Khát khao quảng bá văn hóa dân tộc Tày

Biên phòng – Yêu thơ từ nhỏ nhưng nhà thơ Phạm Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, Tổng Biên tập Tạp chí Non nước Cao Bằng đã trải qua quá trình làm báo khá dài trước đi vào con đường “sáng tác chuyên nghiệp”. Với anh, làm thơ cũng là cách để giữ gìn và quảng bá văn hóa dân tộc Tày của mình đến với các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.


Nhà thơ Phạm Thanh Thắng (ngoài cùng bên trái) trò chuyện với cựu chiến binh từng làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Lào trong chương trình tọa đàm “Ký ức người lính” năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà thơ Phạm Thanh Thắng (sinh năm 1985) rất mê đọc sách, đó chính là ngọn nguồn đưa anh đến với văn chương. Những năm 90 của thế kỷ trước, anh đã viết những mẩu chuyện nhỏ, thơ và vè trên các báo Nhi Đồng, Hoa Học Trò, Mực Tím. Anh viết như một thú vui trong suốt lứa tuổi học trò và cho đến Hè năm lớp 8 được nhà thơ Y Phương, khi đó là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng động viên với mảng thơ, chỉ cho anh biết thế nào là “cái tôi”, là “thơ” theo đúng nghĩa.

Vì thế mà đến năm 14 tuổi, anh được đăng bài thơ (theo đúng nghĩa là của anh, không học hỏi từ tứ thơ khác hoặc chế vè từ tác phẩm khác) đầu tiên trên Tạp chí Văn nghệ Phja Bjoóc (Cao Bằng). Bài thơ có tên là “Trăng say” lấy cảm hứng từ những đêm đi học thêm về muộn, xe đạp không đèn, dường như có duy nhất một người bạn soi đường cho anh, đó là ánh trăng.

Anh từng tốt nghiệp chuyên ngành truyền hình và có thời gian dài công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam rồi Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Cao Bằng, trước khi sang làm Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, Tổng Biên tập Tạp chí Non nước Cao Bằng từ đầu năm 2020. Với văn chương, anh viết rất kiệm, chủ yếu là để giải tỏa những khi “sặc bút”, cách viết thông thường không thể lột tả hết cảm xúc. Anh không đầu tư sâu vào xuất bản dù sáng tác khá đều tay. Cuốn sách đầu tiên xuất bản là “Trăng trong phố” (năm 2011) là lời chào sân trong lĩnh vực sáng tác văn chương chuyên nghiệp, như tựa đề cuốn sách, hình ảnh “trăng trong phố” chính là tư duy, quan điểm của anh về tâm hồn và cuộc sống. Không hiểu sao, trong tận đáy lòng, anh khao khát sự “bình yên” đến tận cùng. Chính vì vậy “trăng trong phố” là tiếng lòng thể hiện sự khát khao đó.

Tập sách thứ 2 của anh có tên “Valse không mùa”. Đây là tập thơ tình đúng nghĩa, đẹp hay không thì để bạn đọc đánh giá, nhưng với anh thì khá ưng ý bởi tất cả tác phẩm mà anh viết khi đã đủ trưởng thành, tạm đủ ngôn từ để luận giải những cảm xúc bằng thơ. Cuốn sách phần lớn là những câu chuyện buồn man mác, mang phong vị của mùa Thu. Nhẹ nhàng như một điệu valse, điệu valse đó kéo dài mãi, chạy đến ngày cuối cùng của 365 ngày trong năm. Một điệu nhảy xóa đi mọi khoảng cách, không còn 4 mùa trong năm, chỉ còn một mùa duy nhất, đó là mùa của tình yêu. Cuốn sách đã đoạt giải C – Giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam, năm 2020.

Hiện nay, trên cương vị mới, anh thấy mình cũng chai sạn đi nhiều. Nghề biên tập là nghề “soi chữ”, đầu óc mấy khi được thảnh thơi. So với công việc trước đây, anh dư giả về thời gian nhưng “nghèo” đi về sự trải nghiệm. Làm phóng viên, anh được trải nghiệm thông qua những chuyến đi, khám phá đủ mọi miền. Giờ thế giới của anh đôi khi khép kín trong căn phòng. Tuy không có nhiều chuyến đi nhưng anh được tận hưởng niềm yêu thích được nuôi dưỡng từ thơ bé đó là đọc sách, tiếp cận được nhiều kiến thức mới từ các tác phẩm trong, ngoài nước.

Nhưng anh cũng tâm sự, là người quản lý văn học nghệ thuật khá trẻ trong các hội văn học nghệ thuật cả nước, nếu trên cương vị Tổng Biên tập thì trẻ nhất. Điều đó rất áp lực với anh vì hội viên đều là những cây đa, cây đề, là tác giả thành danh. Áp lực rất lớn, nhưng nhờ sự tin tưởng của hội viên, dám giao trọng trách cho người trẻ khiến những người như anh có cơ hội tận hiến, mạnh dạn đóng góp sức mình.

Nhà thơ Phạm Thanh Thắng chia sẻ, Cao Bằng là miền non nước hữu tình, là cái nôi cách mạng. Sự pha trộn giữa cả lịch sử hào hùng và thiên nhiên hùng vĩ chính là mạch nguồn, gây cảm hứng cho sáng tác không chỉ riêng anh. Cao Bằng có nhà thơ Y Phương (Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật), nhà văn Cao Duy Sơn (Giải thưởng Văn học ASEAN)… và một số tác giả đã khẳng định được tên tuổi trên văn đàn văn học Việt Nam. Tất cả đều có thành tựu khi thể hiện hồn quê hương, góc nhìn của người miền núi… Các tác giả miền núi tự hào khi có được giọng điệu văn, thơ khá riêng. Đó chính là lợi thế khi sống ở miền núi.

Tuy nhiên, với anh thì không tồn tại quan niệm lợi thế trong văn chương. Bởi thế giới trong sách rất đa dạng, lợi thế ở điều này thì cũng có thể là bất lợi ở điều khác. Ví như tác giả quen viết về đề tài miền núi thì khi thử sức tại mảng đề tài thành thị lại rất khiên cưỡng và ngược lại cũng vậy. Anh chỉ cảm thấy mình có lợi thế khi sống ở miền núi và anh tin không ai hiểu rõ quê mình bằng chính trải nghiệm của bản thân với quê hương xứ sở.

Anh không nghĩ người Tày, người Nùng cần kỳ vọng nữa mà cần cố gắng thực hiện việc mang nghệ thuật, báo chí để giới thiệu, quảng bá nét văn hóa của dân tộc mình mạnh mẽ hơn bởi trước anh, nhiều nhà văn, nhà thơ đã làm rất thành công. Nhà thơ Y Phương đã thành công chinh phục độc giả bằng tài năng, tác phẩm “Nói với con” của ông được in trong sách giáo khoa, phổ biến văn hóa dân tộc mình đến toàn giới trẻ. Nhà văn Cao Duy Sơn (Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Các dân tộc) cũng thành công quảng bá tác phẩm của mình với Giải thưởng ASEAN, đưa tác phẩm, góc nhìn của người Cao Bằng vượt qua biên giới quốc gia. Họa sĩ Hoàng A Sáng với nét đẹp “Sen thiền” đã mang góc nhìn của người Tày chinh phục công chúng… và nhiều tên tuổi khác nữa.

Là thế hệ nối tiếp, nhà thơ Phạm Thanh Thắng nghĩ mình phải có nhiệm vụ duy trì và làm tốt việc giới thiệu nét văn hóa của dân tộc mình đến với đông đảo bạn đọc gần xa.

Ngô Khiêm