Khám phá nét văn hoá trong du lịch Cà Mau
Mảnh đất Cà Mau chứa đựng biết bao nhiêu mẩu chuyện, giai thoại hào hùng về những con người đã ghi dấu những chiến công oanh liệt. Lịch sử đấu tranh của Nhân dân Cà Mau đã viết lên những trang sử hào hùng và để lại nhiều di tích lịch sử như di tích lịch sử Bến Vàm Lũng – điểm cuối của Đường Hồ Chí Minh trên biển; Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc – Trung tâm Kế hoạch phản gián CM12; Di tích lịch sử và thắng cảnh đảo Hòn Khoai với cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phan Ngọc Hiển; Di tích lịch sử căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Đước; Di tích lịch sử Hồng Anh Thư Quán… Mỗi di tích đều phản ánh rõ nét tinh thần yêu nước của các thế hệ đi trước trong đấu tranh gian khổ để giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Chùa Bà Thiên Hậu – nét văn hoá tâm linh của người dân Cà Mau.Ảnh: ĐẠI NGOAN.
Tài nguyên du lịch văn hoá được thể hiện qua cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Khách du lịch đến Cà Mau có thể tham gia hoạt động du lịch homestay để thấy được đời sống sinh hoạt văn hoá vật chất và tinh thần của cư dân tại các điểm đến. Họ có thể cùng với người dân vá lưới, kéo chài, câu mực, đục hàu, chụp đìa, tát mương, xổ vuông, gác kèo và ăn ong…, chế biến những món ăn mang hương vị của địa phương và ngủ lại qua đêm ở những căn nhà lá đơn sơ, dân dã.
Các làng nghề truyền thống như chiếu Tân Thành, tôm khô Rạch Gốc; hầm than đước ở huyện Ngọc Hiển; nghề làm mắm ba khía Rạch Gốc; nghề làm đũa đước ở Năm Căn; dưa bồn bồn ở Cái Nước… đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch của Cà Mau.
Ngoài ra, du khách còn có thể khám phá đời sống tâm linh của những con người Cà Mau thông qua những lễ hội đặc trưng như: Lễ hội Nghinh Ông (tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng 2 âm lịch để cầu cho sóng yên gió lặng, người dân ra khơi được “xuôi thuyền, mát mái”; Lễ hội Vía Bà Thiên Hậu ngày 23/3 âm lịch tại chùa Bà Thiên Hậu, Phường 2, TP Cà Mau, người dân tập hợp đông đúc để cầu bình an, làm ăn thuận lợi, trả lễ và rước lộc của bà về nhà; Lễ hội Chol Chnăm Thmây, Đolta, Okombok của người Khmer tại chùa Monivongsa và một số ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh… Hay các lễ hội đặc sắc của Phật giáo như: Vu lan, Phật đản, Nguyên tiêu,… tại chùa Phật Tổ, Phường 4, TP Cà Mau, một trong những ngôi chùa cổ được sắc phong từ thời vua Thiệu Trị. Các lễ hội đã thể hiện phần nào nét tín ngưỡng văn hoá cũng như sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc Kinh – Hoa – Khmer.
Ấn tượng thật sâu sắc khi đến với Cà Mau mà du khách khó có thể quên là thưởng thức món ăn được chế biến từ các loài thuỷ hải sản đặc trưng của xứ biển như: ốc len xào dừa, cá ngát nấu chua, mực chiên giòn, lẩu cá các loại, cua rang me, cá dứa kho tộ…, ăn một lần rồi nhớ mãi. Du khách cũng có thể mua về làm quà cho người thân những món đặc sản trứ danh của đất rừng Cà Mau như: Mật ong rừng U Minh Hạ, tôm khô, cá khô các loại, ba khía muối, dưa bồn bồn… đảm bảo chất lượng.
Vùng đất mặn mòi, con người bình dị, thân thương và mến khách đã kết hợp và hoà quyện tạo thành những sản phẩm du lịch văn hoá vô cùng đặc sắc, khiến khách du lịch khi đã đến với Cà Mau sẽ ấn tượng mãi về một miền quê làm say đắm lòng người./.
Dương Kim Chuyển