như:
-
Phân tích quy mô thị trường và tính cạnh tranh: Bạn đang hướng tới thị trường có quy mô ra sao? Bạn đang cạnh tranh với ai? Đối thủ cụ thể như thế nào?
-
Sự tăng trưởng của thị trường: Liệu trong tương lai thị trường còn tăng trưởng mạnh mẽ nữa hay không?
-
Xu hướng của thị trường: Nhu cầu của thị trường sẽ có những thay đổi nào? Đòi hỏi ra sao?
-
Yếu tố nhân khẩu học và phân đoạn: Bạn đang bán cho đối tượng nào? Thị trường bạn hướng tới cho cho phép bán nhiều dòng sản phẩm không?
-
Lợi nhuận của thị trường: Thị trường “chiêu đãi” bạn bao nhiêu? Liệu có đủ để hấp dẫn bạn hay không?
-
Yếu tố thành công: Điều gì sẽ tạo ra tia lửa thành công trên thị trường hiện nay? Công nghệ hay nguồn nhân lực mới là điều quyết định?
-
Kênh phân phối: Kênh phân phối tiềm năng là gì? Kênh phân phối đã phù hợp với chiến lược kinh doanh của bạn hay chưa?
-
Cấu trúc chi phí: Chi phí sẽ biến đổi là gì? Vẫn cố định là gì?
III. Vì sao các doanh nghiệp cần tiến hành phân tích thị trường?
1. Thấu hiểu được nhu cầu của khách hàng
Khách hàng luôn là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Bởi thế, các doanh nghiệp luôn đặt khách hàng lên hàng đầu, nhưng làm sao để nắm bắt tâm lý khách hàng? Họ cần gì? Mục đích của họ như thế nào? Để trả lời được những câu hỏi này buộc bạn phải phân tích thị trường. Chỉ khi phân tích thị trường bạn mới khoanh vùng được chính xác khách hàng mục tiêu, từ đó, đưa ra chiến lược kinh doanh đúng đắn. Nhưng nói như vậy không có nghĩa, chỉ cần xác định được khách hàng mục tiêu là đủ, mà bạn cần phân tích thị trường sâu hơn nữa để cải thiện sản phẩm sao cho phù hợp với xu hướng của thời đại.
Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải biết thấu hiểu chính khách hàng của mình
2. Hiểu rõ đối thủ cạnh tranh
Phân tích thị trường sẽ giúp các thương hiệu vẽ lên chính xác chân dung của đối thủ, đâu là điểm mạnh và đâu là những mặt còn hạn chế, từ đó, đưa ra các sản phẩm, định hướng kinh doanh đúng đắn hạ gục đối thủ của bạn. Khi bắt tay vào phân tích thị trường, bước đầu bạn hãy có cái nhìn tổng quát nhất vào khả năng cạnh tranh trong phân khúc thị trường. Điều này sẽ giúp bạn xác định kế hoạch kinh doanh phù hợp để xâm nhập vào một phân khúc thị trường nhất định hoặc có sự chuyển đổi sang phân khúc mới.
3. Nhận ra thách thức và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới
Con đường kinh doanh mà bạn theo đuổi tựa như một bông hồng, ngoài những vẻ đẹp hào nhoáng của sự thành công mà nó mang lại, thì còn có cả những chiếc gai sắc nhọn là những khó khăn và thử thách làm bạn chảy máu. Chính vì vậy, phân tích thị trường sẽ giúp bạn sẵn sàng đối mặt với những khó khăn đó, tuy nhiên, lúc nào cũng đối đầu trực diện với những thử thách có phải cách tối ưu nhất hay không? Câu trả lời là không, đôi khi bạn phải tự vận động doanh nghiệp và thay đổi theo một hướng đi mới để tìm kiếm cơ hội. Thị trường luôn vận động không ngừng, vậy nên, đòi hỏi chính bạn phải biết biến đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
4. Xây dựng các chiến lược phát triển
Mục tiêu lớn nhất của các doanh nghiệp đều hướng tới là doanh thu và sự phát triển bền vững, vì thế, phân tích thị trường sẽ giúp doanh nghiệp đặt ra mục tiêu và xây dựng chiến lược phát triển để thực hiện hóa những mục tiêu đó. Phân tích thị trường sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát nhất về thực tiễn, bỏ qua những định hướng kinh doanh vượt quá tầm với của doanh nghiệp và né tránh những rủi ro. Thật là mù mịt nếu doanh nghiệp của bạn chẳng thể xác định được những bước đi tiếp theo nếu không hiểu rõ thị trường, vì vậy, nghiên cứu kỹ lưỡng và có bản phân tích thị trường hoàn hảo chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Phân tích thị trường góp phần rất lớn trong việc xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn của các doanh nghiệp
IV. Hướng dẫn phân tích thị trường cho người mới bắt đầu kinh doanh
1. Quyết định mục đích phân tích thị trường
Xác định được mục đích phân tích, bạn sẽ nhận thấy mình cần nghiên cứu những gì. Đầu tiên khi bắt đầu tiến hành phân tích thị trường, bạn hãy quyết định xem phân tích sẽ có mục đích tạo dựng hay duy trì. Nếu bạn đang có ý tưởng và muốn start-up, bạn nên hướng đến việc xác định tính khả thi và phân khúc thị trường hợp lý. Đối với công ty còn non trẻ là như vậy, nhưng bạn muốn kiểm tra hoạt động kinh doanh của công ty lâu năm thì sao? Trước hết, bạn cần chú ý vào các số liệu bên trong công ty, rồi mới nhấn trọng tâm vào nhu cầu của khách hàng và phân tích khả năng cạnh tranh của mình.
2. Xác định khách hàng mục tiêu
Xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu là yếu tố quyết định để xây dựng bản phân tích thị trường hoàn hảo
Khách hàng chính là yếu tố duy trì sự sống cho mọi hoạt động kinh doanh, bởi vậy, không hề nói quá khi “khách hàng là thượng đế” của các doanh nghiệp. Để đọc được suy nghĩ và làm hài lòng khách hàng, đầu tiên, bạn hãy xác định phân khúc khách hàng mà bạn hướng đến là gì. Bạn không nên “vùng vẫy” trong một thị trường quá rộng, mà nên chọn cho mình một thị trường ngách hoàn hảo, tuy nhỏ nhưng có đủ số lượng khách hàng trung thành với bạn. Để xác định chính xác nhóm khách hàng mục mục tiêu mà bạn hướng đến, 123job gợi ý cho bạn một số câu hỏi sau:
-
Who: Khách hàng của bạn là ai? Các thông tin liên quan (giới tính, tuổi tác…)
-
What: Họ cần những gì? Mối quan tâm nào? Nhu cầu ra sao?
-
Why: Tạo sao họ lại mua sản phẩm đó?
-
Where: Họ mua sản phẩm ở đâu? Kênh bán lẻ nào đang trở nên phổ biến?
-
When: Họ mua sản phẩm đó nhân dịp gì? Vào thời điểm nào?
3. Thu thập dữ liệu nghiên cứu thị trường
Thu thập được càng nhiều thông tin giá trị, kết quả phân tích thị trường của bạn càng đáng tin cậy. Hiện nay, có hai phương pháp phân tích thị trường phổ biến nhất là nghiên cứu sơ cấp và nghiên cứu thứ cấp, chúng tôi khuyên bạn nên áp dụng đồng thời cả hai phương pháp để có kết quả phân tích thị trường tốt nhất.
-
Nghiên cứu sơ cấp: Là theo đuổi những thông tin trực tiếp về khách hàng và thị trường, bạn có thể sử dụng phương pháp thông qua khảo sát trực tuyến, phỏng vấn qua điện thoại, bảng hỏi… Nghiên cứu này thường rơi vào hai loại là nghiên cứu cụ thể và nghiên cứu thăm dò.
-
Nghiên cứu thứ cấp: Là dựa vào tất cả những dữ liệu và hồ sơ công khai mà bạn thu được để rút ra kết luận, bạn hãy áp dụng phương pháp bằng các bản báo cáo xu hướng, thống kê về thị trường, dữ liệu bán hàng… Có ba nguồn nghiên cứu thứ cấp mà bạn có thể sử dụng là nguồn công khai, nguồn thương mại và nguồn nội bộ.
4. Kiểm tra và phân tích
Sau khi đã có được những thông tin và dữ liệu trong tay, việc tiếp theo bạn hãy kiểm tra lại chúng, đảm bảo tính chính xác ngay từ những chi tiết nhỏ nhất. Khi hoàn tất quá trình kiểm tra là việc bạn cần phân tích và đưa ra kết luận. Những điểm bạn cần lưu ý:
-
Tổng quan về ngành: Quy mô, tốc độ tăng trưởng và những nhóm khách hàng lớn.
-
Mục tiêu thị trường: Nhu cầu, nhân khẩu học, xu hướng thời đại, kích thước và tăng trưởng dự báo.
-
Tỷ lệ phần trăm thị phần: Giá cả, tỷ suất lợi nhuận gộp và những khoản chiết khấu bạn dự định cung cấp.
-
Kết quả phân tích cạnh tranh: Thị phần, điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ.
Từ những kết quả và dự báo đó, bạn sẽ có cho mình một bạn phân tích thị trường tốt nhất, nhờ vậy, sẽ dễ dàng hơn trong việc đề ra các định hướng phát triển công ty của bạn.
V. Các phương pháp phân tích thị trường tối ưu trong doanh nghiệp
1. Tìm kiếm thông tin
Để có được bản phân tích thị trường như mong muốn, bạn cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Trên thực tế, không phải tất cả các thông tin bạn cần đều được công bố một cách công khai, đôi khi bạn phải áp dụng lối đi vòng, ngoại suy từ nhiều nguồn và phải có các tính toán nhất định mới có thể tìm kiếm được những thông tin đó. Kỹ thuật và phương pháp tiến hành tác động rất lớn vào kết quả phân tích thị trường trước khi giới thiệu một sản phẩm/dịch vụ mới của bạn. Vậy nên, để có được những điều đó, bạn cần năng lực năng lực chuyên môn giỏi và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tiếp thị. Có rất nhiều cách khác nhau để tiến hành phân tích thị trường, nhưng các doanh nghiệp hiện nay thường sử dụng một, hay kết hợp một vài phương pháp trong 5 phương pháp: Điều tra, nhóm trọng điểm, phỏng vấn cá nhân, quan sát và thử nghiệm.
2. Phân khúc thị trường
Khi phân tích thị trường, bạn nên chia ra thành các phân khúc thị trường với những mục tiêu khác nhau. Ví dụ, là một doanh nghiệp sản xuất điều hòa, bạn cần tách ra các phân khúc thị trường như điều hòa sử dụng trong gia đình, sử dụng trong doanh nghiệp, các tổ chức, các cơ quan… Việc phân chia như vậy trong quá trình phân tích thị trường, sẽ giúp các công ty hướng vào những mục tiêu cụ thể, kế hoạch quảng bá, tiếp thị và đánh giá hiệu quả hơn.
Phân khúc thị trường cụ thể giúp doanh nghiệp xác định đúng mục tiêu, kế hoạch phát triển
3. Dự đoán quy mô và tăng trưởng của thị trường
Công ty của bạn cần biết dự đoán quy mô, đo lường và định lượng thị trường của mình. Ví dụ, nếu hộ gia đình là một trong những thị trường mục tiêu mà bạn hướng tới khi phân tích thị trường, bạn cần định lượng chi tiết về tổng số dân, ước tính số lượng người mua sản phẩm/dịch vụ của bạn. Đối với triển vọng tăng trưởng của thị trường, bạn hãy đưa ra dự báo về tốc độ tăng trưởng của thị trường. Cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng thị trường sẽ tăng hay giảm? Tăng/giảm bao nhiêu so với tháng/quý/năm trước?
4. Xác định xu hướng thị trường
Bạn cần hiểu được thị trường, nắm bắt xu hướng, trào lưu mà bạn cho rằng sẽ ảnh hưởng tới phân khúc thị trường của bạn và điền chúng vào bản phân tích thị trường. Ví dụ: Nếu bạn đang chào bán xe máy, bạn nên chú ý đến phản ứng của mọi người về giá dầu tăng hay giảm, các vấn đề ô nhiễm môi trường, các chính sách thuế…
VI. Kết luận
Hiểu rõ về thị trường của mình chính là yếu tố then chốt trong kinh doanh, tuy nhiên, phân tích thị trường không phải là điều dễ dàng. Thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp chi cả triệu đô la cho một bản phân tích thị trường. Nhưng đừng quá quan tâm về vấn đề đó, bạn chỉ cần nắm bắt được các phương pháp nghiên cứu, các kiến thức chuyên sâu bạn hoàn toàn có thể làm chủ được thị trường. Chúc bạn thành công!
Xem thêm:
Ý tưởng kinh doanh sáng tạo – Chìa khóa thành công kinh doanh
Mô hình kinh doanh là gì? Giải đáp thắc mắc về xây dựng mô hình kinh doanh