Khanhhoathuynga’s collection Blog – An Asian art info blog

Qua quá trình hình thành và phát triển của mình, đã có nhiều nền văn hóa xưa kia của các dân tộc để lại dấu vết trên đất Việt Nam ngày nay.

Văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn (4.000 – 2.000 năm cách ngày nay) là văn hóa thời kim khí của người Việt phát triển ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ VN hiện nay. Tuy nhiên sự phân bố văn hóa này có thể bao trùm cả vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Đây là nền văn hóa cùng thời nhưng khác biệt với văn hóa Thương Chu ở Trung Quốc cũng như văn hóa Vêđa ở Ấn Độ. Cổ vật văn hóa Đông Sơn thường được biết đến là đồ đồng và đồ gốm, trong đó nổi tiếng là những chiếc trống đồng loại I và các loại dao găm đồng.

Tiếp nối văn hóa Đông Sơn, cư dân Việt trong quá trình ngàn năm đấu tranh giành độc lập ở châu thổ Bắc bộ (179 TCN – 938 SCN) đã tiếp nhận những nét tích cực của văn hóa Hán để sáng tạo ra yếu tố văn hóa mới làm cơ sở cho văn hóa Đại Việt sau này. Tiêu biểu như chậu trống, bát đồng; âu, chum, chõ bằng gốm…

Văn hóa Sa Huỳnh

Phát triển sau Văn hóa Đông Sơn ở khu vực miền Trung VN hiện nay, Văn hóa Sa Huỳnh (2.500 – 2.000 năm cách ngày nay) được coi là tiền thân của văn hóa Champa. Văn hóa Sa Huỳnh được khắc họa bằng các loại đồ sắt, đồ đá quý và đồ gốm, đặc biệt là chum gốm thường được dùng làm quan tài tống táng.

Văn hóa Đồng Nai

Văn hóa Đồng Nai là nền văn hóa thời kim khí phát triển ở khu vực Đông Nam bộ VN hiện nay. Văn hóa Đồng Nai nổi tiếng với các loại công cụ đồ đá, vũ khí bằng đồng. Những cổ vật đá khai quật được cũng như tìm thấy dưới lòng sông Đồng Nai như rìu, cuốc, mai, dao…có dạng hình khá đặc biệt so với cổ vật cùng thời ở phía Bắc.

Văn hóa Óc Eo – Hậu Óc Eo

Văn hóa Óc Eo – Hậu Óc Eo (TK1 – TK13) chủ yếu phát triển ở các tỉnhTây Nam bộ và Đông Nam bộ VN ngày nay. Đây là sự kết hợp ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ với các yếu tố nội sinh và có sự giao lưu văn hóa, kinh tế với các trung tâm văn hóa lớn đầu Công nguyên như Ấn Độ, Trung Quốc, La Mã. Văn hóa Óc Eo nổi tiếng với các cổ vật vàng, gỗ, đồng, đá…Trên các cổ vật, ngoài các hoa văn kiểu dáng đặc trưng thường thể hiện các đề tài Bà la môn giáo, Phật giáo…

Văn hóa Champa

Nền văn hóa Champa (TK2 – TK17) phát triển chủ yếu ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay. Văn hóa Champa hình thành trên cơ sở phối hợp các yếu tố nội sinh với các ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ. Văn hóa Champa nổi tiếng với các cổ vật điêu khắc bằng đá, đồ kim loại và đồ gốm.

Cổ vật Việt Nam

Thời đại Quân chủ Phong kiến độc lập được mở đầu với triều đại Ngô và chấm dứt với triều đại Nguyễn. Dưới các triều đại này, Văn hóa Việt tùy theo từng triều đại, có khi phát triển tột bực như thời Lý Trần, thời Lê sơ với những cổ vật như đồ đất nung, đồ gốm men ngọc, đồ đồng, đồ sắt… Ngay cả thời Tây Sơn tuy ngắn ngủi nhưng cũng để lại nhiều cổ vật quý như chiếc thăng đong thóc, dụng cụ đo lường lúa gạo đầu tiên của VN. Thời Nguyễn để lại các cổ vật liên quan đến hoàng tộc và triều đình như chiếc hoàng bào cuối TK 19 tương truyền của vua Đồng Khánh, chiếc ấn ngà ”Hoàng đế tôn thân chi bảo” chuyên đóng trên các văn kiện tôn vinh hoàng tộc. Đây là chiếc ấn được vua Đồng Khánh cho chế tạo lại để thay thế chiếc ấn cũ bằng vàng sản xuất thời Minh Mạng nhưng đã bị thất lạc sau cuộc biến loạn năm 1885 tại kinh thành Huế…

Bất chấp sự đào thải khắc nghiệt của thời gian, bất chấp sự tàn khốc của những cuộc chiến tranh giữ nước và cứu nước; các nền văn hóa VN vẫn được lưu giữ lại qua kho tàng cổ vật được bảo lưu, gìn giữ như những chứng tích của quá khứ hào hùng nhưng cũng đầy nét thẩm mỹ đặc thù của các dân tộc Việt Nam.

Cuộc hội tụ của các nền văn hóa Việt Nam

Trong những ngày này, từ tháng 04 đến tháng 9-2005, ngành khảo cổ học và bảo tàng TP HCM đã tổ chức một cuộc trưng bày những “cổ vật tiêu biểu tại TP HCM”. Đến đây, chúng ta mới cảm nhận thật rõ ràng về niềm tự hào, tự tôn dân tộc qua từng hơi thở của thời gian được khắc lên trên từng tượng người, từng chiếc rìu, chuông đồng, tiền cổ, văn bản xưa…

Có thể xem đây là cuộc hội tụ những chứng tích quá khứ trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc với hơn 400 cổ vật Việt Nam từ thời Nguyên thủy đến thời Nguyễn. Tiến sĩ khảo cổ học Phạm Hữu Công, Trưởng phòng Trưng bày và Tuyên truyền của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP HCM, cho biết: ”Tại TP HCM, các bảo tàng và các nhà sưu tập tư nhân hiện lưu giữ nhiều nhất là những chiếc trống đồng loại I tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam, dao găm đồng có chuôi hình phụ nữ, môi đồng…Đồ gốm là những đồ đựng đất nung mang dạng hình chiếc bình miệng loe…Những hiện vật của thành phố từ cuối thế kỷ 18, giữa thế kỷ 10 nổi bật được trưng bày trong giai đoạn này. Nổi bật nhất là con dấu của Tả quân Lê Văn Duyệt, từng là Tổng trấn của Thành Gia Định, tức là Sài Gòn – TP HCM hiện nay. Hiện vật nổi bật thứ nhì là Tượng Phật chùa Hải Tường là chùa do người dân Nam bộ lập nên. Trong quá trình chạy loạn Tây Sơn, vua Minh Mạng đã được sinh ở đây. Sau khi làm vua, ông đã cho làm một tượng Phật cúng ở chùa. Nhưng tiếc thay đến nay chùa đã bị phá hủy rồi.

Đó còn là hai hiện vật nổi tiếng thuộc về vua và người đứng đầu của thành phố thời kỳ bấy giờ. Còn những hiện vật khác là những hiện vật gốm của Gia Định xưa, Sài Gòn xưa, chẳng hạn như chiếc lư nhang bằng gốm nhưng trên đó thể hiện đề tài trúc. Toàn bộ lư nhang ta sẽ thấy từ chiếc nắp lư cho đến con lân là những cành trúc. Đây là một hiện vật có ý nghĩa rất lớn để trên bàn thờ. Cạnh đó chúng ta sẽ thấy một số hiện vật của gốm cây mai, trong đó có hiện vật Kim Cô, hiện vật ông Nhật bà Nguyệt. Những hiện vật này có lẽ ảnh hưởng của người Hoa hơi nhiều.

Một trong những hiện vật đáng chú ý nữa là những giấy tờ của Sài Gòn xưa, những công văn, những chiếu chỉ của vua đã phong cho các quan lại ở đây, trong đó có ông Thành Đức hầu – Trần Văn Thành, ông làm ở một cơ quan giống như mật vụ ngày xưa. Đặc biệt ở đây còn có một tờ giấy buôn bán đất của Sài Gòn xưa, trên đó có ký năm Thái Đức thứ 9, tức niên hiệu của vua Nguyễn Nhạc của triều Tây Sơn, khoảng năm 1896. Đặc biệt là có các cuốn sách của Chợ Lớn in tại đây. Còn có một tờ giấy đăng ký kết hôn của 11 người vào năm 1885. Đó là những hiện vật của Sài Gòn xưa mà nhân dân TP HCM đã thu góp lại trong mấy chục năm qua. Riêng tượng Phật chùa Hải Tường là được đem về trước năm 75, còn những hiện vật khác là được đem về sau năm 75”.

Nếu phân loại theo chất liệu thì có thể thấy rằng cổ vật được lưu giữ ở TP HCM rất phong phú. Ở chất liệu đá đáng chú ý là những tượng Bàlamôn giáo của văn hóa Champa, văn hóa Óc Eo. Các cổ vật đất nung là những vật liệu xây dựng kiến trúc Hoàng thành Thăng Long còn ghi rõ những dòng chữ Hán chân phương. Những chất liệu gốm là đồ đựng của văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Óc Eo và của thời quân chủ phong kiến độc lập. Trong đó nổi bật là đồ gốm hoa nâu thời Trần, đồ gốm Chu Đậu thế kỷ 15 dùng trong cung đình và xuất khẩu đi các nước.

Đồ đồng có các loại tượng đồng Phật giáo, Bàlamôn giáo nổi tiếng của Champa, những loại đồ dùng ngự chế của triều đại Nguyễn, trong đó có đồ đồng tráng men (Pháp lam) và đồ đồng phỏng thời Thương, Chu do Minh Mạng trực tiếp ra lệnh thực hiện và khắc trên đó những bài văn do ông sáng tác. Đặc biệt là những ấn triện của thời Lê, thời Tây Sơn, thời Nguyễn; trong đó có 5 chiếc ấn thời Tây Sơn mới được công bố.

Cổ vật chất liệu gỗ thì có loại tượng thờ Phật giáo và tượng thờ dân gian mang đậm dáng vẻ VN, đồng thời cũng thể hiện các phong cách địa phương Bắc bộ, Nam bộ. Những đồ thờ cẩn chìm, cẩn nổi tinh tế mà nổi bật là 2 cây thước bằng gỗ cẩn ốc do triều đình ban xuống sử dụng ở các địa phương.

Chất liệu giấy cũng là một điểm nhấn quan trọng trong bộ sưu tập cổ vật tiêu biểu ở TP HCM như các loại sắc chỉ, công văn, giấy tờ, hộ tịch hành chánh của Sài Gòn xưa từ cuối thế kỷ 18, trong đó có các cuốn sách chữ Hán, chữ Nôm.

Bên cạnh đó là các cổ vật có kích thước lớn như trống đồng Đông Sơn, chuông đồng chùa Viên Giác, các đồ đựng của thời Trần, đồ thờ cúng thời Lê – Mạc, áo vua thêu Cửu Long thời Đồng Khánh…

Có thể thấy rằng, các thế hệ VN qua nhiều thời kỳ đã dày công tạo dựng, sáng tạo để VN có một nền văn hóa đa dạng và phong phú không thua bất cứ một nền văn hóa của dân tộc nào khác trên thế giới.

Cổ vật – niềm tự hào của nền văn hóa dân tộc

Tại cuộc trưng bày cổ vật tiêu biểu tại TP HCM lần đầu tiên do Bảo tàng Lịch sử VN TP HCM phối hợp với Bảo tàng TP HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cùng 14 nhà sưu tập tư nhân cùng tổ chức, hơn 400 cổ vật được trưng bày tại đây là sự thu góp của nhân dân TP HCM trong mấy chục năm qua.

Đã có nhiều nhà khoa học nhận xét rằng: Cổ vật của TP HCM có tiềm năng to lớn không thua gì một số địa phương có truyền thống sưu tầm, lưu giữ cổ vật của VN. Thế nhưng, tại cuộc trưng bày này, còn có rất nhiều cổ vật chưa được đem ra giới thiệu với công chúng. Hiện nay, theo một số nhà chuyên môn, nhiều hiện vật quý hiếm còn đang được lưu giữ tại các sưu tập tư nhân. Làm thế nào để các nhà sưu tập tư nhân có điều kiện giới thiệu với các nhà khoa học và công chúng những bộ sưu tập của mình? Họ mong muốn điều gì? Đây còn là một vấn đề khá trăn trở đối với những người trong ngành khảo cổ và với các nhà sưu tập tư nhân.

Chị Nguyễn Thị Tú Anh, một trong gần 60 nhà sưu tập tư nhân tại TP HCM, trăn trở: “Ở TP HCM có những nhà sưu tập tư nhân đã “chơi” cổ vật được 5 – 7 năm, có người cũng đã sưu tập được khoảng 40 – 50 năm nay rồi. Nói chung, lượng đồ sưu tập trong các nhà sưu tập tư nhân rất là nhiều. Bản thân tôi cũng đang rất muốn thành lập Hội sưu tập tư nhân. Với sự giúp đỡ của Sở và của Ủy ban nhân dân thì chắc rằng thời gian rất gần tới đây Hội sẽ ra đời. Mục đích của chúng tôi là để mỗi nhà sưu tập tư nhân có thể giới thiệu những đồ sưu tập của mình để công chúng biết; đồng thời cũng mong muốn sau này sẽ cùng trưng bày với nhau. Mỗi nhà sưu tập có một cách chơi riêng. Có người thì gốm ta, có người thì gốm tàu; có người thì về ấn triện, có người về tiền, có người về giấy…Mong ước của chúng tôi là càng ngày càng có nhiều người chơi cổ vật để giữ gìn cổ vật cho nước nhà”.

Chỉ là một số rất nhỏ trong khối lượng to lớn của kho tàng di sản văn hóa VN đang được trưng bày ở TP HCM trong những ngày tháng 04 – 09.2005 này; nhưng các cổ vật cũng đã cho thấy những nét đặc thù của các nền văn hóa cổ ở VN, đặc biệt có một số cổ vật khi được phát hiện đã bổ chính nhiều điều trong nghiên cứu lịch sử. Đây có thể gọi là một cuộc hội tụ lớn đầu tiên của các nền văn hóa VN mà đại biểu là các cổ vật lịch sử, văn hóa, kinh tế đã từ lâu âm thầm tập kết tại các bảo tàng và sưu tập tư nhân của thành phố.

Đăng lại từ nguồn: Dongtac.net

MỤC LỤC – HỘI HỌA & ĐIÊU KHẮC