Hướng dẫn vay tiền – trả lễ đền Bà Chúa Kho

Hướng dẫn “vay tiền – trả lễ” đền Bà Chúa Kho

Trong văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Việt Nam, hiếm có ngôi đền nào lại thu hút đông đảo khách thập phương, đặc biệt là giới kinh doanh, làm ăn như đền Bà Chúa Kho. Cứ vào mùa lễ hội, hàng ngàn lượt khách hành hương lại đổ về đền và thực hiện nghi thức “vay vốn” cầu làm ăn. Người ta tin rằng, đầu năm vay vốn, cuối năm trả nợ Bà Chúa Kho sẽ giúp cho công việc kinh doanh thuận lợi, tiền tài tấn tới.

Nguồn gốc 

Nghi thức “vay vốn” diễn ra tại đền Bà Chúa Kho xuất phát chủ yếu từ sự tích Bà Chúa Kho và quan niệm của khách hành hương xin lộc chúa bà. 

Theo lưu truyền thì bà là thủ kho vô cùng tài giỏi và sắc sảo. Có thể nói bà là người nắm giữ “nguồn sống” của mọi người. Người ta muốn đến trước cửa chúa bà để xin tài lộc, của cải. Nhưng rõ ràng của cải là thứ mình làm ra chứ không thể đi xin. Do đó, thay vì xin lộc bà, người ta đến “vay” vốn làm ăn đầu năm. Vay bao nhiêu, trả bấy nhiêu. Nhưng cũng có người thành tâm, vay 1 trả 3 hoặc vay 1 trả 10. Từ đó, theo quan niệm này, cứ đến dịp đầu năm người ta lại đến đền Bà Chúa Kho “vay” vàng bạc, tiền tài từ chúa bà để về làm ăn cho thuận lợi, tươi tốt.

Nghi thức “vay vốn” cầu làm ăn

Nghi thức “vay vốn” đã tồn tại và duy trì từ lâu tại đền Bà Chúa Kho. Người ta quan niệm rằng, muốn làm ăn phát đạt, thuận buồm xuôi gió, có tiền có của thì đến xin lộc và vay vốn Bà Chúa Kho. Cầu chúa bà phù hộ cho một năm làm ăn thuận lợi. Và tất nhiên, khi đã có vay thì phải có trả. Bạn chỉ cần nhớ rõ trong sớ dâng lên chúa bà là vay bao nhiêu, để làm gì, cùng với đó là thời gian hứa trả (tạ lễ). Có thể là một năm, hai năm hoặc năm năm. Quan trọng là bạn phải làm đúng theo những gì đã hứa dù có làm ăn được hay không.

Lễ bà Chúa Kho gồm những gì?

Bạn có thể tìm hiểu cụ thể cách sắp lễ Bà Chúa Kho và trình tự dâng lễ lên đền Bà Chúa Kho. Tuy nhiên, có điểm khác biệt khi bạn thực hiện nghi thức “vay vốn” tại đền.

Đầu tiên, đó là bạn phải viết sớ vay, sớ trả Bà Chúa Kho: Khai tên tuổi, nguyện vọng muốn vay chúa bà bao nhiêu, mục đích gì và thời gian trả nợ.

Thứ hai, bạn phải sắm thật nhiều vàng mã, thường là vàng thỏi. Bạn muốn vay vốn Bà Chúa Kho càng nhiều thì sắm càng nhiều vàng mã.

Lễ Vay, Lễ Trả
Lễ Vay, Lễ Trả

Trả nợ Bà Chúa Kho

Có vay thì phải có trả. Đó là lệ phải làm khi thực hiện nghi lễ “vay vốn” đền Bà Chúa Kho. Kể cả bạn có làm ăn được hay không thì theo lời hứa bạn vẫn phải tạ lễ chúa bà đúng kỳ hạn.

Với lễ tạ bà Chúa Kho hay “trả nợ” bà Chúa Kho bạn cũng sắm lễ như lúc đi “vay vốn”. 

Nên đi vay lộc, trả nợ Bà Chúa Kho vào ngày nào trong năm

Khoảng thời gian dâng lễ Bà Chúa Kho tốt nhất trong năm là vào các ngày thuộc tháng giêng âm lịch. Mà tốt nhất là vào ngày lễ hội chính của đền, tức ngày 14 tháng giêng. Tuy nhiên, thường những ngày này khách hành hương về đền chật kín cả sân, vô cùng đông đúc nên bạn có thể chọn những ngày trước và sau đó. 

Đối với ngày đi lễ tạ, trả nợ Bà Chúa Kho, bạn có thể đi vào các ngày thuộc tháng 11, tháng 12. Bởi theo thông lệ, cuối năm luôn là tháng lễ tạ, kết thúc một năm làm ăn.

Việc “vay tiền” tại đền Bà Chúa Kho diễn ra vào đầu năm và “trả lễ” diễn ra vào cuối năm. Vào thời điểm cuối năm, tức thời điểm làm lễ tạ, lượng khách về đền cũng rất đông nhưng không bằng 1/10 thời điểm đầu năm. Thường thì những người trở lại lễ tạ một là muốn giữ đúng nghi lễ, hai là thực sự thành công trong làm ăn. Việc “vay-trả” ở đây mang ý nghĩa tâm linh, người làm ăn chỉ nên coi là một trong những nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Còn việc làm ăn có thành công hay không thì phải phụ thuộc vào năng lực và may mắn.

Xổ số miền Bắc