Karaoke tra tấn – ‘Tết mà, thông cảm đi’

Phản ảnh lên phường chuyện hàng xóm hát karaoke ngày lễ Tết, đám ma đến tận đêm, tôi chỉ nhận được câu trả lời xoa dịu: ‘Mong anh thông cảm’.

“Điên đầu vì karaoke Tết” là lời than thở của không ít người Việt cứ sau mỗi dịp lễ Tết dài ngày. Karaoke “tra tấn” từ lâu đã trở thành một vấn nạn, gây khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và quyền riêng tư của nhiều người. Thế nhưng, đây dường như vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Từ nông thôn đến thành thị, từ nhà mặt đất đến chung cư cao tầng, từ nhà mặt đường đến ngõ sâu, bất cứ nơi đâu người ta cũng phải “cắn răng” sống chung với tiếng ồn từ các dàn loa công suất lớn phát ra từ nhà hàng xóm.

Cũng chịu chung cảnh bị hàng xóm hát karaoke ồn ào, độc giả Nguoidongcam chia sẻ: “Xóm nhà tôi ngày nào hầu như cũng có người hát karaoke. Có hôm ba, bốn nhà cùng hát một lúc, tất cả hòa lại như một cái chợ trời. Luật đã có, quy định cũng rất rõ, nhưng vấn đề là ở sự cả nể của người dân và lực lượng chức năng địa phương.

Có lần, ngày nghỉ lễ, hàng xóm của tôi mở tiệc hát hò từ 12h trưa tới 21h55 mà vẫn chưa chịu dừng. Quá sức chịu đựng, tôi buộc phải gọi lên phường để báo tình hình vời nhờ sự can thiệp. Tuy nhiên, tất cả những gì tôi nhận lại được là câu trả lời của cán bộ trực ban: “Lễ mà, thôi anh cứ để cho người ta vui một chút vậy”.

Tôi đáp lời, nói rõ rằng “họ hát liên tục từ 12h trưa tới giờ” thì đầu dây bên kia im lặng tầm vài giây (tôi đoán chắc họ đang nhìn đồng hồ). Cuối cùng, vị cán bộ xoa dịu tôi rằng: “Dù sao cũng chưa qua 22h theo quy định, chắc họ hát thêm ít phút nữa là nghỉ ấy mà”. Thế là hôm đó cả xóm tôi phải chịu đựng tới quá nửa đêm mới được yên tĩnh để ngủ.

>> Kinh hoàng vì tiếng ồn hàng xóm

Thêm một trường hợp nữa là trong xóm có đám tang, một vài ngày đầu cứ khoảng 18 giờ là họ bắt đầu ăn nhậu và hát hò tới quá khuya. Ngày cuối, thậm chí họ còn hát xuyên đêm đến tận 6h sáng hôm sau rồi tiễn đưa người đã khuất luôn. Đúng nửa đêm hôm đó, tôi đem bức xúc phản ánh lên phường thì được trả lời rằng: “Anh thông cảm vì nhà người ta có tang mà”.

Nghe xong nhưng lời đó, tôi có cảm giác mình như một người ích kỷ vậy. Nhưng quả thực tôi không thể nào thông cảm cho việc tang lễ mà hát nhạc sàn để tra tấn người khác trong xóm. Suốt ba, bốn ngày đó, người tôi cứ lâng lâng do không ngủ đủ giấc và bị làm ồn quá mức, không thể tập trung làm được việc gì cả.

Rất mong cơ quan chức năng hãy xử lý mạnh tay với những trường hợp như thế này để trả lại sự bình yên cho người dân. Tôi nghĩ rằng, dẹp karaoke tra tấn không quá khó, chỉ cần một tổ gồm ba dân phòng và hai công an phường, bỏ ra khoảng năm phút chạy xe máy tới yêu cầu chủ nhà tắt nhạc, nhắc tới lần thứ hai thì cảnh cáo, lần thứ ba thì lập biên bản xử phạt, vậy là xong. Không cần cứ phải cứng nhắc, phải có máy đo độ ồn này kia để xứ lý theo đúng quy trình. Cứ làm mạnh tay và kiên quyết, đặc biệt là không cả nể, tôi tin ý thức người Việt sẽ dần được cải thiện”.

>> Tôi ngạc nhiên vì người Việt bất lực trước karaoke ‘tra tấn’

Theo Nghị định 167/2013, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 nghìn đồng. Nghị định 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định phạt từ 1-160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn.

Với cùng nỗi bức xúc với nạn karaoke tra tấn ngày một nở rộ những ngày cần Tết, bạn đọc Thanh Huyền cho rằng mỗi người thẳng thắn đối mặt và đấu tranh: “Thử hỏi những người phàn nàn về ô nhiễm tiếng ồn do karaoke, trong hai năm gần đây, có được mấy người tuyệt đối không hát karaoke làm phiền người khác? Tiệc tất niên, cả xóm, ngõ, cả khu phố thuê dàn karaoke về hát hò, vậy có ai dám thẳng thừng từ chối tham dự đám tiệc đó? Liệu có ai mạnh mẽ từ chối đi đám cưới, đám ma tại gia khi có nhạc sống?

Có mấy ai dám bỏ đi dàn loa thùng đã lỡ mua trong nhà mình? Có mấy ai dám đứng dậy đi về, rời khỏi cuộc nhậu khi người ta kéo thùng loa ra hát? Hay là lúc đó có hơi men rồi thì hát tới luôn? Và rồi bạn lại ngụy biện là lâu lâu mới hát một lần. Có ai dám từ chối lời mời hát? Được bao nhiêu người không hát karaoke ở những nơi lẽ ra không được gây ồn?

Bản thân tôi là một người đã và đang từ chối tất thảy những cuộc vui có hát hò ồn ào tại gia. Nguyên tắc đó được tôi giữ vững suốt tám năm trời và đến nay vẫn vậy. Liệu bạn có dám mạnh mẽ chống lại nạn ô nhiễm tiếng ồn như vậy?”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.