Khái quát chung về quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình – Kiến thức
Theo pháp luật hiện hành, đối tượng của Luật Hôn nhân và gia đình là các quan hệ về hôn nhân và gia đình, tức là các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, mà trọng tâm là các quan hệ về thân nhân và các quan hệ về tài sản (bao gồm quan hệ về kết hôn, quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa anh, chị, em,..,) Những quan hệ xã hội mà được các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh thì gọi là quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình.
Mục lục bài viết
1- Khái niệm quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình:
Thông thường, các quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình chỉ giới hạn bởi các quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình tồn tại khi chủ thể của nó không còn là thành viên của gia đình, nhưng trước đó đã từng là thành viên của nó. Ví dụ: Khi hai vợ chồng li hôn, sống riêng biệt nhưng họ vẫn có quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng lẫn nhau. Do đó, khi nói “thành viên của gia đình ”, cần phải hiểu “gia đình” theo nghĩa khái quát chung được xây dựng trên cơ sở hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng.
Về hình thức, quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình có cùng tên gọi với quan hệ pháp luật dân sự, bao gồm hai nhóm: quan hệ pháp luật về nhân thân và quan hệ pháp luật về tài sản. Tuy nhiên, về cơ bản giữa quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình và quan hệ pháp luật dân sự có những điểm khác nhau rất lớn.
Thứ nhất, nội dung chính của quan hệ pháp luật dân sự là quan hệ tài sản, còn nội dung chính của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là quan hệ nhân thân phi tài sản. Mọi chế định, mọi quy phạm pháp luật dân sự với chức năng và mục đích của mình, điều chỉnh trước hết là quan hệ tài sản, còn Luật Hôn nhân và gia đình tập trung điều chỉnh các quan hệ nhân thân. Nói cách khác, như đã phân tích, khác với Luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình điều chỉnh những quan hệ xã hội có cùng tên gọi với đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự, tuy nhiên, có nhiều nét đặc trưng mà từ đó có thể xác nhận Luật Hôn nhân và gia đình là một ngành luật chuyên ngành của Luật dân sự.
Thứ hai, các quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình xuất phát từ sự kiện kết hôn, huyết thống hoặc nuôi dưỡng là những sự kiện, trạng thái có tính chất đặc biệt không giống như các hợp đồng, nghĩa vụ dân sự. Do đó, trong quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình thì yếu tố tình cảm gắn bó giữa các chủ thể là một nét đặc trưng và trong rất nhiều trường hợp yếu tố tình cảm đó quyết định việc xác lập, tồn tại hay chấm dứt quan hệ hôn nhân và gia đình.
Thứ ba, trong luật dân sự, quyền về nhân thân hoặc xuất phát từ quan hệ tài sản hoặc là gắn liền với nó. Trong Luật Hôn nhân và gia đình thì hoàn toàn khác hẳn, quyền về nhân thân không những không xuất phát từ quan hệ tài sản và gắn liền với nó mà còn chiếm một vị trí hàng đầu trong toàn bộ hệ thống quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình, chiếm ưu thế trong đó.
Thứ tư, một sự khác biệt lớn nữa là quan hệ tài sản trong Luật dân sự là quan hệ hàng hóa – tiền tệ và có tính chất đền bù ngang giá, còn quan hệ tài sản trong luật hôn nhân và gia đình không mang tính chất ấy. Tất nhiên, tính chất đền bù ngang giá trong Luật dân sự không bắt buộc phải có trong mọi trường hợp. Thế nhưng, phải nói rằng, nếu như đốí với Luật Hôn nhân và gia đình không có tính chất đền bù ngang giá là nguyên tắc, thì đối với Luật dân sự, đó là trường họp ngoại lệ.
Thứ năm, tính chất lâu dài, bền vững trong quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình được quyết định bởi mục đích của quan hệ đó (vỉ dụ: kết hôn với mục đích chung sống trọn đời với nhau).
2- Các yếu tố của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình:
a. Chủ thể quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình
Một trong những đặc điểm của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là ở chỗ chủ thể của nó chỉ có thể là cá nhân (thể nhân). Điều này cũng nhấn mạnh thêm sự khác nhau giữa Luật hôn nhân và gia đình với Luật dân sự.
Muốn trở thành chủ thể quan hệ pháp luật, cá nhân đó phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
Năng lực pháp luật hôn nhân và gia đình là khả năng của cá nhân có quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình. Trong một số trường hợp, năng lực pháp luật hôn nhân và gia đình phát sinh từ lúc sinh ra (ví dụ: có quyền được cha mẹ, anh, chị, em cấp dưỡng, giáo dục). Trong một số trường họp khác, năng lực pháp luật hôn nhân và gia đình phát sinh từ khi cá nhân công dân đạt một độ tuổi nhất định (vỉ dụ: độ tuổi kết hôn) trong trường họp này, năng lực pháp luật và năng lực hành vi cùng phát sinh đồng thời.
Một số ý kiến cho rằng năng lực pháp luật hôn nhân và gia đình trong mọi trường hợp đều phát sinh từ lúc con người sinh ra. Đặt giả thiết là ý kiến đó đúng thì có nghĩa là phải thừa nhận quyền kết hôn thông qua người đại diện nếu người muốn kết hôn chưa đạt độ tuổi có năng lực hành vi hôn nhân và gia đình. Do vậy, có thể thấy sự khác nhau cơ bản giữa năng lực pháp luật hôn nhân và gia đình với năng lực pháp luật dân sự và năng lực pháp luật nói chung.
Nội dung của năng lực pháp luật bao gồm những quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực quan hệ gia đình. Trong một số trường họp pháp luật quy định những điều kiện mà khi có hoặc không có các điều kiện đó thì công dân không thể có các quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình (ví dụ: luật cấm kết hôn giữa nhũng người có cùng dòng máu về trực hệ). Sự hạn chế khả năng có quyền này hay nghĩa vụ kia được quy định vì quyền lợi của mỗi công dân hay toàn xã hội. Cần phải phân biệt sự hạn chế khả năng có quyền và nghĩa vụ này với những trường họp tương tự về hình thức khi nói về hạn chế khả năng sử dụng thuộc quyền (vỉ dụ: làm người đỡ đầu, giám hộ, cha mẹ nuôi…).
Năng lực hành vi là khả năng bằng các hành vi của mình tạo ra cho bản thân những quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình, phát sinh khi đạt một độ tuổi nhất định, về nguyên tắc, độ tuổi đó là thành niên. Thế nhưng khả năng có một số quyền có thể sớm hơn. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có quy định cụ thể và thực tế, trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên có quyền thể hiện nguyện vọng chung sống với cha hoặc với mẹ sau khi cha mẹ li hôn (Điều 81, Điều 84),… Những người không có năng lực hành vi do bị bệnh tâm thần thì không có khả năng bằng các hành vi của mình tạo cho bản thân quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình (không thể kết hôn, không thể là người giám hộ…). Đối với những người này thì quyền và nghĩa vụ về nhân thân cũng như tài sản trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình sẽ do người giám hộ thực hiện cho họ, trừ một số trường hợp (quyền kết hôn, li hôn) thì không thể được.
b. Quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đinh
Năng lực pháp luật và năng lực hành vi của công dân là cơ sở làm phát sinh quyền và nghĩa vụ chủ thể hôn nhân và gia đình cho mỗi người. Các quyền và nghĩa vụ đó là nội dung của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình.
Các quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình có thể là về nhân thân, về tài sản. Trong quyền và nghĩa vụ về tài sản còn có quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng. Quyền về nhân thân hoàn toàn không có nội dung kinh tế. Quyền và nghĩa vụ tài sản có đặc điểm là nó gắn liền với nhân thân của con người nhất định. Ví dụ: Vợ và chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng lẫn nhau. Một trong hai người chết thì sẽ chấm dứt các quyền và nghĩa vụ đó (trong luật dân sự thì có thể chuyển cho người thừa kế).Từ đó đi đến kết luận rằng, quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình không thể chuyển nhượng cho người khác được. Vỉ dụ như không thể nhường quyền được cấp dưỡng cho người khác, nhường nghĩa vụ giáo dục con cho người khác…
Quyền của chủ thể trong các quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình theo bản chất pháp lí là quyền tương đối; chủ thể Luật Hôn nhân và gia đình luôn luôn đối lập với chủ thể khác. Ví dụ như quyền của cha mẹ tồn tại bởi vì nó có một chủ thể khác liên quan – đó là đứa con. Mọi quyền nhân thân của vợ chồng tồn tại chỉ vì có hôn nhân hợp pháp. Chấm dứt hôn nhân có nghĩa là chấm dứt quyền nhân thân. Rõ ràng quyền chủ thể trong luật hôn nhân và gia đình – đó là quyền tương đối.
Trong một số trường hợp, quyền và nghĩa vụ pháp lí vừa là tương đối vừa là tuyệt đối; ví dụ, cha mẹ có quyền đòi con mình từ những người khác đang chiếm giữ bất họp pháp trên cơ sở pháp luật hoặc quyết định của Tòa án. Quyền của vợ chồng đối với tài sản chung là tương đối đồng thời cũng là tuyệt đối (quyền sở hữu).
c. Khách thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình
Khách thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình có thể là lợi ích nhân thân, các hành vi và các loại tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Thường thường khách thể có tính chất tống họp, bao gồm tất cả các loại trên.
– Lợi ích nhân thân: họ, tên, nghề nghiệp, việc làm,…
– Các hành vi có thể là: mọi hoạt động để quản lí tài sản chung của vợ chồng, mọi việc làm thể hiện sự chăm sóc đối với cha mẹ… Việc giáo dục là thuộc về hành vi. Nó chỉ có thể là một quá trình liên tục, trong một khoảng thời gian tương đối dài.
– Các loại tài sản như là một khách thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình: có thể là đồ vật trong khối tài sản chung của vợ chồng hoặc có thể dưới hình thức một số tiền nào đó (tiền cấp dưỡng), quyền sử dụng đất, nhà ở, doanh nghiệp, tài sản trí tuệ,…
– Con không thể là khách thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình. Trong mọi trường hợp, khi nhìn bề ngoài có cảm tưởng rằng con là khách thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình (vỉ dụ: tranh chấp giữa cha mẹ về giáo dục con, về việc giao con cho ai nuôi,…) nhưng thực tế con lại là một trong các chủ thể. Tranh chấp trong trường họp đó là về việc sử dụng quyền cha mẹ trong việc giáo dục con.
3- Thực hiện và bảo vệ quyền hôn nhân gia đình:
a. Thực hiện quyền hôn nhân và gia đình phụ thuộc vào các nguyên tắc chung của luật
Thực hiện pháp chế, yêu cầu đạo đức xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc cuộc sống,… Nó có những đặc điểm riêng:
Thứ nhất là các quyền đó tồn tại cùng với sự tồn tại của gia đình, nó biểu hiện cụ thể trong gia đình. Luật pháp không quy định rằng khi thực hiện các quyền đó thì chủ thể phải tính đến hậu quả đối với gia đình. Nhung từ nhiều quy phạm pháp luật ta có thể suy ra điều đó (quy định ở Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Nguyên tắc là xây dựng gia đinh ấm no, tiến bộ, hạnh phúc), trong từng trường họp cụ thể pháp luật quy định sự cần thiết thực hiện vì lợi ích của gia đình. Vỉ dụ, khả năng tăng phần tài sản của vợ (chồng) khi chia tài sản nếu bên kia trốn tránh trách nhiệm hoặc sử dụng tài sản làm tổn hại đến quyền lợi của gia đình. Luật pháp còn quy định hạn chế khả năng thực hiện quyền li hôn của người chồng trong thời gian vợ có thai, sinh con hoặc lúc con chưa đầy mười hai tháng tuổi (Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Thứ hai, người chưa thành niên là chủ thể đặc biệt của Luật Hôn nhân và gia đình. Theo những đặc tính tâm sinh lí của mình, các chủ thể đặc biệt này không có khả năng hoạt động phù hợp với lợi ích của bản thân, vì thế mà phải giữ gìn và bảo vệ lợi ích đó bằng phương pháp đặc biệt. Luật pháp quy định giới hạn việc thực hiện các quyền của chủ thể trong trường họp không được làm tổn hại đen lợi ích của con chưa thành niên.
Thứ ba, việc sử dụng các quyền chủ thể và thực hiện nghĩa vụ có thể bằng hành động. Ví dụ, vợ chồng sử dụng quyền nhân thân của mình (xác định chỗ ở, nghề nghiệp, việc làm…), thì nghĩa vụ của người thứ hai (vợ hoặc chồng) là tránh các hành vi làm cản trở việc sử dụng quyền đó. Một số quyền trong quan hệ hôn nhân và gia đình chỉ có thể sử dụng (thực hiện) biện pháp giáo dục. Để làm được việc đó, cần phải hoàn thành một cách tích cực, có hệ thống toàn bộ hành vi (việc đưa con đến trường, kiểm tra kiến thức, giúp đỡ, trông con lúc dạo chơi…).
b. Việc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ hôn nhân và gia đình tiến hành bằng nhiều biện pháp: khuyến khích, khen thưửng và cưỡng chế bằng pháp luật
– Việc khuyến khích nhằm đảm bảo cho công dân có quyền tích cực sử dụng các quyền đó. Vỉ dụ, các biện pháp khuyến khích vật chất, tinh thần đối với các bà mẹ.
– Với các biện pháp khen thưởng, Nhà nước và xã hội thể hiện ở sự công nhận đối với công dân khi người đó sử dụng (thực hiện) một cách tích cực quyền của mình trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, nó có ý nghĩa xã hội to lớn.
Giữa các biện pháp khuyến khích và khen thưởng không có một giới hạn rõ rệt. Thường thường biện pháp khen thưởng không mang nét đặc trưng mà giống như biện pháp khuyến khích. Chế tài Luật Hôn nhân và gia đình – là hậu quả của hành vi có lỗi trái với pháp luật do luật pháp về hôn nhân và gia đình quy định. Hậu quả đó có thể là huỷ việc kết hôn trái pháp luật (từ Điều 10 đến Điều 12 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên (Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Trong một số trường họp, hậu quả áp dụng giống với chế tài nhung với người không có lỗi thì đó không phải là chế tài (vỉ dụ, giao con cho người khác giám hộ khi cha mẹ bị bệnh hiểm nghèo).
Nhằm tăng cường tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của pháp luật, việc bảo vệ quyền hôn nhân và gia đinh có thể bằng các biện pháp pháp luật khác; vỉ dụ như bằng Luật hình sự, Luật hành chính, Luật lao động, Luật dân sự (ví dụ như cấm đuổi việc phụ nữ với lí do mang thai, phụ nữ nuôi con, phụ nữ có con dưới một tuổi, hoặc có thể hạn chế năng lực hành vi những người do nghiện rượu, nghiện ma tuý mà bỏ mặc gia đình trong hoàn cảnh khó khăn).
4- Căn cứ phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình:
Căn cứ phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là sự kiện pháp lí. Nó có thể là sự kiện, hành vi, thời hạn… Theo biện pháp tác động đối với quan hệ xã hội, sự kiện pháp lý trong luật hôn nhân và gia đình chia thành: sự kiện làm phát sinh, làm thay đổi và sự kiện làm chấm dứt quan hệ pháp luật. Sự phân chia như trên là phù hợp với lí luận chung về pháp luật. Thế nhưng đối với Luật Hôn nhân và gia đình còn một nhóm sự kiện đặc trưng, nó làm phục hồi quyền và nghĩa vụ của chủ thể Luật Hôn nhân và gia đình đã bị mất đi. Nhóm đó gọi là sự kiện pháp lí phục hồi quan hệ pháp luật. Tác động của sự kiện pháp lí này là nhằm phục hồi quyền làm cha mẹ trong trường hợp huỷ bỏ việc nhận nuôi con, phục hồi lại hôn nhân khi người vợ (chồng) bị Tòa án tuyên bố là đã chết trở về, và nhiều trường hợp khác mà luật quy định. Đặc điểm của các sự kiện đó là không làm phát sinh một quan hệ pháp luật mới mà chỉ phục hồi lại quan hệ pháp luật đã bị chấm dứt trước đó, hoặc tạm thời đình chỉ. Là sự kiện pháp lí phục hồi, khi được áp dụng thì kết quả là các quan hệ đó sẽ được phục hồi. Thế nhưng những sự kiện đó cũng đồng thời có thể làm chấm dứt hoặc thay đổi các quan hệ pháp luật.
Ví dụ: Quyết định của Tòa án về việc huỷ bỏ việc nhận nuôi con nuôi tiến hành không có sự đồng ý của cha mẹ khi sự đồng ý đó là cần thiết – là sự kiện pháp lí tác động đồng thời theo hai hướng: chấm dứt quan hệ pháp luật nhận con nuôi và phục hồi quan hệ pháp luật cha mẹ với các con…
Trong Luật Hôn nhân và gia đình, với tư cách là các điều kiện làm phát sinh quan hệ pháp luật, trước hết phải kể đến cấu thành sự kiện, nghĩa là tổng hợp các sự kiện pháp lí. Cấu thành sự kiện thường hỗn hợp, có thể là sự kiện hoặc có thể là hành vi. Quan hệ pháp luật giữa cha mẹ với các con phát sinh do kết quả của việc sinh con (một sự kiện) và đăng kí giấy khai sinh cho con tại cơ quan đăng kí hộ tịch (hành vi).
Cấu thành sự kiện phát sinh quan hệ pháp luật và gia đình thường có 2, 3 sự kiện. Nếu thiếu một trong các sự kiện đó thì cấu thành sự kiện sẽ không có hiệu lực (kết hôn không ghi vào sổ đăng kí, không cấp giấy chứng nhận kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng). Với tư cách là sự kiện pháp lí trong Luật Hôn nhân và gia đình còn có trạng thái là mối liên quan xã hội đã và đang tồn tại. Nó có thể là huyết thống, thích thuộc, hôn nhân. Đặc điểm của nó mang tính chất lâu dài. Việc thể hiện hành vi ý chí của con người như là sự kiện pháp lí trong rất nhiều trường hợp không ảnh hưởng đến quan hệ pháp luật hồn nhân và gia đình. Vỉ dụ, việc cha mẹ từ chối không cấp dưỡng cho con không có giá trị pháp lí, hoặc sự đồng ý của cha mẹ cũng vậy (khoản 4 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Trong một số trường hợp thì ngược lại, hành vi ý chí là điều bắt buộc phải có trong cấu thành sự kiện. Ví dụ: đối với việc kết hôn phải có sự tự nguyện của hai bên nam nữ, muốn li hôn cũng đòi hỏi phải theo ý chí của vợ (chồng) hoặc của cả hai vợ chồng.
Hành vi của những người tham gia quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ thường có liên quan đến quyền lợi của người khác hoặc xã hội. Chính vì thế, để phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực luật hôn nhân và gia đình cần thiết có cả quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận sự kiện hoặc hành vi theo thủ tục luật định. Vỉ dụ, để công nhận hôn nhân có giá trị pháp lí cần thiết phải có sự đồng ý của hai bên nam nữ, đồng thời phải đăng kí tại cơ quan đăng kí hộ tịch (Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Để việc nhận con nuôi làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa người nhận con nuôi và người được nhận nuôi thì cần thiết phải có quyết định về việc nhận nuồi con nuôi của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người nhận nuôi hoặc của đứa trẻ (Điều 22 Luật Nuôi con nuôi năm 2010)…
Như vậy, quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là loại quan hệ xã hội được luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh. Nó có nhiều điểm khác với các quan hệ xã hội khác. Nghiên cứu nó có ý nghĩa lí luận và thực tiễn giúp chúng ta hiểu rõ, xác định rõ phạm vi các quan hệ đó, xác định tầm quan trọng của việc thực hiện và bảo vệ quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình. Việc xác định đúng thời điểm mà sự kiện pháp lí làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình còn có ý nghĩa tạo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng luật chính xác khi giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình.