Khai thác di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của thành phố Hà Nội: Chung sức phát huy giá trị

29/08/2021 | 09:23

Sau đợt ghi danh mới nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (tháng 6/2021), thành phố Hà Nội đã có thêm 2 di sản được đưa vào danh mục, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Thủ đô lên 21 địa chỉ. Đa dạng về loại hình, giàu có về bản sắc, mỗi di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Hà Nội đã và đang được cộng đồng sở hữu cùng chung sức áp dụng nhiều cách thức khác nhau để bảo tồn, phát huy giá trị.

Khai thác di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của thành phố Hà Nội: Chung sức phát huy giá trị  - Ảnh 1.

Nghề quỳ vàng Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ảnh chụp tháng 3/2021). Ảnh: TTXVN

Cộng đồng cùng gìn giữ, bảo vệ

Thông tin lễ hội kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khiến người dân hai làng Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) và Kiều Mai (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) rất vui mừng và tự hào. Tổ trưởng tổ dân phố số 14 phường Phúc Diễn Trần Quang Định chia sẻ, đây là sự ghi nhận cho không chỉ giá trị độc đáo của lễ hội, mà còn là những cố gắng không ngừng nghỉ của cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, bảo vệ giá trị di sản.

Lễ hội kết chạ, hay còn gọi là Hội giao hiếu, là nét độc đáo của di sản, thể hiện mối giao hảo, thân tình nhiều đời giữa hai làng cổ giáp ranh Phú Mỹ, Kiều Mai. Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Nam Từ Liêm Vũ Thị Thanh Thúy, đây là truyền thống tương thân, tương ái nhiều đời giữa hai địa phương, góp phần hình thành nên bản sắc lễ hội.

“Từ việc nỗ lực thống kê, tư liệu hóa lễ hội; thông qua các dòng họ để tuyên truyền, giáo dục di sản…, đến loại bỏ các hoạt động không phù hợp, có thể gây ảnh hưởng đến giá trị tốt đẹp của lễ hội cho thấy, người dân hai làng Phú Mỹ và Kiều Mai đã cố gắng bảo lưu nguyên vẹn giá trị di sản”, bà Vũ Thị Thanh Thúy cho hay.

Tương tự, lễ hội năm làng Mọc hiện đang được bảo lưu, gìn giữ một cách hiệu quả bởi 5 làng thuộc các phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và Trung Văn (quận Nam Từ Liêm). Theo ông Đỗ Hoàng Việt, công chức văn hóa – xã hội UBND phường Nhân Chính, cộng đồng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu của di sản lễ hội năm làng Mọc. Trong những năm qua, địa phương rất quan tâm thúc đẩy tuyên truyền, vận động, giáo dục ý nghĩa của lễ hội.

“Quận Thanh Xuân đã cho biên soạn, phổ biến cuốn sách về lễ hội năm làng Mọc. Bên cạnh việc phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, dòng họ, phường Nhân Chính còn tích cực giới thiệu các địa chỉ đỏ về thực hành lễ hội để thế hệ trẻ tiếp cận phương thức thực hành di sản…”, ông Đỗ Hoàng Việt cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bôn, tổ dân phố số 5, phường Trung Văn, để người dân thấy được cái hay, cái đẹp, những tri thức sâu sắc và phong phú từ lễ hội thì công tác tuyên truyền, giáo dục di sản thường xuyên là cách làm đúng đắn, cần thiết. Bởi, hoạt động này sẽ giúp khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, ý thức chung tay gìn giữ, bảo vệ di sản.

Khai thác di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của thành phố Hà Nội: Chung sức phát huy giá trị  - Ảnh 2.

Lễ hội năm làng Mọc thuộc các phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), ảnh chụp tháng 1/2020

Hỗ trợ, đồng hành với cộng đồng

Ngoài lễ hội kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai và lễ hội năm làng Mọc, trong năm 2021, thành phố Hà Nội còn có thêm 2 di sản khác được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Hội thổi cơm thi Thị Cấm, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) và nghề quỳ vàng Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm), nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Thủ đô lên 21 địa chỉ.

Khác nhau về loại hình và cộng đồng sở hữu, song các di sản này có một điểm chung là được gìn giữ, phát huy một cách hiệu quả, với sự tham gia tích cực của người dân.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, cộng đồng là những người nắm giữ di sản, nên có vai trò quan trọng nhất trong hoạt động bảo tồn. Khi một di sản được ghi danh, yếu tố trước tiên là cộng đồng phải cam kết tự nguyện bảo vệ di sản. Khi đó, người dân địa phương sẽ chủ động, tự giác tham gia đóng góp cho các hoạt động tuyên truyền quảng bá, giữ gìn di sản.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Tăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam), cộng đồng cần nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình, không nên chỉ thụ động cung cấp thông tin, mà còn tích cực tham gia thảo luận, xây dựng các biện pháp bảo vệ di sản. Nhiệm vụ này cũng cần có sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan, tổ chức… trong nắm bắt thực trạng, tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng sở hữu di sản để có những giải pháp hiệu quả, lâu dài.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, hằng năm, ngành Văn hóa Thủ đô phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, như: Đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ một phần kinh phí truyền dạy, tổ chức liên hoan, trình diễn di sản văn hóa, kiểm kê, tư liệu hóa, biên soạn sách, ghi hình về thực hành di sản. Đến thời điểm này, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Hà Nội đều được bảo tồn hiệu quả và không ít di sản đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

“Tuy nhiên, di sản văn hóa phi vật thể là những di sản “sống”, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến đổi, nên cần có sự vào cuộc hơn nữa của chính quyền các địa phương, sự giám sát, kiểm tra, thường xuyên của ngành Văn hóa để bảo tồn, phát huy bền vững giá trị”, bà Phạm Thị Lan Anh cho biết thêm.

Xổ số miền Bắc