Khoa Du lịch – Đại học Huế tuyển sinh năm 2020 – Trường Du lịch – Đại học Huế
Giới thiệu chung
Khoa Du lịch – Đại học Huế (Mã trường: DHD) được ghi nhận là một trong những đơn vị đào tạo bậc đại học và sau đại học về du lịch lớn nhất ở khu vực miền Trung – Tây nguyên và cả nước. Với sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của khu vực miền Trung – Tây nguyên và cả nước, Khoa Du lịch – Đại học Huế đã và đang tạo ra cơ hội cho hàng ngàn sinh viên năng động, sáng tạo, yêu thích các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Chỉ tiêu tuyển sinh
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa Du lịch năm 2020 là 1.410 chỉ tiêu. Trong đó có 690 chỉ tiêu đào tạo theo cơ chế đặc thù của Bộ Giáo dục và Đào tạo của 04 ngành gồm: Du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; và 50 chỉ tiêu tuyển sinh ngành đào tạo mới Quản trị du lịch và khách sạn.
Phương thức tuyển sinh: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.
Hoạt động đào tạo: Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực ngày càng tăng cao của ngành du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, Khoa Du lịch đã tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chuyên ngành đào tạo mở ra cơ hội lựa chọn tốt nhất cho người học để đáp ứng nhu cầu của xã hội, gồm:
-
07 ngành với 12 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học về du lịchbao gồm: Du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản lý lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Quản trị kinh doanh du lịch, Tổ chức và quản lý sự kiện, Truyền thông và Marketing du lịch dịch vụ, Quản trị quan hệ công chúng, Thương mại điện tử du lịch và dịch vụ, Quản trị du lịch và khách sạn, và Du lịch điện tử.
-
Năm 2020 Khoa Du lịch tuyển sinh 04 chương trình đào tạo Đại học theo Cơ chế đặc thù của Bộ GD&ĐT là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, và Du lịch. Điểm khác biệt nổi bật của các chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù là việc tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và các chuyên gia trong quá trình đào tạo nhằm tăng cường năng lực thực tiễn và khả năng thích ứng nhanh với nhu cầu công việc ngay sau khi sinh viên tốt nghiệp bằng việc gia tăng thời gian thực hành, thực tập tối thiểu là 50% tổng thời lượng chương trình đào tạo.
CHỈ TIÊU TUYỂN SINH KHOA DU LỊCH – ĐẠI HỌC HUẾ NĂM 2020
MÃ TRƯỜNG: DHD
Hoạt động liên kết doanh nghiệp (DN)
Đến nay, Khoa Du lịch đã có hơn 30 DN đối tác. Có thể kể đến các DN lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Saigon Morin, Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô, Công ty Cổ phần Alba Thanh Tân Huế, Công ty Du lịch Viettravel… các tập đoàn và DN ngoại tỉnh như Sun Group (Đã Nẵng), Vingroup (Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng), Công ty cổ phần Du lịch Dragon Sea (Thanh Hóa), Công ty CP Flamingo group (Cát Bà – Hải Phòng, Đại Lãi – Vĩnh Phúc)… Mỗi năm, Khoa đưa hơn 1.000 lượt sinh viên tham gia thực tập, thực tế tại các DN. Ngoài ra, Khoa còn liên kết được với một số doanh nghiệp ở nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản để gửi sinh viên đủ điều kiện đi thực tập (internship) ở các nước này.
Thành tựu nổi bật của liên kết doanh nghiệp là (1) sự phối hợp trong xây dựng chương trình đào tạo; (2) hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong du lịch; (3) phối hợp tổ chức một cách hiệu quả hoạt động thực tập, thực tế cho sinh viên, qua đó sinh viên được củng cố các kiến thức lý thuyết, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và khả năng thích ứng văn hóa doanh nghiệp, cũng như tham gia các hoạt động khác của doanh nghiệp; và (4) đặc biệt là gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên Khoa Du lịch – Đại học Huế ra trường tìm được việc làm trên 90% bởi chất lượng đào tạo đã đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động du lịch hiện nay.
Cơ hội việc làm
-
Nhân viên, chuyên viên và quản lý ở các bộ phận như lễ tân, nhân sự, kinh doanh, marketing và chăm sóc khách hàng tại các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, casino, spa; quản trị – điều hành – thiết kế tour, hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế…
-
Nhân viên kinh doanh, điều hành và quản lý trong các lĩnh vực: truyền thông, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện – hội nghị, online marketing, thương mại điện tử trong du lịch dịch vụ…
-
Chuyên viên ở các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, văn hóa – thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông, trung tâm xúc tiến du lịch, dịch vụ hàng không, cơ quan thông tấn – báo chí, phát thanh, truyền hình…
-
Giảng viên, nghiên cứu viên trong các cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng, học viện…), các trung tâm nghiên cứu hoặc đơn vị tư vấn, hoạch định chính sách liên quan đến du lịch.
-
Cơ hội việc làm tại các nước ASEAN theo Thỏa thuận chuẩn nghề du lịch ASEAN (MRA – TP, 2016).
-
Cơ hội phát triển khả năng kinh doanh độc lập và khởi nghiệp, tạo việc làm cho chính mình và cho xã hội.