Không chỉ cứ tổ chức liên miên các buổi hầu đồng là bảo vệ di sản
Đã hơn 6 năm từ khi Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO ghi di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam “Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” nhiều vấn đề được đặt ra tại Hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong bối cảnh hiện nay” do Viện văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với trường Đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức.
GS.TS. Nguyễn Chí Bền khẳng định, có lẽ không một di sản nào lại “chứa” trong mình nhiều điều đặc sắc như tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Điều đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu là đã tích hợp, kế thừa và chắt lọc những tinh túy của các di sản khác vào các thực hành nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn, được thể hiện rõ nhất ở yếu tố âm nhạc và trình diễn. Trong chầu văn phảng phất âm hưởng của dân ca Bắc Bộ, quan họ, ví giặm, chèo, hát xoan, xẩm, ca Huế… Tất cả đều được tích hợp thành một thứ âm nhạc đặc biệt. Âm nhạc ấy gắn kết với nghệ thuật trình diễn hầu đồng đã tạo nên sức hấp dẫn, thu hút nhiều người. Ai vào môi trường đó cũng thấy được thăng hoa và tìm thấy bản thể của mình. Đấy chính là sức sống của di sản.
NNƯT Trần Thị Huệ.
Thế nhưng, sau khi được UNESCO ghi danh, tại các phủ, đền, chùa, các buổi hầu đồng được tổ chức nhiều hơn. Một số tổ chức văn hóa đã tổ chức các cuộc liên hoan, trình diễn hầu đồng tại các di tích liên quan đến Mẫu, các ông hoàng, các quan, các cô… khiến trong xã hội có dư luận cho rằng di sản “Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là hầu đồng, chỉ thực hiện hầu đồng là bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này. Thậm chí, xu hướng thương mại hóa đã xuất hiện.
Ông cho rằng, bảo vệ di sản phi vật thể này không chỉ việc tổ chức liên miên, liên tục các buổi hầu đồng, không chỉ là xuất bản các văn bản theo kiểu sách giấy. Biết bao công việc đặt ra, nhất là khi Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt không còn là di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, mà là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, của các quốc gia thành viên của UNESCO.
GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng chia sẻ, hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, có một bộ phận không nhỏ các Thanh đồng đã có những hành động làm biến tướng gây nên tác hại nghiêm trọng, làm mất đi sự trang nghiêm tôn kính và vẻ đẹp vốn có của tín ngưỡng thờ Mẫu. Trước hết đó là sự méo mó trong các lễ vật tiến cúng. Theo nghi thức truyền thống, lễ vật rất đơn giản, chủ yếu chỉ là hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Nhưng trong những năm gần đây lễ vật rất rình rang tốn kém. Có những Thanh đồng còn yêu cầu sắm sanh đủ các loại vật dụng của cuộc sống hiện đại hôm nay, chẳng hạn như quạt điện, nồi cơm điện, phích nước, chăn nệm, điện thoại, xe hơi… Đây chính là biểu hiện sự xa rời tín ngưỡng thờ Mẫu.
Về trang phục hầu cũng bắt đầu xuất hiện những kiểu y phục, khăn áo rất kì quái, dị hợm. Có những thanh đồng sáng tác ra những kiểu áo không theo cốt cách xưa mà giống như áo lễ của các vị hành giả tu sĩ. Những dạng y phục chắp vá, lố lăng đang làm mất đi nét đẹp và sự tôn nghiêm vốn có của trang phục truyền thống. Các đạo cụ phục vụ thực hành nghi lễ cũng ngày càng bị lạm dụng tùy tiện. Nhiều thanh đồng khi hầu các giá còn đeo kính râm thời trang, vẽ lên mặt những hình kì quái khác lạ, đội trên đầu chiếc mũ không theo một quy cách nào. Hiện tượng ngày càng bị dư luận phê phán là lạm dụng vàng mã. Trong các giá lễ, vàng mã đốt quá nhiều. Có những thanh đồng yêu cầu tín chủ chi tới vài trăm triệu đồng cho đồ mã với những hình tướng mã kì quặc không có trong nghi lễ cổ truyền. “Rất có thể đây là các vị này muốn phô trương thanh thế, thể hiện sự vượt trội về đẳng cấp, sự giàu sang sẵn tiền bạc hoặc chỉ để khoa danh”, ông Giang nói.
Ông Giang cho biết thêm, việc làm tùy tiện phá vỡ giới luật còn thể hiện ở chỗ có những Thanh đồng tự bày ra hầu những giá hầu như Tôn Ngộ Không, Thánh Mẫu, Ngọc Hoàng, Chầu Quế, Chầu Quỳnh , hầu Đức Chúa công… Đó là chưa kể có những Thanh đồng không xuất phát từ những yêu cầu của văn hóa tâm linh mà vì mục đích ganh đua, phô trương, khoe tài, khoe khéo thành ra nặng về trưng diễn. Có những bản điện hầu Thánh mà đu dây từ trên trời xuống, rồi leo ngồi trên ban, với những xưng danh người này, người kia giáng về, thậm chí còn có những vị lôi kéo cả người dự hầu lên cùng nhảy múa, mở loa đài hết cỡ, cổ súy hò hét điên loạn như trên vũ trường. Khi hầu có thanh đồng tung tiền ném thẳng vào mặt các ngài trên công đồng…
“Những biểu hiện như vậy làm mất đi sự tôn nghiêm và nhất là làm sai lệch đi bản sắc vốn có của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ. Nghi lễ hầu đồng đang bị biến thành một nghề kiếm cơm, một phương thức làm giàu. Đã và đang xuất hiện tình trạng kinh doanh mặc cả, ngã giá các canh đàn khóa lễ cho các tín đồ, có những tín đồ phải đi vay nợ lãi, cầm cố nhà, bán nhà để làm lễ theo như lời cô cậu phán”, ông Giang khẳng định.
Trong rất nhiều giải pháp hạn chế tình trạng trên, ông Giang nêu quan điểm là cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoặc quy định trong văn bản luật về trách nhiệm quản lý đối với hoạt động thờ Mẫu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ trung ương tới cơ sở. Xây dựng quy chế hoạt động và chức năng, nhiệm vụ để phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa trong thờ Mẫu, nhằm đưa các hoạt động trong thờ Mẫu đi vào nề nếp theo đúng quy định pháp luật, hạn chế tình trạng thành lập cơ sở thờ Mẫu tràn lan và hoạt động tự phát như thời gian vừa qua.
NNƯT Trần Thị Huệ cho rằng, với di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, cá nhân và cộng đồng có vai trò vô cùng to lớn trong việc đóng góp gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Các thực hành trong tín ngưỡng còn phản ánh sự tích hợp nhiều loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc, dung hòa sắc thái văn hóa của đồng bào các dân tộc, tạo nên một bức tranh đa màu sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Chính vì thế, theo bà Huệ, phát huy vai trò của cá nhân, cộng đồng trong hoạt động gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ di sản là vô cùng quan trọng.