Khai thác giá trị nguồn tài nguyên nhân văn
Mục lục bài viết
Khai thác giá trị nguồn tài nguyên nhân văn
Sầm Sơn không chỉ có ưu thế về nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, mà còn có hệ thống di sản văn hóa vật thể và kho tàng văn hóa phi vật thể đa dạng, giàu giá trị. Nguồn tài nguyên nhân văn này là cơ sở để thành phố xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh, góp phần thu hút du khách suốt 4 mùa.
Hòn Trống Mái – điểm đến được nhiều du khách lựa chọn tham quan khi về Sầm Sơn.
Sầm Sơn vốn là mảnh đất của những huyền thoại, với “bệ đỡ” là sắc thái văn hóa biển đậm đà, còn được thể hiện tương đối rõ nét trong các lễ hội, phong tục, tập quán, nếp sống, tôn giáo, tín ngưỡng… và qua các di tích danh thắng gắn với các nhân vật được thờ phụng. Nói đến hệ thống di tích ở Sầm Sơn phải nói đến đền Độc Cước nằm trên hòn Cổ Giải, thuộc dãy núi Trường Lệ. Đền được lập từ thời Trần, dựng lại vào thời Lê và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Giá trị của di tích không chỉ nằm ở lối kiến trúc theo kiểu chuôi vồ (thế kỷ XVII), hiên quay về hướng Tây theo quan niệm của người xưa là hướng vững chãi nhất; mà còn nằm ở địa thế – nơi đứng chân của di tích và đặc biệt là liên quan đến nhân vật được thờ phụng. Đền thờ Thần Độc Cước từ lâu đã rất quen thuộc với nhiều người dân xứ Thanh, gắn với tín ngưỡng thờ “mẹ Phủ Na, cha Độc Cước”. Sự “thiêng hóa” mà nhờ đó ngôi đền được người đời truyền tụng xuất phát từ câu chuyện về Thần Độc Cước – người đã tự xẻ đôi thân mình để dẹp loài thủy quái, bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân chài và được người dân vùng cửa biển này ngưỡng vọng, thờ phụng. Đặc biệt, gắn với tục thờ Thần Độc Cước là lễ hội Bánh Chưng – Bánh Dày (diễn ra vào ngày 12-5 âm lịch), một trong những lễ hội lớn nhất của cư dân biển Sầm Sơn.
Nằm trên dãy Trường Lệ còn có một điểm đến nổi tiếng bậc nhất Sầm Sơn: Hòn Trống Mái. Hòn Trống Mái vốn được dân gian dùng để gọi tên hai hòn đá nằm chênh vênh cạnh nhau trên dãy Trường Lệ. Trải qua thời gian và sự mài mòn của mưa nắng, chúng vẫn nằm cạnh nhau, bền bĩ như sợi dây tình cảm của loài lông vũ luôn có đôi có cặp. Để rồi, từ câu chuyện của đá, con người đã dệt nên câu chuyện tình yêu đẹp của con người. Đó là chuyện về đôi vợ chồng trẻ đã sống chết bên nhau trong trận đại hồng thủy, khiến bầy Tiên khi du ngoạn trần gian đã động lòng cảm phục, liền cho hóa thành đôi chim đá, để được quấn quýt bên nhau trên núi cao, không bao giờ chịu cảnh lụt lội. Để rồi đến lượt nó, câu chuyện tình yêu đã trở thành niềm cảm hứng cho sự ra đời lễ hội Tình yêu Hòn Trống Mái – một sản phẩm du lịch mới đang được thành phố tích cực quảng bá.
Bên cạnh đền Độc Cước, Hòn Trống Mái, Sầm Sơn còn nhiều di tích nổi tiếng khác như đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành, đền Cá Lập, đền Bà Triều, đền Đề Lĩnh, chùa Khải Minh… Đặc biệt, Sầm Sơn cũng là mảnh đất của nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội Cầu Phúc đền Độc Cước, lễ hội Bánh Chưng – Bánh Dày, lễ hội Cầu Ngư – Bơi Chải, lễ hội Đề Lĩnh, lễ hội Bà Triều, lễ hội Cỗ oản chùa Khải Minh… Việc tổ chức tốt các lễ hội truyền thống không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, mà còn tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh. Đồng thời, sự tồn tại của các di sản vật thể và phi vật thể ấy đã góp phần “định vị” Sầm Sơn đẹp không chỉ ở vẻ đẹp tự nhiên, mà còn ở các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc. Đặc biệt, năm 2019, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là sự kiện quan trọng và là tiền đề để TP Sầm Sơn khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch.
Cũng bởi nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa trong sự phát triển bền vững Sầm Sơn nói chung, du lịch nói riêng, những năm trở lại đây, thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Hàng năm, UBND thành phố đã phê duyệt danh mục và kinh phí triển khai các dự án tu bổ, phục dựng di tích; trong đó, đặc biệt ưu tiên cho các khu, điểm di tích cách mạng, di tích lịch sử giàu giá trị. Một số di tích đã cơ bản hoàn thành và đưa vào quản lý, khai thác phát huy giá trị như Khu lưu niệm Bác Hồ kéo lưới với ngư dân Sầm Sơn (phường Trường Sơn); khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Tô Hiến Thành (phường Trường Sơn); khu danh thắng Hòn Trống Mái (phường Trường Sơn); khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ Hoàng Minh Tự (phường Trường Sơn); khu di tích lịch sử cấp tỉnh – di tích Chi bộ Cố Gắng (phường Quảng Cư)… Bên cạnh đó, một số di tích đang thực hiện quy trình đầu tư, như di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ An Dương Vương (phường Quảng Châu); di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Khải Minh (phường Trường Sơn); Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Đề Lĩnh (phường Trung Sơn)… Việc tu bổ, trùng tu di tích đã góp phần hoàn thiện và tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh. Đồng thời, góp phần hấp dẫn và giữ chân du khách khi về với Sầm Sơn.
Bài và ảnh: Hoàng Xuân