Khái niệm tín dụng thương mại? Nội dung của tín dụng thương mại?

Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa. Đây là quan hệ tín dụng giữa các nhà sản xuất – kinh doanh được thực hiện dưới hình thức mua bán, bán chịu hàng hóa.

 

1. Tín dụng thương mại là gì ?

Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa. Đây là quan hệ tín dụng giữa các nhà sản xuất – kinh doanh được thực hiện dưới hình thức mua bán, bán chịu hàng hóa.

Hành vi mua bán chịu hàng hóa được xem là hình thức tín dụng – người bán chuyển giao cho người mua quyền sử dụng vốn tạm thời trong một thời gian nhất định, và khi đến thời hạn đã được thỏa thuận, người mua phải hoàn lại vốn cho người bán dưới hình thức tiền tệ và cả phần lãi cho người bán chịu. (Theo Wikipedia)

Tín dụng thương mại là loại tín dụng dưới hình thức các nhà kinh doanh ứng vốn cho nhau hoặc vay lẫn nhau, bằng cách bán chịu hàng hoá hay thông qua lưu thông kỳ phiếu, nhờ đó làm thông suốt và thúc đẩy lưu thông tư bản. (Từ điển Bách khoa Viêt Nam, tập 4, trang 414)

Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp, được thực hiện dưới hình thức mua bán chịu, mua bán trả chậm hay trả góp hàng hoá. Đến thời hạn đã thoả thuận doanh nghiệp mua phải hoàn trả cả vốn gốc và lãi cho doanh nghiệp bán dưới hình thức tiền tệ.

– Các loại tín dụng thương mại

Tín dụng thương mại có thể được phân chia thành 2 loại:

+ Tín dụng thương mại tự do: Là tín dụng được chấp nhận trong khoảng thời gian được hưởng chiết khấu.

+ Tín dụng thương mại có chi phí: Là tín dụng ngoài tín dụng thương mại tự do với chi phí bằng đúng % chiết khấu cho phép.

Thông thường các nhà quản trị tài chính thường sử dụng lại tín dụng thương mại tự do, họ sẽ chỉ sử dụng tín dụng thương mại có chi phí khi phân tích chi phí vốn và chắc chắn rằng nó nhỏ hơn chi phí vốn có từ các nguồn khác.

Mọi vướng mắc trong hoạt động tín dụng, ngân hàng … Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến qua điện thoại

 

2. Nội dung hoạt động của tín dụng thương mại

– Một là, tín dụng thương mại cho vay bằng hàng hóa. Hàng hóa cho vay là một bộ phận của vốn sản xuất chuẩn bị chuyển hóa thành tiền (H’ – T’)

– Hai là, người cho vay và người đi vay đều là những doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa. Trong quan hệ này, người cho vay là người bán chịu. Còn người vay là người mua chịu.

– Ba là, quá trình vận động và phát triển của tín dụng thương mại gắn liền với sự vận động của tái sản xuất xã hội. Bởi lẽ, vốn cho vay là một bộ phận vốn sản xuất kinh doanh.

Cho nên, trong thời kì hưng thịnh của chu kì sản xuất, khối lượng tín dụng thương mại tăng, còn thời kì khủng hoảng khối lượng tín dụng thương mại giảm.

 

3. So sánh tín dụng thương mại là tín dụng ngân hàng

3.1. Điểm giống nhau 

– Đều là quan hệ tín dụng, là quá trình sử dụng vốn lẫn nhau dựa trên nguyên tắc hoàn trả có lợi tức, theo hình thức một bên ( người cấp) cấp tín dụng cho bên kia (người hưởng)

– Đều nhằm phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa, qua đó thu lợi nhuận

– Đều có công cụ lưu thông , các công cụ này được trao đổi, mua bán trên thị trường tài chính.

 

3.2. Điểm khác nhau

– Về bản chất

+ Tín dụng thương mại: Là hình thức tín dụng giữa những người sản xuất kinh doanh với nhau biểu hiện dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa ( việc đặt tiền trước cho người cung cấp mà chưa lấy hàng cũng là hình thức tín dụng thương mại vì người mua cho người bán tạm thời sử dụng vốn của mình)

+ Tín dụng ngân hàng: Là quan hệ vay mượn ngân hàng của các doanh nghiệp dưới dạng hợp đồng tín dụng

– Mục đích

+ Tín dụng thương mại: Phục vụ cho nhu cầu sản xuất, thúc đẩy lưu thông tiêu thụ hàng hóa vì mục đích mục tiêu lợi nhuận, tạo điều kiện mở rộng mối quan hệ đối tác lâu bền giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

+ Tín dụng ngân hàng: Hướng tới lợi nhuận từ tiền lãi cho vay vốn

– Chủ thể tham gia

+Tín dụng thương mại: Các doanh nghiệp có quan hệ trao đổi hàng hóa dịch vụ ( thông thường không có khâu trung gian đứng giữa người sử dụng vốn và người có vốn)

+ Tín dụng ngân hàng: Ngân hàng ( trung gian giữa người có vốn và người cần vốn) và các chủ thể khác trong xã hội ( các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế, các cá nhân,..)

– Về đối tượng:

+ Tín dụng thương mại: Hàng hóa bị mua bán chịu

+ Tín dụng ngân hàng: Chủ yếu là tiền, có thể là cả hàng hóa

– Về tính chất tín dụng

+ Tín dụng thương mại: Trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau

+ Tín dụng ngân hàng: Gián tiếp qua ngân hàng

– Về thời hạn

+ Tín dụng thương mại: Ngắn hạn

+ Tín dụng ngân hàng: Ngắn hạn, trung hạn và dài hạn

– Về quy mô

+ Tín dụng thương mại: Quy mô bị hạn chế ( tín dụng thương mại phát triển và vận động theo chu kỳ sản xuất kinh doanh và rút ngắn chu kỳ, giảm chi phí nên góp phần làm phát triển sản xuất kinh doanh)

+ Tín dụng ngân hàng: Quy mô lớn, thường độc lập với chu kỳ sản xuất kinh doanh

– Chi phí sử dụng vốn

+ Tín dụng thương mại: Thường không mất chi phí sử dụng vốn ( do hoạt động cấp tín dụng không có lãi trong một khoảng thời gian nhất định, một số trường hợp bên nợ còn được hưởng lãi chiết khấu trả sớm)

+ Tín dụng ngân hàng: Chi phí sử dụng vốn là lãi vay ( lãi suất vay vốn của ngân hàng phụ thuộc vào tình hình tín dụng trên thị trường trong từng thời kỳ)

– Về hình thức thể hiện

+ Tín dụng thương mại: Hợp đồng trả chậm; thương phiếu gồm hối phiếu ( giấy đòi tiền vô điều kiện do người bán phát hành) và lệnh phiếu ( giấy cam kết trả tiền vô điều kiện do người mua phát hành)

+ Tín dụng ngân hàng: Đa dạng và phong phú hơn bao gồm: hợp đồng tín dụng từng lần, cho vay theo thời hạn  mức tín dụng , thỏa thuận tín dụng tuần hoàn, cho vay đầu tư dài hạn,…

 

4. Ưu điểm của tín dụng thương mại

4.1. Đối với nhà cung cấp:

Giành được người mua mới – Tín dụng thương mại là một giải pháp dễ dàng để giảm bớt dòng tiền, có thể giúp cải thiện lợi nhuận của một doanh nghiệp nhỏ. Với tư cách là một nhà cung cấp, cung cấp tín dụng thương mại là một chiến thuật hữu ích để doanh nghiệp giành được khách hàng mới – đặc biệt nếu các đối thủ cạnh tranh đòi thanh toán trước.

Bán nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn – Các nhà cung cấp có thể kết hợp tín dụng thương mại với chiết khấu hàng loạt để khuyến khích người mua chi tiêu nhiều hơn. Nếu người mua nhanh chóng bán hết hàng, khả năng cao họ sẽ quay lại mua thêm hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Cải thiện lòng trung thành của người mua – Tín dụng thương mại của nhà cung cấp có thể ngăn người mua tìm kiếm nhà cung cấp khác và củng cố mối quan hệ giữa người cung cấp và người mua. Tín dụng thương mại dựa trên sự tin tưởng giữa hai bên, mối quan hệ đôi bên cùng có lợi có thể củng cố lòng trung thành của người mua.

 

4.2. Đối với người mua:

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp – Tín dụng thương mại có thể hữu ích cho các doanh nghiệp mới không thể huy động vốn hoặc đảm bảo các khoản vay kinh doanh, nhưng cần có cổ phiếu nhanh chóng

Có được lợi thế cạnh tranh – Tín dụng thương mại có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho người mua trong trường hợp đối thủ của họ mua hàng hóa phải trả trước. Do đó, nó cho phép hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp linh hoạt hơn, thích ứng với nhu cầu và sự thay đổi của thị trường. Từ đó, doanh nghiệp có nguồn cung cấp hàng hóa liên tục ngay cả khi tài chính không ổn định.

Không cần trả trước tiền mặt – Bởi vì không cần trả trước tiền mặt, người mua có thể tích trữ kịp thời hàng hóa cho nhu cầu cao điểm. Chẳng hạn như đặt các đơn hàng lớn hơn để tận dụng các thời điểm bán hàng quan trọng như lễ, tết…

Thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh – Tín dụng thương mại được coi như một khoản vay không tính lãi. Đó là một trong những cách tốt nhất để giữ tiền mặt trong doanh nghiệp. Do đó, thay vì sử dụng tiền mặt dự trữ, doanh nghiệp đang bán hàng thay cho nhà cung cấp một cách hiệu quả và thu được lợi nhuận từ hoạt động này.

Nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp – Chứng minh doanh nghiệp có thể thanh toán thường xuyên bằng tín dụng là một cách tốt để thiết lập và duy trì doanh nghiệp với tư cách là một khách hàng có giá trị. Một lịch sử tín dụng thương mại tốt có thể giúp doanh nghiệp trở thành một người mua ưu tiên trong mắt nhà cung cấp.

Giảm giá và mua số lượng lớn – Các nhà cung cấp có thể giảm giá hấp dẫn cho những khách hàng tín dụng thương mại thanh toán sớm, đây là một cách hữu ích để được chiết khấu. Các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng thương mại tốt có thể được giảm giá, đặc biệt là đối với các giao dịch mua số lượng lớn hoặc quyền truy cập độc quyền vào hàng hóa và dịch vụ.

 

5. Nhược điểm của tín dụng thương mại

5.1. Đối với nhà cung cấp:

+ Thanh toán chậm – Người mua trả tiền trễ là vấn đề chính mà các nhà cung cấp phải đối mặt khi cung cấp tín dụng thương mại. 

+ Nợ xấu – Rủi ro lớn nhất của tín dụng thương mại mà các nhà cung cấp phải đối mặt là các khoản nợ khó đòi. Nợ khó đòi là khoản lỗ lớn nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào và có thể lấy đi toàn bộ lợi nhuận của doanh nghiệp đó. Do đó, nhà cung cấp cần phải tuân thủ các điều khoản tín dụng của mình và không nên cố gắng mở rộng các điều khoản bất hợp lý cho bất kỳ người mua nào.

+ Các vấn đề về dòng tiền – Việc thanh toán chậm hoặc người mua không thanh toán có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về dòng tiền đối với nhà cung cấp. 

+ Chi phí chiết khấu tiền mặt – Là một phần để khuyến khích người mua thanh toán sớm, các nhà cung cấp đưa ra chiết khấu khi thanh toán sớm. Điều này làm giảm lợi nhuận của họ trên doanh số bán hàng.

+ Điều hành các phòng ban đặc biệt – Nhà cung cấp cần bỏ một khoản khi phí cho việc điều hành các bộ phận đặc biệt để quản lý tín dụng thương mại ví dụ như: bộ phận đánh giá khách hàng, bán hàng, thu tiền, pháp lý…

 

5.2. Đối với người mua:

+ Bỏ lỡ cơ hội giảm giá – Tất cả các nhà cung cấp cung cấp chiết khấu trên số tiền hóa đơn nếu thanh toán sớm hoặc được thực hiện bằng tiền mặt. Nếu người mua được hưởng tín dụng thương mại, đồng nghĩa với việc họ phải bỏ qua khoản chiết khấu này.

+ Tăng giá đầu vào – Như đã giải thích rất rõ ràng ở trên về lợi thế của các nhà cung cấp, những người mua với các điều khoản tín dụng tự do được tính với giá ưu đãi. Điều này làm tăng chi phí nguyên vật liệu cho người mua, làm tăng trực tiếp chi phí thành phẩm của người mua. Thành phẩm với giá cao hơn khó có thể trụ vững trên thị trường cạnh tranh.

+ Tiền phạt và lãi suất – Tín dụng thương mại là một khoản nợ không lãi suất. Tuy nhiên, nếu tín dụng thương mại không được thanh toán đúng thời hạn, nó có thể trở thành “món nợ đắt giá”. Bởi hầu hết các điều khoản và điều kiện tín dụng thương mại bao gồm tiền phạt đối với việc thanh toán chậm và lãi suất phải trả đối với khoản tín dụng chưa thanh toán. Điều này có thể nhanh chóng tạo thành chi phí đáng kể nếu doanh nghiệp không hoạt động để xóa các khoản nợ tín dụng thương mại.

+ Mất thiện chí – Một số nhà quản lý doanh nghiệp có xu hướng trì hoãn các khoản thanh toán cho đến thời điểm cuối cùng có thể. Tuy nhiên, họ không nhận thức được những vấn đề mà nhà cung cấp đặt ra trong trường hợp không thanh toán kịp thời. Lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến thiện chí của nhà cung cấp đối với doanh nghiệp. Các nhà cung cấp sẽ biết về sự chậm trễ thanh toán của doanh nghiệp mua và chắc chắn họ sẽ ưu tiên cho những người mua khác trước. Và sau cùng, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các vấn đề như nguồn cung cấp muộn, không có nguồn cung cấp trong trường hợp khẩn cấp…

Chi phí quản lý và kế toán – Nếu hàng hóa được mua theo hình thức tín dụng và danh sách của nhà cung cấp quá dài, chi phí duy trì và theo dõi các khoản thanh toán mặc định sẽ cao. Doanh nghiệp sẽ cần một bộ phận đặc biệt chỉ để giải quyết các vấn đề liên quan đến tín dụng thương mại.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)