Khám phá nét đặc sắc trong đám cưới của người Mông

Khám phá nét đặc sắc trong đám cưới của người Mông

Lễ cưới là một trong những nghi thức quan trọng bậc nhất của người Mông, dấu mốc trưởng thành của mỗi con người. Vì thế, dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay thì những nghi lễ quan trọng vẫn được lưu giữ, song đã được thực hiện một cách giản tiện hơn; một số hủ tục đã lược bỏ, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới tại các bản, làng vùng cao.

Khám phá nét đặc sắc trong đám cưới của người Mông

Chú rể Lâu Văn Tông và cô dâu Giàng Thị Chi ở xã Pù Nhi (Mường Lát) chụp ảnh lưu niệm cùng bố mẹ trong ngày trọng đại.

Quan niệm về đám cưới của người Mông

Những ngày cuối thu, đầu đông, tiết trời mát mẻ, những tia nắng váng óng chiếu xuống những mái nhà tường trình, cũng là lúc các cặp đôi uyên ương ở các bản làng vùng cao chộn rộn chuẩn bị cho ngày hôn lễ trọng đại. Những bản tập trung nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống như xã Pù Nhi, Nhi Sơn… ở huyện Mường Lát hầu như cuối tuần nào cũng có một vài đám cưới nên mọi người rủ nhau như đi hội. Từ trẻ em đến người lớn, đặc biệt là phụ nữ xúng xính trong trang phục váy Mông truyền thống với nhiều màu sắc rực rỡ càng tô điểm những con đường núi thêm vui tươi và sống động. Thỉnh thoảng, trên đường tỉnh còn thấy nhiều xe máy chở rương nhôm về bản – vật dụng mà các cặp đôi mua sắm để đựng những thứ quan trọng sau khi ra ở riêng.

Mường Lát là huyện miền núi có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 43,7%. Cùng với các dân tộc khác, người Mông nơi đây vẫn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có nghi lễ cưới hỏi.

Ông Lâu Minh Pó, dân tộc Mông ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi – một trong số rất ít người còn lưu giữ được những tư liệu quý báu về tục cưới truyền thống. Ông cũng là người được nhiều gia đình người Mông tín nhiệm làm trưởng đoàn đi hỏi vợ cho con, cháu trong gia đình. Bởi, ông không chỉ am hiểu các phong tục, tập quán của dân tộc mà còn tuyên truyền, vận động giúp bà con thay đổi những tập tục không còn phù hợp.

Theo ông Pó, ngày trước con trai, con gái Mông lập gia đình rất sớm nhưng nay họ đã kết hôn đúng quy định, con gái đủ 18 tuổi, con trai đủ 20 tuổi. Tục bắt vợ cũng không còn vì những biến tướng không mong muốn. Hôn nhân của người Mông chủ yếu theo tập quán tự do kén chọn bạn đời; những người cùng dòng họ không lấy nhau. Tuy nhiên, ở mỗi vùng khác nhau đám cưới cũng có một vài điểm khác một chút nhưng vẫn tuân theo những lễ nghi như dạm hỏi, ăn hỏi (hẹn cưới) và lễ đón dâu.

Người Mông thường tổ chức lễ cưới vào mùa đông, lúc nông nhàn, mùa xuân… tránh ngày gió to, sấm sét. Ngày đẹp được chọn để làm lễ cưới là “đi mồng 1 về mồng 2” âm lịch, hay “đi ngày con chuột về ngày con trâu”. Có nghĩa là, đi ngày lẻ về ngày chẵn hay đi một về hai, đi nhỏ về to. Điều đó thể hiện mong muốn một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, đầy đủ và phát triển.

“Chúng tôi chỉ chọn ngày đôi như là mùng 2 hoặc mùng 4, 16… chọn các ngày đôi đó là ngày tốt. Ngày đôi là vì con gái và con trai lấy nhau mình chỉ muốn cho có đôi có cặp nên chọn ngày đôi để cưới. Ngày chẵn là ngày may mắn của dân tộc Mông chúng tôi, từ ngày trước chúng tôi đã làm như thế rồi”, ông Pó nói.

Cô dâu đôi má hồng về nhà chồng

Vào ngày trọng đại, người thân và những người tham dự lễ cưới thường mặc trang phục truyền thống đẹp nhất do chính người phụ nữ Mông thêu và may. Khi họ hàng chú rể đã tụ tập đông đủ, trưởng họ bàn giao đồ lễ cho ông mối và cùng nhau kiểm tra đồ lễ thật chu đáo, phân công công việc… Đoàn nhà trai đưa lễ vật sang nhà gái đón dâu gồm có hai quan lang, hai phù rể, một đôi vợ chồng trong họ có gia đình yên ấm, con cái đủ “nếp, tẻ”, một thiếu nữ trong dòng họ, một số người bạn, thân hữu của nhà trai đi đón dâu cùng một bếp trưởng và 4 – 5 người để nấu bếp ở nhà gái (phải đảm bảo đi lẻ về chẵn).

Sau khi trưởng họ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, trưởng đoàn (ông mối) sẽ hướng dẫn chú rể cùng phù rể vái lạy tổ tiên trời đất rồi đi một vòng quanh bàn để xin phép. Sau đó, họ chuẩn bị lên đường đi đón dâu. Sau khi ông mối hát bài “Xin chiếc ô đen” và nhận từ tay trưởng họ túi vải, ô, đoàn đón dâu sẽ đến cửa nhà gái. Người ta quan niệm ô để che mưa nắng trên đường rước râu, còn túi để dựng những vật dụng cần thiết của cô dâu khi về nhà chồng.

Khi đến nhà gái, nếu thấy cửa đóng, ông mối sẽ phải hát bài “Xin mở cửa”. Thường thì gia đình cô dâu đã mở cửa sẵn sàng đón khách. Sau đó, họ mời nhau hút thuốc. Lời hát bài “Xin bàn ghế” của ông mối vừa dứt thì bàn rượu được bày ra và gia đình 2 bên cùng nhau uống rượu. Ông mối bàn giao đồ lễ cho nhà gái gồm thịt lợn, thịt gà, rượu ngô, mèn mén, cơm xôi, tiền mặt… Tuy nhiên, nhà gái không được nhận hoặc ăn hết mà phải để lại 1 chân và đuôi lợn để khi cô gái xuất giá mang theo về nhà chồng.

Lúc này trong buồng, cô dâu đã chuẩn bị xong. Trong bộ trang phục truyền thống do chính tay mình may, cô được mẹ đẻ căn dặn kỹ càng trước khi về nhà chồng. Sau khi nhà trai xin phép, phù dâu sẽ vào buồng và dắt cô dâu ra ngoài. Trước khi cô dâu về nhà chồng, những người đại diện gia đình nhà gái trao đổi ý kiến với nhau, bảo ban thêm về sự ăn ở, làm ăn cho con em mình trong tương lai. Việc dặn dò có sự chứng kiến của chức dịch, tức là người có chức vụ cao nhất địa phương đó.

Khám phá nét đặc sắc trong đám cưới của người Mông

Chú rể Lâu Văn Tông và cô dâu Giàng Thị Chi, ở xã Pù Nhi (Mường Lát) mặc trang phục truyền thống trong ngày vui của mình.

Đặc biệt, người Mông có tục lệ trên đường đi sang nhà gái hay đón dâu về dù gần hay xa nhất định nhà trai phải nghỉ chân ăn dọc đường và địa điểm bắt buộc phải ở gần nơi có nguồn nước. Họ cho rằng bữa cơm đó là để báo với các vị thần linh là nhà trai đã đón được con gái người ta về làm dâu con trong nhà và mời các vị thần linh chứng kiến và phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ chịu khó làm ăn, phát tài, sinh được nhiều con cháu. Nếu trên đường đi gặp đám ma hay có tiếng sấm họ sẽ quay về và để lần khác đi.

Khi đoàn đưa, đón dâu về tới nhà, cả đoàn sẽ đứng trước cửa nhà để gia đình nhà trai làm lễ nhập ma cho cô dâu, làm thủ tục báo cáo với tổ tiên, thần linh. Có hai vợ chồng họ hàng từ trong nhà ra cửa đón cô dâu. Khi bước vào cửa, cô dâu phải vượt qua ba cái ghế đặt ở giữa nhà để đến chỗ nghỉ của mình.

Khi cô dâu về nhà chồng, 3 đêm đầu tiên phù dâu có trách nhiệm ngủ với cô dâu. Trong thời gian này cô dâu kiêng hoàn toàn, mọi việc đều do phù dâu và chị dâu hoặc các em nhà chồng làm hộ. Đến sáng thứ 3, nhà chồng gọi anh em họ hàng và bắt con gà trống lấy vía cô dâu về làm lễ nhập môn. Lúc này cô dâu mới bắt đầu được làm mọi việc ở nhà chồng.

Sau bữa cơm, vợ chồng trẻ cùng bố mẹ chồng và phù dâu về nhà gái làm lễ lại mặt. Cô dâu sau khi đã làm lễ nhập môn và lại mặt chính thức được coi thuộc hẳn nhà chồng, nếu muốn về thăm bố mẹ đẻ phải có chồng cùng đi mới coi là hợp phong tục.

Ông Lâu Văn Ly, chuyên viên Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường Lát cho biết: “Người Mông quan niệm khi đã lấy chồng thì phải theo chồng nên vợ chồng người Mông thường gắn bó với nhau “như hình với bóng” trong mọi việc. Vậy nên mới có hình ảnh cặp vợ chồng người Mông cùng xuống chợ, chồng uống rượu say, vợ ngồi đợi chồng tỉnh rồi cùng về”.

Cũng như nhiều yếu tố văn hóa khác, tục cưới hỏi của người Mông đang dần mai một do nhiều thế hệ không truyền dạy thấu đáo. Lễ cưới vẫn nặng nề về tiệc rượu chiêu đãi rất tốn kém và kéo dài nhiều ngày. Vì thế, loại bỏ những luật tục không còn phù hợp và cải tiến tục cưới hỏi, xây dựng đời sống văn hóa mới ở các vùng dân cư nhằm giữ lại nét văn hóa truyền thống của người Mông cũng là một việc cần làm ngay.

Bài và ảnh: Tăng Thúy