Hướng ra biển, bảo tồn và phát huy văn hoá biển

GS. TS. Nguyễn Chí Bền – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam

  –  

Thứ ba, 23/11/2021 11:00 (GMT+7)

Văn hoá biển, đảo là tổng thể những sáng tạo hữu hình và vô hình của con người vùng biển, đảo trong quá trình sống, khai phá, thích ứng với môi trường biển, đảo Việt Nam, giao lưu, tiếp biến với văn hóa biển, đảo của các quốc gia khác, được trao truyền từ thế hệ trước qua thế hệ sau, thể hiện bản sắc của con người ở không gian biển, đảo.

Hướng ra biển, bảo tồn và phát huy văn hoá biển
Bộ sách “Văn hóa biển đảo Việt Nam” gồm 9 tập do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành. Ảnh: NXB

Việt Nam có một nền văn hóa biển

Nếu chia Việt Nam thành các không gian văn hóa khác nhau, sẽ có: Không gian miền núi và trung du; Không gian châu thổ và đồng bằng và Không gian biển đảo.

Là một quốc gia ven biển, dù rằng trong tiến trình lịch sử, biển có thể tiến sâu vào đất liền, hoặc biển lùi xa đất liền nhưng chủ thể văn hóa biển, đảo Việt Nam đã sáng tạo một văn hóa biển của Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Trong tâm thức người Việt (Kinh) và những tộc người sống ven biển, biển cả và đại dương là môi trường sinh tồn và phát triển. Bởi vậy, sáng tạo văn hóa của chủ thể văn hóa biển luôn lấy biển cả làm không gian thiêng, đất nước quê hương luôn có khái niệm “nước”.

“Hồn nước” là khái niệm linh thiêng, gắn kết cộng đồng. Văn hóa biển đảo Việt Nam là nơi thể hiện hệ giá trị Việt Nam, hệ giá trị văn hóa Việt Nam một cách rõ ràng. Là một quốc gia ven biển, nơi hằng ngày hàng giờ đối mặt với biển cả, là những sáng tạo văn hóa của con người trong quá trình sống, thích ứng với biển khơi, nên văn hóa biển đảo thể hiện giá trị Việt Nam, thể hiện những phẩm giá Việt Nam rõ ràng nhất.

Trải qua quá trình khai thác biển, cha ông ta đã có một kho tàng tri thức bản địa phong phú, đa dạng về biển đảo, được trao truyền từ đời này qua đời khác, vì thế phản ánh nhận thức về biển, kinh nghiệm khai thác biển của rất nhiều thế hệ cư dân biển đảo.

Với người Việt Nam, trước mặt là biển, vì thế, chủ quyền quốc gia trên biển là vấn đề được ngư dân, được các vương triều quân chủ trước năm 1945 và nhà nước của chúng ta quan tâm, gìn giữ. Văn hóa biển, với các loại hình, thành tố của nó, có giá trị thể hiện chủ quyền quốc gia trên biển. Khi xem xét giá trị thể hiện chủ quyền quốc gia trên biển phải nhìn cả ở hai phương diện: Tầng lớp quản lý xã hội và người dân sinh sống tại các vùng ven biển, trên các đảo ven bờ, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài khơi.

Vì thế, văn hóa biển Việt Nam là một tổng thể gồm 3 loại hình: Văn hóa khai thác biển cả; văn hóa thích ứng biển cả; văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển cả. Mỗi loại hình lại gồm những thể loại khác nhau. Nói đến văn hóa khai thác biển cả là nói đến văn hóa đóng tàu thuyền, sửa chữa tàu thuyền, đan lưới…; văn hóa chế biến hải sản: Phơi hải sản, buôn bán hải sản, làm nước mắm…; văn hóa tận dụng biển cả: làm muối, nuôi cấy ngọc trai… Nói đến văn hóa thích ứng biển cả là nói đến việc người dân biển sáng tạo những nhân vật thiêng làm chỗ dựa tâm linh cho mình khi ra khơi, khi sống trên bờ, trên đảo. Các loài vật nơi biển khơi, đều được thiêng hóa thành nhân vật thiêng của các tín ngưỡng.

Còn nói đến văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển là nói đến văn hóa chính trị của các vương triều quân chủ của Đại Việt từ nhà Đinh, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Mạc, nhà Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn…, nói đến sự ủng hộ của người dân qua lịch sử. Đặc biệt nhất là văn hóa chính trị của các vương triều quân chủ với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta, từ mấy trăm năm qua.

Bảo tồn và phát huy văn hóa biển đảo

Thành tựu của bảo tồn, phát huy văn hóa biển đảo Việt Nam, những năm qua rất lớn. Năm 2015-2016, Bộ VHTTDL đã thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo Việt Nam”. Năm 2017, các đề tài nghiên cứu hoàn thành. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu bộ sách gồm 9 tập, 3.500 trang khổ 16×24 với tựa đề “Văn hóa biển đảo Việt Nam” vào năm 2018-2019.

Tuy nhiên, trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam, không phải không có hạn chế. Trong số 138 bảo tàng trong cả nước, hiện không có bảo tàng văn hóa biển, chỉ có 1 bảo tàng tư nhân ở đảo Phú Quốc, 4 bảo tàng liên quan văn hóa biển tại Hội An, tỉnh Quảng Nam (Bảo tàng lịch sử-văn hóa, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa dân gian, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh) và Viện hải dương học tại thành phố NhaTrang, tỉnh Khánh Hòa.

Mặt khác là giáo dục tri thức về văn hóa biển đảo cho học sinh trong nhà trường các cấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về chương trình giáo dục địa phương. Đến nay, 28 tỉnh, thành phố giáp biển của nước ta vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh tài liệu giáo dục địa phương, trong đó có văn hóa biển.

Năm 2021, Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công, nghị quyết cũng nhấn mạnh phát triển kinh tế biển và thiết nghĩ trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới, vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa biển đảo của nước ta nên là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm đến:

Thứ nhất, là chú trọng nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa biển, đảo Việt Nam trong toàn Đảng, toàn dân. Nhận thức này phải được nâng lên ở tầm cao mới, bởi các quốc gia có biển trên thế giới hiện nay đều tranh thủ khai thác biển với quy mô lớn. Việt Nam là quốc gia biển, không thể để nhận thức về biển, văn hóa biển tụt hậu so với các nước, nhất là các nước trong khu vực.

Thứ hai, Bộ VHTTDL cần sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ văn hóa làng biển ở các làng có nguy cơ biến mất do sự biến đổi khí hậu những năm sắp tới. Hiện ở 28 tỉnh, thành phố ven biển có 467 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh mà lượng ngân sách cho công tác bảo vệ, trùng tu không có nhiều; Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia với hai nội dung chính như sưu tầm, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các làng, khu vực bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sắp tới; bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, các di sản văn hóa vật thể ven biển.

Bà Jenty Kirsch Wood – cố vấn về thích ứng biến đổi khí hậu của Tổ chức phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam từng nhìn nhận rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, vì thế, bảo tồn di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể ở các tỉnh, thành phố ven biển là điều cần thiết.

Thứ  ba, sớm thành lập Bảo tàng văn hóa biển đảo Việt Nam. Trong hệ thống bảo tàng nước ta, chưa có một bảo tàng văn hóa biển đảo quốc gia. Ở Việt Nam, ngoài hệ thống bảo tàng tổng hợp, đã có bảo tàng liên quan đến giới (Bảo tàng Phụ nữ), liên quan đến dân tộc (Bảo tàng văn hóa các dân tộc, Bảo tàng Dân tộc học) nhưng chưa có bảo tàng văn hóa biển đảo.  

Thứ tư, lập data bank trước khi tiến tới lập big data về văn hóa biển, đảo Việt Nam. Đã có nhiều nghiên cứu của các tác giả nước ngoài về văn hóa biển, đảo Việt Nam với các thứ tiếng Anh, Pháp… Hàng trăm công trình về văn hóa biển đảo Việt Nam đã công bố trong các năm qua, bằng nhiều thứ tiếng, ở trong và ngoài nước hiện tồn tại rải rác, cần tập hợp, phục vụ cho công tác phát triển bền vững kinh tế biển, bảo tồn phát huy văn hóa biển hôm nay và sau này.