KHẢO CỔ HỌC TIỀN – SƠ SỬ ĐỒNG NAI PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN GẮN VỚI KHAI THÁC DU LỊCH – Bảo Tàng Đồng Nai

          Đông Nam bộ là vùng địa hình chạy dài từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Tây Ninh, rìa phía nam thoải dần về phía châu thổ sông Cửu Long. Vùng Đông Nam bộ có hai phần khác biệt nhau về nguồn gốc phát sinh: Vùng thứ nhất là cao nguyên đất đỏ núi lửa rộng lớn như: Long Khánh, Bình Long, Bà Rịa, Lộc Ninh. Vùng thứ hai là dãy đất xám phù sa cổ nằm phía nam ở các khu vực quanh Hố Nai, Long Bình và Thủ Đức, dưới dạng những đồi cao khoảng trên 100m. Địa hình Đông Nam bộ gồm các cao nguyên đất đỏ như cao nguyên Lộc Ninh – Phước Long, cao nguyên Gia Kiệm – Xuân Lộc – Đất Đỏ; các vùng phù sa cổ –  cận sinh ở Biên Hoà – Tây Ninh, thung lũng vùng hạ lưu sông Đồng Nai, đồng bằng sông La Ngà và đồng bằng duyên hải.

          Sự đa dạng thiên nhiên của vùng này đưa đến sự phân bố các di tích khảo cổ học cũng rất đa dạng với nhiều loại hình di tích và nhiều giai đoạn phát triển nối tiếp nhau. Ở hạ lưu sông Đồng Nai có rất nhiều địa điểm đã được khai quật và những phát hiện mới như: Bình Đa, Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, Gò Me, Phú Chánh, Đồi Phòng Không, Suối Linh, Hàng Ông Đụng, Hàng Ông Đại… Đặc trưng nhóm di tích này khá độc đáo với nhiều loại hình như di tích cư trú (Bình Đa, Gò Me), di tích mộ táng – cư trú (Cù Lao Rùa, Dốc Chùa), di tích dạng cư trú – xưởng chế tác đá (Suối Linh), di tích dạng công xưởng (Đồi Phòng Không, Hàng Ông Đụng, Hàng Ông Đại) hoặc dạng di tích vừa cư trú – mộ táng và là một trung tâm luyện kim đúc đồng có quy mô lớn nhất trong thời kỳ kim khí (Dốc Chùa). Nhóm di tích vùng cận biển thuộc địa giới hành chính của, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) như: Cái Vạn, Rạch Lá, Cái Lăng, Gò Me…, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, Giồng Đất Đỏ 1 – 2, Bao Đồng, Giồng Cá Trăng…(Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh), di tích Giồng Lớn (Long Sơn), di tích Gò Ông Kiểng 1 – 2, di tích Gò Cây Me, di tích Gò Cá Sỏi… trên địa phận huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu)…

          Với việc phân bố dày đặc các di tích khảo cổ học gồm nhiều vùng địa lý khác nhau cũng như nhiều giai đoạn khác nhau trên vùng đất Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu và định hướng cho việc phát triển khảo cổ học gắn với khai thác du lịch.

          1. Đôi nét về thành tựu khảo cổ học Tiền – Sơ sử Đồng Nai

          Khảo cổ học Đồng Nai đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, hàng loạt các di tích đã được phát hiện và nghiên cứu từ sau năm 1975, hàng ngàn di vật với đầy đủ các loại hình được đưa lên khỏi mặt đất, cung cấp một khối lượng tư liệu lớn cho các nhà nghiên cứu và nhiều sưu tập lớn rất có giá trị được bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.

          1.1. Thời đại Đá cũ

          Qua nghiên cứu thời đá cũ ở Đồng Nai có 9 địa điểm phát hiện lộ thiên phân bố tập trung ở thành phố Long Khánh, các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú. Đó là vùng địa hình bán bình nguyên đất đỏ bazan, độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 150-200m. Trên địa hình còn có nhiều ngọn núi cao từ 275-440m, đó chính là dấu vết còn lại của những ngọn núi lửa cổ đã tắt cách đây vài triệu năm. Bao quanh các miệng núi lửa là tàn tích phun trào, tạo các dòng dung nham thành mặt bằng nghiêng dần về các thung lũng. Mạng sông suối ở đây cũng khá phức tạp với nhiều hướng chảy khác nhau cùng với độ thủy văn thay đổi mạnh mẽ theo các mùa trong năm. Bề mặt địa hình thường có những biến đổi mạnh do hoạt động của gió và các dòng nước mặt.

          Tất cả các công cụ Đá cũ đều được làm từ đá bazan, loại đá phân bố khá phổ biến trong khu vực. Đó là một loại đá cứng, giòn và dễ tạo ra các cạnh sắc, thích hợp để làm công cụ lao động. Điều này, phần nào chứng tỏ khả năng thích ứng môi trường của người Tiền sử nơi đây, họ đã biết lựa chọn loại đá tự nhiên, thích hợp ở quanh nơi sinh sống của mình để làm ra các công cụ lao động.

          Qua so sánh loại hình công cụ, kỹ thuật chế tác. Các nhà nghiên cứu đã xếp thời đá cũ ở Đồng Nai tương đương giai đoạn A – Sơn ở Châu Âu, tương ứng với thời gian băng Mindel – riss đến đầu giai đoạn gian băng Riss – Wurm, niên đại chung từ 60 vạn năm đến 25 vạn năm cách ngày nay. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng phát hiện được một số vết tích cổ sinh như hóa thạch động vật ở Tân Phong (Biên Hòa), Tân An (Vĩnh Cửu), vuốt động vật ở di tích Suối Đá (Long Khánh). Bước đầu nghiên cứu đặc trưng phân bố di tích, loại hình di vật, chất liệu công cụ, kỹ thuật chế tác, cho chúng ta thấy triển vọng khảo cổ học thời Đá cũ ở Đồng Nai là rất lớn và cần được quan tâm nghiên cứu tiếp. Trên cơ sở các địa điểm đã phát hiện, trước mắt cần có kế hoạch điều tra kỹ trong vùng, chọn vài địa điểm thích hợp đào thám sát tìm tầng văn hóa. Sau đó có phương án khai quật nghiên cứu lâu dài.

          1.2. Thời đại Đá mới – Kim khí

          Diện phân bố các di tích khảo cổ học thời Đá mới – Kim khí rộng khắp cả tỉnh. Cơ bản có thể chia thành 3 vùng lớn:

          – Vùng đất đỏ bazan đồi núi thấp thuộc các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú và thành phố Long Khánh với các di tích quan trọng đã được phát hiện và nghiên cứu, trong đó, ở giai đoạn sớm với di tích Cầu Sắt, giai đoạn muộn hơn là nhóm các di tích Hưng Thịnh, Đồi Xoài, Đồi Mít, Tân Phú, Ấp Cây Xăng…; nhóm di tích thuộc giai đoạn hậu kỳ Đồng – sơ kỳ Sắt như Suối Chồn, Phú Hoà, Hàng Gòn, Dầu Giây, Long Giao.

          Vùng đất đỏ bazan đồi núi thấp các di tích cần tiếp tục điều tra xác định và đào thám sát như: Phú Hòa, Dầu Giây; các di tích còn điều kiện đào thám sát như: Suối Đá, Suối Chồn, Núi Gốm, Sông Nhạn, Cầu Sắt.

          – Vùng thềm phù sa cổ dọc hai bên bờ sông Bé, sông La Ngà, sông Đồng Nai thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Long Thành và thành phố Biên Hòa. có nhiều địa điểm thuộc các thời kỳ nối tiếp nhau với giai đoạn sớm gồm các di tích Suối Linh, Bình Đa, Gò Me, Trảng Quân, Đồi Phòng Không, Phước Tân… và giai đoạn muộn có di tích Hiệp Hòa (Cù Lao Phố).

          Vùng thềm phù sa cổ dọc hai bên bờ sông Bé, sông La Ngà, sông Đồng Nai các di tích còn điều kiện đào thám sát như: Phước Tân, Đồi Phòng Không, Bình Đa; các di tích cần qui hoạch bảo tồn nghiên cứu lâu dài như: Suối Linh, Đồi Phòng Không, Gò Me (phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa).

          – Vùng phù sa cổ ngập mặn hai bên bờ sông Thị Vải, sông Đồng Nai thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch gồm các di tích: Cái Vạn, Cái Lăng, Rạch Lá, Gò Me.

          Vùng phù sa cổ ngập mặn hai bên bờ sông Thị Vải, sông Đồng Nai di tích cần quy hoạch bảo tồn nghiên cứu lâu dài như: Gò Me (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch), đoạn sông Đồng Nai từ cù lao Rùa đến cù lao Ba Xê và đoạn sông Nhà Bè nơi gặp nhau hai sông Sài Gòn và Đồng Nai cần có kế hoạch khảo cổ học dưới nước.

          1.3. Về loại hình di tích

           Loại hình di tích cũng đã được phân định một cách rõ ràng như: Di tích cư trú: Cầu Sắt, Bình Đa, Hưng Thịnh. Di tích cư trú – xưởng: Suối Linh. Di tích xưởng: Đồi Phòng Không. Di tích cư trú – mộ táng: Suối Chồn. Di tích mộ táng: Phú Hòa, Dầu Giây, Cự thạch Hàng Gòn.

          1.4. Về phân kỳ khảo cổ học

          Khảo cổ học Đồng Nai thời Tiền – Sơ sử cũng được phân kỳ qua các giai đoạn phát triển như: Cầu Sắt – Bình Đa – Suối Chồn – Hàng Gòn.

          2. Phương án phát triển gắn với khai thác du lịch

          – Hệ thống hóa toàn bộ tư liệu khảo cổ học trong điều kiệu tối ưu hoá có thể như thu thập tất cả tài liệu thu thập được từ những phát hiện đầu tiên của người Pháp đang được lưu trữ trong các bảo tàng, trong các sưu tập kể cả sưu tập tư nhân. Thu thập những công bố dưới mọi hình thức, mọi cấp độ để hình thành một hệ thống dữ liệu cho khảo cổ Đồng Nai trong một hệ chuẩn chung của khảo cổ học cả nước.

          – Quy hoạch khảo cổ học toàn bộ các di tích khảo cổ học phát hiện trên phạm vi toàn tỉnh, đánh giá đúng hiện trạng và đề xuất các giải pháp nghiên cứu trong đó việc khoanh vùng nghiên cứu các di tích có vị trí quan trọng trong nghiên cứu khảo cổ học không chỉ với phạm vi Đồng Nai mà phạm vi cả vùng Đông Nam bộ và có thể rộng hơn trong nghiên cứu so sánh.

          – Xây dựng hệ thống dữ liệu theo chuẩn mực của hệ thống thông tin địa lý toàn cầu GIS và luôn được cập nhật để góp phần bảo tồn những di tích còn có thể bảo tồn và nghiên cứu. Xây dựng tính pháp lý cho các tư liệu thu thập được nhất là các bản đồ quy hoạch khảo cổ học để góp phần bảo vệ các di tích khảo cổ học vốn lâu nay không được quan tâm bảo tồn một cách nghiêm túc.

          – Kết quả của quá trình nghiên cứu khảo cổ trên địa bàn Đồng Nai ghi dấu trên bộ di vật tìm được trong lòng các di tích khảo cổ, việc khảo sát lại toàn bộ các phát hiện, nghiên cứu đặc trưng văn hóa cũng như các mối quan hệ qua lại giữa vùng lưu vực sông Đồng Nai với các vùng văn hóa khác là hoạt động khoa học cần tiếp tục thực hiện, trong đó, chú trọng nghiên cứu các mối quan hệ văn hóa giữa lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Lam vùng duyên hải miền Trung và xa hơn với các văn hóa cổ ở Đông Nam Á để nhận thức một cách rõ ràng hơn về trình độ phát triển của cộng đồng cư dân Đồng Nai trong quá khứ từ nhiều ngàn năm trước.

          – Tiếp tục nghiên cứu để nhận diện trình độ phát triển của cộng đồng qua xu hướng phát triển các công xưởng có quy mô lớn, chuyên hóa về kỹ thuật, có sự phân công lao động giữa các hoạt động sống trong cộng đồng để có thể thấy được khu vực Đồng Nai đã thực sự có một xã hội phát triển mạnh mẽ, có tính tổ chức cao thể hiện qua sự chuyên môn hóa sản xuất và hoạt động giao thương rất đa dạng nhất là vào hậu kỳ Đồng – sơ kỳ Sắt mà các tư liệu khảo cổ học thu thập được từ các di tích như Suối Chồn, Phú Hoà, Hàng Gòn minh chứng cho một giai đoạn phát triển đỉnh cao thời Tiền sử.

          3. Đề xuất một số di tích Tiền sử – Sơ sử có tiềm năng khai thác du lịch

          3.1. Quần thể di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn

          Quần thể Cự thạch Hàng Gòn là sự khởi đầu của một thời đoạn lịch sử hào hùng của Phức hệ văn hóa Tiền sử – Sơ sử trong toàn miền Đông Nam bộ của Việt Nam – giai đoạn hậu kỳ đồ Đồng – sơ kỳ đồ Sắt. Sự gắn kết kho tàng vũ khí ở Long Giao và mộ Cự thạch ở Hàng Gòn, trong đó qua đồng Long Giao được tích lũy và dự trữ qua nhiều thế hệ làm nên “Biểu tượng của Thủ lĩnh” của một cơ cấu quyền lực tối thượng của cả cộng đồng đa tộc người trong vùng đất Đồng Nai xưa được chôn cất chính trong vùng đất đỏ bazan của mộ Cự thạch ở Hàng Gòn. Diện mạo một trung tâm tinh thần Đông Nam bộ vào thời kỳ “tiền nhà nước” nổi trội giữa các trung tâm kinh tế, văn hóa,  thông thương ở các lãnh địa khác là các khu vực tụ cư kiểu mật tập quanh những “thị trấn” hạt nhân và những “tiền thị cảng” đang manh nha nhờ sự tiếp tế cung ứng nông phẩm, thực phẩm và cả lâm – thủy sản làm thương phẩm của các quần thể làng làm nông, chài lưới, các lò gốm và xưởng đá, các xưởng đúc và lò rèn, lò nấu thủy tinh, các xưởng dệt và xưởng mộc, các nhóm chuyên đi săn và các nhà chuyên buôn bán.

          Với một công xưởng chế tác Cự thạch được khám phá tại chỗ, chúng ta được biết thêm một loại hình di tích mới trong lịch sử kiến trúc Cự thạch của các tộc người vùng Nam Á nói chung; nhưng trước tiên, chúng khẳng định rằng bản thân hầm mộ Cự thạch được cộng đồng cư dân bản địa trực tiếp cộng lực khai thác, vận chuyển, tập kết nguyên liệu đá phiến, đá tảng lớn nặng nhiều tấn từ xa về và chế tác tại chỗ các phụ kiện để ghép lắp công trình hoàn chỉnh. Trong bình diện văn hóa Cự thạch châu Á, quần thể kiến trúc và công xưởng Cự thạch Hàng Gòn chính là hiện tượng lịch sử độc đáo và độc nhất vô nhị so với toàn bộ kiến trúc thuộc truyền thống Cự thạch nguyên thủy ở cả khu vực và châu Á.

          Di tích đã được quy hoạch, xây dựng hàng rào bảo vệ, làm mái che, nhà đón khách và phòng trưng bày phục vụ du lịch. Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Có thể khai thác di tích này gắn với một số di tích cấp quốc gia tại thành phố Long Khánh và huyện Xuân Lộc theo tuyến du lịch Cẩm Mỹ – Long Khánh – Xuân Lộc thành tuyến tham quan du lịch danh thắng – lịch sử – văn hóa hấp dẫn. Để phát triển di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn về lâu dài cần có định hướng nghiên cứu sâu những vấn đề về Sơ sử trên vùng đất đỏ bazan này, nhất là vấn đề nhà nước sơ khai của cộng đồng cư dân Đồng Nai xưa.

          3.2. Cụm di tích Suối Linh, Đồi Phòng Không

          Địa điểm Suối Linh có tọa độ khoảng 11005’ vĩ độ bắc và 106050 kinh độ đông. Địa điểm nằm ở ven bờ sông Bé về phía tả ngạn. Di chỉ Suối Linh còn nằm gần một số địa điểm khảo cổ học khác như Đồi Phòng Không ở cùng huyện Vĩnh Cửu và Dốc Chùa (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

          Di tích đã qua hai lần khai quật và nhiều đợt điều tra thăm dò khác; trong đó cuộc khai quật lần thứ I năm 1985 tìm thấy 400 hiệt vật đá, gần 3.000 mảnh tước, 41 hiện vật gốm và hơn 16.000 mảnh gốm vỡ. Tầng văn hóa Suối Linh chỉ có 1 lớp khẳng định đây là một địa điểm cư trú liên tục và lâu dài. Đây là di tích cư trú – công xưởng chuyên môn hóa chế tạo công cụ đá và đồ gốm.

          Cuộc khai quật lần II năm 2002, đã đào 97m2 bao gồm những hố khai quật và hố thám sát như sau: Hố I có diện tích 36m2 (6 x 6m); hố II có diện tích 49m2 (7 x 7m); 6 hố thám sát, mỗi hố có kích thước 2 x 1m. Tổng cộng diện tích thám sát là 12m2. Qua những hố đào, cho thấy di tích được phân bố theo chiều bắc nam khoảng 150m, theo chiều đông tây vào khoảng 100m. Trong 2 hố khai quật phát hiện 128.156 hiện vật, trong đó đồ đá có 52.123 hiện vật, đồ gốm là 76.033 hiện vật. Số lượng mảnh gốm vụn là 75.324 mảnh. Vì thế, nếu kể cả những mảnh gốm thì số lượng hiện vật lên tới 128.156 hiện vật, đó là con số rất lớn đối với một di chỉ cư trú khu vực này. Trong 52.123 đồ đá, bao gồm các loại hình như: rìu, bôn, phác vật rìu bôn, đục, cuốc, dao cắt, mũi nhọn, đột, đá ghè tròn, bàn mài, bàn mài trong để mài vòng đá, hòn kê, hòn ghè, chày nghiền, mũi tên, bi, vòng trang sức, lõi vòng, mảnh tước, đá có dấu chế tác. Trong số này, mảnh tước chiếm tuyệt đại đa số hiện vật đá (tỷ lệ 93,1%) chứng tỏ đây là một công xưởng sản xuất đồ đá, bên cạnh cư trú.

          Ngoài tính chất là làng cổ, Suối Linh còn là một công xưởng chế tác công cụ đá và đồ gốm. Nói một cách khác thì đây là một dạng di tích di chỉ – xưởng. Bằng chứng của việc chế tác công cụ đá ở đây thật rõ nét: Một khối lượng rất lớn phác vật công cụ, đang chế tác dở dang, nhiều vết ghè đẽo như phác vật rìu bôn được tìm thấy với số lượng lớn ở đây, 461 chiếc, lớn hơn gấp rưỡi (1,75 lần) số lượng rìu bôn thành phẩm (264 chiếc). Những phác vật này có thể là người xưa chế tác dở dang, nhưng cũng có khi là do họ vứt lại tại chỗ chế tác do họ làm hỏng sản phẩm, vì thế ở một góc độ khác thì đây là phế vật. Một số lượng lớn mảnh tước có mặt trong tầng văn hóa là bằng chứng về việc chế tác đồ đá. Số lượng mảnh tước các loại lên đến 48.526 mảnh, chiếm tuyệt đại đa số đồ đá tìm thấy ở đây (93,1%).

          Người cổ Suối Linh còn chế tác vòng trang sức. Tuy nhiên, đây không phải là nơi chủ yếu sản xuất loại hiện vật này. Vì thế, vòng trang sức đá có số lượng ít, 2 chiếc, lõi vòng 2 chiếc và bàn mài trong cũng chỉ tìm được 2 chiếc. Bên cạnh việc chế tác công cụ sản xuất bằng đá, người Suối Linh còn sản xuất đồ gốm tại chỗ. Bằng chứng là tìm được một số lượng lớn dụng cụ làm gốm, đó là loại hình hiện vật có tên là bàn đập gốm. Những chiếc bàn đập này có tác dụng làm xương gốm chắc thêm trong quá trình tạo dáng đồ đựng đồ đun nấu, người xưa dùng chúng để đập vào thân gốm hay dùng để kê phía trong đồ gốm và dùng đồ vật khác để đập bên ngoài. Loại hình bàn đập gốm tìm được phổ biến trong các địa điểm khảo cổ học thời đại Kim khí ở miền Trung và Nam Bộ nước ta. Số lượng bàn đập gốm ở Suối Linh trong đợt đào này là 686 mảnh, thuộc loại di tích có nhiều nhất hiện vật này ở vùng Đông Nam bộ. Có thể, di chỉ Suối Linh là nơi sản xuất đồ đựng đồ đun nấu tại chỗ, vì thế trong di chỉ cũng tồn tại một số lượng mảnh gốm tương đối nhiều, 75.324 mảnh, cũng là một di chỉ có nhiều mảnh gốm.

          Niên đại tuyệt đối của di tích khoảng 3.500-2.500 năm cách ngày nay.

          Vài nét về đời sống kinh tế của cư dân Suối Linh: Đó là kinh tế sản xuất công cụ sản xuất bằng đá: Rìu, bôn, đục… và kinh tế sản xuất đồ gốm. Ngoài ra, còn một số ngành kinh tế sau đây: Kinh tế nông nghiệp làm rẫy có thể phát triển với một loạt rìu đá, bôn đá để phát rẫy làm nương, có cả loại hình cuốc đá có thể là công cụ làm đất, đào lỗ, công cụ thu hoạch là những chiếc dao đá (71 hiện vật). Trao đổi sản phẩm đã xuất hiện. Con đường trao đổi sản phẩm là con đường dọc sông Bé đến sông Đồng Nai. Kỹ nghệ chế tạo đồ trang sức đá: Ghè đẽo tạo dáng ban đầu, dùng khoan để tạo lỗ vòng bên trong và vành ngoài của vòng. Sau đó, dùng loại bàn mài trong để mài lỗ vòng. Xã hội đã có sự phân công lao động rõ rệt. Chủ nhân của Suối Linh là người bản địa, giống như chủ nhân của nhiều di tích thời đại Kim khí ở lưu vực sông Đồng Nai và Đông Nam bộ. Trong tiến trình lịch sử, họ cùng các nhóm cư dân khác phát triển lên các nền văn minh muộn hơn ở khu vực.

          Cần quy hoạch bảo tồn cụm di tích Suối Linh và Đồi Phòng Không gắn với Khu Bảo tồn – Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, lòng hồ thủy điện Trị An. Trong vùng còn có các di tích lịch sử cấp quốc gia như: Địa đạo Suối Linh, căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962), di tích Vườn Quốc gia Cát Tiên và có thể kết nối với nhà dài dân tộc Chơro, nhà văn hóa dân tộc Mạ ở Tà Lài… thành tuyến du lịch lịch sử – văn hóa – sinh thái hấp dẫn. Trong tương lai gần cần có những đề tài nghiên cứu chuyên sâu về công tác bảo tồn và phát huy đối với hai di tích đặc biệt này. Phát huy di tích gắn với cộng đồng (khảo cổ học cộng đồng) và định hướng bảo tồn tại chỗ các công xưởng chế tác thời Tiền sử, sau khi khai quật để phục vụ tham quan và nghiên cứu khoa học đối với học sinh, sinh viên; gắn với khai thác hiệu quả ngành kinh tế mũi nhọn – dịch vụ du lịch.

          Tham luận cũng chỉ mới đề cập đến những vấn đề khoa học cơ bản và định hướng công tác nghiên cứu cho khảo cổ học Tiền – Sơ sử Đồng Nai trong khung cảnh Đông Nam bộ và Nam bộ. Qua đó đề xuất phương án khai thác du lịch trên nền tảng những giá trị lịch sử văn hóa mà các di tích khảo cổ học mang lại. Từ cơ sở đó, gắn với những định hướng tuyến du lịch theo Quy hoạch ngành du lịch Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đưa ra những di tích có tiềm năng khai thác kinh tế từ dịch vụ du lịch làm tiền đề cho những khai thác tiếp theo trong tương lai mà khảo cổ học Đồng Nai mang lại – Đây cũng là hướng tiếp cận mới mà ngành du lịch Đồng Nai cần suy nghĩ và định hướng trong nhiều năm tiếp theo, cùng với những thành tựu mới từ ngành Khảo cổ học.

          Khai thác du lịch từ các di tích khảo cổ học là tiềm năng lớn, nhưng phải giải quyết hài hòa giữa khai thác và bảo vệ môi trường, vì môi trường xunh quanh các di tích khảo cổ học là cấp bách, bởi đây là đối tượng khó bảo quản và dễ bị phá hủy. Việc quy hoạch khai thác du lịch và khảo cổ học gắn với môi trường phải được tiến hành cẩn thận cho từng di tích cụ thể, theo phương án tối ưu nhất. Có như vậy thì việc phát triển các di tích khảo cổ học Tiền – Sơ sử Đồng Nai gắn với phát triển du lịch mới có thể phát huy bền vững được./.   

    Nguyễn Hồng Ân

Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT Đồng Nai

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Hồng Ân (2008), Di tích khảo cổ học Cái Vạn (Nhơn Trạch – Đồng Nai), Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Khảo cổ học, thành phố Hồ Chí Minh.

  2. Nguyễn Hồng Ân (2016), Các di tích cự thạch ở Đồng Nai trong khung cảnh Cự thạch Việt Nam và Châu Á, Luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Khảo cổ học, Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

  3. Nguyễn Hồng Ân (2018), “Di sản văn hóa là nền tảng để du lịch Đồng Nai phát triển bền vững”, Hội thảo khoa học “Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị các di tích: Đềnt hờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông, thành cổ Biên Hòa, nhà lao Tân Hiệp, chiến khu Đ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, Đồng Nai, tr. 21-28.

  4. Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Giang Hải, Nguyễn Hồng Ân (2016), Hàng Gòn – Kỳ quan cự thạch Việt Nam; Khoa học Xã hội.

  5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai (2017), Đề án Quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.