Khám phá hành trình về những nền văn hóa cổ
.
(Baoquangngai.vn)- Tuyến du lịch “Hành trình về những nền văn hóa cổ” ở vùng ven biển phía Nam Quảng Ngãi đang gợi mở cho du khách những khám phá thú vị. Ở đó, có di sản văn hóa Sa Huỳnh từ 3.000 năm trước với nếp sinh hoạt độc đáo và tín ngưỡng mang đậm bản sắc của cư dân ven biển.
Xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt
Hành trình về với di tích văn hóa Sa Huỳnh là một trong 4 tuyến du lịch nằm trong dòng chảy của Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh. Di sản nổi trội của tuyến này chính là văn hóa. Như tên gọi, Sa Huỳnh- vùng đất thuộc huyện Đức Phổ, được xem là cái nôi và trung tâm của nền văn hóa này.
Trong thời đại kim khí đã có 3 trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam, đó là văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, di tích Sa Huỳnh của văn hóa Sa Huỳnh theo hàng nghìn năm biến chuyển, còn được bảo tồn tốt hơn cả.
Các hiện vật có niên đại hàng nghìn năm thuộc Văn hóa Sa Huỳnh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh
Năm 1909, văn hóa Sa Huỳnh lần đầu được thế giới biết đến, khi nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet phát hiện được trên 200 mộ chum có niên đại cách đây 2.500 – 3.000 năm. Từ đó cho đến nay, hàng trăm hiện vật đã được khai quật, lưu giữ, trưng bày. Những hiện vật này thể hiện nền văn hóa Sa Huỳnh đã phát triển từ thời sơ kỳ đồng thau đến thời kỳ Sa Huỳnh sắt, xuất phát từ cư dân bản địa chứ không phải du nhập từ nước ngoài.
Văn hóa Sa Huỳnh là niềm hãnh diện tự hào của Việt Nam. Bởi cách nay hơn 2000 năm, văn hóa Sa Huỳnh đạt đến trình độ văn minh sở hữu kỹ nghệ luyện sắt để chế tạo vũ khí và công cụ sản xuất. Đồng thời, sở hữu kỹ nghệ chế tạo thủy tinh để sản xuất đồ trang sức.
Từ các di tích văn hóa Sa Huỳnh, qua nghiên cứu đem lại nhận thức về quan hệ giao lưu văn hóa rộng mở của trung tâm Sa Huỳnh với các trung tâm văn hóa khác ở khu vực Đông Nam Á trong thời đại kim khí. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện các hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh như khuyên tai 3 mấu Sa Huỳnh có mặt ở vùng Đông Nam Á hải đảo, khuyên tai hai đầu thú Sa Huỳnh có mặt ở văn hóa Đông Sơn (Việt Nam), Bản Chiềng, Non Nok Tha (Thái Lan)…
Vùng đất Sa Huỳnh chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi- Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho hay: Văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi đã được các nhà khảo cổ học Phương Tây và Việt Nam nghiên cứu trong suốt hơn 1 thế kỷ. Tất cả những kết quả nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng khoa học để khẳng định tính bản địa của văn hóa Sa Huỳnh. Trong quần thể này, kể cả các di tích Thạnh Đức, Gò Ma Vương, Phú Khương… đều xứng đáng là những di tích trình xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Tiềm năng du lịch rộng lớn
Với điểm cốt lõi là văn hóa Sa Huỳnh, tuyến du lịch Hành trình về những nền văn hóa cổ giới thiệu cho du khách những mảng nhiều màu sắc. Một trong những điểm đến là Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời gồm 2 phần: Nhà trưng bày hiện vật văn hóa Sa Huỳnh và Khu di tích văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời với hơn 500 hiện vật, hình ảnh, tài liệu.
Từ nhà trưng bày theo con đường mới mở thẳng về hướng đông là gò Ma Vương, nằm bên bờ biển. Đây là nơi đầu tiên di sản văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện từ 110 năm về trước.
Ở đây còn có đầm nước ngọt An Khê, nằm sát biển nhưng lại là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh. Đầm có chiều dài 3,5km, rộng 1km với 347ha mặt nước thuộc xã Phổ Khánh, giáp ranh với xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ.
Nơi đây chứa đựng những đặc trưng quan trọng nhất của nền văn hóa Sa Huỳnh. Đến nay, người dân quanh đầm An Khê vẫn duy trì, lưu dấu của nền văn hóa xa xưa qua phương thức đánh bắt thô sơ như tổ tiên họ vẫn làm hàng trăm năm qua.
Tiến sĩ Vũ Thế Long – chuyên gia môi trường Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Giữa một bên là đồi núi, một bên là biển lại có một đầm nước ngọt rộng lớn hàng trăm hecta như đầm An Khê thì đây là tiềm năng để khai thác du lịch tuyệt vời. Một không gian giá trị về môi trường, văn hóa, lịch sử, hội tụ đủ các yếu tố để phát triển du lịch hiếm có.
Đầm An Khê là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh. Nơi đây còn lưu dấu nền văn hóa xa xưa qua cách thức đánh bắt truyền thống của người dân bản địa được lưu truyền qua hàng nghìn năm lịch sử
Tuyến du lịch còn đưa du khách trải nghiệm những nghề thủ công truyền thống như làng nghề gốm Phổ Khánh, kẹo gương Thu Xà, mạch nha Thi Phổ hay làng đúc đồng Chú Tượng… Ở các làng nghề ấy, mặc cho sự thăng trầm của thời gian, mặc cho biến đổi của thị trường, có những gia đình vẫn chung thủy, quyết giữ lấy nghề.
Ông Nguyễn Hòa- một trong số những hộ làm gốm lâu năm trong vùng bộc bạch: “Nghề gốm giờ ít người chuộng, nhưng đây là nghề xưa ông bà lưu truyền lại. Mình được sinh ra từ gốm thì cũng suốt đời gắn bó với nó là động viên con cháu giữ nghề”.
Hành trình về những nền văn hóa cổ hứa hẹn sẽ đưa du khách đi qua những cung bậc cảm xúc khi chứng kiến và “chạm” vào nền văn hóa xa xưa. Để hành trình ấy được kéo dài xuyên suốt thì Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh đang phối hợp với địa phương để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ di sản và phát triển kinh tế bền vững từ những di sản ấy.
Ông Trần Phước Hiền- Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: Chúng tôi nhận thức rõ việc bảo tồn và phát triển kinh tế của người dân trong vùng phải có sự gắn kết bền chặt. Khi người dân nhận thức đầy đủ giá trị của di sản thì mới có thể bảo vệ và phát huy, nhất là phát triển du lịch cộng đồng có hiệu quả.
Một khi di tích hay di sản được công nhận, không chỉ tôn vinh về mặt giá trị mà cốt lõi của di tích hay di sản là được cộng đồng bảo vệ và khai thác có hiệu quả. Hành trình về những nền văn hóa cổ hay 3 tuyến du lịch khác của công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh vận hành không ngoài mục tiêu nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ các giá trị di sản mang tầm thế giới.
Bài, ảnh: Thiên Vương