Khám phá Đông Timor

Đông Timor thường được giới yêu thích môn lặn biển nói đến. Họ thì thầm với nhau về một đất nước bé nhỏ với những dải san hô tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng, có thể sánh vai cùng với những vùng biển lặn nổi tiếng nhất trên thế giới. Thêm vào đó là những bãi biển còn hoang sơ, những bãi cỏ xanh mướt với những đàn bò đeo chuông kêu lanh canh sau mỗi bước chân và một phong cảnh núi đồi thật ấn tượng.

Đông Timor, bán đảo nằm giữa Indonesia và Úc, có diện tích khoảng 15.000 km², đến nay hầu như chưa được khám phá.

“Bob’s Rock“, tên của một địa điểm bên cạnh bờ biển và cách thủ đô Đông Timor chừng 45 phút đi ôtô. Nó có cái tên như vậy bởi lẽ một anh chàng Bob nào đó đã đến đây và viết tên mình lên trên một tảng đá. Một cái tên thật sự cho dải bờ biển này vẫn chưa có.

Ở đây không có ghế ngồi, không có chỗ bán kem hay khoai tây chiên, cũng không có bãi đỗ xe và tất nhiên là không có quán bar nào cả. Giữa những đám cây đi chừng 30-40m là đã đến sát mép nước và qua một đám sỏi nữa là ra đến biển cả rộng lớn. Chỉ thêm 10m, thế giới tươi đẹp dành cho những người yêu thích môn lặn đã hiện ra.

Lòng biển chỗ này khá sâu chứ không còn thoải, những cụm san hô mọc tự do gần đến mức thò tay ra là đã chạm vào chúng.

“Tasi Feto” – biển nữ – là tên của con nước yên bình trước bờ biển phía bắc, “Tasi Mane“ – biển nam – là vùng biển phía nam và sóng ở đây to hơn. Tôi đã lặn ở Great Barrier Reef của Úc hay ở Bali và cả ở Caribê, nhưng ở đây mới thật sự hoành tráng và lại ngay cạnh bờ biển nữa chứ“ – anh David, 26 tuổi, làm việc cho một tổ chức cứu trợ của Úc, nói. Thường anh vẫn đi lặn vào những dịp cuối tuần ở đây.

Trong nhiều thập kỷ Đông Timor không nằm trong danh sách của những du khách ưa mạo hiểm. Nơi đây một thuở là thuộc địa của Bồ Đào Nha và sau đó bị Indonesia chiếm đóng. Những cuộc khởi nghĩa liên tiếp xảy ra đã làm đất nước này trở thành vùng không thể đến (No-Go-Area).

Nhưng kết quả là phong cảnh ở đây vẫn còn nguyên thủy do không bị đào bới tìm kiếm tài nguyên, những bờ biển dài hàng cây số không bị những khách sạn cắt xé thành những mảnh vụn và những dải san hô không bị phá hoại bởi mìn đánh cá. Và đó là một lý do tuyệt vời để thôi thúc bước chân những kẻ lữ hành!

Ở bờ biển phía bắc, trên con đường với những khúc cua gập khuỷu tay rất nguy hiểm, sau khoảng 120 km đường ôtô người ta sẽ đến được Baucau, thành phố lớn thứ hai của bán đảo này. Cảnh quan và không gian ở đây sẽ làm mọi người quên đi chuyến đi nguy hiểm vừa qua.

Giao thông tương đối thông thoáng. Tại làng Manatuto, một con lợn lái đủng đỉnh qua đường, bốn thanh niên ngồi ngay giữa đường với chiếc ghita và hát nghêu ngao. Trong chợ người ta bán các đồ gia vị, rau cỏ và rượu vang mà họ tự cất từ cây cỏ. Và tất nhiên bạn sẽ có thể mua được những mảnh vải Tais sặc sỡ do phụ nữ tần tảo ở đây dệt lên.

Trên con đường tới Baucau, người ta dựng lên những chỗ bán hàng nhỏ để những nông dân kiếm bữa rau bữa cháo. Đồng tiền chính thức của Đông Timor là USD. Ở các quầy hàng có bí ngô, đỗ xanh, ớt đỏ, cà chua… chúng được bày như những tháp nhỏ một cách kỳ công và đẹp mắt.

Baucau có một khách sạn khá lớn màu hồng xây dựng từ thời là thuộc địa Bồ Đào Nha và là nơi đóng quân của quân đội Indonesia khi họ chiếm đóng nước này. Khách sạn Pousada de Baucau ngày nay lại đón du khách đến nghỉ ngơi và khách được phục vụ bởi những sinh viên của các trường đại học trong thành phố.

Một vài tiếng đi ôtô và thêm nhiều ổ gà ổ voi nữa bạn sẽ đến được tỉnh Los Palos. Một tổ chức về bảo vệ môi trường ở tỉnh này đã tạo dựng tại đây một dự án mẫu mực về du lịch. Người có công nhất trong dự án này là Demetrio do Amaral de Carvalho. Người chiến sĩ cách mạng từng sống rất nhiều năm trong rừng rậm. “Qua đó tôi đã học được rất nhiều từ thiên nhiên: làm thế nào có chỗ ở, có thức ăn và có thuốc để chữa bệnh – anh nói – Chúng tôi muốn xây dựng một ngành du lịch trên ba chiếc cột lớn: gìn giữ thiên nhiên, bảo vệ – phát triển văn hóa và mở ra nguồn thu nhập cho người dân ở đây”.

Tại cực đông của Tutualla, người dân bản địa đã dựng lên những ngôi nhà ngay cạnh bờ biển. Với khoảng 10 euro cho một đêm, du khách sẽ mua được một cảm giác như trên thiên đường cộng với thức ăn đặc trưng vùng. Du khách có thể cùng ngư dân giong thuyền ra khơi hoặc mua những đồ thủ công mỹ nghệ. “Có khoảng 3.000 người lao động tại đây – người chủ dự án nói – Chúng tôi không muốn những người bản địa trở thành những người làm thuê cho khách sạn của người nước ngoài.

Từ thủ đô Dili chỉ cần vài phút là đã đến với núi. Trên đường đến Remexio du khách có thể chiêm ngưỡng hàng loạt công trình kiến trúc truyền thống. Filomena rất tự hào khi chỉ ngôi nhà được dựng trên những chiếc cột gỗ và lợp bằng lá cọ của mình, “để cho mát” như cô giải thích. Đường sá ở đây rất ít người và hầu hết chỉ có… gà chạy tứ tung trên đường. Những người lái xe cơ giới rất cẩn thận, bởi ai mà cán chết một con gà ở đây phải đền cho chủ của nó 10 USD – và cũng không được “chén” con gà ấy vì lúc đó nó vẫn thuộc về chủ của nó.

Cũng từ Dili còn có con đường trekking đến Ramelan, ngọn núi cao nhất Đông Timor với độ cao gần 3.000m. Tốt nhất nên có người dẫn đường địa phương vì họ hiểu đường đi nước bước cũng như con người nơi đây. Từ khu basic camp trên độ cao 1.960m người ta cần khoảng ba giờ để chinh phục đỉnh núi và từ đây có thể thưởng thức cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp.

Sau một đêm ngủ lều trên đỉnh núi và thưởng thức bình minh trên độ cao 3.000m, sáng hôm sau mọi người lại xuống núi. Thủ đô Dili với những công trình kiến trúc từ thời thuộc địa Bồ Đào Nha sẽ hấp dẫn khách du lịch cả với những món Pudding không thể cưỡng lại được.

PhuthoPortal (Nguồn TTOL)