Khoa học – Lịch sử

BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HOÁ ĐÌNH THUẦN LƯƠNG CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN

Trước hết, xin được hân hạnh chúc mừng tất cả các quý vị trong dịp lễ trọng thể: Đình Thuần Lương – thôn Thuần Lương – xã Hùng Thắng (trước đây là Tổng Bằng Giã) – huyện Bình Giang  – tỉnh Hải Dương được chính thức công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hoá.

          Sau đây, xin được nói đôi lời về vấn đề quan trọng hàng đầu, là: Chủ đề tín ngưỡng ở di tích, ở kiến trúc tín ngưỡng cổ truyền này.

          Đã từ lâu, mọi người đều biết: Có một bậc tôn thần, được thờ kính ở Thăng Long – Hà Nội, với công đức và vị thế được các đời vinh phong, là: “Quốc đô định bang thành hoàng đại vương”, tức là vị thần bảo hộ của cả vùng kinh đô đất nước. Về đẳng cấp, thần là “đại vương” – hàm tước lớn lao cao quý nhất. Về duệ hiệu, thần có ba tên. Đầu tiên là: “Long Đỗ Thần Quân”, tức là: Vị thần đứng đầu các Thần ở đất Rốn Rồng (Long Đỗ). Danh hiệu này, có nguồn gốc từ hơn một nghìn năm trước, từ thời đại “Bắc thuộc và chống Bắc thuộc”. Sau đó là: “Quảng Lợi Đại Vương”, tức là “Vị đại vương đem lại lợi ích rộng lớn cho mọi người”. Danh hiệu này là do “Lý gia đệ nhị đế, Thái Tông” phong tặng, từ giữa thế kỷ XI. Cuối cùng, nhưng phổ biến nhất, là: “Bạch Mã Đại Vương”, tức là: Vị đại vương mang hình tượng Ngựa Trắng – biểu tượng của Mặt Trời. Danh hiệu này liên quan đến hoàng đế Lý Thái Tổ, ở buổi đầu định đô Thăng Long năm 1010 được thần hiện hình thành Ngựa Trắng giúp Nhà Vua xây dựng Kinh Thành.

          Tổ hợp duệ hiệu gồm ba danh hiệu oai linh như thế, vốn là dành cho một người họ Tô, tên Lịch, ở vào thời gian đầu Công nguyên, gần hai nghìn năm trước, là người đứng đầu ngôi làng – Hà Nội – gốc, dựng ở chỗ núi Long Đỗ (nay là Núi Nùng, ở chính tâm Thành cổ Hà Nội), có tên là “Hương Long Đỗ”. Đó là một vị già làng nhân đức, ăn ở hoà thuận, chẳng những giỏi giang việc đứng đầu làng, mà còn hết lòng cưu mang giúp đỡ cộng đồng của mình. Do đó, khi qua đời, được tôn là thần làng, mang tên của làng (là thần Long Đỗ), đồng thời, cho dòng sông chảy quanh làng mượn tên luôn (thành ra là: Sông Tô Lịch). Ngôi đền thờ thần, lúc đầu, ở ngay trên núi Long Đỗ (núi Nùng). Sau, vào và từ năm 866, dựng ở ngoài cửa Đông Thành Đại La, trên bờ dòng sông mang tên thần – chính là ngôi Đền hiện đang có tên là “Bạch Mã” – một danh hiệu của thần, và từ nhiều thế kỷ nay, làm chức năng hệ trọng, là ngôi “Đông trấn chính từ” của Kinh đô Thăng Long Thủ đô Hà Nội.

          Ngôi đình Thuần Lương của chúng ta có chủ đề tín ngưỡng, cũng chính là vị nhân thần Tô Lịch, được thờ ở nhiều nơi, trong đó, có đền Bạch Mã (hiện ở giữa phố Hàng Buồm, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Tp.Hà Nội).

          Ta biết chắc được điều này (trong khi vì nhiều lý do, ở đình và làng Thuần Lương, không còn giữ được một chứng từ, văn bản cổ nào) là nhờ mới đây, đã phát hiện được tại kho lưu trữ của Viện Thông tin Khoa học Xã hội, một tài liệu quan trọng, có từ gần trăm năm nay, mang mã số TT.TS-FQ4018/IX, 53. Đó là một văn bản viết tay, chữ quốc ngữ, gửi đi từ làng Thuần Lương, cho quan tri huyện Bình Giang vào tháng 3 năm 1938, để báo cáo Viễn Đông Bắc Cổ ở Hà Nội, của Lý trưởng Thuần Lương khi ấy, là Phạm Văn Chính.

          Phải mất nhiều công phu, và rất đáng trân trọng, những hậu duệ của dòng họ Phạm Thuần Lương, trong đó, có gia đình ông Phạm Văn Hiền và ông Phạm Văn Tuyến, văn bản này mới được đưa ra ánh sáng, để – như một tài liệu gốc, đáng tin cậy – báo cho mọi người biết về vị Thần thành Hoàng làng Thuần Lương (xin trích nguyên văn):

          “Hiệu ngài là Tô, thường gọi là đức Bạch Mã, huý ngài là Lịch”.

          Với chứng tích văn bản học này, ngôi đình Thuần Lương chẳng những đã rõ ràng chủ đề tín ngưỡng, mà còn rõ cả sự tốt đẹp, quí giá, của chủ đề tín ngưỡng, cũng như là sự thực hành tín ngưỡng ở Đình. Bởi vì, đây là tín ngưỡng một danh nhân lịch sử nước nhà, một nhân thần bảo hộ và bảo trợ cho cả toà và vùng kinh đô của quốc gia xưa. Thờ phụng “đức Bạch Mã họ Tô tên Lịch” – như lời người đại diện cho cả làng Thuần Lương là Phạm Văn Chính gần trăm năm trước đã trình bày với thiên hạ và lịch sử-làng và đình Thuần Lương cũng đồng thời xuất trình một căn cước vô giá, ấy là sự gắn bó về mặt tâm linh, cùng chung chủ đề tín ngưỡng với cả vùng kinh kỳ đế đô xưa, về vị “Quốc đô định bang thành hoàng đại vương Tô Lịch”.

          Văn bản lập vào tháng 3 năm 1938 của cụ Phạm Văn Chính, không chỉ làm sáng tỏ chủ đề tín ngưỡng của/ở đình Thuần Lương như thế, mà còn giúp nhiều vào việc làm căn cứ để được công nhận Di tích lịch sử – văn hoá, và rồi đây, sau khi đã được xếp hạng (công nhận) là Di tích lịch sử – văn hoá, thì sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của di tích đình Thuần Lương, sẽ được/và phải/tiến hành như thế nào?

          Cũng giống như sự thể: Đình (và làng) Thuần Lương không còn giữ được tài liệu văn bản cổ nào, chính ngôi đình này cũng đã bị phá huỷ hoàn toàn; nhưng nhờ có văn bản cụ Phạm Văn Chính lập tháng 3/1938, đã giúp dân làng Thuần lương  xây dựng lại Đình và năm 2008 đình Thuần Lương đã được xây dựng lại, hiện tồn, là do công sức và công đức của những người thuần tuý lương tri – “thuần lương” – đứng ra tự phát phục hồi trong bước đầu.

          Mặt khác, chính cụ Phạm Văn Chính lại đã cho biết: Chí ít là vào năm 1938, đình Thuần Lương vẫn còn có ba đạo sắc phong do các đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân triều Nguyễn (cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20) ban. Đặc biệt, về tính thiêng và ý thức của dân làng đối với địa điểm xây đình, thì đây là lời trong văn bản tháng 3 năm 1938: “Nơi ấy, cấm không ai được buộc trâu bò, và phóng uế”.

          Hiện thời, đình Thuần Lương đã có Tượng Thánh mới, theo ghi chép của cụ Phạm Văn Chính, gần trăm năm trước đã nói (viết) rõ: “Thờ ngài thì chúng tôi thờ bằng tượng gỗ sơn, có mũ áo, hia, kiếm, kim giản”.

          Cùng với những chỉ dẫn cẩn thận khác, như về các ngày tuần, ngày tiết, thể lệ cúng lễ, kể cả những chi tiết về đồ lễ, kiêng cữ, tục hèm… thì những thông tin như vừa kể làm ví dụ ở trên, hy vọng sẽ là những tài liệu bổ ích để mọi người ứng xử đối với Di tích lịch sử văn hoá vừa được chính thức xếp hạng (công nhận) này, theo những nguyên tắc mà Luật Di sản đã nêu” Bảo tồn tối đa nguyên trạng (gốc), “xử lý nhuần nhị mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển”… Tức thị: Sau những giờ phút hồ hởi tưng bừng đón nhận “Bằng di tích” này rồi, thì, bên cạnh và cùng với tâm huyết, thì đó, rất quan trọng, là trí tuệ, là sự hiểu biết, cả “thức thời” nữa, là những điều mà chúng tôi hy vọng là sẽ được quán triệt đúng đắn và sâu sắc ở đây, và của tất cả chúng ta.

GS Sử học Lê Văn Lan