Khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch Hậu Giang

Khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch Hậu Giang

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chủ trì cuộc họp với Sở VHTTDL Hậu Giang

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hậu Giang Nguyễn Thị Lý đã báo cáo về hình hình phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang thời gian qua, trong đó ngoài những thuận lợi về tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn thì du lịch Hậu Giang cũng gặp nhiều khó khăn khi sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn và thiếu sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao; chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, cơ sở hạ tầng phát triển du lịch chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển du lịch; việc mời gọi đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, triển khai thực hiện các dự án du lịch còn chậm; chưa xây dựng được các khu vui chơi, giải trí có quy mô lớn; chưa phát triển được các dịch vụ thu hút khách du lịch về đêm. Đội ngũ lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của ngành Du lịch. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đi vào chiều sâu; thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân bởi các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và mang nội dung văn hóa sâu sắc; chưa tích cực huy động nhiều nguồn lực của xã hội để đầu tư phát triển du lịch; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực. Đặc biệt, Hậu Giang chưa có đơn vị lữ hành kinh doanh trên địa bàn, doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ, chưa chủ động trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách…

Phát biểu tại cuộc họp Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao về công tác chuẩn bị, sự quan tâm của Sở VHTTDL Hậu Giang trong việc đề xuất những giải pháp, định hướng để du lịch Hậu Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của địa phương với sự phát triển của lĩnh vực du lịch.

Qua báo cáo, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng lãnh đạo Sở VHTTDL Hậu Giang đã nhìn nhận thẳng vấn đề với những kết quả tích cực; đồng thời, cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế của du lịch địa phương. Mặc dù có nhiều điều kiện, tài nguyên để phát triển du lịch và nhận được sự quan tâm của tỉnh, nhưng các hoạt động du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. TCDL sẽ đồng hành, phối hợp với Hậu Giang thúc đẩy nâng cao vị trí, vai trò của du lịch địa phương để đạt được kỳ vọng tỉnh đề ra.

Theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương, du lịch Hậu Giang cần xây dựng hình ảnh điểm đến, thương hiệu, định vị lại thị trường cho phù hợp với sản phẩm; đồng thời, để tránh việc trùng lặp với các sản phẩm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang cần phải có những sản phẩm nổi trội, khác biệt. Xác định trong thời gian tới, Hậu Giang sẽ là điểm tham quan du lịch sinh thái, nông nghiệp gắn với miền sông nước Cần Thơ, với các sản phẩm phụ trợ, khu lưu trú.

Về đề xuất của Hậu Giang trong việc tiếp cận nguồn lực các nhà đầu tư và cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, Vụ trưởng Vụ Khách sạn Vũ Văn Thanh cho rằng Hậu Giang cần công bố chính sách thu hút đầu tư, trong đó cam kết hỗ trợ ưu đãi đặc biệt là về đất đai cho các dự án phát triển du lịch; đồng thời, công bố các danh mục dự án đầu tư hạ tầng du lịch và các khu vui chơi giải trí.

Với quyết tâm cao phát triển du lịch địa phương, ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở VHTTDL Hậu Giang cho biết, thời gian tới du lịch Hậu Giang sẽ phấn đấu tăng thứ hạng trong các tỉnh ĐBSCL; đồng thời, kết nối với TCDL và các đơn vị để từng bước hoàn thành nhiệm vụ mà Nghị quyết về phát triển du lịch của tỉnh đề ra.

Kết luận cuộc họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhận định, đây là bước khởi đầu để Sở VHTTDL Hậu Giang cũng như các đơn vị của TCDL sẽ có những kết nối và làm việc cụ thể hơn trong từng lĩnh vực nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Hậu Giang, thông qua việc hoàn thiện kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh sẽ giúp ngành Du lịch Hậu Giang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng sẽ được cải thiện hơn, đồng thời góp phần cho việc hoàn thành mục tiêu mà tỉnh đã đề ra, xác định du lịch là một lĩnh vực kinh tế quan trọng của địa phương.

Với tiềm năng hiện có, Hậu Giang cần xây dựng sản phẩm đặc thù như du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch đường sông… từ đó, lựa chọn ra sản phẩm lợi thế hơn các địa phương khác trong vùng, tạo ra dấu ấn và sự khác biệt cho tỉnh. Ngoài ra, tỉnh phải xác định thị trường mục tiêu hướng tới với chiến lược rõ ràng, có sự liên kết với các tỉnh như Cần Thơ để từng bước đáp ứng thị trường khách quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay trên cả nước, việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở nhiều địa phương cũng như việc triển khai tiêm chủng được phổ biến trên khắp cả nước, một số địa phương đã có những giải pháp dựa trên việc kiểm soát được dịch bệnh đã cho mở lại các hoạt động, trong đó có hoạt động du lịch, Tổng cục trưởng  Nguyễn Trùng Khánh mong muốn địa phương có những nắm bắt và tham mưu cho UBND tỉnh để kịp thời có những đề xuất điều chỉnh cho phép các hoạt động du lịch được mở lại, góp phần phục hồi hoạt động du lịch. TCDL cam kết luôn sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ và phối hợp cùng với Hậu Giang nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.

Thảo Anh