KHÁI NIỆM VĂN HÓA TỔ CHỨC – Học Và Làm

[ad_1]

KHÁI NIỆM VĂN HÓA TỔ CHỨC

Mục lục bài viết

 

Description: Sự hình thành văn hóa doanh nghiệp Kikentech | Kho lạnh Kikentech

KỸ NĂNG  XÂY DỰNG VĂN HÓA   TỔ CHỨC

  1. KHÁI NIỆM VĂN HÓA

  2. CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH VĂN HÓA TỔ CHỨC

  3. XÂY DỰNG NỘI DUNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

  4. CÁC MÔ HÌNH VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

  5. CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH  VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

  6. PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO ĐẬM BẢN SẮC  VHDN

1.KHÁI NIỆM VĂN HÓA

Ngay từ thuở lọt lòng, chúng ta đã đắm mình trong chất men văn hoá: từ lời ru của mẹ, bài học của cha, trò chơi của chị… cho đến tiếng gọi đò bên sông, tiếng võng đưa kẽo kẹt lúc trưa hè, tiếng chuông buông khi chiều xuống… – tất cả, tất cả những sự kiện đó, những ấn tượng đó, những âm thanh đó, những hình ảnh đó… đều thuộc về văn hóa. Cái tinh thần như tư tưởng, ngôn ngữ… là văn hoá; cái vật chất như ăn, ở, mặc… cũng là văn hoá. Chính văn hoá đã nuôi chúng ta lớn, dạy chúng ta khôn. Người ta nói: văn hóa ẩm thực, văn hoá trang phục, văn hoá ứng xử, văn hoá tiêu dùng, văn hoá kinh doanh, văn hóa chính trị, văn hoá Đông Sơn, văn hoá Hoà Bình, văn hoá rìu vai… Từ “văn hoá” có biết bao nhiêu là nghĩa, nó được dùng để chỉ những khái niệm có nội hàm hết sức khác nhau.

 

Định nghĩa miêu tả liệt kê các thành tố của văn hoá, ví dụ như theo E.B.Tylor (1871), văn hoá là “một phức thể bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán, cùng mọi khả năng và thói quen khác mà con người như một thành viên của xã hội đã đạt được”. Federico Mayor, Tổng giám đốc UNESCO, cho biết: “Đối với một số người, văn hóa chỉ bao gồm những kiệt tác tuyệt vời trong các lĩnh vực tư duy và sáng tạo; đối với những người khác, văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động. Cách hiểu thứ hai này đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hoá họp năm 1970 tại Venise” [UNESCO 1989: 5].

Văn hóa có những chức năng nhiệm vụ gì?

Trước hết, văn hóa có chức năng tổ chức. Xã hội loài người được tổ chức theo những cách thức đặc biệt thành những làng xã, quốc gia, đô thị, hội đoàn, tổ nhóm, v.v. mà giới động vật chưa hề biết tới – đó là nhờ văn hóa. Làng xã, quốc gia, đô thị… của mỗi dân tộc lại cũng mỗi khác nhau – cái đó cũng do sự chi phối của văn hóa. Chính tính hệ thống của văn hóa là cơ sở cho chức năng này.

Thứ hai, văn hóa có chức năng điều chỉnh. Mọi sinh vật đều có khả năng thích nghi với môi trường xung quanh bằng cách tự biến đổi mình sao cho phù hợp với tự nhiên qua cơ chế di truyền và chọn lọc tự nhiên. Con người thì hành xử theo một cách thức hoàn toàn khác hẳn: dùng văn hóa để biến đổi tự nhiên phục vụ cho mình bằng cách tạo ra đồ ăn, quần áo, nhà cửa, vũ khí, máy móc, thuốc men… Tính giá trị là cơ sở cho chức năng điều chỉnh của văn hóa. Nhờ có chức năng điều chỉnh, văn hóa trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển trong xã hội loài người.

Thứ ba, văn hóa có chức năng giao tiếp. Một trong những đặc điểm khu biệt con người với động vật là ở sự hợp quần thành xã hội, mà xã hội không thể hình thành và tồn tại được nếu thiếu sự giao tiếp. Văn hóa tạo ra những điều kiện và phương tiện (như ngôn ngữ và các hệ thống ký hiệu) cho sự giao tiếp ấy, văn hóa là môi trường giao tiếp của con người. Đến lượt mình, văn hóa cũng là sản phẩm của giao tiếp: các sản phẩm của văn hóa thì còn có thể được tạo ra bằng hoạt động của các cá nhân riêng rẽ chứ bản thân văn hóa thì chỉ có thể là sản phẩm của hoạt động xã hội mà thôi. Tính nhân sinh là cơ sở cho chức năng giao tiếp của văn hóa.

Thứ tư, văn hóa có chức năng giáo dục. Văn hóa thực hiện được chức năng giáo dục trước hết là do nó có năng lực thông tin hoàn hảo. Ở động vật, thông tin được mã hóa trong cấu trúc tế bào và thần kinh và truyền đạt bằng con đường di truyền; ngoài ra, ở động vật cao cấp, thông tin còn được truyền đạt bằng cách quan sát và bắt chước hành vi của cha mẹ, công việc này mỗi thế hệ mới lại bắt đầu lại từ đầu. Trong cả hai trường hợp, từ thế hệ này sang thế hệ khác, lượng thông tin không tăng lên. Con người thì không thế. Nhờ văn hóa, thông tin được mã hóa bằng những hệ thống ký hiệu tạo thành những sản phẩm nằm ngoài cá nhân con người, do vậy mà nó được khách quan hóa, được tích luỹ, được nhân bản và tăng lên nhanh chóng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự tích lũy và chuyển giao những giá trị tương đối ổn định (những kinh nghiệm tập thể) thể hiện dưới những khuôn mẫu xã hội trong cộng đồng người qua không gian và thời gian và được cố định hóa dưới dạng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư luận… từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên truyền thống văn hóa trên cơ sở tính lịch sử của nó chính là chức năng giáo dục của văn hóa. Nhưng văn hóa thực hiện chức năng giáo dục không chỉ bằng những giá trị đã ổn định (truyền thống), mà còn bằng cả những giá trị đang hình thành. Các giá trị đã ổn định và những giá trị đang hình thành tạo thành một hệ thống chuẩn mực mà con người hướng tới. Nhờ nó mà văn hóa đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách ở con người, trồng người (dưỡng dục nhân cách), tạo nên nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa đưa con người gia nhập vào cộng đồng xã hội; bởi vậy mà có người gọi chức năng này của văn hóa là chức năng xã hội hóa.

Ngoài bốn chức năng cơ bản trên, còn có thể nói đến các chức năng khác của văn hóa như chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng giải trí, v.v., song chúng đều chỉ là những chức năng bộ phận hoặc phái sinh từ bốn chức năng cơ bản đã nêu (vd: chức năng thẩm mỹ và chức năng giải trí chỉ có ở thành tố nghệ thuật là một bộ phận của văn hoá; chức năng nhận thức hàm chứa trong chức năng giáo dục.

 

Trên cơ sở bốn đặc trưng này, năm 1991 chúng tôi đã định nghĩa văn hóa như sau: VĂN HÓA là một hệ thống hữu cơ các giá trị (vật chất và tinh thần, tĩnh và động, vật thể và phi vật thể…) do con người sáng tạo ra và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình [Trần Ngọc Thêm 1991]

1.1.KHÁI NIỆM VĂN HÓA TỔ CHỨC

        Khái niệm “văn hóa tổ chức” (organization culture) được tổng – tích hợp từ hai khái niệm “văn hóa” và “tổ chức”. Khi kết hợp thành khái niệm “văn hóa tổ chức“, dù nghĩa đã được khu biệt, hẹp lại nhưng vẫn tồn tại nhiều định nghĩa khác nhau. Sau đây là một số định nghĩa đã

ược công bố và sử dụng phổ biến:

(i)Văn hóa tổ chức là thói quen, cách nghĩ truyền thống và cách làm việc trong tổ chức được chia sẻ bởi tất cả các thành viên trong tổ chức (Elliott Jaques, 1952).

(ii) Khi nói đến văn hóa tổ chức hay văn hóa của một tổ chức là nói đến các tiêu chuẩn, giá trị, tín ngưỡng, cách đối xử… được thể hiện qua việc các thành viên liên kết với nhau để làm việc. Đặc trưng của một tổ chức cụ thể nào đó được thể hiện ở lịch sử của nó với những ảnh hưởng của hệ thống cũ, lãnh đạo cũ trong việc xây dựng con người. Điều đó chứng tỏ ở sự khác nhau giữa việc đi theo thói quen, luật lệ, hệ tư tưởng cũ và mới, cũng như sự lựa chọn chiến lược cho tổ chức (theo Eldrige và Crombie 1974)

(iii)Văn hóa tổ chức là hệ thống những ý nghĩa chung được chấp nhận rộng rãi bởi những người lao động trong thời gian nhất định (Adrew Pettgrew, 1979)

(iv)Văn hóa tổ chức là một tập hợp những quan niệm chung của một nhóm người. Những quan niệm này phần lớn được các thành viên hiểu ngầm với nhau và chỉ thích hợp cho tổ chức của riêng họ. Các quan niệm này sẽ dược truyền cho các thành viên mới (theo Louis, 1980).

(v)Văn hoá là một hình thức của các tín ngưỡng và tham vọng của các thành viên trong một tổ chức. Những tín ngưỡng và tham vọng này tạo nên một quy tắc chung ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc hình thành các hành vi cá nhân và nhóm người trong tổ chức (theo Schwatz and Davis, 1981).

(vi)Văn hóa tổ chức không chỉ là một mắt xích của chuỗi những phức tạp mà nó chính là tất cả chuỗi rắc rối đó. Văn hóa không phải là một vấn đề của một tổ chức mà chính là hệ thống tổ chức đó. (theo Pacanowsky và O’donnell Trujiuo, 1982)

(vii)Văn hoá tổ chức có thể được mô tả như một tập hợp chung các tín ngưỡng, thông lệ, hệ thống giá trị, quy chuẩn hành vi ứng xử và cách kinh doanh riêng của từng tổ chức. Những mặt trên sẽ quy định mô hình hoạt động riêng của tổ chức và cách ứng xử của các thành viên trong tổ chức(Tunstall, 1983).

 

(viii) “Văn hoá” là một hình thức của các giá thiết cơ bản – được phát minh, khám phá, phát triển bởi một nhóm khi họ học cách đối phó với các vấn đề liên quan đến việc thích nghi với bên ngoài và hội nhập với bên trong – đã phát huy tác dụng và được coi như có hiệu lực và do đó được truyền đạt cho các thành viên mới noi theo (theo Schein, 1985).

(ix)Từ văn hoá ngầm nói đến các cách khác để tạo nên một hoạt động có tổ chức bằng cách tác động lên ngôn ngữ, khái niệm, thói quen, luật lệ và các thông lệ xã hội khác tạo nên các tư tưởng, giá trị và tín ngưởng dẫn đến hành động.

(x)Với tôi, từ văn hoá có nghĩa là các tín ngưỡng mà các nhà quan lý trong một doanh nghiệp thống nhất với nhau để điều hành Công ty. Những tín ngưỡng này thường vô hình nhưng chúng có tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của họ (theo Lorsch, 1986).

(xi). Thuật ngữ “văn hoá” chỉ những giá trị tín ngưỡng và nguyên tắc bên trong tạo thành nền tảng của hệ thống quản lý của doanh nghiệp cũng như một loạt các thủ tục quản lý và hành vi ứng xử minh chứng và củng cố cho những nguyên tắc cơ bản này (Denison, 1990).

(xii) Văn hoá tượng trưng cho một hệ thống độc lập bao gồm các giá trị và cách ứng xử chung trong một cộng đồng và có khuynh hướng được duy trì trong một thời gian dài (Kotter và Heskett, 1992)

(xiii) Văn hoá là “cách giải quyết công việc tại một nơi nào đó”. Đó là nét đặc trưng của mỗi tổ chức, là các thói quen, các quan điểm đang phổ biến (theo Drennan, 1992).

(xiv)Văn hóa là những tín ngưỡng, quan điểm và giá trị dã trở nên thông dụng và khá bền vững đã tồn tại trong tổ chức (Wiuiams, 1993)

(xiv)Văn hóa tổ chức được hiểu là tổng của các quan niệm, niềm tin, giá trị – những yếu tố mà các thành viên của tổ chức chia sẻ, chuyển tải thông qua: “Làm cái gì ? Làm như thế nào? và Ai làm?” ( theo Farmar 1990)

 (xv)Văn hóa tổ chức là  hệ thống chia sẻ quan điểm nhận thức, quan điểm của các thành viên trong tổ chức, để phân biệt tổ chức này với tổ chức khác. (Robbin, 2000).

          Các định nghĩa trên tạo nên quan niệm về văn hóa tổ chức mà trong thực tế được biểu đạt gắn với từng loại hình thể chế nghề nghiệp như: văn hóa công ty, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa nhà trường, văn hóa cộng đồng của một tổ chức nào đó… Và từ các định nghĩa, có thể đưa ra khái quát chung về văn hóa tổ chức, đó là:

          Nói đến văn hoá tổ chức là nói đến hình thức tín ngưỡng, giá trị và thói quen được phát triển trong suốt quá trình lịch sử của tổ chức. Những điều này được thể hiện trong cách điều hành và hành vi ứng xử của các thành viên. Chính vì vây, văn hóa tổ chức là yếu tố quyết định hàng đầu của thực hiện tổ chức: “ Văn hóa tổ chức là toàn bộ các yếu tố văn hóa được chủ thể (tổ chức) chọn lọc, tạo ra, sử dụng  và biểu hiện trong quá trình hoạt động từ đó tạo ra bản sắc riêng của một tổ chức.”

Chọn lọc là sự gạn lọc những mặt bất hợp lý, tiếp biến mặt hợp lý để tạo “nguyên liệu đầu vào” cho quá trình sáng tạo văn hoá. Tạo ra là quá trình chuyển hoá cái đã chọn lọc để sản sinh nên những giá trị, biểu tượng và chuẩn mực văn hoá mới gắn với sắc thái riêng biệt của từng chủ thể sáng tạo văn hoá. Sử dụng là ứng dụng các giá trị, biểu tượng, chuẩn mực văn hoá được chọn lọc và tạo ra để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, trước hết là tạo bản sắc và thương hiệu.

Với những đặc trưng như vậy, văn hóa tổ chức có vai trò gắn kết các thành viên thành một khối cộng cảm, cộng lợi và cộng mệnh; tạo nên sự ổn định bằng cách đưa ra những chuẩn mực để hướng dẫn các thành viên đi theo mục đích chung của tổ chức một cách tự giác, tự nguyện. Các yếu tố văn hóa được chọn lọc và tạo ra có vai trò như là một cơ chế khẳng định mục tiêu của tổ chức, hướng dẫn, uốn nắn những hành vi ứng xử lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ chức, giữa cá nhân với tổ chức, giữa thành viên với lãnh đạo.

Tuy nhiên, văn hóa tổ chức cũng có thể trở thành một lực cản đối với những mong muốn thay đổi để thúc đẩy hiệu quả của tổ chức. Điều này xuất phát từ tính trễ của văn hoá trong các quá trình phát triển.

Mỗi một tổ chức bao giờ cũng có một giới hạn về mặt không gian, thể chế và mục tiêu quản trị nhất định. Trong khi đó văn hóa là sáng tạo và mang tính cá thể hóa cao. Khi nói đến văn hóa là nói đến cái giá trị, chuẩn mực và biểu tượng của một cộng đồng người hình thành từ dưới lên, từ tự thân, mang tính tự giác, tự nguyện; còn văn hóa tổ chức lại được định ra có tính khuôn mẫu mang tính định chế. Đây là một mâu thuẫn không dễ giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam khi môi trường hoạt động chưa thực sự tạo nên cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao cho các tổ chức, và bản thân các tổ chức chưa ý thức về vai trò của xây dựng văn hóa tổ chức mà đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội.

1.2. KHÁI NIỆM VĂN HÓA KINH DOANH

          Càng ngày con người càng nhận thấy rằng văn hoá tham gia vào mọi quá trình hoạt động của con người và sự tham gia đó ngày càng được thể hiện rõ nét và tạo thành các lĩnh vực văn hoá đặc thù như văn hoá chính trị, văn hoá pháp luật, văn hoá giáo dục, văn hoá gia đình… và văn hoá kinh doanh.

        Theo Từ điển tiếng Việt, “kinh doanh” được hiểu là “tổ chức việc sản xuất buôn bán sao cho sinh lời”. Với nghĩa phổ thông này từ “kinh doanh” không những có nghĩa “buôn bán” mà còn bao hàm cả nghĩa “tổ chức việc sản xuất”. Kinh doanh là hoạt động của cá nhân hoặc tổ chức nhằm đạt mục đính đạt lợi nhuận qua một loạt các hoạt động  kinh doanh như quản trị, tiếp thị, tài chính, kế toán, sản xuất. Kinh doanh là một trong những hoạt động phong phú nhất của loài người. Kinh doanh là một hoạt động cơ bản của con người, xuất hiện cùng với hàng hóa và thị trường. Nếu là danh từ, kinh doanh là một nghề – được dùng để chỉ những con người thực hiện các hoạt động nhằm mục đích kiếm lợi, còn nếu là động từ thì kinh doanh là một hoạt động – là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng các dịch vụ trên thị trường. Dù xét từ giác độ nào thì mục đích chính của kinh doanh là đem lại lợi nhuận cho chủ thể kinh doanh nên bản chất của kinh doanh là để kiếm lời. Trong nền kinh tế thị trường, kinh doanh là một nghề chính đáng xuất phát từ nhu cầu phát triển của xã hội, do sự phân công lao động xã hội tạo ra. Còn việc kinh doanh như thế nào, kinh doanh đem lại lợi ích và giá trị cho ai thì đó chính là vấn đề của văn hoá kinh doanh.

 

       Với cách tiếp cận về văn hóa như trên, có thể hiểu theo nghĩa rộng, văn hoá kinh doanh (business culture) là toàn bộ các giá trị vật chất và các giá trị tinh thần do chủ thể kinh doanh sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh, trong sự tương tác giữa chủ thể kinh doanh với môi trường kinh doanh. Như vậy, theo nghĩa rộng, văn hoá kinh doanh là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần, những phương thức và kết quả hoạt động của con người được tạo ra và sử dụng trong quá trình kinh doanh.

          Văn hóa là những giá trị, thái độ và hành vi giao tiếp được đa số thành viên của một nhóm người cùng chia sẻ và phân định nhóm này với nhóm khác. Văn hóa là quá trình thích nghi với môi trường, quá trình học hỏi, hình thành thói quen, lối ứng xử của con người. Theo đó, văn hóa kinh doanh là lối ứng xử của cá nhân, tổ chức làm kinh tế (doanh nghiệp – doanh nhân) với tất cả những gì liên quan, phù hợp với xu thế thời đại. Do vậy, theo nghĩa hẹp, có thế hiểu: Văn hóa kinh doanh là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi do chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh, được thể hiện trong cách ứng xử của họ với xã hội, tự nhiên ở một cộng đồng hay một khu vực.

        Văn hoá kinh doanh là toàn bộ các giá trị văn hoá được chủ thể kinh doanh sử dụng và tạo ra trong hoạt động kinh doanh tạo nên bản sắc kinh doanh của chủ thể đó. Văn hóa kinh doanh không chỉ là văn hóa mà các chủ thể kinh doanh sử dụng trong kinh doanh của họ mà còn là giá trị sản phẩm văn hóa mà các chủ thể kinh doanh (là doanh nhân, doanh nghiệp) sáng tạo ra trong hoạt động kinh doanh của họ. Theo đó, văn hóa kinh doanh ở đây được xem xét trên 2 phương diện:

  • Cách thức, mức độ mà doanh nhân, doanh nghiệp sử dụng trong quá trình kinh doanh của họ;

  • Sản phẩm và những giá trị văn hóa mà các doanh nhân, doanh nghiệp tạo ra trong hoạt động kinh doanh của họ.

 

           Văn hoá kinh doanh là những giá trị văn hoá gắn liền với hoạt động kinh doanh thể hiện trong hình thức mẫu mã và chất lượng sản phẩm, trong thông tin quảng cáo về sản phẩm, trong cửa hàng bày bán sản phẩm, trong cách chọn và cách bố trí máy móc và dây chuyền công nghệ, trong cách tổ chức bộ máy về nhân sự, trong quan hệ giao tiếp ứng xử giữa các thành viên trong doanh nghiệp, trong phong cách giao tiếp ứng xử của người bán đối với người mua, trong tâm lý và thị hiếu tiêu dùng, rộng ra là trong cả quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh, phương thức tiến hành kinh doanh, phương thức quản lý kinh doanh với toàn bộ các khâu, các điều kiện liên quan của nó… nhằm tạo ra những chất lượng – hiệu quả kinh doanh nhất định. Trong quan hệ giữa các doanh nghiệp, văn hoá kinh doanh có thể bao gồm môi trường kinh doanh trong thị trường, những quy tắc ứng xử được các đối tác cùng chia sẻ, hoặc những truyền thống hay thói quen có tính đặc thù cho từng thị trường, từng nước hay từng nhóm đối tác. Các giá trị văn hóa này được dùng để đánh giá các hành vi, do đó, được chia sẻ và phổ biến rộng rãi giữa các thế hệ thành viên trong doanh nghiệp như một chuẩn mực để nhận thức, tư duy và cảm nhận trong mối quan hệ với các vần đề mà họ phải đối mặt. Văn hoá kinh doanh không chỉ tạo ra tiêu chí cho cách thức kinh doanh hằng ngày mà còn tạo ra những khuôn mẫu chung về quan điểm và động cơ trong kinh doanh. Văn hóa kinh doanh là những nét văn hóa rất được chú trọng trong các quốc gia công nghiệp hóa nhanh và thành công.

         Bản chất của văn hoá kinh doanh là làm cho cái lợi gắn bó chặt chẽ với cái đúng, cái tốt và cái đẹp. Văn hóa kinh doanh là một phương diện của văn hoá trong xã hội, kinh doanh có văn hóa đòi hỏi chủ thể của nó không chỉ đạt được mục tiêu lợi nhuận cá nhân mà còn mang đến cái lợi, cái thiện, cái đẹp cho khách hàng, đối tác và xã hội, nó cần áp dụng trong hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân và cả trong hành vi ứng xử của khách hàng. Hoạt động kinh doanh cố nhiên không lấy các giá trị của văn hoá làm mục đích trực tiếp, song nghệ thuật kinh doanh, từ việc tạo vốn ban đầu, tìm địa bàn kinh doanh, mặt hàng kinh doanh cách thức tổ chức thực hiện chiến lược kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ và bảo hành sau bán… được “thăng hoa” lên với những biểu hiện và giá trị tốt đẹp thì kinh doanh cũng là biểu hiện sinh động văn hoá của con người.

        Văn hóa kinh doanh được cấu thành bởi các yếu tố chính là triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa ứng xử trong hoạt động kinh doanh. Văn hóa kinh doanh là văn hóa của nghề kinh doanh, là văn hóa của cộng đồng kinh doanh, là văn hóa của giới doanh nhân. Vai trò, tác dụng của nó không chỉ trong công tác quản trị nội bộ mà còn cả trong quan hệ của doanh nghiệp, doanh nghiệp với xã hội; doanh nghiệp cần phải tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng văn hóa đậm đà, phải vươn tới việc sáng tạo ra các giá trị nhân văn giàu bản sắc, qua đó quảng bá, nâng tầm giá trị của thương hiệu quốc gia, dân tộc.

 

 Nói một cách khác, văn hóa kinh doanh là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi do chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh, được thể hiện trong cách ứng xử của họ với xã hội, tự nhiên ở một cộng đồng hay một khu vực. Văn hoá kinh doanh là toàn bộ các giá trị văn hoá được chủ thể kinh doanh sử dụng và tạo ra trong hoạt động kinh doanh tạo nên bản sắc kinh doanh của chủ thể đó. Bản chất của văn hoá kinh doanh là làm cho cái lợi gắn bó chặt chẽ với cái đúng, cái tốt và cái đẹp.

Tổng hợp tài liệu và tham khảo  INTERNET.

https://www.facebook.com/phanhieutcmiendong

http://aitech.edu.vn/

http://hocvalamsaigon.com

http://vuahocvalam.com

VIỆN CÔNG NGHỆ QUẢN TRỊ Á CHÂU – TS. NGUYỄN VĂN HÙNG