Khái niệm và cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp Agile
Văn hóa doanh nghiệp là một phần quan trọng thiết yếu đối với thương hiệu của một doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng hình ảnh văn hóa công ty để quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp đó. Vậy xây dựng văn hóa doanh nghiệp Agile là gì? Nó có tầm ảnh hưởng ra sao đến tương lai của doanh nghiệp? Cùng tìm câu trả lời trong bài viết này của Học viện Agile nhé.
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Văn hóa doanh nghiệp là các giá trị, đạo đức, niềm tin, tầm nhìn, hành vi và môi trường làm việc được mọi người trong doanh nghiệp công nhận, thực hiện và theo đuổi. Mỗi doanh nghiệp sẽ tự xây dựng lên văn hóa riêng của mình trong quá trình gây dựng và phát triển. Đó là điều sẽ ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp trên chặng đường dài.
Ở các tập đoàn lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, văn hóa doanh nghiệp luôn là một điều được quan tâm hàng đầu và góp phần lớn vào sự thành công của tập đoàn đó. Tập đoàn Google được biết đến với tinh thần “Chú trọng các chính sách cho nhân viên, tạo sự thoải mái cho nhân viên khi làm việc. Bên cạnh đó, luôn cải tiến văn hoá doanh nghiệp để phù hợp với sự nâng tầm về cả quy mô và chất lượng của đội ngũ nhân viên.” Tùy vào mỗi tập đoàn mà văn hóa doanh nghiệp dài hay ngắn, bao quát hay cụ thể.
=> Xem thêm: Mô hình văn hóa doanh nghiệp của Google
Giá trị tạo nên văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp được tạo nên từ định hướng, tầm nhìn, sứ mệnh, triết lí kinh doanh và những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Trong những yếu tố trên, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là một phần vô cùng quan trọng và thiết yếu. Những giá trị đó bao gồm:
-
Đội ngũ nhân sự
-
Môi trường làm việc, văn hóa giao tiếp nội bộ
-
Hình thức và phương pháp làm việc
-
Đối tượng khách hàng
Tất cả nhân viên trong một doanh nghiệp cần hiểu cặn kẽ và đầy đủ về những giá trị của công ty mình làm. Điều này không những giúp công ty được vận hành trơn tru và hiệu quả mà còn khiến mọi người trong công ty tự hào về doanh nghiệp cũng như công việc của mình. Ở Việt Nam, có thể thấy có 4 giá trị được đề cao trong nội bộ các doanh nghiệp bản địa, đó là:
-
Sự tự giác, chủ động: phải luôn nhiệt tình, sẵn sàng với công việc, không ngại khó và làm việc hết mình, tích cực
-
Sự tự tin, sáng tạo: không rụt rè, nhút nhát trong công việc mà phải luôn tự tin thể hiện hết năng lực của mình và tìm tòi cái mới, sáng tạo và linh hoạt
-
Sự trung thực: trung thực, thành thật, không lừa đảo và luôn giữ đúng lời hứa và cam kết
-
Sự khôn khéo: nắm được tình hình, biết điều gì nên và không nên nói hay tranh luận, sắp xếp mọi chuyện hợp tình hợp lí
Văn hóa của doanh nghiệp sẽ không thể xây dựng thành công nếu như giá trị cốt lõi của doanh nghiệp không đủ tốt và bền vững.
Những lợi ích của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là một phần quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Deloitte, 94% giám đốc điều hành và 88% nhân viên tin rằng văn hóa mang tính quyết định đối với thành công của doanh nghiệp. Vậy những lợi ích chính mà văn hóa doanh nghiệp đem lại là gì?
Tạo lợi thế cạnh tranh
Một doanh nghiệp tạo dựng được văn hóa lành mạnh, tích cực, phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của công ty sẽ tạo nên một môi trường làm việc hiệu quả cho nhân viên. Điều này sẽ khiến đội ngũ nhân sự luôn tự hào về công ty của mình, luôn cố gắng phấn đấu và theo đuổi văn hóa doanh nghiệp đã đặt ra. Từ đó, mọi người sẽ luôn làm việc hết mình vì mục tiêu chung của công ty, năng suất làm việc cũng được nâng cao. Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cũng được tạo ra. Một doanh nghiệp với đội ngũ nhân viên phối hợp ăn ý, thoải mái với nhau sẽ khiến thành quả mà họ đạt được tốt hơn, có nhiều giá trị hơn. Đó là yếu tố quan trọng tác động đến các tiêu chí đánh giá về lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp như chất lượng sản phẩm, chi phí, sự linh hoạt, thời gian giao hàng,…
Là nguồn lực của doanh nghiệp
Doanh nghiệp được xây dựng từ những nguồn lực chính, bao gồm: nhân sự, tài chính, công nghệ, máy móc, phương pháp làm việc,… Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố tác động trực tiếp đến nguồn lực nhân sự của doanh nghiệp. Đây là nguồn lực quan trọng hàng đầu trong các nguồn lực chính vì nó đóng vai trò tham gia toàn bộ quá trình chuyển hoá các nguồn lực khác thành sản phẩm đầu ra. Xây dựng được văn hóa doanh nghiệp tốt cũng chính là xây dựng nguồn lực nhân sự vững mạnh, đóng góp vào sự thành công của doanh nghiệp.
Thu hút nhân tài, gắn bó nhân viên
Môi trường làm việc của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động và các yếu tố khác, giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút những nhân viên tiềm năng mà còn giữ chân các nhân viên tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp. Tất cả mọi người đều muốn làm việc cho các công ty có danh tiếng tốt, môi trường làm việc tích cực và chuyên nghiệp. Chính vì thế, nếu văn hóa doanh nghiệp tốt cũng sẽ có những nhân viên tài năng và trung thành.
Tạo nên bản sắc, đặc điểm riêng cho doanh nghiệp
Bởi vì văn hóa doanh nghiệp được xây dựng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của một công ty dựa trên tầm nhìn, mục tiêu và giá trị cốt lõi của công ty nên không có văn hóa doanh nghiệp nào hoàn toàn giống nhau. Mỗi công ty sẽ xây dựng cho mình một văn hóa riêng biệt, tạo nên bản sắc của công ty mình và trở thành “đặc điểm nhận dạng” của công ty đó. Văn hóa doanh nghiệp được coi là cơ chế để khẳng định mục tiêu của doanh nghiệp và góp phần nâng cao sự phát triển lâu dài của công ty.
=> Xem thêm: Lí do mô hình văn hoá doanh nghiệp của Vinamilk là hình mẫu
Tạo nên sự ổn định, bền vững cho doanh nghiệp
Không thể phủ định rằng, văn hóa doanh nghiệp là chất keo kết dính các thành viên trong công ty. Bộ máy làm việc của một công ty từ lãnh đạo đến nhân viên cần có văn hóa doanh nghiệp để có chung mục tiêu, định hướng làm việc. Một doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp tích cực và lành mạnh sẽ giúp nội bộ doanh nghiệp luôn gắn kết và ổn định. Từ đó, doanh nghiệp cũng sẽ được xây dựng trên cơ sở vững chắc và phát triển bền vững.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp như thế nào?
Hiện nay, nhận thức rõ được tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, các công ty, tập đoàn lớn ngày càng đầu tư hơn cho việc xây dựng nền văn hóa của riêng mình. Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần trải qua 6 bước cụ thể như sau:
Bước 1: Đánh giá văn hóa hiện tại của doanh nghiệp
Cần phải đánh giá văn hóa doanh nghiệp hiện tại kết hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp để tìm ra những điểm nào cần thay đổi, điểm nào cần giữ lại. Có nhiều cách để đánh giá như khảo sát từ nhân viên hay đơn giản là quan sát thực trạng hiện tại của doanh nghiệp. Trên thực tế, cần phải thay đổi ngày văn hóa doanh nghiệp khi công ty xuất hiện những dấu hiệu sau:
-
Tuyển dụng liên tục: điều này thể hiện điểm yếu trong việc quản lí nhân sự và việc công ty không thể làm hài lòng nhân viên dẫn đến việc nhân viên không gắn bó với doanh nghiệp.
-
Quản lí và nhân viên có những thói quen xấu: cần phải thay đổi những thói quen xấu của nhân viên như ý thức kỉ luật kém, hay đi làm muộn, nghỉ làm thường xuyên, muộn deadline và làm việc không tích cực.
-
Giao tiếp nội bộ kém: mọi người trong công ty không trao đổi tích cực, không khí làm việc căng thẳng, ít kết nối, không tương tác với nhau. Hơn nữa, các cuộc xung đột, tranh cãi hay xảy ra và việc giao tiếp trở nên gượng ép, không thoải mái.
-
Quản lí và nhân viên không liên kết với nhau: có sự tách biệt rõ ràng giữa 2 cấp nhân sự, tương tác 2 chiều kém hoặc chỉ có 1 chiều.
-
Nhân viên không dám thể hiện suy nghĩ của mình: nhân viên không hài lòng về một việc hay vấn đề nào đó nhưng lại không dám chia sẻ, nói ra quan điểm, cảm xúc của mình là dấu hiệu của việc cấp trên quá cổ hủ hoặc bảo thủ, môi trường làm việc rập khuôn, không sáng tạo.
-
Thường xuyên kỉ luật nhưng ít có sự công nhận và khen thưởng trong công ty.
-
Mọi người không đưa ra các ý kiến khi thảo luận: sự im lặng luôn là điều xuất hiện sau khi một ý tưởng hay kế hoạch được đưa ra mà không có ai lên tiếng phản đối, ủng hộ hay đề xuất gì.
-
Tâm lí sợ hãi khi làm việc: nhân viên xa cách với cấp trên, luôn rụt rè, e ngại và lo lắng khi nói chuyện, tiếp xúc với sếp của mình.
Bước 2: Xác định những gì bạn mong muốn về văn hóa doanh nghiệp của mình
Đây là bước vô cùng quan trọng để tạo nên văn hóa doanh nghiệp. Bởi vì phải xác định được mục tiêu, ý nghĩa của nền văn hóa mình muốn có mới có thể xây dựng nó theo đúng hướng. Hãy cân nhắc thật kĩ lưỡng và thực hiện những mong muốn của mình.
Bước 3: Xác định các yếu tố làm nên văn hóa doanh nghiệp
Không thể xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp nếu không hiểu rõ những yếu tố tạo ra nền văn hóa đó. Xác định giá trị cốt lõi của công ty và trao đổi với mọi người để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Một số câu hỏi xác định giá trị cốt lõi doanh nghiệp:
-
Sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của công ty là gì?
-
Bạn muốn công ty mình được biết đến như thế nào?
-
Mục tiêu kinh doanh của công ty có phù hợp với giá trị cá nhân của tập thể nhân viên?
-
Mục tiêu văn hóa công ty hướng đến là gì? (Ví dụ, tinh thần làm việc nhóm được nâng cao, thành công của nhân viên được công nhận,…)
Bước 4: Lên kế hoạch để thực hiện
Sau khi đã xác định được những gì muốn thực hiện thì hãy lên kế hoạch thực hiện nó. Trong quá trình này, cần phải tìm cách để để thu hẹp khoảng cách giữa những giá trị chúng ta hiện có và những giá trị chúng ta mong muốn. Các khoảng cách này nên đánh giá theo 4 tiêu chí: phong cách làm việc, ra quyết định, giao tiếp, đối xử. Lãnh đạo đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp nên cần phải đặc biệt chú ý.
Bước 5: Triển khai văn hóa doanh nghiệp
Trước hết, hãy thành lập một đơn vị phụ trách văn hóa doanh nghiệp và lên kế hoạch triển khai. Sau đó công bố và truyền đạt văn hóa đến toàn doanh nghiệp. Phổ biến quy định, mục tiêu mới đến mọi người và khuyến khích mọi người thích ứng với sự thay đổi. Cuối cùng là ổn định và phát triển văn hóa. Trong bước này, cần phải làm những việc sau:
-
Tích hợp các giá trị của văn hóa doanh nghiệp vào các hoạt động hàng ngày
-
Triển khai những hoạt động văn hóa cụ thể như nội thất, kiến trúc, đồng phục,…
-
Xây dựng hệ thống khen thưởng phù hợp và ý nghĩa
-
Chú trọng vào việc tuyển dụng đúng người
Bước 6: Đo lường
Muốn biết được văn hóa doanh nghiệp có ảnh hưởng tích cực hay không thì cần phải thường xuyên kiểm tra và đánh giá. Có 2 cách cơ bản để làm việc này là: khảo sát và đo lường bằng các chỉ số. Trong đó, các chỉ số dùng để đo lường bao gồm:
-
Chỉ số Employee Turnover Rate (ETR) – Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc
-
Employee Net Promoter Scores (eNPS)
-
Employee Satisfaction Index (ESI)
=> Xem thêm: Lưu ý khi xây dựng mô hình văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam
Văn hóa doanh nghiệp Agile – Bước chuyển đổi lớn cho doanh nghiệp hiện đại
Hiện nay trong các công ty hiện đại hay chuyển đổi số, văn hóa Agile càng ngày được biết tới rộng rãi hơn nhờ những lợi ích mà nó mang lại. Văn hóa theo Agile không chỉ là một vấn đề trừu tượng, mà nó còn thể hiện trong cả những hoạt động cụ thể như tổ chức đội ngũ nhân viên, xây dựng cách thức hợp tác, làm việc giữa các cá nhân, phòng ban,… Dưới đây là một số lợi ích rõ nét nhất của văn hóa doanh nghiệp Agile:
Tính linh hoạt, nhanh nhẹn
Cứ nhắc đến Agile thì đầu tiên phải kể tới sự linh hoạt mà tư duy này mang lại. Trong thời kì biến động ngày nay, việc trang bị một tư duy linh hoạt, coi thay đổi là cơ hội là điều mà mọi doanh nghiệp đều mong muốn. Đây cũng chính là lí do mà nhiều công ty hàng đầu thế giới lựa chọn Agile như Microsoft, Apple, Facebook,…
Cải tiến không ngừng
Văn hóa Agile đề cao “Tư duy phát triển”, đó có nghĩa là mọi cá nhân trong tổ chức đều liên tục học tập và phát triển không ngừng. Khi làm việc theo văn hóa Agile, các cá nhân đều sẽ có chung một cách tư duy chung – đó là năng lực của cá nhân và nhóm là vô hạn, điều quan trọng là ngày mai của ta chắc chắn phải tốt hơn ngày hôm nay. Ví dụ nổi bật về phong cách văn hóa này đó chính là Google, Apple, Facebook,… Những công ty hàng đầu áp dụng văn hóa Agile đều có một đội ngũ nhân viên rất tài năng, không chỉ bởi đầu vào họ là những người rất xuất chúng, mà còn do mỗi ngày họ đều cố gắng học hỏi và phát triển hơn.
Doanh nghiệp sáng tạo
Trong Agile, các cá nhân đều được khuyến khích sáng tạo không ngừng, họ luôn được khuyến khích từ sếp mình bằng cách thể hiện năng lực. Trong Agile đề cao việc trao quyền từ các cấp lãnh đạo, vì vậy có thể thấy việc các nhân sự trong công ty có văn hóa Agile đều phát triển rất nhanh.
Qua bài viết trên, hi vọng bạn đã có thể hiểu được phần nào về văn hóa doanh nghiệp nói chung và văn hóa doanh nghiệp Agile nói riêng. Học viện Agile hi vọng có thể giúp được bạn phần nào trong việc định hình văn hóa doanh nghiệp cũng như có những chiến lược, hoạch định đúng đắn cho công ty của mình.
Bài viết liên quan:
Khóa học liên quan: