Khánh Hòa khai thác mối quan hệ cộng sinh giữa di sản văn hóa và du lịch
Khánh Hòa khai thác mối quan hệ cộng sinh giữa di sản văn hóa và du lịch
Khánh Hòa là một tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có đường bờ biển kéo dài 385km và khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ, là đầu mối giao thông thuận lợi về đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đặc biệt là đường biển, cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Khánh Hòa là vùng đất hội tụ, tiếp biến và phát triển các nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, người Việt và hơn 34 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong tiến trình lịch sử giữ nước và dựng nước, nhân dân nơi đây đã cùng với cả nước góp phần dựng xây nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Vùng đất này còn có nhiều di sản văn hóa biển, đảo, núi rừng có giá trị. Ngoài các di sản văn hóa vật thể, Khánh Hòa cũng có nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc sắc như: Lễ hội cầu ngư, Lễ bỏ mả của người Raglai ở Khánh Sơn, Lễ hội Tháp Bà Ponagar, các làn điệu dân ca, dân vũ, các câu hò, điệu lý, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian như tuồng, dân ca kịch bài chòi làm say đắm lòng người… Đặc biệt từ năm 2009, khi TP. Nha Trang trở thành đô thị loại I, Khánh Hòa là địa phương hội tụ các yếu tố cần và đủ của một trung tâm văn hóa du lịch có tầm vóc quốc gia và quốc tế. Các hoạt động văn hóa du lịch trên vùng đất này diễn ra rất phong phú và đa dạng, tạo dựng cho Nha Trang – Khánh Hòa trở thành một địa danh văn hóa du lịch có thương hiệu với nhiều sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, trải khắp từ đất liền đến biển đảo, thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế mỗi năm đến tham quan và nghỉ dưỡng, xứng đáng với vị thế là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, Khánh Hòa cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch theo hướng bền vững như: bảo tồn thiếu đồng bộ, nhất quán; chưa tái đầu tư tương xứng cả về trí lực và vật lực cho các di tích lịch sử văn hóa; sản phẩm du lịch văn hóa còn thiếu tính sáng tạo, đặc biệt là chưa đầu tư nghiên cứu các công trình khoa học có giá trị thực tiễn cao… Hiện tại, Khánh Hòa có 16 di tích cấp quốc gia và 117 di tích cấp tỉnh, trong đó có những di tích tiêu biểu như Thành cổ Diên Khánh, Văn miếu Diên Khánh, Am Chúa, lăng Bà Vú, quần thể di tích bác sĩ Yersin, địa điểm lưu niệm tàu C235… chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ cho du lịch theo hướng bền vững. Ví dụ điển hình là di tích khảo cổ Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh), là di tích khảo cổ có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa đã được phát hiện khai quật từ mấy chục năm trước, nhưng mãi cho đến nay cũng chỉ là một vùng đất trống, chưa được đầu tư xây dựng và khai thác thành công viên khảo cổ học để du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng…
Vậy, làm thế nào để khắc phục được tình trạng nêu trên, giúp cho các hoạt động văn hóa du lịch trên địa bàn Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa phát triển theo hướng bền vững, khai thác hợp lý và hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức và ý thức bảo tồn, giữ gìn các di sản văn hóa, tìm ra các giải pháp mang tính khả thi, trên cơ sở đó triển khai thực hiện nhằm phát huy những mặt tích cực về mối quan hệ cộng sinh giữa di sản văn hóa và du lịch. Mặt khác, các nhà quản lý, khoa học, văn hóa, lịch sử, du lịch cần nghiên cứu, tìm ra những luận cứ khoa học về mối quan hệ biện chứng, hữu cơ giữa di sản văn hóa và du lịch, phù hợp với quy luật vận động và phát triển, tương thích với môi trường xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở đó có thái độ ứng xử phù hợp đối với tiến trình quản lý, bảo tồn, tôn tạo và khai thác các di sản văn hóa phục vụ cho du lịch và ngược lại.
Hiện nay, cộng đồng địa phương chưa được hưởng lợi nhiều từ các hoạt động văn hóa du lịch, đa số tham gia làm du lịch một cách tự phát, ý thức bảo vệ di sản chưa cao. Về lâu dài, cộng đồng địa phương có thể đưa những sản phẩm do chính mình làm ra để phục vụ khách du lịch. Khi tính tự chủ tăng lên, chính người dân địa phương sẽ cảm nhận rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn sự toàn vẹn của di sản.
Đối với khách du lịch, cần quan tâm đến việc làm thế nào để họ hiểu và thấy được lợi ích của việc chung tay phát triển du lịch bền vững. Nhiều doanh nghiệp tại Nha Trang đã kêu gọi khách du lịch hành động có trách nhiệm, góp phần cùng cộng đồng địa phương giữ gìn điểm đến xanh – sạch – đẹp. Du khách nước ngoài có thể tham gia dạy tiếng Anh, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải… Những hoạt động này được nhiều du khách ủng hộ, cùng tham gia một cách thích thú.
Khi Du lịch được xác định trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước thì yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn giá trị di sản càng trở nên cấp thiết. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…”. Muốn thế, mối quan hệ cộng sinh giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản phải được xử lý hài hòa, hợp lý trên cơ sở ứng xử có trách nhiệm của các bên liên quan, đi đầu là những cơ quan quản lý du lịch và di sản. Chỉ có như vậy mới có thể giúp cho Nha Trang – Khánh Hòa vươn mình đi lên, xứng đáng với danh hiệu “Thiên đường của miền nhiệt đới” mà du khách bốn phương phong tặng.
TS. NSƯT. Nguyễn Văn Khánh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 10/2021)