Không còn kiêng cữ, nông dân miền Tây ra đồng ngay những ngày Tết
–
Thứ ba, 24/01/2023 21:23 (GMT+7)
Sóc Trăng – Hiện tại, nhiều gia đình đang còn tiệc tùng ngày Tết, hoặc tổ chức đi tham quan du lịch trong dịp đầu năm. Tuy nhiên, nhiều nông dân ở miền Tây đã ra đồng để chăm sóc, bảo vệ các ruộng lúa của gia đình.
Ông Lê Hoài Trung bón lót dưỡng bông cho ruộng lúa vào chiều mùng 3 Tết. Ảnh: Văn Sỹ
Ông Lê Hoài Trung (ấp Mỹ Tây B, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) canh tác 2,5ha lúa đông xuân. Hiện tại, các ruộng lúa trong giai đoạn trổ bông. Chiều mùng 3 Tết, người nông dân này đã ra thăm đồng và sau đó về nhà vác phân ra đồng để bón lót dưỡng bông.
“Nói là ăn Tết chứ mấy ngày qua, tôi vẫn ra thăm đồng vào mỗi buổi chiều chứ không dám bỏ hẳn. Bởi, lúa đang trong giai đoạn trổ bông rất dễ bị dễ bị sâu bệnh tấn công, hoặc là nguy cơ xâm nhập mặn có thể gây hại.
Hơn nữa, vào những ngày giáp Tết, tôi định bón lót để ăn Tết cho trọn vẹn, tuy nhiên, thấy lúa đòng đòng còn non, chưa đúng kỳ để bón dưỡng bông nên đợi thêm và chiều mùng 3 là thích hợp nhất. Một năm có 2 vụ lúa mà vụ đông xuân là vụ lúa chính nên mình không thể lơ là, chủ quan được” – ông Trung chia sẻ.
Là một nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), lão nông Nguyễn Văn Lọc (73 tuổi) cho biết, cánh đồng lúa quê ông hiện trong giai đoạn làm đòng và trổ bông nên không riêng ông mà nhiều nông dân ở xóm cũng thường ra thăm đồng và chăm sóc lúa trong những ngày Tết này.
“So với khoảng 10 năm về trước, bà con nông dân ở đây đã có sự thay đổi trong tập quán ăn Tết. Theo đó, nhiều gia đình không còn dị đoan trong việc không ra đồng vào những ngày Tết. Nếu như xưa kia, nông dân tới mùng 4 mới ra đồng thì nay ngay cả mùng 1, mùng 2 cũng ra đồng bón phân, xịt thuốc cho lúa.
Ông Nguyễn Văn Lọc ra đồng nhổ bông cỏ vào chiều muộn mùng 3 Tết. Ảnh: Văn Sỹ
Tuy vẫn còn một số nông dân kiêng cữ, riêng gia đình tôi vẫn đi bình thường. Nhờ đó mà phát hiện ruộng bệnh cháy bìa lá và trổ bông cỏ để phun xịt thuốc trừ bệnh và nhổ bông cỏ kịp thời ” – lão nông này chia sẻ.
Hiện tại, các đồng lúa ở một số tỉnh như Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng… đang giai đoạn làm đòng, trổ bông hoặc có một số diện tích được gieo sạ sớm, lúa đang ngậm sữa. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định năng suất lúa vào thời điểm cuối vụ.
Hiện trong thời điểm nguy cơ xâm nhập mặn gây ảnh hưởng, thiệt hại nên bà con nông dân cảnh giác cao độ để bảo vệ ruộng lúa. Ảnh: Văn Sỹ
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh ở miền Tây, từ cuối tháng 12.2022 đến tháng 4.2023 là thời điểm có nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn ở nhiều khu vực.
Đối với ngành Nông nghiệp các địa phương cũng theo dõi và cập nhật thường xuyên tình hình để kịp thời thông báo cũng như vào cuộc để cùng bà con nông dân bảo vệ đồng lúa.
Riêng về phía nông dân, nhờ nắm bắt được tình hình, đồng thời do giá lúa trên thị trường đang rất cao nên bà con cũng có sự cảnh giác trong chăm sóc, bảo vệ ruộng lúa với hy vọng sẽ trúng mùa lúa đông xuân 2022 – 2023 này.