Khám phá văn hóa Tết cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á
Đông Nam Á được biết đến là một trong những khu vực có không gian văn hóa đa dạng, phong phú và mang đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, phong tục đón Tết cổ truyền là một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc nhất của cộng đồng dân tộc các quốc gia nơi đây.
Tết Nguyên đán tại Việt Nam
Trong văn hóa của người Việt, Tết cổ truyền còn được gọi là Tết Nguyên Đán, tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo Âm lịch. Tết Nguyên đán không chỉ là đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, mà còn là dịp để những người con xa quê hương trở về đoàn tụ trong không khí đầm ấm của gia đình, thắp nén hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên.
Tết Nguyên đán cũng chính là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học tập và làm việc mệt mỏi, là khi mọi người thong thả nhìn lại được mất, để cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Có thể kể đến những phong tục tập quán đón Tết Nguyên đán như tục cúng ông Công, ông Táo, đi thăm mộ tổ tiên, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, bày mâm ngũ quả, làm lễ cúng tổ tiên, Tất niên, đón Giao thừa, xông đất, xuất hành đầu năm, đi lễ đình chùa, chúc Tết họ hàng,…
Tết Nguyên đán còn được coi là dịp sinh nhật của tất cả mọi người, khi ai cũng thêm một tuổi. Vì thế câu nói khi gặp nhau vào ngày đầu xuân năm mới chính là chúc nhau thêm một tuổi mới. Người lớn sẽ mừng tuổi cho các cụ già để chúc các cụ sống lâu, mạnh khoẻ và lì xì cho trẻ con để chúng hay ăn chóng lớn.
Bánh chưng, bánh tét – những món bánh truyền thống thể hiện tầm quan trọng của cây lúa trong nền văn hoá lúa nước – là thứ không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Việt Nam.
Dù không còn gói bánh chưng, bánh tét với quy mô lớn như xưa, nhưng nhiều gia đình Việt vẫn duy trì truyền thống này để các thành viên, nhất là thế hệ trẻ hiểu được phong tục Tết truyền thống, hiểu được nét đẹp văn hóa ẩm thực ngày Tết.
Tết Nguyên đán chính thức kết thúc bằng lễ hóa vàng, còn gọi là lễ tiễn ông bà tổ tiên hay lễ tạ đầu năm mới.
Tết Nguyên đán của người Singapore
Tết Nguyên đán được coi là ngày lễ lớn nhất trong năm của quốc đảo Singapore. Tết Nguyên đán ban đầu chỉ tập trung tổ chức bởi dân tộc Hoa, tuy nhiên sau này đã trở thành ngày lễ chính trên toàn quốc.
Mặc dù diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, Tết Nguyên đán của người Singapore cũng có những phong tục truyền thống như lễ tiễn ông Táo chầu trời.
Trong lễ này, người Singapore sẽ làm cơm cúng và đốt hình nhân ông Táo. Điều đặc biệt là trước đó, họ sẽ thoa một chút đường, mật ong và rượu lên môi của hình nhân. Phong tục này có ý nghĩa rằng, ông Táo sẽ báo cáo những điều tốt đẹp nhất tới Ngọc Hoàng và gia chủ gặp nhiều may mắn suốt cả năm.
Người Singapore ưa chuộng quýt và dứa vào ngày Tết. Theo họ, quả quýt theo tiếng Quảng Đông có nghĩa là vàng, thể hiện sự sung túc. Trong khi đó, quả dứa – theo tiếng Phúc Kiến giống với từ “vượng lai”, nghĩa là phú quý tới.
Người Singapore còn tặng quýt cho người thân và bạn bè với ý nghĩa mang nhiều tài lộc, may mắn cho người nhận. Bên cạnh đó, họ còn có phong tục tặng đồ đôi hoặc số chẵn nhưng kiêng số 4 vì cho rằng đây là điều không may mắn. Nếu tặng quà lì xì cũng sẽ theo cặp và bỏ trong bao đỏ kèm theo socola.
Tết té nước của Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar
Không đón Tết Nguyên đán như Việt Nam và Singapore, Tết cổ truyền của Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar thường diễn ra vào khoảng tháng 4 Dương lịch theo lịch Phật giáo.
Điểm chung của phong tục đón Tết ở các quốc gia này đều có hoạt động té nước và bày tỏ lòng tôn kính đến Đức Phật, thần linh, người thân trong gia đình, bạn bè… để cầu mong một năm mới tốt lành.
Tết té nước mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc cho con người. Những ngày giáp tết thường là thời điểm cuối mùa khô nên rất nóng bức, té nước vào người sẽ làm cho cơ thể mát mẻ, tâm hồn sảng khoái, hân hoan.
Tuy nhiên, mỗi nước sẽ có các nét riêng trong cách đón tết.
Ở Thái Lan, Songkran là ngày Tết được người Thái chờ đợi nhất trong năm. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, lên chùa dự lễ tắm Phật, phóng sinh chim trời, chúc thọ cha mẹ, ông bà.
Trong lễ Songkran, người dân sẽ té nước lên nhau để gột rửa hết buồn phiền đón mừng năm mới. Những người càng được té nhiều nước thì càng nhận được nhiều may mắn.
Trong khi đó, Tết té nước của người Lào có tên là Bunpimay. Người Lào sẽ tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, tắm Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo, cầu mong sức khoẻ và hạnh phúc.
Đối với người Lào, truyền thống té nước vào nhau trong ngày này được thay cho những lời chúc tốt lành. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ sẽ té nước vào những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng.
Ở Campuchia, lễ Chol Chnam Thmay cũng diễn ra trong 3 ngày từ 13 – 15/4 Dương lịch hàng năm. Trong những ngày này, người dân Campuchia thực hiện những lễ nghi tín ngưỡng cầu may như: làm mâm cơm dâng cúng Phật và tổ chức lễ tắm tượng Phật; đắp những núi cát nhỏ trên sân chùa
Đối với Myanmar, Thingyan là tết mừng năm mới của người dân, được tổ chức phổ biến vào tháng 4 dương lịch, xuất phát từ một câu chuyện truyền thuyết liên quan đến các vị thần. Trong đó, lễ hội té nước được coi là hoạt động tín ngưỡng, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của người Myanmar.
Tết của các nước Brunei, Malaysia, Indonesia
Do có chung hệ ngôn ngữ Melayu và phần lớn người dân theo đạo Hồi giáo, ba quốc gia này đều đón lễ hội Hari Raya – thường tổ chức sau khi kết thúc tháng Ramadan.
Trong ngày này, các loại bánh ngon nhất sẽ được làm và bán ở các chợ đêm. Người dân sẽ ăn mặc đẹp đẽ, đến nhà thờ Hồi giáo để cầu nguyện sau đó đi chúc tết người thân và hàng xóm.
Tại Brunei, Hari Raya Aidilfitri là lễ hội lớn nhất trong năm, được ví như Tết Nguyên Đán của các quốc gia theo Âm lịch và thường được kéo dài trong thời gian 4 ngày, với các hoạt động cầu nguyện, thăm người thân,… Đặc biệt, đây là dịp duy nhất trong năm Hoàng cung mở cửa đón người dân và du khách đến thăm. Họ có thể diện kiến Vua, Hoàng hậu và các thành viên Hoàng gia.
Tại Malaysia, lễ Hari Raya thường bắt đầu bằng việc tất cả mọi người đi đến thánh đường cầu nguyện và xin tha thứ, sau đó là đi thăm người thân và bạn bè. Trong dịp đặc biệt này không thiếu các món ăn truyền thống đặc sắc như bò cay “Rendang”, cà ri rau quả “Sayur lodeh” và bánh gạo Mã Lai “Ketupat”.
Đối với Indonesia, lễ Hari Raya ở đây được gọi là Lebaran. Người dân sẽ bắt đầu bằng lễ cầu nguyện tại nhà thờ và sau đó là lễ Sungkem (cầu xin sự ban phước và tha thứ từ ông bà cha mẹ).
Trong lễ Lebaran, người Indonesia cũng có tục lì xì cho trẻ nhỏ trong gia đình, họ hàng và người quen. Người lớn thường chuẩn bị những tờ tiền mới trong những bao lì xì nhiều màu sắc như một lời chúc may mắn và tốt lành.
Tết nói riêng và lễ hội nói chung là một biểu hiện đặc sắc của văn hóa truyền thống của Đông Nam Á. Do các quan niệm về thời gian, tôn giáo, tiết trời…, việc đón năm mới của các quốc gia Đông Nam Á không giống nhau. Tuy nhiên, chính những điều khác biệt này đã góp phần tạo nên muôn sắc màu trong bức tranh văn hóa tổng thể của khu vực, phản ánh bản sắc văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước.