Kết quả nổi bật 20 năm triển khai, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000 -2020) của

Kết quả nổi bật 20 năm triển khai, thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000 -2020) của Mặt trận TQVN các cấp tỉnh Quảng Bình. <!HOTNEW>

    Cuộc vận động đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng tình hưởng ứng thực hiện của các tầng lớp nhân dân, từ đó đã tạo nên động lực, khơi dậy tiềm năng sức mạnh của cộng đồng dân cư, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thể hiện sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn dân cư.

   Đối với công tác chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp: Mặt trận tỉnh Quảng Bình là một trong những tỉnh chủ động, sáng tạo, sớm xây dựng các Đề án, Kế hoạch; đồng thời chủ động tham mưu ban hành các văn bản, Chỉ thị số cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động. Đặc biệt là Đề án 05 và tham mưu ban hành Chỉ thị số 09/CT-TU ngày 10/01/1996 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 01/7/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; ký kết Chương trình phối hợp số 35 ngày 23/3/2017 với UBND tỉnh về công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chương trình phối hợp số 444/CTrPH-MTTQ-SVHTT ngày 4/5/2020 về phối hợp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giai đoạn 2020 – 2025…

Ra mắt mô hình điểm ở khu dân cư 

    Đối với công tác tuyên truyền, tập huấn và xây dựng mô hình điểm: Công tác tuyên truyền được chú trọng, đẩy mạnh với nhiều hình thức truyền thống, kế thừa giai đoạn trước như Lễ phát động thực hiện CVĐ các cấp, tuyên truyền thông qua các hội nghị, các buổi họp dân ở thôn, bản, tổ dân phố; treo pa nô, áp phích, tranh cổ động; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở….Mặt trận tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và đạt chất lượng cao như: phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Báo Quảng Bình thực hiện các phóng sự ngắn, chuyên mục Đại đoàn kết, tin, bài tuyên truyền về Cuộc vận động; xây dựng nội dung, thiết kế mẫu, in ấn và phân bổ trên 3.500 tờ gấp tuyên truyền về 05 nội dung cơ bản của CVĐ; thiết lập mục bản tin tuyên truyền Cuộc vận động trên Trang thông tin điện tử Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh…Từ lồng ghép tập huấn CVĐ vào các lớp tập huấn cán bộ Mặt trận các cấp, từ năm 2016 đến nay Mặt trận các cấp đã tổ chức hơn 150 lớp tập huấn riêng, chuyên sâu về CVĐ. Công tác xây dựng mô hình điểm ngày càng được nâng lên về số lượng và chất lượng. Từ năm 2000 đến nay Mặt trận TQVN các cấp đã xây dựng và duy trì 358 mô hình điểm riêng về Cuộc vận động. Đặc biệt năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã Ban hành Đề án xây dựng mô hình “KDC nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu và đô thị văn minh kiểu mẫu giai đoạn 2020 – 2025” và chọn 08 KDC đại diện vùng miền núi, vùng có đạo, vùng đồng bằng và đô thị tại các địa phương trong tỉnh để xây dựng mô hình nhân ra diện rộng. Quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các ngành, chính quyền địa phương phối hợp thực hiện. Đến nay 08 mô hình đã được xây dựng và bước đầu đã đạt được những kết quả rất tích cực, được nhân dân hết sức ủng hộ và thực hiện. Từ tháng 9/2020 Mặt trận tỉnh đã thiết lập trang Fanpage “Mặt trận QB xây dựng KDC NTM, ĐTVM kiểu mẫu” với 98 tin, bài tuyên truyền kịp thời, hiệu quả hoạt động ở các KDC xây dựng mô hình thu hút hơn 7.500 lượt tương tác, hơn 44.000 lượt tiếp cận, có những tin, bài chất lượng, có sức lan tỏa thu hút trên 3.000 lượt tiếp cận…

   Đối với việc thực hiện các nội dung Cuộc vận động: Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát triển sản xuất theo hướng tăng cường liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã; bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phối hợp tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng các Đề án về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh. Công tác hỗ trợ người nghèo đã hướng đến việc giảm nghèo bền vững, lấy hộ nghèo làm trung tâm; tuyên truyền vận động hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo, tổ chức đối thoại với hộ nghèo, tìm hiểu nguyện vọng, hướng dẫn các mô hình, kinh nghiệm làm ăn hiệu quả giúp hộ nghèo thoát nghèo.. Việc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” ngày càng hiệu quả hơn với nhiều hình thức mới hiệu quả (ví dụ như truyền hình trực tiếp, tổ chức sự kiện…). Riêng cấp tỉnh từ năm 2016 đến nay Quỹ “Vì người nghèo” vận động được 22,2 tỷ đồng, Quỹ Cứu trợ và các chương trình an sinh xã hội cấp tỉnh vận động được 209 tỷ đồng. Việc triển khai hỗ trợ, phối hợp xây dựng nhà Đại đoàn kết, các công trình an sinh xã hội cho các hộ gia đình có điều kiện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Mặt trận các cấp trong tỉnh triển khai bài bản, chất lượng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ năm 2017- 2019, Mặt trận tỉnh triển khai Đề án hỗ trợ 2.050 con bò giống sinh sản cho 2.050 hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững gắn với 08 Chương trình truyền hình thực tế. Đến nay đã có 666 con bò sinh bê con; 662 con bò đang mang thai; có 1.077 hộ được hỗ trợ bò thoát nghèo. Riêng huyện Minh Hóa có 75 hộ thoát cận nghèo.

   Việc nắm bắt tình hình Nhân dân sau đợt lũ kép tháng 10 và bão số 13 trong tháng 11 và công tác tiếp nhận, phân bổ nguồn tiền, hàng khắc phục hậu quả lũ lụt được Mặt trận, các tổ chức thành viên thực hiện kịp thời và hiệu quả . Mặt trận tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị, đẩy nhanh tiến độ về đích của các xã đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm. Mặt trận các cấp đã tập trung phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng, Nhà nước và tỉnh về xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện dân số, kế hoạch hóa gia đình. Phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn đưa các tiêu chí thực hiện Cuộc vận động vào các hương ước, quy ước của khu dân cư và tiêu chí bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” hàng năm. Tỷ lệ “Gia đình văn hóa” năm 2020 đạt hơn 96% trên tổng số gia đình đăng ký, “Khu dân cư văn hóa” đạt hơn 99% trên tổng số KDC đăng ký. Thông qua việc thực hiện quy ước, hương ước, việc cưới, việc tang và lễ hội được nhân dân ở các KDC thực hiện. Do vậy, nhiều hủ tục lạc hậu, cổ hủ được bài trừ, người dân đã tiếp thu lối sống văn hóa mới lành mạnh hơn.

   Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn khu dân cư xanh – sạch- đẹp được Mặt trận các cấp tích cực triển khai thường xuyên. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã ký kết với sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các khu dân cư cũng đã đưa việc thực hiện tiêu chí môi trường vào các hương ước, quy ước và bình xét danh hiệu GĐVH, KDCVH hàng năm. Công tác phối hợp với các tổ chức thành viên và các ngành liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực hiệu quả để tham gia giữ gìn môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức bảo vệ môi trường cho hơn 15.000 lượt cán bộ Mặt trận và đoàn thể cơ sở; xây dựng và duy trì được 35 mô hình điểm về về bảo vệ môi trường. Đặc biệt tại các KDC xây dựng mô hình điểm thuộc Đề án “KDC nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu và đô thị văn minh kiểu mẫu giai đoạn 2020 – 2025” đã tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, vệ sinh môi trường vào Chủ Nhật hàng tuần, trồng các đường hoa Tường Vy, xây dựng hệ thống điện thắp sáng đường quê….sôi nỗi, được nhân dân hưởng ứng tích cực. Riêng tại Bản La Trọng I, xã Trọng Hóa, khối thi đua Mặt trận – Đoàn thể đã đóng góp, huy động 60 triệu đồng để xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê” dài gần 1.000m và hỗ trợ làm nhà vệ sinh cho 70 hộ dân trị giá 30 triệu đồng.

    Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội; ký kết chương trình phối hợp với các ngành chức năng, thực hiện các Cuộc vận động, các phong trào theo chuyên đề; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng mô hình điểm. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã hoạt động tích cực và hòa giải thành công 5.235 vụ việc, góp phần vào việc ổn định tình hình, giữ gìn ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn khu dân cư. Nội dung tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ ở cơ sở được Mặt trận các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả. Công tác giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp được Mặt trận các cấp hàng năm tích cực triển khai thực hiện. Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã chủ động tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự phối hợp của chính quyền cùng cấp để triển khai thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, từ khâu lựa chọn nội dung, báo cáo xin ý kiến cấp uỷ, xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát đến tổ chức giám sát, phản biện xã hội và kiến nghị, đề xuất. Đặc biệt trong năm 2020, Mặt trận các cấp đã tổ chức giám sát kịp thời, chất lượng việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ khâu lập danh sách, bình xét, chi trả; giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong huy động và sử dụng nguồn lực của nhân dân theo quy định để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại một số xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2016- 2020…từ đó có những kiến nghị, đề xuất góp phần thực hiện hiệu quả quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

   Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Mặt trận các cấp tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiện CVĐ gắn với chủ trương, chỉ đạo của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong các tầng lớp nhân dân; khơi dậy và huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiệu quả. Mở rộng và nhân rộng các mô hình điểm, chú trọng công tác thi đua, khen thưởng trong quá trình thực hiện; Tập trung tổ chức tốt và hiệu quả “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11). Đẩy mạnh công tác phối hợp, thống nhất hành động cùng các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình đã đảm nhiệm, nâng cao chất lượng hiệu quả, tạo sức lan toả của mô hình, các phong trào thi đua yêu nước. Phối hợp thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng được hỗ trợ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua ‘‘Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; Phối hợp xây dựng kế hoạch liên tịch với các ngành liên quan, các tổ chức thành viên để huy động được nguồn lực, sức mạnh tổng hợp và triển khai một cách đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động. Chú ý tập trung vào những địa bàn khó khăn, dân số đông, vùng đặc thù; Thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đáp ứng yêu cầu, nội dung của CVĐ trong giai đoạn mới; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu công tác Mặt trận. Tăng cường giám sát và phản biện xã hội, nhất là các nội dung liên quan đến CVĐ…

 

Duy Hưng