Kế hoạch biến Valentine thành ‘Ngày ôm bò’ của Ấn Độ

Nhà chức trách Ấn Độ muốn biến Valentine trở thành “Ngày ôm bò” nhằm thúc đẩy các giá trị truyền thống của đạo Hindu trước làn sóng xâm nhập của văn hóa phương Tây.

Trong đức tin của người theo đạo Hindu, con bò là biểu tượng linh thiêng của thần linh và đất mẹ. Con vật được tôn sùng tới mức nhà chức trách Ấn Độ từng dự định biến ngày 14/2, vốn được coi là ngày lễ tình nhân theo văn hóa phương Tây, trở thành “Ngày ôm bò”.

Thúc đẩy giá trị truyền thống?

Kế hoạch biến ngày Valentine trở thành “Ngày ôm bò” được công bố trong một thông báo đưa ra hôm 6/2 bởi Ủy ban Phúc lợi động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Ấn Độ. Cơ quan này gọi bò là “xương sống của văn hóa và kinh tế nông thôn của đất nước”, theo CNN.

“Con bò cho đi tất cả, mang tới sự giàu có cho nhân loại nhờ dinh dưỡng của chúng”, Ủy ban Phúc lợi động vật cho biết.

Ý tưởng về “Ngày ôm bò” nhằm thúc đẩy các giá trị truyền thống của đạo Hindu cũng như kinh Vệ Đà, nguồn gốc của đạo Hindu, trước làn sóng xâm nhập của văn hóa phương Tây vào Ấn Độ.

valentine anh 1

Một lễ hội thờ con bò ở Ấn Độ tháng 11/2022. Ảnh: CNN.

“Các truyền thống Vệ Đà đang trên bờ vực xóa sổ do sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây. Sự phổ biến của văn minh phương Tây khiến văn hóa và di sản vật thể của chúng ta gần như bị lãng quên”, tuyên bố của Ủy ban Phúc lợi động vật Ấn Độ có đoạn.

Nhưng chỉ trong vòng một tuần sau tuyên bố trên, ý tưởng về “Ngày ôm bò” đã đổ bể sau làn sóng châm biếm và chỉ trích trên mạng xã hội, theo NDTV.

Trong nhiều ngày, các kênh truyền thông mỉa mai kế hoạch của Bộ Nông nghiệp bằng những bộ phim hoạt hình miêu tả con bò chạy trốn khỏi những người đàn ông đang tìm kiếm tình yêu. Người sử dụng mạng xã hội truyền tay nhau các đoạn video con người và động vật đánh nhau để tranh giành hạnh phúc ngày Valentine.

Người dẫn chương trình của kênh tin tức NDTV thậm chí quay video khi anh này tìm cách ôm những con bò, nhằm mỉa mai kế hoạch của chính phủ.

Bất chấp làn sóng chỉ trích, các chính trị gia đảng Bharatiya Janata cầm quyền vẫn bảo vệ ý tưởng của Bộ Nông nghiệp. Nói về ý tưởng “Ngày ôm bò”, nghị sĩ Giriraj Singh của đảng Bharatiya Janata cho rằng đây là “một quyết định đúng đắn” của chính phủ.

“Bò cần được ôm ấp. Chúng ta nên yêu thương và chăm sóc bò”, ông Singh nói.

Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Ấn Độ gây tranh cãi với một chính sách liên quan tới con bò. Tại Ấn Độ, quốc gia mà 80% người dân theo đạo Hindu, giết hoặc ăn thịt bò bị coi là hành vi phạm pháp.

Hoạt động buôn bán, giết mổ bò bị cấm trên gần như cả nước. Bò được cho phép thả rông trên đường phố và cao tốc, các tài xế phải rất tập trung tránh đâm phải chúng.

Năm 2019, Bộ Nông nghiệp Ấn Độ thành lập RKA – một cơ quan chuyên trách bảo vệ bò. Năm 2021, RKA từng đề xuất đưa vào kỳ thi quốc gia một môn thi có tên “khoa học về bò”. Tuy nhiên sau khi RKA bị chỉ trích vì đưa ra những tuyên bố phi khoa học về bò, môn thi này bị hủy bỏ.

Một trong các tuyên bố phi khoa học như vậy của RKA gồm kết luận hoạt động của các lò mổ gây ra động đất. RKA cho rằng âm thanh đau đớn của bò phát ra từ các lò mổ có thể gây ra áp lực đủ lớn dẫn tới hoạt động địa chất của vỏ Trái Đất.

RKA cũng tuyên bố bò bản địa của Ấn Độ tạo ra sản phẩm sữa chất lượng tốt nhất so với các giống bò ngoại lai mà không đưa ra bằng chứng nào.

Chính trị hóa con bò

Kể từ khi đảng Bharatiya Janata giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2014 và trở thành lực lượng nắm quyền, chủ nghĩa dân tộc Hindu ở Ấn Độ trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Đi cùng với xu hướng này là hiện tượng con bò ngày càng bị chính trị hóa nhiều hơn.

Đảng Bharatiya Janata gắn bó chặt chẽ với các truyền thống bảo thủ của đạo Hindu. Những người chỉ trích cho rằng tín ngưỡng thờ con bò đã bị lạm dụng làm công cụ để đe dọa, công kích, thậm chí sát hại người Hồi giáo. Người Hindu thường cáo buộc người Hồi giáo không tôn trọng các loài động vật.

Theo các tổ chức theo dõi nhân quyền, từ sau năm 2014, các hành vi tội phạm nhân danh bảo vệ con bò có xu hướng bị nhà chức trách bỏ qua hoặc che đậy.

valentine anh 2

Bò là con vật linh thiêng ở Ấn Độ. Ảnh: CNN.

Trong chiến dịch tranh cử 2014, Thủ tướng Narendra Modi từng tuyên bố ông và đảng Bharatiya Janata sẽ chấm dứt “cuộc cách mạng hồng” – khái niệm được dùng để miêu tả hoạt động giết mổ gia súc. Các nhà lập pháp của đảng Bharatiya Janata sau đó thậm chí đi xa hơn.

“Tôi đã hứa sẽ bẻ gãy chân, gãy tay những người không coi con bò giống như mẹ của họ”, Vikram Saini, nghị sĩ đảng Bharatiya Janata đại diện bang Uttar Pradesh, tuyên bố tại một sự kiện năm 2017.

Tuyên bố của nghị sĩ Saini thổi bùng sự phản đối kịch liệt từ một bộ phận cử tri. Những người chỉ trích cho rằng đảng Bharatiya Janata quá chú tâm vào thúc đẩy quyền của con bò, trong khi không làm đủ để bảo vệ quyền của phụ nữ và các cộng đồng người thiểu số vốn thường xuyên là nạn nhân của bạo lực.

Xổ số miền Bắc